Ngôi nhà trong cỏ


 Ba mươi mấy năm trước tôi viết một cái truyện cho trẻ em có tựa là “Ngôi nhà trong cỏ”, đại khái là một con dế mới đến một cánh đồng, được dân cư quanh đó như cào cào cóc nhái giúp xây một ngôi nhà, đương nhiên nhà của dế nằm khuất trong đám cỏ xanh. Hồi đó tôi còn trẻ và ngôi nhà trong cỏ là một ý tưởng lãng mạn.
Hẳn là tôi chịu ảnh hưởng văn học cổ, với hình ảnh của một nghệ sĩ - ẩn sĩ sống trong túp “lều cỏ” giữa thiên nhiên phóng khoáng. Hồi đó tôi hiểu “cỏ”  là cỏ tranh mà tôi thấy người ta bó lại để lợp nhà ở vùng Trảng Bom, nơi tôi từng đi qua hồi năm một ngàn chín trăm bảy mươi mấy. Ở đó có một xóm người dân đi khẩn hoang sau chiến tranh. Họ dựng những ngôi nhà nhỏ tùm hum, vách đất mái tranh với những bộ phận chấp nối vốn là tàn dư của cuộc chiến. Một tấm kim loại rỉ sét còn lờ mờ mấy chữ “U.S. Army” được dùng như cánh cửa, cái nón cối được dùng làm xô múc nước, cái vỏ thùng đựng đạn thuộc loại vật quí dùng để cất giữ giấy tờ, dây kẽm gai quây làm chuồng gà, đồng thời cho dây mướp leo. Trong bối cảnh đó, những mái nhà cỏ đã định nghĩa cho tôi  khái niệm thanh bình.



Tôi có đọc rằng ở một số nơi người đông đất chật như Trung quốc, người ta cất nhà trong lòng đất, để dành mặt đất trồng trọt. Tôi có hỏi cha tôi, ông dứt khoát bác bỏ: Chỉ có người chết mới ở trong lòng đất, nhà âm trong lòng đất là nấm mồ. Định kiến này phổ biến hầu như khắp thế giới. Người ta sống TRÊN mặt đất, càng văn minh càng vươn lên cao trong không trung. Như những tòa nhà chọc trời là niềm tự hào của những thành phố lớn. Trên đầu người ta, nếu có thể lựa chọn, thì là trời xanh mây trắng, hoặc trăng sao và vầng thái dương. Thần tiên đều ở trên cao, ma quỉ mới ở dưới lòng đất. Thậm chí khi thân xác ta đến lúc phải vùi trong lòng đất, ta vẫn cố tin là linh hồn mình đang bay lên trời.
 Một số người còn giữ những kiêng kỵ trên nóc nhà. Không kể những vật có tính chất tôn giáo hay dị đoan như miếng vải đỏ, cái gương bát quái, tượng hay vật biểu tượng, niềm tin chung là không để cái gì “đè” trên nóc nhà (trên đầu mình) kẻo người trong nhà không ngóc đầu lên được. Tôi nghĩ điều này có giá trị thực tế: Ở vùng nước phèn hay nhiễm mặn  chẳng hạn, mái nhà là cái hứng nước mưa để trữ trong lu xài qua mùa khô, nên phải giữ mái nhà sạch sẽ không cỏ rác. Cho dù không hứng nước mưa xài thì mái nhà được dọn rác thường xuyên sẽ được bảo quản tốt hơn. Mấy nhà có mái là sân thượng đúc bê tông để mấy chậu kiểng hoặc trồng rau cải một thời gian thì  thấy rễ cây và đất ẩm khiến cho  bê tông xuống cấp nhanh. Nói chung, một mái nhà rêu phong hay tùm lum cây cỏ mọc là hình ảnh sự thiếu chăm sóc của gia chủ, báo hiệu sự suy vong. Có lẽ vì vậy mà người xưa kiệng kỵ để cây cỏ mọc trên  mái nhà?
Nhà ngoại tôi xưa lợp ngói vách gỗ, vì miền đông ngày xưa còn rừng, và có nhiều lò gạch lò ngói lấy vật liệu tại chỗ là đất sét. Gần Tết trời khô, ngoại thường để mấy nong củ cải hay kiệu lên mái nhà để phơi. Tuyệt đối không phơi áo quần chăn chiếu trên mái hay vắt ở đầu hồi. Khi tôi làm vậy thì bị rầy, nên nhớ, nhưng không được giải thích tại sao. Khi vuốt tóc rụng, ngoại quấn lại nhét vào dưới miếng ngói của mái nhà bếp. Răng sữa của tôi rụng ngoại liệng lên mái nhà. Tôi nghĩ phải chăng do nỗi sợ cái chết? Thân thể (bất cứ bộ phận nào) của con người còn sống thì không thể để rã mục trong đất cát. Lòng đất  đối với người ta là nơi tận cùng sự sống, và cây cỏ mọc trên đất như một dấu hiệu lãng quên của người đời. “Dưới lớp cỏ xanh” chỉ là sự phân hủy. Cái gì “đã xanh cỏ” thì thôi, để nằm yên trong quá khứ.
“Tứ thập bất hoặc”, ở cái tuổi niềm tin cùng tập quán con người đã hình thành và trở nên khó thay đổi, tôi bỗng một hôm đứng trước đại bình nguyên. Đó là giải đất bằng mênh mông trải từ phía tây sông Mississippi đến rặng núi Rocky được gọi là Great Plains. Từ trên máy bay nhìn xuống hàng giờ, rồi ngồi trên xe chạy cả ngày trên bình nguyên, mà mặt đất cứ mở ra, mở ra vô tận trước mắt tôi. Trước đó tôi không thể hình dung “đất rộng trời cao” là rộng như vầy, cao như vầy.  
Ghé vô một viện bảo tàng lịch sự tự nhiên, thấy trưng bày những bộ xương hóa đá của những con thú khổng lồ đã tuyệt chủng. A, nơi đây từng có cọp, sư tử, bò rừng, voi! Chúng từng ung dung rong duỗi qua chốn này trong nhiều triệu năm. Nhưng tất cả những động vật khổng lồ từng sống nơi này đã tiệt chủng cách đây hàng chục ngàn năm. Căn cứ vào những trầm tích được khai quật thì đại bình nguyên từng trải qua một thời kỳ bị băng bao phủ,  một thời là biển cả, một thời là rừng rậm. Mỗi thời kỳ kéo dài nhiều chục triệu năm. Lần đầu tiên tôi nghi ngờ khả năng cảm nhận về không gian và thời gian của mình.
Nhưng không phải sự mênh mông vô tận đã “bẻ lái” suy nghĩ của tôi.  Đành rằng trong bối cảnh đại bình nguyên bao la đã xảy ra cái có thể coi là khoảnh khắc giác ngộ. Nói cụ thể, tôi đã nhận ra điều khiến tôi luôn suy nghĩ từ đó đến giờ: một túp lều cỏ giữa thảo nguyên. Đó là nhà của những di dân đầu tiên. Sau  hành trình dằng dặc  vượt qua một đại dương và nửa lục địa, đi ngược lên một trong những con sông dài nhứt thế giới, băng qua những cánh đồng bất tận đã có chủ, họ tiến vào đại bình nguyên chỉ có cỏ và cỏ. Thời tiết khắc nghiệt, hút tầm mắt không một bóng cây hay bóng người. Họ dừng lại, xắn đất dưới chân đắp lên cao làm nơi trú ngụ. Cỏ tiếp tục mọc trên vách trên nóc nhà họ, gió lớn có thể khiến nhà sập xuống vùi họ trong đất, mưa có thể làm rã đất cuốn trôi ngôi nhà mới dựng lên.
Dần dà cây họ trồng mọc lên, hoặc đất họ cày sản xuất đủ để trao đổi ván gỗ vận chuyển đến từ những nơi đã ổn định và phát triển bên bờ đông sông Mississippi. Họ thay dần chất liệu làm nhà bằng ván, gỗ , gạch, đá hay vật liệu nhân tạo. Những ngôi nhà bằng đất còn tồn tại đến đầu thế kỷ hai mươi. Thời đó có một người chụp ảnh dạo trên một cổ xe ngựa lang thang trên thảo nguyên. Nhờ ông mà những người xa xứ có được hình ảnh của gia đình với ngôi nhà ở vùng đất hứa gởi về cho thân tộc ở cố hương. Và cũng nhờ đó mà những ngôi nhà đất còn lưu lại hình ảnh trong viện bảo tàng.
Những bức ảnh cũ hơn trăm năm còn cho thấy những ngôi nhà mà cây cỏ mọc ra từ vách tường, bệ cửa sổ và mái nhà. Tôi sực nghĩ cái lều cỏ của các đạo sĩ và ẩn sĩ ngày xưa có lẽ giống như vầy. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết những ngôi nhà bằng đất (không nung) với cây cỏ (vườn rau ) trên mái nhà phổ biến ở nhiều nơi, không phải chỉ thời xưa khi vật liệu xây dựng ít ỏi, mà ngay trong thời nay. Có người vì lý do môi trường, có người muốn sống lại kinh nghiệm ông bà thời mở cõi, có người vì cảm hứng văn học nghệ thuật. Không ít tác phẩm văn học, mỹ thuật tạo ra những hình ảnh đầy cảm hứng về những ngôi nhà được bao bọc hay bao phủ bằng cây cỏ hoa trái. Nếu trong vườn  địa đàng mà người ta cần nhà thì là kiểu nhà này, chứ không phải lâu đài bằng cẩm thạch hay cao ốc bằng kim loại và thủy tinh.  
À,  trở lại cái khoảng khắc “giác ngộ” khi tôi ngắm ngôi nhà cỏ giữa thảo nguyên. Giữa mênh mông trời đất, giữa vô tận thời gian, con người ấy với vỏn vẹn sáu bảy chục năm đời người, dường như không bận tâm đến cái chết, đã chọn cuộc sống này: độc lập trên mảnh đất mình đứng, tự do thực hành niềm tin của mình. Cơ sở họ dựa vào đó để có được sức mạnh giữa hoang vu ngút ngàn của đại bình nguyên là một túp lều cỏ đơn sơ nhỏ xíu mà họ gọi là nhà. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222