Bám víu cuối cùng

Đôi khi tôi là một nhân vật trong cảnh này: bàn tiệc vui vầy, rượu bia đang rót, câu chuyện đang hào hứng, một không khí thân tình vui vẻ, mọi người thoải mái, cởi mở, nhiều người đã no, một số người bắt đầu say. Âu là lúc xả căng thẳng cần thiết, cũng là một nhu cầu xã hội.
Nhiều khi cảnh đó diễn tiến sang hồi hai: người say hăng hái tranh cãi, chửi tục, nói năng văng mạng kèm theo cử chỉ suồng sã nếu có phụ nữ bên cạnh. Nếu không có phụ nữ ngồi chung bàn, hoặc phụ nữ ngồi cạnh già, xấu, dữ, và cuộc nhậu diễn ra ở nhà hàng, các ông say sẽ kêu nữ tiếp viên tới mè nheo, sàm sỡ.
Cho nên chị bạn tôi áp dụng một chính sách khôn ngoan khi lập gia đình là học nấu ăn ngon, mở cuộc nhậu tại nhà cho chồng mời bạn bè, cả nam lẫn nữ, tới chơi thả cửa. Ông chồng, và các ông bạn, hẳn không hoàn toàn mãn nguyện trong những cuộc say dưới sự tỉnh táo của nữ chủ nhân, nhưng đó là khoảng thời gian năm bảy năm đầu của cuộc hôn nhân tự nguyện, nên nói chung cuộc đời vẫn đep.
Khi đứa con của bạn tôi bắt đầu hỏi những câu ngây ngô của trẻ lên năm lên bảy, chị suy nghĩ và đấu tranh dữ dội. Không thể hạn chế những “cuộc vui anh em” của chồng, có những cuộc được coi là chuyện làm ăn, hay ơn nghĩa, hoặc cần thiết, chị đành thả chồng ra nhà hàng, quán nhậu. Bạn tôi đã buộc lòng làm một chọn lựa mang đặc trưng phụ nữ Việt Nam nhất: Thà chấp nhân nguy cơ … mất chồng, hơn là làm hư hỏng đứa con.
Bạn tôi có một quan niệm đúng bài bản rằng: gia đình phải là nơi an toàn, lành mạnh, êm ấm cho trẻ con phát triển. Dù là một người rất phóng khoáng, và đã cẩn thận đưa con đi chơi nhà nội ngoại hay ngủ trong phòng riêng khi nhà có khách nhậu, chị cũng nhận ra trẻ con bây giờ, ít ra là đứa con của chị, thông minh và hiểu biết sớm. Những câu hỏi ngây ngô của trẻ biểu lộ nhận thức bất ngờ về nhân cách của những người lớn mà chị luôn dạy nó kính yêu, tin cậy.
Thế là năm bảy năm trời tiếp theo, nếp sống êm đềm diễn ra trong ngôi nhà bạn tôi, với những buổi tối mẹ dạy con học, thỉnh thoảng cũng đãi cơm khách, những bữa cơm không có rượu, hoặc chỉ có một chai rượu vài lon bia, khách mời là những cặp vợ chồng tử tế kèm con cái cùng lứa với các con của chị. Mấy đứa nhỏ tỏ ra lễ phép với khách khứa, lớn lên bình thường, học hành tử tế.
Thời gian qua nhanh ghê. Cuộc sống tưởng “ngồn ngộn” biến động mỗi ngày, vậy mà mười mấy năm ngoảnh lại cũng gom gọn vô mấy hoạt động kiếm tiền, nuôi con, “giận mà thương” với chồng. Dù sau thì nhà cửa và sự nghiệp cũng đã ổn định, cuộc sống gia đình đã có nền nếp, con cái sắp trưởng thành. Tuy chưa tới lúc bạn tôi có thể thảnh thơi an nhàn, vì còn lo trăm mối, mà chung qui cũng vô ba mối: kiếm tiền, con cái, và chồng. Lo tiền bạc sao cho con có được một nền giáo dục chu đáo, dành dụm cho tương lai của chúng trong một thế giới quá mong manh, và cho bản thân mình khi về vườn.
Con cái dần dà không còn là niềm vui, niềm an ủi, hay niềm hy vọng, mà trở thành ác mộng. Ngày xưa mẹ ông Mạnh Tử dọn nhà liên tục, vì thấy Mạnh tử ở gần nhà đòn đám ma thì khóc than rên siết, gần lò mổ lợn thì học thói đâm giết, đến khi gần cửa Khổng mới chăm chỉ học hành. Bạn tôi đã chấp nhận kiếm tiền bằng mọi cách để cho con học trường tử tế, nhà ở trong khu dân cư tử tế, và trong nhiều năm, mấy đứa trẻ ra khỏi cổng trường là được đón thẳng về nhà, để tránh bao nhiêu cám dỗ (và cạm bẫy theo như lo lắng của người mẹ) ở ngoài xã hội.
Chuyện vợ chồng đã thành “nghĩa”, thành sự cam kết vì con cái, sự tôn trọng chí hướng và con đường của mỗi người. Cả chị và anh đều là người hiểu biết, và bản thân mỗi người đều có những ưu thế để cân bằng với nhau, để duy trì một sự cộng sinh bền vững. Vì con cái. Có một lần, chỉ một lần, chị nói với tôi, đúng ra là khuyên tôi một cách muôn màng: đàn bà nên có con, để còn có chỗ bám víu khi đã biết bản chất đàn ông. Tuy tôi có quan niệm sống khác chị, nhưng lúc đó cũng chạnh lòng thương, và mừng chị còn niềm hy vọng nơi những đứa con.
Chị là người đàn bà can đảm, có tri thức, có chuyên môn, và thành đạt. Nếu nói cuộc đời chị bất hạnh là tầm bậy: nhân cách, gia đình và sự nghiệp của chị có thể khiến bất cứ ai mến mộ. Chỉ một mình tôi, như chị nói, biết chị buồn và tuyệt vọng như thế nào. Chị không muốn những người thân khác biết, như thói quen lâu nay, và thực ra do thói quen đó, chị không thể nào chia sẻ với họ nữa, cho dù có muốn.
A, những đứa con! Niềm hy vọng cuối cùng để chị bám víu! Thật khó nói với chị là đừng bám víu chúng nữa. Hãy buông chúng ra, vì chúng có cuộc đời của chúng. Và chị, chị cũng có thể có cuộc đời của riêng chị.

Lý Lan
(bài đăng báo Yêu Trẻ)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222