Hẻm Sài Gòn

Sài Gòn có hẻm, mà Cần Thơ hay Hà Nội  hay Đà Nẵng cũng có hẻm. Xem phim "Slumdog Millionaire" thấy mấy con hẻm ở Mumbai không khác gì hẻm xứ mình, cũng hẹp, cũng ngoằn ngoèo, vô tận. Nhà cửa chật chội, xây dựng chệch choạc. Dân cư đông đúc, mức sống thấp. Đại khái đó là kiến thức thông thường về các con hẻm ở đô thị.  Nơi tập trung những con hẻm đó có khi gọi là "khu ổ chuột", hoặc "xóm nhà lá".

"Xóm nhà lá" là một từ  rất tượng hình đối với tôi, theo nghĩa đen: một xóm mươi nóc nhà bằng lá chen chúc nương tựạ nhau, đặc biệt nổi bật vì chúm chụm nhau cạnh những ngôi nhà xây gạch lợp ngói khang trang. Đó là cái xóm hồi gia đình tôi mới tản cư lên Sài Gòn, thời chiến tranh. Nó ở phía sau bệnh viện Triều Châu (nay là An Bình). Trên mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo người ta dựng mấy gian nhà bằng lá dừa nước, mái lợp lá, vách dừng bằng lá, để cho những người mới nhập cư ở tạm.

Tâm thế của người tản cư là chỉ ở tạm một thời gian rồi hoặc về nhà cũ hoặc tìm nơi ở mới ổn định, nên cũng không nề hà sự tạm bợ, chấp nhận thiếu thốn tiện nghi, cũng không cần đầu tư cải thiện, không muốn gắn bó lâu dài. Quả thực, một số gia đình tạm trú một thời gian là dọn đi nơi khác. Ngay lập tức, nhà có người mới dọn đến ở. Tuy có thay đổi, nhưng con số gia đình ở lại hóa ra vẫn chiếm đa số.

Họ đơn giản là không thể dọn đi đâu khác, dù có muốn hay không. Cuộc chiến không diễn ra một hai tháng hay dăm bảy ngày, mà kéo dài từ năm này sang năm nọ. Người ta phải mưu sinh, dù là gian nhà lá chật chội, có vẫn hơn không, vừa làm nơi để ngủ, vừa làm nơi cất gánh hàng rong, kiêm nơi chế biến, sản xuất hàng hóa rẻ tiền. Trẻ con vẫn chào đời, đông đúc, nên chúng có bạn bè, có tuổi thơ, dù bên dòng nước đen, và chúng cũng lớn lên, và trong ký ức của người lớn thì tuổi thơ ở đâu ở đó là quê hương.

Có những thế hệ dân đô thị mà "quê hương" cụ thể là một con hẻm, một "xóm nhà lá". Thực ra, nếu "xóm nhà lá" giữ được nguyên trạng ban đầu thì cũng dễ thương. Nhưng lá mau mục. Người ta thay dần bằng những tấm tôn hay thiếc, vách được chấp vá bằng những mảnh ván thùng,  ván ép,  hay thùng cạc tông ép dẹp. Cũng có người sắm được vật liệu bền và mới, nhưng đa số phải đối phó với từng chỗ dột, từng mảng vách lủng,bằng cách có gì xài nấy. Trong lúc đi bán hàng rong, họ lượm được cái thùng rỗng, về nhà ép dẹp xuống, đấp lên cái lỗ thủng trên nóc, hay kê de ra hàng hiên một chút để đặt cái ông lò. Nhà ngày một đông môt chật, người ta cứ lấn dần ra từng chút, rốt cuộc con hẻm chỉ còn vừa đủ cho một người đi lọt.

Bọn trẻ trong hẻm lớn lên thành lực lượng lao động chính, buôn bán thành thạo hơn lớp cha mẹ gốc nông thôn, môt số học hành khá, có trình độ, tay nghề, hay bằng cấp, kiếm được việc làm ổn định và thu nhập khá hơn nghề hàng rong hay gia công của cha mẹ. Một số thoát ra được cuộc sống trong hẻm, "ra mặt tiền",  hoặc ra cả nước ngoài. Nhưng một số, vẫn là số đông, tiếp tục cuộc đời trong hẻm, mà do sinh trưởng và lớn lên nơi đó, họ đã "quen", thậm chí coi hẻm là một không gian xã hội hiển nhiên, một phần của đô thị mà họ mặc định mình là thành viên. Những năm đô thị phát triển, con hẻm của tôi cũng thay đổi. Bây giờ hầu như tất cả các căn nhà đều xây gạch, xây lầu đúc, có nhà đúc ba bốn tầng, trên diện tích đất hai ba chục mét vuông. Mặt đường hẻm cũng được tráng xi măng. Đi qua hẻm, đã thấy nét khang trang đô thị.

Đó là những con hẻm ở trong lòng Sài Gòn, hay ít ra ở những vị trí "cận kề" những khu thương mại mà mỗi thước đất tệ gì cũng cả cây vàng. Tệ gì cũng là dân thành phố. Hai ba chục mét vuông trong hẻm ở quận 5 hay quận 3 cũng đủ khiến cho chủ nhân tự hào một cách chính đáng đàng hoàng là dân Sài Gòn, chánh gốc, cố cựu: sanh ra, lớn lên và sống cả đời tại Sài Gòn mà. Họ đã nghiễm nhiên trở thành người Sài Gòn có hộ khẩu gốc. Một số bắt đầu phàn nàn về những "xóm nhà lá", những "khu ổ chuột" mới, nơi di dân kinh tế chen chúc mưu sinh.

Không am hiểu về qui hoạch đô thị, tôi không có ý kiến về việc thanh toán những khu ổ chuột và xóm nhà lá bằng xây chung cư, mở rộng những con hẻm thành đại lộ, vv. Chỉ là người đã lớn lên từ một con hẻm Sài Gòn, khi nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của con hẻm, tôi nghĩ có những tầng trầm tích văn hóa đã lắng đọng sau bao biến động lịch sử , đổi thay xã hội, trong những con hẻm Sài Gòn của tôi. Và ở trong vô số những con hẻm khác ở ngoại ô Sài Gòn hiện đang diễn ra, lập lại và biến tấu quá trình đó. Một đề tài thú vị.

 

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222