Trong lúc bão


Bão đã tới. Trước đó cửa sổ cửa cái đã được đóng chốt cài then cẩn thận. Trước đó nữa, lúc mới nghe tin bão sắp tới, ông chủ nhà đã bắc thang lên mái nhà kiểm tra lại mấy chỗ mà ông “nghi nghi”. Dặm vá chắc chắn rồi ông mới yên tâm bảo vợ là cứ yên tâm. Nhưng bão mạnh hơn dự báo.
Nhìn qua cửa kiếng tôi thấy cây cối vật vã, rồi một miếng lợp nhà bay vèo xuống bãi cỏ trước nhà. Tôi vội kêu: “Ông ơi, tróc nóc nhà rồi!” Ông chồng cũng hoảng hốt, đội nón mặc áo mưa mở cửa ra ngoài lượm miếng composite lên coi rồi vô nhà bảo: “Không phải của nóc nhà mình.” Tôi bảo phải hay không cũng đừng ra ngoài nữa, gió đang bẻ cành cây quăng lung tung, nguy hiểm lắm. Ông gọi điện thoại cho hàng xóm, bà hàng xóm bảo bà biết mái nhà bà đang thả từng miếng lợp bay theo gió nhưng “chịu thôi chứ biết sao?” Tôi đề nghị bà qua nhà tôi tá túc. Bà bảo để coi sao, bây giờ mới có mấy tấm lợp bay thì chưa sao.
Ngoài phố vắng hoe, lá cành rượt đuổi nhau rần rần giữa lòng đường, tiếng gió hú – đúng là phải dùng động từ hú – nghe ớn óc. Theo đài khí tượng thì gió giật cỡ 60 dặm, sức gió có thể làm ngã cây, đứt dây điện, vùng núi sẽ có nhiều tuyết rơi, vùng ven biển sẽ mưa cả ngày, những chỗ thấp dân được khuyên chuẩn bị di dời khi lũ lụt. Chỗ tôi ở may quá không nằm trong vùng trũng. Chỉ lo cúp điện thôi. Trong khi còn điện thì ông chủ nhà lo sạc đầy các thiết bị điện tử, như máy tính; lại kêu tôi cọ rữa bồn tắm cho láng coón  để trữ nước sạch phòng khi đất chuồi bể ống nước chẳng hạn. Sau cùng, ông bê củi bên hè vô chất sẵn bên lò sưởi, để có mà đốt nếu cúp điện hay tịt ống gas. Đang mùa đông.
Tôi nấu súp và nướng bánh mì, mùi thơm tỏa khắp gian bếp khiến ông bạn già cầm lòng không đặng, mới chịu thôi chuyện lăng xăng ngoài vườn mà ngồi xuống thưởng thức tài làm bếp của vợ. Ông thở dài bảo: “E là chỉ vài năm nữa  anh không còn kham nỗi những công việc này.” (Ý ổng kể công leo thang lên nóc nhà và ra vườn quơ củi) Tôi nói chừng nào tới đó hãy tính, bây giờ bánh mới ra lò nóng hổi, súp cũng đang bốc khói, hãy thưởng thức hương vị cuộc đời cái đã. Nói vậy chứ tôi cũng cảm động vì sự chu đáo của ổng và mừng rằng trong lúc mưa gió như vầy mà mình có nhà ở có cơm ăn.
Đang xì xụp húp canh thì nghe rắc rắc rồi rầm một cái. Thôi rồi, cây anh đào yêu quí của tôi! Cả hai ông bà già cùng bật dậy lật đật đi tới cửa sổ nhà bếp nhìn ra vườn. Không phải cây anh đào! Mặc dù cây già khú đế, một nửa thân đã bị bệnh, một số cành nhánh bị cưa cụt, nhưng phần còn lại vẫn ngoan cường, quơ quào trong không trung như đánh nhau với gió. Vừa mừng cho cây này thì phát hiện ra cây bạch quả  (ginko) bị gảy ngọn. Năm kỉa nó đã bị gảy ngọn một lần. Cây bèn mọc thành hai ngọn. Bây giờ gảy một lần nữa, chắc sang năm nó sẽ mọc thành ba ngọn. Nhớ có lần đi xem cây bạch quả một ngàn năm tuổi ở Hàn quốc, những tưởng sẽ thấy một thân cây vĩ đại vươn lên thật cao, nhưng hóa ra nó giống một lùm cây, cũng to cao nhưng nhìn kỹ thấy sứt sẹo tùm lum. Suy từ cách mọc của cây ở vườn mình thì hẳn là cây bạch quả ngàn năm tuổi ấy đã trải qua cả ngàn lần bị thương tích, gảy ngọn, lìa cành. Mà vẫn sống.


Gió càng lúc càng dữ nên ông già đành đứng bên cửa bếp mà thở dài rồi vô bàn làm việc mở sách nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Đài thời tiết đang đưa tin những cơn bão đang hoành hành ngang dọc nước Mỹ, làm gián đoạn đường xá, có khả năng khiến cho việc đi lại trong dịp lễ Giáng Sinh và vận chuyển quà cáp sẽ bị khó khăn chậm trễ. Điệu này chắc ông già sẽ thay đổi kế hoạch về quê ăn lễ. Noel năm nay chắc lại hai vợ chồng già lủi thủi đốt lò sưởi nướng con gà rồi thiu thiu ngủ bên cây thông mà dưới gốc có mỗi gói quà ông tặng bà và gói quà bà tặng ông. Ấy là nếu trận bão này không kéo theo trận đại hồng thủy kết thúc luôn thế giới này như thiên hạ đồn rùm.
Thực tình tôi không lo sợ gì cả khi ngủ dậy sáng nay nghe tin bão đang tới. Cơn bão này được coi là trung bình. Một mùa đông xứ này có chừng chục cơn tầm như vậy, có năm ít một chút, có năm nhiều một chút, có trận to hơn vầy, tuyết rơi trắng hết đất trời, cây cối gảy ngã khắp nơi. Cho tới giờ tình hình chung vẫn còn sáng sủa, tình hình cá nhân thì bụng đã no, nên con mắt tôi muốn díp lại. Định trùm chăn nghe nhạc dỗ giấc ngủ. Ông bạn già có nghiên cứu thấu đáo rồi qui trách nhiệm cho ai thì thời tiết cũng đã biến đổi rồi. Mà ngay trong cơn bão loại thường này, mình cũng đã kông thể làm gì khác hơn là chờ cho cơn bão qua và cầu nguyện cho chỗ nương náu của mình được an toàn.
Thế là kéo ghế bành tới gần lò sưởi, mở nhạc du dương, trùm chăn và nhắm mắt lại. Bỗng nhiên im phắc. Máy hát nín khe, tiếng ì ì của tủ lạnh cũng im bặt. Ông già kêu lên thảng thốt - điều xấu nhứt ổng lo lắng đã xảy ra: cúp điện. (Tôi sống bao nhiêu năm ở xứ sở điện đóm chập chờn bất cứ lúc nào nên hơi thản nhiên.) Ổng lụi hụi chất củi vào lò sưởi, bảo tôi mặc thêm áo, trùm thêm chăn, vì không biết tình hình còn xấu tới cỡ nào, chừng nào mới lại có điện, củi dự trữ chỉ đốt được vài ngày … (Đồ ăn cũng chỉ đủ cho chừng đó).  Tôi bèn tỉnh ngủ luôn.  Bắt đầu lo lo.
Nhà chỉ hai vợ chồng già, rủi mà …? Ông già nhướn mắt hỏi: Sao bảo là chuyện gì tới hãy tính, bây giờ sẵn chăn ấm nệm êm sao không  đánh một giấc cho sướng đời cái đã. Ừ, ông nói thiệt là phải. Tôi trùm mền kín mít, nhắm mắt lại, thiếu tiếng nhạc thì tôi lẩm nhẩm đọc thơ để tự ru mình. Trong lúc bão vẫn đùng đùng ngoài kia. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222