sức khỏe tâm thần


 

Sau khi đọc tin buổi chiều, ngày 20/8/2021 Bình Dương dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm trong ngày, tính theo tỷ lệ dân số cũng đứng đầu cả nước luôn, chị em mình lên giường, giăng mùng xong thì em học trò cũ gọi. Nay nó là bác sĩ đã về hưu mà trận này cũng phải tham gia chống dịch. Vài ba tuần nó gọi để hỏi thăm sức khỏe chị em mình, dặn dò vài ba điều như: Hàng hóa mua về hay shipper giao phải trút ra hết, cuộn ngược bao bì bỏ thùng rác rồi rửa tay với xà bông, tắm gội sạch sẽ, khò nước muối hay listerine vì virus trú trong họng hầu trong 5 ngày đầu sau khi xâm nhập.

Mọi khi thầy trò nói chuyện ngắn gọn vì mình biết nó rất bận. Nhưng hồi hôm mắc gì mình nói với nó đủ thứ chuyện, cả tiếng đồng hồ, chuyện từ thời nó còn là học trò trường huyện ngày xưa tới chuyện tổ dân phố bây giờ. Nó nghe mình nói tới đâu cười khà khà tới đó. Chắc nó đầy mình kinh nghiệm với những bệnh nhân bị stressed.

Nói xong mình ngủ một giấc tới sáng. Thức dậy ngồi yên nhìn bầu trời ửng hồng từ từ sau ngọn xoài đọt chuối ngoài vườn, cảm thấy mình đã ngoi lên được cái ao tù trầm cảm. Hồi mình còn ca cẩm trên FB hay blog là còn vùng vẫy lội bì bõm, làm thinh luôn là vì đã lún xuống đáy bùn. May mà còn có người nói chuyện.

Hồi Âu Mỹ lockdown, người ta rất quan tâm đến sức khỏe tâm thần của dân chúng. Nhưng ở xứ mình, người nổi điên lên ra đường múa may, gây gổ, đốt xe, đốt nhà... đều gom vô một rỗ vi phạm chỉ thị gì đó. Những trạng thái “điên” khác không bị quay phim đăng lên mạng đâu ai biết. Tôi tự biết mình mong manh như thế nào dưới lớp da đã dày theo năm tháng. May còn chỗ nương tựa là chồng, em, học trò, bè bạn, để tự lượm những mảnh vỡ vụn mà chấp vá tâm hồn mình. Những người may mắn khác là những người còn gia đình, người thân, bạn bè. Hoặc người đồng cảnh ngộ.

Sắp tới Bình Dương “khóa chặt, đông cứng”, tâm lý con người càng bị dồn nén bí bách. Không biết có còn lực lượng nào để lo đến sức khỏe tâm thần của dân không? Có ai tưởng tượng được tâm trạng của một người ngồi trong bốn bức tường 24/24 hết ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, hoảng loạn như thế nào khi mất đường truyền Internet và sóng điện thoại? Điều đó nghĩa là cha mẹ anh em con cái chồng vợ ở quê nhà không còn biết mình thế nào,  sống chết ra sao. Là đứt hết kết nối thông tin, không biết chuyện gì xảy ra chung quanh, không làm sao kêu cứu nếu bệnh trở nặng. Ngươi di dân lao động là người không có bà con cô bác xóm giềng quanh mình, thậm chí có người không được địa phương ghi nhận “tạm trú”. Cái điện thoại, thường xài ké Internet, là vật sinh tử như cơm ăn nước uống.

Cần có nhiều trung tâm hỗ trợ tâm lý, có những người kiên nhẫn lắng nghe, chứ không phải cái số 1022 gọi hoài không được, mà gọi được chưa nói dứt câu đã bị cúp máy. Cần những nhóm hổ trợ nhỏ hơn, chat group trên FB , Zalo, Viber hay gì đó, nơi người ta trút ra được những dồn nén mà không bị qui tội vi phạm điều nọ khoản kia. Đại đa số những người yếu thế và cùng quẫn hiện nay không có khả năng phá hoại chế độ với những tiếng la ó trên mạng ảo.

Trước mắt giải pháp này cần được thực hiện: Chính quyền CẤM các công ty điện thoại và Internet ngưng hoặc cắt dịch vụ ở những nơi người dân phải ở yên trong nhà. Lúc này người ta cần hơn lúc nào hết duy trì kết nối thông tin và giao tiếp qua cái điện thoại hay máy tính. Bất cứ ai kiếm lợi nhuận lúc này đều bất nhơn, nhưng thôi không nói chuyện đạo đức viễn tưởng. Các công ty chỉ cần gia hạn thu phí đến khi hết tình trạng “khóa chặt, đông cứng”. Thu tiền trễ một chút, có thể thiệt thòi một chút, nhưng cái lợi dài lâu sẽ nhiều. Không có cái ơn nào trọng hơn cái ơn đúng lúc người ta khó khăn.          

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222