Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 5, 2009

miền tây

Có người ở xứ khác chê cách ăn nói của người miền nam … thừa, như “bé” có nghĩa là nhỏ, nói “nhỏ bé” hay “bé nhỏ” chẳng là thừa sao? Tôi hoàn toàn đồng ý cái sự thừa đó, chẳng thế, còn thấy thú vị và tự hào về thói tùy nghi gia giảm trong tiếng nói của người mình. Nó thể hiện tinh thần dung hòa cởi mở trong bối cảnh xã hội đa văn hóa. Ở miền Tây có nhiều người Tiều, họ nói nhỏ là “xíu”, nên “nhỏ xíu” thành từ phổ biến. Tương tự, ở miền Tây có người Khơ me, họ nói một mình là “ên”, nên người miền Tây quen miệng nói “một mình ên”. Rõ ràng tiếng Việt trở nên phong phú hơn, mà về mặt ngữ âm, cách kết hợp này khiến cho tiếng nói miền Nam mềm mại và ngân nga, phù hợp với phong thổ “đồng rộng sông dài”. Đất đồng bằng, cứ thong thả đi, thong thả nói, không trèo đèo vượt núi thì mắc gì phải phát ra từng tiếng cộc lốc nặng nề? Với lại đồng rộng, gió thổi xa, tiếng người ngân nga, thì cứ chọn âm điệu êm tai mà nói cho dễ nghe. Như Vương Hồng Sển nói về quê xứ Đại Ngãi của ông: vốn là Đại Nghĩa, ...

mưa

mặt đường nhễu nhão ánh đèn vàng màn mưa xiên xiên dưới quầng sáng long lanh con mắt vời vợi trông phía mịt mù nỗi nhớ gió tạt mưa qua hàng hiên đẩy lùi hàng người đứng cạnh những chiếc xe ướt và lạnh và ngao ngán con đường ngập nước về nhà - phải đi tóc ướt và rối và lặng lẽ rơi một giọt nước xuống cổ lăn xuống ngực phập phồng hơi thở ngột ngột mồ hôi mùi thân thể người lạ con mắt chong nhìn qua kẻ nách qua màn mưa vòi või về phía chớp nháng ngoằn ngoèo sấm sét đùng đùng nỗi lo người có đến?

Nghĩ ở ngã tư

Đây là ngã tư Cách mạng tháng 8 và Nguyễn thị Minh Khai, ở hai góc đường chéo nhau là hai cửa hàng bán máy tính và các thiết bị vi tính, điện tử, ở hai góc đường còn lại có hai trạm xe buýt. Thường thường tôi đi xe buýt đến trạm dừng phía trước một cơ quan y tế có dựng một tấm bảng quảng bá phòng chống HIV to đùng, rồi đi bộ thêm mấy bước để vào vườn Tao Đàn. Buổi sáng và buổi chiều ở đó đông vui người ta tập thể dục và đi bộ, trong đó có tôi. Tập xong tôi đi bộ trở lại ngã tư, đợi xe buýt về, ở cái trạm chéo góc đường bên kia. Chỗ tôi đứng cách góc đường vài chục mét, xéo xéo cổng một cái chùa Tàu, cũng thuộc loại di tích văn hóa của thành phố, nhưng ít khách vãng lai. Đôi khi để tránh nắng và mùi xú uế ở trạm chờ xe, tôi đứng dưới hiên chùa, thấy ông từ già ngồi ăn cơm một mình. Bên trong chùa thấp và tối, đồ đạc và trang trí có màu chủ đạo là đỏ và đen, đều cũ kỹ, có vẻ rầu rầu. Tôi luôn nhủ thầm, mỗi khi đứng ở cổng chùa nhìn vô, là bữa nào rảnh sẽ vô trong thắp nhang và ngắm kỹ đồ...

Khác

Người ta khác nhau. Điều này dễ đồng ý, bởi vì mỗi người đều tự thấy mình khác người chung quanh, kể cả người thân thiết ruột thịt. Tôi đã quan sát một cặp bạn của mình hơn ba mươi năm, thưở cả hai cùng là bạn học, thấy họ là một cặp lý tưởng: gia đình môn đăng hộ đối, thể hình đều cao ráo xinh đẹp, học lực và ngành nghề, lý tưởng như nhau, và thưở mới yêu nhau đó họ ăn cùng que kem, uống chung ly café đá, chọn cùng hàng vải để may áo. Sau đó họ cưới nhau, sống với nhau cho đến bây giờ, tôi thấy họ vẫn là một cặp thủy chung. Nên tôi chưng hửng khi đứa con trai của họ, năm nay 20 tuổi, nói về ba má của mình: “Hai người là một trời một vực, cháu chưa từng thấy ai mà tính cách, quan điểm, thói quen khác biệt như ba má cháu.” Thì thực ra nhiều cặp vợ chồng khác, nhiều gia đình trong đó anh chị em ruột, thậm chí sinh đôi, cũng rất khác biệt nhau, cho dù đã chia sẻ chung môi trường sống nhiều chục năm, hay từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành. Người ta khác nhau với tư cách những cá...

Nhịp cầu lắt lẻo

Gặp lại đồng nghiệp cũ ở một đám tang, câu chuyện có lẽ vì ảnh hưởng bối cảnh lúc đó nên bi quan. Không phải chuyện thường tình của kiếp người sanh lão bệnh tử, mặc dù câu chuyện quả thực bắt đầu từ đề tài đó. Cách đây một tuần thầy H chồng cô B qua đời sau mấy tháng điều trị khối u trong ruột. Thầy mới sáu mươi mấy tuổi, suýt soát tuổi những người ngồi quanh tôi. Mỗi người giật mình kiểm lại bản thân thì dường như ai cũng có bệnh gì đó, phập phồng lo trời kêu ai nấy dạ. Nhớ đâu mươi năm trước chúng tôi cũng nói những câu chuyện tương tự trong hoàn cảnh tương tự, nhưng nhân vật chính thường là bậc cha mẹ của đồng nghiệp mình. Bây giờ trên sân khấu tử biệt sanh ly là chính những người đồng lứa với mình. Nhưng thôi, mọi người đã cố tránh đề tài đó. Câu chuyện chuyển qua đề tài giáo dục, dù sao chúng tôi cũng là những người thầy, mặc dù là những thầy cô giáo già: Một nửa những người có mặt đã về hưu, một nửa đang dạy đến năm thứ hăm mấy ba mươi trong nghề. Đề tài nóng lúc đó là trao đổi k...

gió đồng bằng

chắc là cây gòn ven sông thả bông lên khoảng trời trống mây bông gòn mây bông gòn bay qua sông qua sông nương gió đồng bằng cây nghiêng ngã tóc rối bời sóng nhồi con thuyền mỏng tang gió giật nón lá xoay tròn chắc là chuyến này người đi xa ngọn gió ngược đầu cứ ngoảnh lại ngày mai có về có về không chắc là mây tan cõi xanh trong gió tản lạc ở phía sông dài đừng nhìn nước rẻ đuôi thuyền nữa kẻo lại tròng trành giấc chiêm bao

Có gì sai?

Dùng thân thể của mình làm phương tiện kiếm tiền thì có gì sai? Thân thể con người, gồm cả đầu mình mắt mũi tay chân, từ ngoài da cho đến các thứ trong bụng, kể cả máu, thận, trứng và tinh trùng. “Dùng để kiếm tiền” là một cụm từ hơi bao quát, nói cụ thể là bán và cho thuê. Theo nghĩa thông thường, “bán” là khi quyền sở hữu sản phẩm được chuyển đổi dứt khoát, chẳng hạn A bán một cái nhà cho B thì A không còn là chủ căn nhà nữa. Nhưng nếu chỉ chuyển đổi quyền sử dụng thì được coi là cho thuê, chẳng hạn B trả tiền để sử dụng căn nhà 1 năm, hết thời hạn đó, căn nhà lại thuộc về A. Khi người xưa nói “bán trôn” thì có lẽ ngụ ý sự “mất đứt” danh dự, phẩm giá của người phụ nữ quan hệ tình dục vì tiền, chứ chính xác thì chị ta chỉ “cho thuê” một bộ phận hoặc toàn thể thân xác mình. Việc phân biệt chữ nghĩa trở nên quan trọng khi cần có những luật định về vấn đề đang là thực tế trong xã hội con người ngày nay: quyền sử dụng thân thể của cá nhân. Cá nhân con người luôn gắn liền với xã hội, tạo ả...

trên sông nước

Hình ảnh
5 giờ sáng thức dậy nghe mưa rào rào sấm sét đì đùng thất vọng quá. Tính chuyến này đi Cần Thơ bằng đường thủy, thì trời lại mưa. Đâu phải mình sợ mưa! Chỉ sợ đang ở giữa sông thì sét đánh. May sao, 6 giờ mưa tạnh. Bèn chạy ra sông coi tình hình ra sao. Thấy sông nước vẫn êm đềm. Thế là đi. Tàu Sàigòn - Cần Thơ nhỏ xíu, gọi là tàu cao tốc, chắc là "speedboat". Nhỏ mà chạy lẹ nên dọc đường hết xăng, phải ghé vô đây đổ. Hình như tàu Sài Gòn - Vũng Tàu mới là tàu cánh ngầm, nó bự, chạy coi phách lắm. Vì không biết bơi nên mình ít dám đi trên sông nước, thấy cái gì cũng lạ. Ai biết cái này là cái gì không? Bảng hiệu này nghĩa là sao? Từ lúc rời bến cho tới khi quẹo vô Tắc Sông Chà, phải len lỏi giữa vô số tàu thuyền. Nghe nói ở Singapore bây giờ tàu hàng hải cũng đậu đầy vì kinh tế khủng hoảng tàu không có hàng chở nên nằm chơi. Không biết tình hình ở đây có giống ở đó không. Gặp nhiều chiếc tàu kiểu này, thấy đẹp, giống như một ngôi nhà lầu bằng gỗ lênh đênh trên sông nước. Coi ...

Tập đi bộ

Đi bộ là một thói quen mà tôi tập được trong thời gian du học. Nói vậy dễ bị bắt bẻ. Vậy chứ ở Việt Nam không có người đi bộ sao? Dĩ nhiên là xứ mình có nhiều người đi bộ: ở nông thôn có lẽ việc đi lại vẫn trông cậy chủ yếu vào đôi chân mỗi người, mà ở thành thị bây giờ phong trào đi bộ như một phương pháp thể dục cũng ngày một thịnh hành. Nhiều người Việt rõ là không cần đi học xa mới biết đi bộ. Hoàn toàn đúng. Đây là tôi nói về đi bộ như một thói quen, của cá nhân tôi, được hình thành trong hoàn cảnh đặc biệt. Cho đến trước khi đi xa, hầu như mọi sự di chuyển ở thành phố tôi sống từ nhỏ đến lớn đều đặt trên hai bánh chiếc xe gắn máy. Hầu như khi ra khỏi nhà, dù ra đầu ngỏ mua một cây kem, hay ra ngoại ô, thậm chí ra bờ biển nghỉ cuối tuần, động tác mặc nhiên của tôi là ngồi lên xe gắn máy, rồi thì hang cùn hẻm cụt nào cũng tới được, mà chân trời góc biển nào cũng (tưởng) tới được tuốt. Khi phải di chuyển một cây số, thậm chí vài trăm mét, mà không có sẵn xe thì kể như pó tay, chứ ...

thời mắc dịch

Tâm trạng đón người ở sân bay là một trạng thái tình cảm pha lẫn thể chất và môi trường phức tạp. Tôi thường để ý, không cần kín đáo lắm vì chẳng ai bận tâm, những người chầu chực ở ngoài vòng rào cửa đến của phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Tôi thử đọc tâm trạng người ta qua những gương mặt im lặng, những ánh mắt đăm chiêu, hay qua những câu chuyện người ta nói với nhau, và qua biểu lộ của động tác thân thể. Rồi tôi khớp những hình ảnh đó với phản ứng của họ khi người mà họ chờ đợi xuất hiện. Đành rằng điều này một phần do méo mó nghề nghiệp, nhưng phần chính vẫn là do tính hấp dẫn tự nhiên của hoạt cảnh trên. Thực vậy, đến một đứa trẻ bảy tám tuổi , cũng bị những hoạt cảnh đó cuốn hút: Hồi cháu tôi còn nhỏ nó mê ra sân bay lắm, ra tới nơi nó cứ trố mắt nhìn hết cảnh tiễn đưa / sum họp này đến cuộc tiễn đưa / sum họp khác một cách say mê y như xem phim hoạt hình. Mà sân khấu tiễn đưa / sum họp ở sân bay Tân Sơn Nhất là nơi diễn ra liên tục các bi hài kịch cả ngày và đêm. Lần nào tôi c...

bồ câu nhà thờ Đức Bà

Có lẽ hàng trăm con. Ước chừng vậy chứ không đếm. Khoảng năm giờ rưởi sáng, xe cộ còn ít, người qua lại không bao nhiêu. Tiếng đọc kinh hay tiếng hát từ trong nhà thờ vang ra chưa bị các âm thanh hỗn tạp lấp mất. Lũ chim bồ câu có vẻ yên tâm thế giới này vẫn bình an tốt đẹp. Một đám bay quanh quẩn trên mấy ngọn tháp, một đám quây quần bên hông, đám đông nhất ở vườn hoa trước nhà thờ, dường như mót lượm bữa điểm tâm. Những con bồ câu dạn dĩ, chân người không khiến chúng sợ. Có kẻ bóp vụn bánh mì nhử chúng. Bầy chim bu lại. Bàn tay vừa cho chúng ăn đưa ra như muốn vuốt ve hay muốn chụp bắt. Không thể biết hành động đó là gì khi nó chưa xảy ra trọn vẹn. Bầy chim hẳn từng có kinh nghiệm xương máu. Rõ ràng chúng lượm những mẫu vụn đồ ăn trong tư thế cảnh giác. Bàn tay gần chạm đến là chúng né ngay, chạy ra xa rồi có lẽ linh cảm bảo chúng hãy bay đi. Ở một khoảng cách xa xa đủ an toàn chúng lại đáp xuống lại loay hoay tìm cái ăn. Thử đặt mình vô cái "kiếp" bồ câu. Chúng vẫn bay, ch...

sáng sớm

Hình ảnh
Rồi mình sẽ nhớ những buổi sáng - khi ngã tư này chưa tới giờ kẹt xe và ông xe ôm đọc báo đứng

Học sống một mình

Có một điều rất riêng tư, tôi bất đắc dĩ tiết lộ. Ấy là từ nhỏ đến lớn, tôi không hề ngủ một mình. Ở nhà thì tôi ngủ chung phòng với em gái. Khi đi dạy, ở nhà tập thể của giáo viên, hôm nào chị bạn cùng phòng không ở lại đêm, tôi ôm mùng gối đi ngủ nhờ phòng khác có người ở lại. Nửa đêm thức giấc mà cảm thấy vắng vẻ một mình, tôi sợ lắm, không ngủ lại được. Có lẽ do nỗi ám ảnh phim ma tôi xem hồi nhỏ. Năm đầu đi học ở Wake Forest tôi ở chung với 7 sinh viên khác trong một căn nhà rất to, nằm trong khu dân cư lân cận chứ không ở trong khuôn viên trường học. Ký túc xá trong trường đa số dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, phần lớn nghiên cứu sinh tự thuê nhà ở ngoài. Ngôi nhà tôi trọ có một bãi đất rộng bên hông đủ chỗ đậu 8 cái xe hơi. Tôi thường nhìn xe trong bãi mà đoán ai đang ở nhà, chứ thường khi ra vô cửa ít gặp gỡ nhau. Mỗi người có một phòng riêng, mỗi phòng có số điện thoại riêng, kết nối internet riêng, và những người khác có tivi riêng trong phòng. Phòng khách chung...

trấn an

Bây giờ anh đang bay qua Thái Bình Dương Ở phi trường quá cảnh có thể đã dựng hàng rào kiểm dịch Dặn anh bình tĩnh dặn anh đừng phát sốt Chúng ta đã bay qua bay lại suốt thời khủng bố khủng hoảng đến dịch cúm Chúng ta không sợ, không hề sợ ngay cả khi khoang máy bay lèo tèo dăm hành khách Chỉ sợ - mà đáng sợ - máy móc không thể nào phân biệt nguyên nhân phát sốt của trái tim.

nỗi niềm xe đạp

Canh đúng ngày dân chúng đi nghỉ lễ ở bờ biển và chỗ khác, tôi đem xe đạp ra chạy nhong nhong, trước là tập thể dục, sau là thăm thú phố phường. Chiếc xe đạp này kiểu mini, là mốt thịnh hành hồi tôi còn là nữ sinh trung học. Năm đó thế giới khủng hoảng xăng dầu, xe hiệu đoàn đưa rước học sinh ngừng hay giảm tuyến đường hoạt động, tôi không nhớ rõ, chỉ biết ba tôi mua một chiếc xe đạp mini cho tôi tự đi học. Thoát được cảnh mỗi ngày hai buổi chờ đợi và chen chúc trong chiếc xe đầy ắp nữ sinh, tôi sung sướng một mình đạp xe phom phom trên lộ trình zic zắc tùy hứng. Bỗng rầm một cái. Tôi được đỡ dậy từ mặt đường nhựa, áo rách, da trầy, còn cái xe đạp thì gãy cổ. Bây giờ không nhớ chắc chuyện gì đã xảy ra hay xảy ra như thế nào. Tất nhiên tôi may mắn còn sống. Nhưng từ mười sáu tuổi, tôi bắt đầu ý thức tự do và hiểm nghèo luôn song hành. Ngay như bây giờ, cẩn thận chạy sát lề đường, gần như lẫn trong những người đi bộ, tôi vẫn hồi hộp, có lúc thắt tim khi vừa trờ tới một đầu hẻm thì một ...

Những ngón tay nhiệm mầu

Bác sĩ Jane Aronson là một chuyên gia y khoa về trẻ con nuôi. Trong hơn 16 năm hành nghề bà đã đến nhiều trại mồ côi trên khắp thế giới và tìm hiểu về những khía cạnh của “xã hội mồ côi”. Trong một bài báo đăng trên The New Tork Times (28/11/2007) bà kể chuyện bà và người bạn đời (một phụ nữ khác) đã nhận nuôi một bé trai Việt Nam, được đặt tên Ben, từ một trại mồ côi khi Ben 18 tuần tuổi. Trước khi gặp đứa bé và thực sự ôm nó vào lòng, bà Jane đã thấy hình chụp Ben, khi đó tên Nguyễn văn Nam, và trái tim bà đã rung động vì nỗi buồn trên gương mặt đứa bé. Ben luôn nghoẻo đầu sang một bên vai, không thể nào giữ đầu cổ thẳng, hai bàn tay Ben luôn nắm chặt, và bé không biết lật. Bác sĩ Aronson không lạ lùng hay kinh dị về điều này. Bà đã từng khám bệnh nhiều đứa trẻ nước ngoài mới được nhận làm con nuôi ở phòng khám của bà tại New York, và đã thực hiện những cuộc nghiên cứu để hiểu tại sao những đứa trẻ đó nhìn bà trân trân mà như không thấy, khi bà chích ngừa chúng hay rút máu chúng đ...

Hẻm Sài Gòn

Sài Gòn có hẻm, mà Cần Thơ hay Hà Nội   hay Đà Nẵng cũng có hẻm. Xem phim "Slumdog Millionaire" thấy mấy con hẻm ở Mumbai không khác gì hẻm xứ mình, cũng hẹp, cũng ngoằn ngoèo, vô tận. Nhà cửa chật chội, xây dựng chệch choạc. Dân cư đông đúc, mức sống thấp. Đại khái đó là kiến thức thông thường về các con hẻm ở đô thị.   Nơi tập trung những con hẻm đó có khi gọi là "khu ổ chuột", hoặc "xóm nhà lá". "Xóm nhà lá" là một từ   rất tượng hình đối với tôi, theo nghĩa đen: một xóm mươi nóc nhà bằng lá chen chúc nương tựạ nhau, đặc biệt nổi bật vì chúm chụm nhau cạnh những ngôi nhà xây gạch lợp ngói khang trang. Đó là cái xóm hồi gia đình tôi mới tản cư lên Sài Gòn, thời chiến tranh. Nó ở phía sau bệnh viện Triều Châu (nay là An Bình). Trên mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo người ta dựng mấy gian nhà bằng lá dừa nước, mái lợp lá, vách dừng bằng lá, để cho những người mới nhập cư ở tạm. Tâm thế của người tản cư là chỉ ở tạm một thời gian rồi hoặc về nhà cũ ...

post thử bằng email

Hình ảnh
Cái này làm nháp, để xem tính năng post bằng cách gởi qua email như thế nào. Để kèm luôn một cái hình coi ra sao.

kỷ năng giao lưu văn hóa

(bài tiếp theo trong ghi chép hồi đi du học) Một khóa “Pre-academic” là khóa học ngắn từ vài tuần đến vài tháng chuẩn bị cho du học sinh trước khi vào chính khóa ở trường đại học - nơi không có đối xử phân biệt, không có ưu tiên chiếu cố gì, nơi mình sẽ tranh đua với đa số là sinh viên bản xứ, vốn quen thuộc với hệ thống giáo dục, môi trường sinh hoạt, và ngôn ngữ mẹ đẻ, mọi thứ vốn là “nhà” của chúng. Mình là “khách”, về sau trong nghiên cứu học tập chưa chắc mèo nào cắn mĩu nào, nhưng buổi ban đầu có sự chuẩn bị để vượt qua những khác biệt ngôn ngữ và văn hóa rất cần thiết. Trường chính thức mà tôi sẽ đến học 2 năm cao học là đại học Wake Forest ở tiểu bang North Carolina, nhưng khóa “pre-academic” 3 tuần thì ở đại học Loyola ở New Orleans, bang Louisiana. Tháng 7, khi tôi đến New Orleans, trời nóng không thua gì Sài Gòn, cây cối xanh tốt, những con đường quanh trường rợp bóng cây cổ thụ, và nhà cửa bên đường gợi liên tưởng đến những khu nhà Tây ở quận nhứt quận ba. Loyola là một tr...

bông lài cặm bãi cứt trâu

Hôm nay là ngày đẹp trời, không nắng không mưa, giữa trưa ra đứng ngoài hành lang hứng được một tý gió. Vào nhà mở máy tính bỗng dưng vô được lylan.blogspot.com. Mình bị cấm cửa nhà này gần hai tuần nay, không biết tại sao. Năm ngoái, bị trục trặc tương tự, bèn nghe lời người ta sắm tên miền riêng là lylan.info. Xài được một năm thì tới hạn nộp thêm tiền, nhưng mình không (biết cách) nộp, nên ... mất bảng hiệu, quay về lylan.blogspot.com như cũ. Chủ trương của mình là nếu có thể thì xài blog tự do và miễn phí. Hình như hai tiêu chí này bây giờ khó đi đôi với nhau. Hai tuần trước lại bị chặn đầu chặn đuôi, bực quá dọn nhà qua ghichep.multiply.com . Thật ra thì vẫn thông qua proxy mà vô được blogspot và nhiều thứ bị tường lửa khác, coi như không có vấn đề gì, nhưng thấy bạn bè rủ rê qua multiply thì cũng qua chơi. Mình ham vui, đụng đâu chơi đó mà. Thấy multiply cho cross-post, tưởng post qua post lại được, nhưng hóa ra nó chỉ cho post mmột chiều từ blogger sang multply. Hay là tại mình ...