giản dị - đẹp
Sáng nay ngồi nói chuyện bên tách cà phê, tôi và hai người bạn nhắc đến ca sĩ Phạm Quỳnh Anh. Ấn tượng về cô ca sĩ Bỉ gốc Việt 21 tuổi này để lại trong lòng những người hâm mộ trang lứa ở quê hương cô trở về lần đầu tiên là sự giản dị … bất ngờ. Bất ngờ, bởi vì các fan âm nhạc ở đây đã quen với hình ảnh hào nhoáng, lộng lẫy, hoặc hoành tráng, xa xỉ, hoặc kỳ quái, siêu phàm của các sao ca nhạc ở trong nước. Nghề biểu diễn cần gây “ấn tượng”, và tôi phải thú nhận là đôi ba lần có dịp gặp gỡ mấy ngôi sao đang sáng chói trên sân khấu nước nhà, tôi có bị “ấn tượng” về cái áo mấy chục ngàn đô, hoặc phong cách biểu diễn kinh dị. Những người háo hức chờ đón Quỳnh Anh để tận mắt nhìn và tận tai nghe bài hát “Chào Việt Nam” được lưu truyền rộng rãi trong giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại đã bất ngờ khi hấy cô hát trước một khán giả rất “sang trọng” gồm doanh nhân và viên chức cao cấp trong giới ngoại giao và thương mại ở Sài Gòn, mà chỉ mặc một bộ áo dài trắng với nét vẽ lá trúc đen đơn giản.
Tôi không bất ngờ. Ấn tượng Quỳnh Anh – Chào Việt Nam ngay từ ban đầu khi tôi xem video clip bài hát được tung trên mạng là sự giản dị hồn nhiên. Giai điệu, lời ca, cách biểu diễn đều đẹp giản dị có chủ ý. Nếu tôi gặp một Quỳnh Anh lộng lẫy kiêu sa hay “cá tính” phá cách, thì chắc tôi sẽ bất ngờ. Hai người bạn trẻ, vốn là hoạ sĩ, tán thành chính sự giản dị đó là đẹp. Giản dị - đẹp đang là mốt trong giới trẻ trí thức trên thế giới, những người đang tìm về thiên nhiên và nội tâm để khám phá ý nghĩa và sự phong phú, diệu kỳ của cuộc sống. Ngay cả trong thế giới ảo, giản dị - đẹp đang là xu hướng trội thể hiện qua sự chọn lựa các mẫu giao diện trang web cá nhân, blog, mySpace… Đa số người trẻ chọn mẫu đơn giản - đẹp, và người ta cũng nhận thấy những trang web thu hút đông người có chung yếu tố giản dị - đẹp trong thiết kế giao diện.
Giản dị - đẹp được dùng ở đây như một từ, vì hai tính từ đó nhập một thì hàm nghĩa một trào lưu thẫm mỹ và phong cách sống đương đại, tuy chưa chiếm ưu thế lấn át, nhưng đã thách thức những kiểu cọ “hoành tráng”, cầu kỳ, rườm rà, lập dị đã cũ kỹ. Đó không chỉ là hình thức đơn thuần, mà là một triết lý về sự hợp nhất của hình thức và nội dung.
Để khỏi biến giản dị - đẹp thành ra phức tạp khó hiểu, tôi lấy ví dụ đơn giản: một ngôi nhà giản dị - đẹp có không gian sống vừa đủ chứ không cần đồ sộ mênh mông, có tiện nghi bảo đảm sinh hoạt thoải mái chứ không để trưng bày phô phang, có sự chăm sóc, chia sẻ, và do đó có gắn bó với người sống trong đó, mang dấu ấn của người đó, chứ không nhứt thiết được thiết kế bằng những tên tuổi lớn theo những kiểu mẫu thời thượng. Ngôi nhà giản dị - đẹp đem lại cho chủ nhân sự hưởng thụ giản dị cái đẹp của một cuộc sống có thực chất, ở đó người ta không bận tâm và tốn thì giờ cho sự phù phiếm xa hoa, mà tập trung vào xây dựng những giá trị nhân bản như thương yêu người chung sống trong nhà chẳng hạn.
Khi tôi mới biết đến phong trào sống giản dị - đẹp này, trong thời gian sống ở nước ngoài, tôi ngạc nhiên thấy cái đang là “mốt” ở đó sao giống truyền thống văn hoá ở quê tôi. Ngày xưa ở quê ngoại tôi , theo tôi nhớ, người ta sống giản dị, sống đẹp, vui vẻ, tử tế. Lúc qua Mỹ tôi có đi thăm làng của người Amish, gặp những phụ nữ ăn mặc giản dị và đẹp, sống trong những căn nhà giản dị không có đồ đạc thừa thải, họ rất tử tế và vui vẻ. “Mốt” sống giản dị nổi lên thành phong trào gần đây tuy là một phản ứng lại cuộc sống căng thẳng đầy áp lực và tha hoá, phi nhân ở xã hội hiện đại, nhưng không hẳn là “về nguồn” thô thiển, từ chối những thành tựu khoa học, cũng không giống phong trào “hippi” nửa thế kỷ trước. Những người cổ vũ giản dị - đẹp thường có khuynh hướng yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường, có tinh thần hoà bình, có cách sống vượt ra những chiêu dụ cùng ảnh hưởng của kỷ nghệ quảng cáo và hệ thống thương mại của nền kinh tế tiêu thụ. Nhiều người chỉ giản dị sống đẹp theo truyền thống gia đình hay đức tin tôn giáo của họ (Thanh giáo, Phật giáo, Lão giáo). Nhiều người đã chọn cách sống giản dị - đẹp như một giác ngộ sau những lầm lạc bon chen. Thực ra những người giản dị - đẹp không ồn ào lập thuyết, nhưng họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hoá nghệ thuật theo một triết lý giản dị - đẹp và từ đó ảnh hưởng của họ lan toả. Nhiều người thực ra không hề tự nhận, thậm chí không hề bận tâm, là mình có giản dị - đẹp không. Bản chất giản dị - đẹp là vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
Tôi không bất ngờ. Ấn tượng Quỳnh Anh – Chào Việt Nam ngay từ ban đầu khi tôi xem video clip bài hát được tung trên mạng là sự giản dị hồn nhiên. Giai điệu, lời ca, cách biểu diễn đều đẹp giản dị có chủ ý. Nếu tôi gặp một Quỳnh Anh lộng lẫy kiêu sa hay “cá tính” phá cách, thì chắc tôi sẽ bất ngờ. Hai người bạn trẻ, vốn là hoạ sĩ, tán thành chính sự giản dị đó là đẹp. Giản dị - đẹp đang là mốt trong giới trẻ trí thức trên thế giới, những người đang tìm về thiên nhiên và nội tâm để khám phá ý nghĩa và sự phong phú, diệu kỳ của cuộc sống. Ngay cả trong thế giới ảo, giản dị - đẹp đang là xu hướng trội thể hiện qua sự chọn lựa các mẫu giao diện trang web cá nhân, blog, mySpace… Đa số người trẻ chọn mẫu đơn giản - đẹp, và người ta cũng nhận thấy những trang web thu hút đông người có chung yếu tố giản dị - đẹp trong thiết kế giao diện.
Giản dị - đẹp được dùng ở đây như một từ, vì hai tính từ đó nhập một thì hàm nghĩa một trào lưu thẫm mỹ và phong cách sống đương đại, tuy chưa chiếm ưu thế lấn át, nhưng đã thách thức những kiểu cọ “hoành tráng”, cầu kỳ, rườm rà, lập dị đã cũ kỹ. Đó không chỉ là hình thức đơn thuần, mà là một triết lý về sự hợp nhất của hình thức và nội dung.
Để khỏi biến giản dị - đẹp thành ra phức tạp khó hiểu, tôi lấy ví dụ đơn giản: một ngôi nhà giản dị - đẹp có không gian sống vừa đủ chứ không cần đồ sộ mênh mông, có tiện nghi bảo đảm sinh hoạt thoải mái chứ không để trưng bày phô phang, có sự chăm sóc, chia sẻ, và do đó có gắn bó với người sống trong đó, mang dấu ấn của người đó, chứ không nhứt thiết được thiết kế bằng những tên tuổi lớn theo những kiểu mẫu thời thượng. Ngôi nhà giản dị - đẹp đem lại cho chủ nhân sự hưởng thụ giản dị cái đẹp của một cuộc sống có thực chất, ở đó người ta không bận tâm và tốn thì giờ cho sự phù phiếm xa hoa, mà tập trung vào xây dựng những giá trị nhân bản như thương yêu người chung sống trong nhà chẳng hạn.
Khi tôi mới biết đến phong trào sống giản dị - đẹp này, trong thời gian sống ở nước ngoài, tôi ngạc nhiên thấy cái đang là “mốt” ở đó sao giống truyền thống văn hoá ở quê tôi. Ngày xưa ở quê ngoại tôi , theo tôi nhớ, người ta sống giản dị, sống đẹp, vui vẻ, tử tế. Lúc qua Mỹ tôi có đi thăm làng của người Amish, gặp những phụ nữ ăn mặc giản dị và đẹp, sống trong những căn nhà giản dị không có đồ đạc thừa thải, họ rất tử tế và vui vẻ. “Mốt” sống giản dị nổi lên thành phong trào gần đây tuy là một phản ứng lại cuộc sống căng thẳng đầy áp lực và tha hoá, phi nhân ở xã hội hiện đại, nhưng không hẳn là “về nguồn” thô thiển, từ chối những thành tựu khoa học, cũng không giống phong trào “hippi” nửa thế kỷ trước. Những người cổ vũ giản dị - đẹp thường có khuynh hướng yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường, có tinh thần hoà bình, có cách sống vượt ra những chiêu dụ cùng ảnh hưởng của kỷ nghệ quảng cáo và hệ thống thương mại của nền kinh tế tiêu thụ. Nhiều người chỉ giản dị sống đẹp theo truyền thống gia đình hay đức tin tôn giáo của họ (Thanh giáo, Phật giáo, Lão giáo). Nhiều người đã chọn cách sống giản dị - đẹp như một giác ngộ sau những lầm lạc bon chen. Thực ra những người giản dị - đẹp không ồn ào lập thuyết, nhưng họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hoá nghệ thuật theo một triết lý giản dị - đẹp và từ đó ảnh hưởng của họ lan toả. Nhiều người thực ra không hề tự nhận, thậm chí không hề bận tâm, là mình có giản dị - đẹp không. Bản chất giản dị - đẹp là vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)