cuối năm
Xem lại những ghi chép của năm 2008, ngày đầu năm mới tôi viết “Về nhà rồi!”. Suốt bảy năm trước, tôi vẫn chia thời gian năm ba tháng ở Việt
1. Dịch một xê-ri truyện thiếu niên khác để kiếm tiền chợ (cho NXB Trẻ).
2. Hoàn tất tiểu thuyết Đàn Bà (hy vọng NXB Văn Nghệ in)
3. Viết ra những ngẫm nghĩ về điều mắt thấy tai nghe mỗi ngày ở đây.”
Bây giờ cuối năm xem lại: Tuy hợp đồng về dịch cái xê ri Tunnels với NXB Trẻ bị gãy, nhưng cũng thoả thuận và dịch xong cuốn “Những chuyện kể của Beedle Người Hát Rong”. Ngoài ra cũng đã thoả thuận với một NXB khác để dịch một bộ truyện thiếu niên mà tôi thấy hay, nhưng đó là kế hoạch 2009, đang niêm phong “bí mật”, đây chỉ sơ kết chuyện năm qua. Tiểu thuyết Đàn Bà được nxb Văn Nghệ cho ra đời tháng 3/2008 và đến nay đã in lần thứ 3 với tổng số 8.000 bản. Con số khiêm tốn nhưng đủ cho tôi vui và hăng hái bắt tay vào quyển tiểu thuyết khác. Những ngẫm nghĩ về điều mắt thấy tai nghe mỗi ngày thì được báo SGGP Thứ Bảy đăng đều đều mỗi tuần. Coi như tôi thực hiện được gần hết những điều dự tính, không kể một số việc đụng đâu làm đó ngoài kế hoạch. Như tham gia làm quí san “Văn học Hoa văn Việt Nam”, đến nay đã được 3 quyển, tham gia 4 buổi thảo luận “Văn chương nữ quyền”, và soạn một cuốn sách lý luận phê bình về đề tài này, sắp xong. Lại còn 40 bài thơ và 20 truyện ngắn đã viết trong năm đang chờ in!
Có người đã le lưỡi trước số lượng công việc tôi đã thực hiện, nhưng thực ra tôi chơi nhiều hơn làm. Đếm lại trong 12 tháng qua tôi đã rong ruỗi khắp đất nước, sang cả Kampuchia, trong 14 chuyến đi dài ngắn từ 3 ngày đến nửa tháng, rải đều trong năm, tháng nào cũng có 1-2 chuyến đi về tỉnh. Những chuyến đi này nằm trong một kế hoạch khác, 5-10 năm, mà bây giờ mới ở bứơc thăm dò nên chưa thể công bố. Làm thế nào tôi đã vừa làm vừa chơi mà … ăn thiệt? (Cộng các khoản thu nhập từ công việc viết thuần túy cũng tròm trèm 100 triệu. Việc ăn chơi cũng tiêu tốn cỡ đó. Ngân sách không bị thâm thủng trong thời khủng hoảng tài chánh toàn cầu, thiệt là may!) Tôi không làm hiểm giữ bí quyết mà chi: cuộc sống của tôi một năm qua hoàn toàn có thể lật lại từng ngày trên blog của tôi.
Gần 200 ghi chép từng ngày, từ nhớ nhung, bệnh tật, tập thể dục mỗi ngày, thơ thẩn bất chợt, thông báo tác phẩm mới xuất bản, hình ảnh những chuyến đi chơi xa, cả những riêng tư thầm kín như chuyện chồng con, chị em, bè bạn… Blog là cái cửa sổ tôi để mở cho láng giềng và người qua đường có thể nhìn vào suy tư của tôi, tâm hồn tôi, cuộc sống của tôi, thế giới của tôi. Blog là một nỗ lực của tôi để phá vỡ nỗi cô độc, và sự cô lập, của con người trong thế giới hiện đại mà tôi nhận ra giữa những ngày đông ẩn mình trong ngôi nhà vùi dưới tuyết ở một góc trời Tây Bắc nước Mỹ. Dù là một người hoàn toàn độc lập, làm công việc tuyệt đối một mình là sáng tác văn chương, tôi có nhu cầu “bầy đàn” như bất cứ cá thể nào của nhân loại, và ý thức về cộng đồng mà mình chọn lựa để cùng sinh tồn quyết định tính chất sự tồn tại của cá nhân tôi. Blog là tấm kiếng cộng đồng dựng ở cửa, mỗi ngày ra vào tôi nhìn vô để ngẫm nghĩ, ghi nhận những biến đổi của bản thân.
Blog “ghi chép” của tôi chỉ có một mình tôi viết, có những blog do nhiều người viết. Từ nguyên của blog không hàm nghĩa cá nhân hay một người, hay riêng tư, mà mang nghĩa ghi nhận, thường là về công việc hay việc công. Blog xuất hiện cùng sự phát triển mạng máy tính, ban đầu thưa thớt, người ta ghi nhận nhanh gọn (log) những trang web mới xuất hiện cùng với đường kết nối (link). Hình thức blog nguyên thuỷ này còn được ông Trần Hữu Dũng duy trì ở blog của ông: những tựa bài cùng chung chủ đề văn hoá – giáo dục hay kinh tế Việt
Blog vì vậy đang trở thành một vũ khí truyền thông lợi hại, được các chính quyền tìm cách kiểm soát bằng cách này hay cách khác, tinh vi hay lộ liễu, hiệu quả hay không. Thậm chí kiểm soát ngoài biên giới quốc gia mình. Những người vì một nền truyền thông tiến bộ tất nhiên không ngoan ngoãn tuân phục các thế lực, mà sẽ cải tiến blog hoặc sáng tạo hình thức hay phương tiện khác để tiếp tục cuộc chiến đấu của mình. Năm 2008 blog đã rục rịch chuyển mình trên thế giới.
Ở nước ta tôi nghe nói cuối năm nay ban hành luật gì đó về blog, nhưng tôi chưa biết nó cụ thể ra sao. Để coi. Blog cuối năm này tôi dừng chân ngoái nhìn quãng đường đã qua, lấy hơi cho chặng đường phía trước.
Lý Lan(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)