Kỷ vật
Ngày của tháng cuối năm ở xứ Bellingham vừa ngắn vừa lạnh.
Mưa rỉ rả cầm chân tôi ở trong nhà cả tuần lễ nay. Năm kỉa trời mưa liền tù tì
hăm mấy ngày, tôi ở trong nhà hăm mấy ngày luôn. Theo tin trên tờ báo địa phương thì ngành mua
bán lẻ đang phát đạt: trời này thiên hạ chỉ còn biết kéo vô các thương xá mà
mua sắm. Hoặc ngắm hàng hóa và người đi mua sắm. Đang mùa lễ, thương xá rực rỡ
đèn hoa, nườm nượp người ta, rộn ràng tiếng hát ca, ấm áp và sáng sủa. Nhưng sự hào nhoáng không còn sức hấp dẫn đối
với một bà già như tôi nữa. Để rinh tôi ra khỏi nhà, chỉ có một cách là đưa tôi
đi … ăn.
Hẳn có nhiều người có tâm trạng giống tôi. Và họ đều tự thấy
mình thông minh hơn những “nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ” đang bở hơi tai chạy
theo những sản phẩm mới được tung ra thị trường. Mấy món “hot gift” mùa này đều
là những sản phẩm được cá nhân hóa tối đa, thứ nào cũng tinh vi phức tạp, hiếm
có thứ gì đơn giản và để xài chung. Hồi tháng 7 vừa rồi tôi nhận được một cái
nexus mới ra lò như quà sinh nhật, chưa vọc đã tay thì xuất hiện nexus 4, nexus
10, không kể Chrome book. Còn cái nexus 7 loại 8G của tôi thì hoàn toàn biến mất
trên thị trường, được thay thế bằng nexus 7 16G/ 32G vừa có wifi vừa có mobile
data gì đó. Rồi lại thêm cái Surface của Microsoft coi bộ hay
, có bàn phím thật để đánh chữ dễ hơn, lại
có chân tự đứng, mình khỏi cầm khư khư trên tay cho mỏi. Haiz. Không hấp tấp nữa,
kẻo lại ôm thêm một cái mà 3 ngày sau đã lạc hậu
May mà mùa này có những ngày lễ mà hoạt động chính là ăn. Ông
chồng tôi thích mời bè bạn học trò đến nhà ăn, còn tôi thích được mời đi ăn ở
nhà bạn bè. Những bữa ăn tối thân mật, chứ không phải tiệc tùng đình đám. Ngoài
trời tối và lạnh và ướt, tôi thấy không hạnh phúc gì hơn được ở trong căn bếp
thơm mùi thức ăn, ấm áp không khí san sẻ hòa đồng giữa những người bạn. Thường thì khách được mời vô luôn nhà bếp
nơi chủ nhà đang chuẩn bị thức ăn. Ở đó, đứng hay ngồi quanh cái bàn bếp, người
ta uống rượu và nói chuyện rôm rã trong khi chờ thêm khách đến đông đủ và món
ăn sẵn sàng dọn ra bàn. Bữa nay, trong ngôi nhà trang trí nội thất rất hiện đại của
bà bạn nổi bật một cái bàn bếp bằng gỗ nứt nẻ, mặt bàn loang lỗ những dấu vết
khó xác định là gì. Khi mọi người đứng quanh cái bàn bếp và bắt đầu chú ý, chủ
nhà hào hứng kể:
“Ông nội tôi là một
nông dân, cái bàn bếp là chỗ ngồi ăn thường ngày của gia đình, mà khi có khách
khứa vào những dịp lễ lạc thì cũng dọn ăn trên cái bàn đó, kê thêm bàn nếu cần,
và trải lên một tấm khăn thêu. Năm đó tôi lên mười, cùng cha mẹ về nhà nội ăn lễ
Giáng Sinh. Đang nhai miếng thịt gà tây thì một cái răng của tôi sút ra. Tôi đã bị bể, gảy, rụng mấy cái răng rồi, và biết rằng
chúng sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn, không có gì ghê gớm cả. Nhưng đang
giữa bữa ăn có đông thực khách, tôi phải
cư xử như được dạy dỗ, ngồi yên, ăn uống đàng hoàng, không chạy lung tung,
không nói năng hay có cử chỉ khác thường. Tôi đã kín đáo liếc trái liếc phải,
thừa lúc không ai nhìn mình, mới lừa cái răng ra đầu môi, nhanh như chớp đưa
tay lên miệng lấy cái răng và cho tay ngay xuống gầm bàn nhét nó vào một kẻ nứt
dưới mặt bàn.
Nửa thế kỷ sau, ông bà
nội lần lượt qua đời, con cháu về tụ tập quanh cái bàn bếp để chia gia tài.
Ngoài những tài sản phân chia theo luật hay ý nguyện của người quá cố, những đồ
đạc khác trong ngôi nhà sẽ thuộc về người nào muốn giữ như kỷ vật của ông bà,
vì thực ra chúng không có giá trị thị trường. Người thì xin giữ cái ấm nấu nước
vốn không còn dùng nhiều chục năm nay kể từ khi các loại ấm nước bằng điện tiện
dụng trở nên phổ biến. Người thì muốn giữ cái ghế đong đưa trước lò sưởi để nhớ
hình ảnh bà nội thưở sinh thời.
Cái bàn bếp hóa ra là
vật nhiều người tranh chấp. Chẳng những vì nó do chính tay ông nội đóng, mà vì
ai cũng có một kỷ niệm gắn bó với nó. Người em họ của tôi kể rằng thưở nhỏ cậu
nhút nhát, luôn cảm thấy cô đơn lạc lỏng khi có đông người. Mỗi lần về nhà nội
ăn lễ, mọi người ngồi vô bàn ăn, cậu lại tuột khỏi ghế chui xuống dưới gầm bàn.
Ở dưới đó cậu tập nhận ra đôi chân này của ông nội, đôi chân kia của bà, đôi
chân nọ của mẹ, cha… và dần dần cảm thấy yên tâm vì biết mình đang ở giữa những
người thân, được những đôi chân và cái bàn che chở.
Ông chú tôi kể câu
chuyện cảm động hơn: Thưở là một thanh niên (khoảng thế kỷ trước), tự xoay sở một mình vừa kiếm sống
vừa đi học, nhiều lần , rất nhiều lần, ông chẳng có đủ tiền để vô tiệm mua một
cái bánh mì. Những lúc đó anh lại cỡi chiếc xe đạp từ thành phố về nhà chị dâu
(là bà nội tôi). Có hôm tuyết rơi suốt quãng đường ba chục dặm. Bà bao giờ cũng
đón người em chồng vào nhà, bảo ông ngồi xuống bên cái bàn bếp. Nếu không đúng
bữa ăn, bà sẽ lục đục nồi chảo nấu cho ông một món gì đó rất có chất lượng. Trong
khi chờ đợi, ông tự cắt một miếng bánh mì nhai ngấu nghiến. Trên bàn bếp luôn
có sẵn bánh mì bà nướng mỗi ngày bằng “men
gia truyền”, một loại men bánh mì chua được nuôi trong một cái thố sành truyền
lại từ đời bà của bà. Nếu bánh mì trên bàn không còn bao nhiêu thì bà sẽ nhồi thêm
bột ủ men rồi nướng mẻ bánh mới. Ông chú thường ngồi bên cái bàn bếp nói chuyện,
từ chiến tranh cho tới mùa màng, chờ bột nở và bánh chín, hít thở mùi bột lên
men và mùi bánh mới nướng. Khi bánh ra lò, bà gói một ổ to trong tấm khăn vải
đưa cho ông. Ông để nó trong cái ba lô đeo trên lưng đạp xe về thành phố, cảm
nhận hơi ấm của ổ bánh truyền qua phổi qua tim mình.”
Hầu như ai từng ngồi bên cái bàn bếp ấy đều có những câu
chuyện thú vị để kể. Nhưng cuối cùng bạn tôi giành được cái bàn sau khi (ngoài
sức tưởng tượng của chị) tìm thấy và trưng bằng cớ cho mọi người cùng xem: cái
răng sữa của chị vẫn còn nằm trong kẻ nứt mặt dưới của cái bàn! Trong lúc mọi
người ồ lên ngạc nhiên, chồng chị nói nhỏ với tôi là từ khi rinh cái bàn về đặt
giữa căn bếp sáng choang vật dụng hiện đại, chị liên tục mời khách đến nhà ăn tối
để kể câu chuyện này và chỉ cho thực khách xem (trước khi mời họ ăn) cái răng sữa
của chị kẹt trong kẻ nứt cái bàn!