Có gì sai?
Dùng thân thể của mình làm phương tiện kiếm tiền thì có gì sai?
Thân thể con người, gồm cả đầu mình mắt mũi tay chân, từ ngoài da cho đến các thứ trong bụng, kể cả máu, thận, trứng và tinh trùng.
“Dùng để kiếm tiền” là một cụm từ hơi bao quát, nói cụ thể là bán và cho thuê. Theo nghĩa thông thường, “bán” là khi quyền sở hữu sản phẩm được chuyển đổi dứt khoát, chẳng hạn A bán một cái nhà cho B thì A không còn là chủ căn nhà nữa. Nhưng nếu chỉ chuyển đổi quyền sử dụng thì được coi là cho thuê, chẳng hạn B trả tiền để sử dụng căn nhà 1 năm, hết thời hạn đó, căn nhà lại thuộc về A. Khi người xưa nói “bán trôn” thì có lẽ ngụ ý sự “mất đứt” danh dự, phẩm giá của người phụ nữ quan hệ tình dục vì tiền, chứ chính xác thì chị ta chỉ “cho thuê” một bộ phận hoặc toàn thể thân xác mình. Việc phân biệt chữ nghĩa trở nên quan trọng khi cần có những luật định về vấn đề đang là thực tế trong xã hội con người ngày nay: quyền sử dụng thân thể của cá nhân.
Cá nhân con người luôn gắn liền với xã hội, tạo ảnh hưởng qua lại và chịu sự chi phối của các hệ thống giá trị trong cộng đồng hay xã hội bao gồm cá nhân đó. Vì những giá trị văn hóa mà hoạt động “bán trôn” bị coi là xấu xa, bị lên án và cấm đoán; trong khi làm “vú em” thì nhận được sự cảm thông, thậm chí quí mến. Làm “vú em” là bán sữa (bộ phận thân thể) của mình cùng sự bồng ẳm, dỗ dành đứa trẻ. Cơ bản, hai việc đó đều là dùng đặc thù thân thể nữ để mưu sinh, khi người nữ không có sinh kế nào khác, xảy ra phổ biến trong xã hội đàn ông chiếm ưu thế thống trị, nên hệ thống giá trị xã hội được thiết lập chủ yếu theo quan điểm của đàn ông. Quan điểm đó coi phụ nữ cơ bản là phương tiện duy trì nòi giống, do vậy “bán trôn” phi đạo đức vì hoạt đồng đó không nhằm sản sinh kẻ nối dõi, còn “vú em” phù hợp đạo đức vì nuôi dưỡng sự sống trẻ thơ.
Hệ thống giá trị đó vẫn còn vững vàng trong phần lớn xã hội con người ngày nay. Nhưng tiến bộ khoa học kỷ thuật trong những thập niên gần đây đã đặt ra những thách thức lớn, gây tranh cãi chưa ngã ngũ, báo hiệu sự thay đổi trong hệ thống giá trị đó tất yếu sẽ diễn ra. Vấn đề là như thế nào thôi.
Chẳng hạn, khi các nhà khoa học thành công trong việc tách trứng của người nữ ra, bảo quản, thụ tinh bên ngoài, rồi chuyển vào tử cung để bào thai phát triển, giúp cho nhiều người có được hạnh phúc làm cha mẹ, việc hiến tặng trứng và tinh trùng được coi là hành động cao thượng. Nhu cầu về trứng và tinh trùng tăng cao, trong đó có những người đồng tính luyến ái có nhu cầu tạo dựng gia đình truyền thống, hay những người độc thân, lớn tuổi, hoặc có những vấn đề hay lý do cá biệt. Hiến tặng trứng và tinh trùng, cũng giống như hiến máu, không còn thuần túy “nhân đạo” nữa, mà nếu gọi chính xác thì phải dùng động từ “bán”. Minh chứng: Ở mọi nơi, ngay cả ở Âu Mỹ, “hiến tặng” các bộ phận thân thể đều có “bồi dưỡng”. Do nhu cầu tăng, tiền bồi dưỡng người hiến tặng trứng cũng tăng, hiện nay một cái trứng hiến tặng ở Mỹ giá 5.000 đô. Nhưng giá hiến tinh trùng chỉ 60 đô. Thống kê cho thấy số người hiến trứng tăng khi số tiền bồi dưỡng tăng, còn với 60 đô thì số người hiến tinh trùng giảm đi rõ rệt.
Vậy nói “hiến tặng” hay “bán” cho đúng thực chất? Vấn đề không hoàn toàn nằm ở đó. Ngày nay người ta đã dùng từ “bán” một số bộ phận thân thể (thận, mắt …) mà không gây dị ứng lắm. Nói cho cùng việc một người nghèo Ấn độ bán một quả thận cho một người giàu Nhật thì dù xảy ra bi kịch hay kết thúc có hậu thì cũng chỉ liên quan đến hai nhân vật trong cuộc, về phương diện xã hội điều đó chỉ gây nhức nhối về bất công của cải.
Nhưng khi người ta vì bất kỳ lý do gì cho/bán đi trứng hay tinh trùng của mình, thì hệ lụy của hành động đó không chỉ giới hạn trong bản thân người cho/bán và nhận/mua. Những con người ra đời từ sự kết hợp giữa một cái trứng và/ hay một tinh trùng của “người hiến tặng vô danh” với ký hiệu A534 hay Z123 gì đó, giả dụ được thừa hưởng một nền giáo dục phóng khoáng, không bận tâm “cội nguồn” di truyền thực sự của mình, không gặp vấn đề tâm lý đáng kể, thì vẫn có sự bất ổn gì đó mà người ta bắt đầu nhận ra. Thế hệ đầu tiên được chào đời “trong ống nghiệm” đã bắt đầu tìm kiếm những người cha và người mẹ “sinh học” cùng những anh chị “ruột” của mình.
Khi bán đi vài trăm cc máu hay một trái thận, người ta có thể tự an ủi là mình đang cứu một người nào đó. Khi bán đi cái trứng hay tinh trùng, người ta cũng có thể tự an ủi là mình đang giúp cho kẻ khác được làm cha làm mẹ. Nhưng sự đời khổ thay lại không đơn giản như vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Yêu Trẻ)
Thân thể con người, gồm cả đầu mình mắt mũi tay chân, từ ngoài da cho đến các thứ trong bụng, kể cả máu, thận, trứng và tinh trùng.
“Dùng để kiếm tiền” là một cụm từ hơi bao quát, nói cụ thể là bán và cho thuê. Theo nghĩa thông thường, “bán” là khi quyền sở hữu sản phẩm được chuyển đổi dứt khoát, chẳng hạn A bán một cái nhà cho B thì A không còn là chủ căn nhà nữa. Nhưng nếu chỉ chuyển đổi quyền sử dụng thì được coi là cho thuê, chẳng hạn B trả tiền để sử dụng căn nhà 1 năm, hết thời hạn đó, căn nhà lại thuộc về A. Khi người xưa nói “bán trôn” thì có lẽ ngụ ý sự “mất đứt” danh dự, phẩm giá của người phụ nữ quan hệ tình dục vì tiền, chứ chính xác thì chị ta chỉ “cho thuê” một bộ phận hoặc toàn thể thân xác mình. Việc phân biệt chữ nghĩa trở nên quan trọng khi cần có những luật định về vấn đề đang là thực tế trong xã hội con người ngày nay: quyền sử dụng thân thể của cá nhân.
Cá nhân con người luôn gắn liền với xã hội, tạo ảnh hưởng qua lại và chịu sự chi phối của các hệ thống giá trị trong cộng đồng hay xã hội bao gồm cá nhân đó. Vì những giá trị văn hóa mà hoạt động “bán trôn” bị coi là xấu xa, bị lên án và cấm đoán; trong khi làm “vú em” thì nhận được sự cảm thông, thậm chí quí mến. Làm “vú em” là bán sữa (bộ phận thân thể) của mình cùng sự bồng ẳm, dỗ dành đứa trẻ. Cơ bản, hai việc đó đều là dùng đặc thù thân thể nữ để mưu sinh, khi người nữ không có sinh kế nào khác, xảy ra phổ biến trong xã hội đàn ông chiếm ưu thế thống trị, nên hệ thống giá trị xã hội được thiết lập chủ yếu theo quan điểm của đàn ông. Quan điểm đó coi phụ nữ cơ bản là phương tiện duy trì nòi giống, do vậy “bán trôn” phi đạo đức vì hoạt đồng đó không nhằm sản sinh kẻ nối dõi, còn “vú em” phù hợp đạo đức vì nuôi dưỡng sự sống trẻ thơ.
Hệ thống giá trị đó vẫn còn vững vàng trong phần lớn xã hội con người ngày nay. Nhưng tiến bộ khoa học kỷ thuật trong những thập niên gần đây đã đặt ra những thách thức lớn, gây tranh cãi chưa ngã ngũ, báo hiệu sự thay đổi trong hệ thống giá trị đó tất yếu sẽ diễn ra. Vấn đề là như thế nào thôi.
Chẳng hạn, khi các nhà khoa học thành công trong việc tách trứng của người nữ ra, bảo quản, thụ tinh bên ngoài, rồi chuyển vào tử cung để bào thai phát triển, giúp cho nhiều người có được hạnh phúc làm cha mẹ, việc hiến tặng trứng và tinh trùng được coi là hành động cao thượng. Nhu cầu về trứng và tinh trùng tăng cao, trong đó có những người đồng tính luyến ái có nhu cầu tạo dựng gia đình truyền thống, hay những người độc thân, lớn tuổi, hoặc có những vấn đề hay lý do cá biệt. Hiến tặng trứng và tinh trùng, cũng giống như hiến máu, không còn thuần túy “nhân đạo” nữa, mà nếu gọi chính xác thì phải dùng động từ “bán”. Minh chứng: Ở mọi nơi, ngay cả ở Âu Mỹ, “hiến tặng” các bộ phận thân thể đều có “bồi dưỡng”. Do nhu cầu tăng, tiền bồi dưỡng người hiến tặng trứng cũng tăng, hiện nay một cái trứng hiến tặng ở Mỹ giá 5.000 đô. Nhưng giá hiến tinh trùng chỉ 60 đô. Thống kê cho thấy số người hiến trứng tăng khi số tiền bồi dưỡng tăng, còn với 60 đô thì số người hiến tinh trùng giảm đi rõ rệt.
Vậy nói “hiến tặng” hay “bán” cho đúng thực chất? Vấn đề không hoàn toàn nằm ở đó. Ngày nay người ta đã dùng từ “bán” một số bộ phận thân thể (thận, mắt …) mà không gây dị ứng lắm. Nói cho cùng việc một người nghèo Ấn độ bán một quả thận cho một người giàu Nhật thì dù xảy ra bi kịch hay kết thúc có hậu thì cũng chỉ liên quan đến hai nhân vật trong cuộc, về phương diện xã hội điều đó chỉ gây nhức nhối về bất công của cải.
Nhưng khi người ta vì bất kỳ lý do gì cho/bán đi trứng hay tinh trùng của mình, thì hệ lụy của hành động đó không chỉ giới hạn trong bản thân người cho/bán và nhận/mua. Những con người ra đời từ sự kết hợp giữa một cái trứng và/ hay một tinh trùng của “người hiến tặng vô danh” với ký hiệu A534 hay Z123 gì đó, giả dụ được thừa hưởng một nền giáo dục phóng khoáng, không bận tâm “cội nguồn” di truyền thực sự của mình, không gặp vấn đề tâm lý đáng kể, thì vẫn có sự bất ổn gì đó mà người ta bắt đầu nhận ra. Thế hệ đầu tiên được chào đời “trong ống nghiệm” đã bắt đầu tìm kiếm những người cha và người mẹ “sinh học” cùng những anh chị “ruột” của mình.
Khi bán đi vài trăm cc máu hay một trái thận, người ta có thể tự an ủi là mình đang cứu một người nào đó. Khi bán đi cái trứng hay tinh trùng, người ta cũng có thể tự an ủi là mình đang giúp cho kẻ khác được làm cha làm mẹ. Nhưng sự đời khổ thay lại không đơn giản như vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Yêu Trẻ)