thời mắc dịch
Tâm trạng đón người ở sân bay là một trạng thái tình cảm pha lẫn thể chất và môi trường phức tạp. Tôi thường để ý, không cần kín đáo lắm vì chẳng ai bận tâm, những người chầu chực ở ngoài vòng rào cửa đến của phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Tôi thử đọc tâm trạng người ta qua những gương mặt im lặng, những ánh mắt đăm chiêu, hay qua những câu chuyện người ta nói với nhau, và qua biểu lộ của động tác thân thể. Rồi tôi khớp những hình ảnh đó với phản ứng của họ khi người mà họ chờ đợi xuất hiện. Đành rằng điều này một phần do méo mó nghề nghiệp, nhưng phần chính vẫn là do tính hấp dẫn tự nhiên của hoạt cảnh trên. Thực vậy, đến một đứa trẻ bảy tám tuổi , cũng bị những hoạt cảnh đó cuốn hút: Hồi cháu tôi còn nhỏ nó mê ra sân bay lắm, ra tới nơi nó cứ trố mắt nhìn hết cảnh tiễn đưa / sum họp này đến cuộc tiễn đưa / sum họp khác một cách say mê y như xem phim hoạt hình.
Mà sân khấu tiễn đưa / sum họp ở sân bay Tân Sơn Nhất là nơi diễn ra liên tục các bi hài kịch cả ngày và đêm. Lần nào tôi có mặt ở đó cũng đông đúc người ta – tình trạng chen lấn trong nóng bức được cải thiện đáng kể từ khi ga quốc tế được chuyển sang khu vực mới xây. Ở đây có ghế ngồi, dù không đủ, nhưng có mái che, rộng rãi và thoáng gió - Lần vừa rồi, tuần lễ trước Tết, cảnh đông đúc ở phi trường đã khiến tôi ngợp. Nên lần này đi đón chồng về tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng: khẩu trang, khăn giấy, nước đóng chai, thuốc cảm cúm, điện thoại di động nạp sẵn những số cần gọi khi xảy ra tình huống xấu có thể tưởng tượng trước. Đang thời dịch cúm mà (WHO vẫn giữ mức cảnh báo 5/6, và chồng tôi đến từ khu vực được coi là ổ cúm!)
Mới đêm trước xem tivi thấy cảnh công an Hồng Kông đứng gác một khách sạn nơi 300 người bị cách ly vì có một vị khách bị nhiễm H1N1. Rồi đọc trên internet có trường hợp khách đến từ vùng dịch không được nước nọ cho nhập cảnh, thậm chí không cho quá cảnh, bị ở trên máy bay cho đến khi quay về … chốn cũ. Từ hồi máy bay bị sử dụng làm vũ khí tấn công, đi máy bay phập phồng lắm. Khả năng chiếc máy bay của mình đi vào lịch sử bằng cách lao vào một tòa cao ốc là có thể, nhưng xác suất là rất rất rất thấp so với tai nạn xe đò lao vào xe lửa ở xứ mình. Nhưng vì nỗi sợ ám ảnh, người ta cảnh giác quá cao, và nhân danh an ninh tập thể người ta cho phép một số cơ quan và một số người nhiều quyền lực quá mức, khiến cho người bình thường có thể bị … xui xẻo oan mạng.
Chẳng hạn bà nọ vì trễ chuyến bay đã cự nự nhoi lên, bà bèn bị coi là phần tử có thể nguy hiểm, bị nhốt vô phòng cách ly; ở trong đó một mình, bà tức quá , hay sợ quá, chết luôn. Còn ông nọ, quen miệng lầm bầm “Ông bắn cho một phát là xong” khi có điều bất như ý. Ngồi trên máy bay mà ông không chịu sửa tật. Dè đâu máy bay có nhân viên chống khủng bố đi cùng hành khách. Ông nọ lập tức bị nhân viên này kèm sát chuyến bay, và khi máy bay vừa đáp xuống đất, ông ta bị còng tay dẫn đi tức thì! Những chuyện này tôi nhớ đại khái theo tin tức mình đọc khi việc xảy ra. Chi tiết sự việc phôi phai nhưng nỗi sợ thì đậm dần. Mỗi lần đi máy bay là tôi bỗng ngoan hiền, đi đứng đoan trang, nói năng tử tế, mà vẫn phập phồng sợ tai bay họa gởi … trúng mình.
Dịch cúm hiện nay cũng khiến người ta hoảng sợ không kém khủng bố. Đứng đợi chồng ở sân bay tôi cứ phập phồng lo. Ổng có tật khó ngủ, kể như từ lúc rời nhà cho đến khi đến nơi, tính gộp hăm mấy tiếng đồng hồ đi trên bộ lẫn trên không, coi như thức trắng mà nghĩ ngợi lo lắng đủ thứ chuyện thuộc tầm vũ trụ. Cho nên bao giờ ổng đến nơi cũng bị nhức đầu, mệt mỏi, và quạu quọ. Chỉ cần về nhà ngủ một giấc là tỉnh táo dễ thương ngay. Nhưng ấy là chồng mình mình biết, làm sao nhân viên kiểm dịch hải quan biết? Nhức đầu mệt mỏi đều là triệu chứng cúm. Ổng lại đến từ vùng dịch. Tôi thấy khả năng ổng bị cách ly không đến nỗi nào, nhưng gặp rắc rối (vì quạu quọ) thì dám có nguy cơ to lắm.
Không khí sân bay càng khiến tôi rầu rĩ thêm. Người đi đón thưa thớt. Các chuyến bay đến cũng thưa thớt. Rồi hành khách đi ra cửa cũng thưa thớt. Tôi biết khủng hoàng kinh tế đã khiến cho việc đi lại quốc tế suy giảm. Nay thêm trận dịch này nữa. Tôi không đến nỗi ngạc nhiên khi thấy sân bay vắng vẻ. Nhưng không sao ngăn được sự thưa vắng ấy ảnh hưởng đến tinh thần của mình. Tôi đứng ở sân bay mà buồn buồn lo lo. Nhưng kìa, người mình đợi đã đến!
Mừng quá. Hỏi thăm chuyến bay thế nào, ông bảo máy bay còn nhiều trống, chỗ ngồi rộng rãi, không khí im lìm, lẽ ra là điều kiện tốt để ngủ ngon, nhưng ông không ngủ và chắc nhiều người cũng vậy. Ở phi trường quá cảnh Đài Bắc vắng teo, ngoài nhân viên hải quan và an ninh không có ai khác, tuy phải làm thủ tục kiểm dịch, nhưng không có những cảnh căng thẳng thần kinh như đã hình dung trước đó. Ở Tân Sơn Nhất cũng vậy, hành khách ít, thủ tục nhập cảnh trở nên nhanh. Ở hai phi trường này đều phát những tờ bướm thông tin tuyên truyền về cúm H1N1, ông bèn thu thập tất cả những tờ này để làm tư liệu. Theo đó, người ta nên đeo khẩu trang và rửa tay để phòng cúm. Nhưng hầu như chỉ có nhân viên y tế và hải quan đeo khẩu trang mà thôi. Có lẽ những người khác đều đã biết là thực ra khẩu trang đâu có ngăn được virus cúm!
Dù vậy, tôi cũng phát cho chồng một cái khẩu trang để đi qua đường phố Sài Gòn, không chỉ để đối phó với H1N1, mà với khói bụi và đủ thứ khác trong không khí. Được hỏi thăm sức khỏe thế nào, tôi nói tôi vừa xong trận cúm, coi như khỏe. Ông chồng sửng sốt: Cúm gì? Tôi không biết. Mỗi lần bị cảm cúm thì cứ theo phương pháp dân gian là ăn cháo giải cảm (thật nhiều hành, tiêu, ớt, tỏi!) rồi cạo gió, xông hơi, chứ đi vô bệnh viện rủi bị cách ly thêm bực mình. Ban đầu tôi ngại gặp thiên hạ, sợ lây cho người ta, chẳng đặng đừng phải gặp ai, tôi đều thông báo mình đang bị cúm. Người ta tỉnh bơ nói: không sao, họ cũng đã / đang bị. Lại còn trấn an tôi là ở đây ai cũng bị cúm, người ta không lây từ mình thì lây từ người khác, mình đừng lo, với lại cúm kiết là chuyện nhỏ, nhà văn cũng nên cúm cho biết kinh nghiệm sống qua thời mắc dịch.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
Mà sân khấu tiễn đưa / sum họp ở sân bay Tân Sơn Nhất là nơi diễn ra liên tục các bi hài kịch cả ngày và đêm. Lần nào tôi có mặt ở đó cũng đông đúc người ta – tình trạng chen lấn trong nóng bức được cải thiện đáng kể từ khi ga quốc tế được chuyển sang khu vực mới xây. Ở đây có ghế ngồi, dù không đủ, nhưng có mái che, rộng rãi và thoáng gió - Lần vừa rồi, tuần lễ trước Tết, cảnh đông đúc ở phi trường đã khiến tôi ngợp. Nên lần này đi đón chồng về tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng: khẩu trang, khăn giấy, nước đóng chai, thuốc cảm cúm, điện thoại di động nạp sẵn những số cần gọi khi xảy ra tình huống xấu có thể tưởng tượng trước. Đang thời dịch cúm mà (WHO vẫn giữ mức cảnh báo 5/6, và chồng tôi đến từ khu vực được coi là ổ cúm!)
Mới đêm trước xem tivi thấy cảnh công an Hồng Kông đứng gác một khách sạn nơi 300 người bị cách ly vì có một vị khách bị nhiễm H1N1. Rồi đọc trên internet có trường hợp khách đến từ vùng dịch không được nước nọ cho nhập cảnh, thậm chí không cho quá cảnh, bị ở trên máy bay cho đến khi quay về … chốn cũ. Từ hồi máy bay bị sử dụng làm vũ khí tấn công, đi máy bay phập phồng lắm. Khả năng chiếc máy bay của mình đi vào lịch sử bằng cách lao vào một tòa cao ốc là có thể, nhưng xác suất là rất rất rất thấp so với tai nạn xe đò lao vào xe lửa ở xứ mình. Nhưng vì nỗi sợ ám ảnh, người ta cảnh giác quá cao, và nhân danh an ninh tập thể người ta cho phép một số cơ quan và một số người nhiều quyền lực quá mức, khiến cho người bình thường có thể bị … xui xẻo oan mạng.
Chẳng hạn bà nọ vì trễ chuyến bay đã cự nự nhoi lên, bà bèn bị coi là phần tử có thể nguy hiểm, bị nhốt vô phòng cách ly; ở trong đó một mình, bà tức quá , hay sợ quá, chết luôn. Còn ông nọ, quen miệng lầm bầm “Ông bắn cho một phát là xong” khi có điều bất như ý. Ngồi trên máy bay mà ông không chịu sửa tật. Dè đâu máy bay có nhân viên chống khủng bố đi cùng hành khách. Ông nọ lập tức bị nhân viên này kèm sát chuyến bay, và khi máy bay vừa đáp xuống đất, ông ta bị còng tay dẫn đi tức thì! Những chuyện này tôi nhớ đại khái theo tin tức mình đọc khi việc xảy ra. Chi tiết sự việc phôi phai nhưng nỗi sợ thì đậm dần. Mỗi lần đi máy bay là tôi bỗng ngoan hiền, đi đứng đoan trang, nói năng tử tế, mà vẫn phập phồng sợ tai bay họa gởi … trúng mình.
Dịch cúm hiện nay cũng khiến người ta hoảng sợ không kém khủng bố. Đứng đợi chồng ở sân bay tôi cứ phập phồng lo. Ổng có tật khó ngủ, kể như từ lúc rời nhà cho đến khi đến nơi, tính gộp hăm mấy tiếng đồng hồ đi trên bộ lẫn trên không, coi như thức trắng mà nghĩ ngợi lo lắng đủ thứ chuyện thuộc tầm vũ trụ. Cho nên bao giờ ổng đến nơi cũng bị nhức đầu, mệt mỏi, và quạu quọ. Chỉ cần về nhà ngủ một giấc là tỉnh táo dễ thương ngay. Nhưng ấy là chồng mình mình biết, làm sao nhân viên kiểm dịch hải quan biết? Nhức đầu mệt mỏi đều là triệu chứng cúm. Ổng lại đến từ vùng dịch. Tôi thấy khả năng ổng bị cách ly không đến nỗi nào, nhưng gặp rắc rối (vì quạu quọ) thì dám có nguy cơ to lắm.
Không khí sân bay càng khiến tôi rầu rĩ thêm. Người đi đón thưa thớt. Các chuyến bay đến cũng thưa thớt. Rồi hành khách đi ra cửa cũng thưa thớt. Tôi biết khủng hoàng kinh tế đã khiến cho việc đi lại quốc tế suy giảm. Nay thêm trận dịch này nữa. Tôi không đến nỗi ngạc nhiên khi thấy sân bay vắng vẻ. Nhưng không sao ngăn được sự thưa vắng ấy ảnh hưởng đến tinh thần của mình. Tôi đứng ở sân bay mà buồn buồn lo lo. Nhưng kìa, người mình đợi đã đến!
Mừng quá. Hỏi thăm chuyến bay thế nào, ông bảo máy bay còn nhiều trống, chỗ ngồi rộng rãi, không khí im lìm, lẽ ra là điều kiện tốt để ngủ ngon, nhưng ông không ngủ và chắc nhiều người cũng vậy. Ở phi trường quá cảnh Đài Bắc vắng teo, ngoài nhân viên hải quan và an ninh không có ai khác, tuy phải làm thủ tục kiểm dịch, nhưng không có những cảnh căng thẳng thần kinh như đã hình dung trước đó. Ở Tân Sơn Nhất cũng vậy, hành khách ít, thủ tục nhập cảnh trở nên nhanh. Ở hai phi trường này đều phát những tờ bướm thông tin tuyên truyền về cúm H1N1, ông bèn thu thập tất cả những tờ này để làm tư liệu. Theo đó, người ta nên đeo khẩu trang và rửa tay để phòng cúm. Nhưng hầu như chỉ có nhân viên y tế và hải quan đeo khẩu trang mà thôi. Có lẽ những người khác đều đã biết là thực ra khẩu trang đâu có ngăn được virus cúm!
Dù vậy, tôi cũng phát cho chồng một cái khẩu trang để đi qua đường phố Sài Gòn, không chỉ để đối phó với H1N1, mà với khói bụi và đủ thứ khác trong không khí. Được hỏi thăm sức khỏe thế nào, tôi nói tôi vừa xong trận cúm, coi như khỏe. Ông chồng sửng sốt: Cúm gì? Tôi không biết. Mỗi lần bị cảm cúm thì cứ theo phương pháp dân gian là ăn cháo giải cảm (thật nhiều hành, tiêu, ớt, tỏi!) rồi cạo gió, xông hơi, chứ đi vô bệnh viện rủi bị cách ly thêm bực mình. Ban đầu tôi ngại gặp thiên hạ, sợ lây cho người ta, chẳng đặng đừng phải gặp ai, tôi đều thông báo mình đang bị cúm. Người ta tỉnh bơ nói: không sao, họ cũng đã / đang bị. Lại còn trấn an tôi là ở đây ai cũng bị cúm, người ta không lây từ mình thì lây từ người khác, mình đừng lo, với lại cúm kiết là chuyện nhỏ, nhà văn cũng nên cúm cho biết kinh nghiệm sống qua thời mắc dịch.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)