Bạn bè đồng đội

Chiều mưa nghe bạn kể chuyện đi chơi. Nhỏ Vịt đem theo năm bảy túi xách lỉnh kỉnh, mỗi cái nho nhỏ, lẽ ra dồn hết vô một túi to cho gọn, nhưng nhỏ cứ tay xách nách mang, lòng thòng rớt lên rớt xuống. Nhỏ nhe răng nghoẹo đầu cười duyên dáng khi bạn ra tay nghĩa hiệp xách dùm một cái. Chẳng biết cái gì, mềm mềm nhẹ nhẹ, bạn cột cái đó vô ba lô, nghĩ cũng tiện. Mấy thằng khác chắc cũng không phiền hà lắm, nên mỗi thằng quải giùm nhỏ Vịt một món. Nhỏ rảnh tay, tung tăng sà qua hàng quà vặt này đến quầy thức uống khác, bày tỏ lòng biết ơn các hảo hớn bằng sự chăm sóc dễ thương: một miếng ổi, một cái nháy mắt, một ly trà đá, một cái chu mỏ thấy ghét.
Tôi nhìn vẻ mặt bạn khi nói “thấy ghét” biết là thấy vậy chứ không phải vậy. Bạn kể tiếp. Thằng Cúm Gà ăn dễ sợ. Không đi chơi với nó thì không thể biết nó ăn 24/24. Ban ngày không kể làm gì, ai cũng bị ăn hết món này tới món kia, đi chơi có con gái là phải vậy. Đến ban đêm, lửa trại gần tàn, con gái chui vô lều ngủ hết, thằng Cúm Gà lại lục đục moi móc đâu đó không biết, ra nào khô, ruốc, bánh in, cơm sấy … Nhìn cách gói ghém là biết đồ ăn này của mẹ hiền hay chị yêu nhét theo ba lô cho cục cưng. Cả lũ đầu gấu đè nó ra “dạy dỗ” cho thành người bầm giập trò đời, rồi chia nhau thụ hưởng chiến lợi phẩm. Khô và ruốc biến trong chớp mắt, cơm sấy quá ngon nên cũng hết vèo. Mà thực ra có ai đói? Vui mà. Mọi người chê món bánh in vì nuốt không trôi qua cổ họng nữa. Bấy giờ thằng Cúm Gà mới ngồi ở cửa lều, quay lưng lại mọi người, nhẩn nha gặm bánh in. Mọi người chợt im lặng như nó, ai cũng bỗng dưng nhớ nhà.
Ối giời! Tôi trêu bạn, sắp là sinh viên đại học, lại sắp khăn gói đi xa, ngó mặt mũi bặm trợn vậy mà cũng đa cảm nhỉ? Thoáng qua trong mắt bạn không phải chút ngượng ngùng, mà là lo lắng. Một gợn lo lắng mơ hồ thôi. Nỗi nhớ nhà sau này sẽ là một, nhưng nỗi nhớ bạn bè sẽ là năm là mười. Con nhỏ Vịt cứ chu chu liếc liếc “thấy ghét” đó cũng sẽ đi xa, không cùng một xứ sở mà bạn sẽ tới. Thằng Cúm Gà không đi đâu cả, Bà, má và chị nó cứ nay cương quyết cho nó đi nhưng mai thì nghĩ lại, dùng dằng tranh cãi riết, nó tự quyết định là ở nhà, với lại nó đậu điểm cao vào một trường đại học ở thành phố.
Bạn cãi là bạn chẳng lo nghĩ gì cả, bạn bè chỉ là bạn thôi, làm sao bằng được gia đình. Nhưng thôi đừng nói chuyện đó nữa. Bạn hỏi về nơi bạn sẽ đến, là nơi tôi từng ở một thời gian. Chỗ đó có một giòng sông bị cắt thành nhiều khúc vì các đập nước, dòng chảy do vậy được điều hòa, lần đầu tiên nhìn mặt sông lặng lờ tôi cứ ngỡ mình lạc bước về sông Hương. Trên mặt sông thường xuyên diễn ra những cuộc đua hay tập dợt bơi thuyền. Hồi ở đó, tôi thường ra công viên dọc bờ sông, nhìn bọn thanh niên cao lớn vạm vỡ, coi bộ người nào cũng “cá tính” lắm, nhưng khi có tiếng còi tập hợp thì nhanh chóng đứng thành hàng đều tăm tắp bên chiếc xuồng dài. Cứ mỗi hiệu lệnh ngắn gọn, là tất cả đồng loạt cúi xuống, răm rắp luồn tay dưới be xuồng, cùng lúc nhắc xuồng lên, cùng nhịp co cánh tay nâng cao xuồng, và cả chục người như một, nhấc xuồng lên vai, rồi đều bước đi xuống bến nước.
Môn thể thao bơi xuồng ấy cũng giống các môn thể thao tập thể khác rèn luyện tinh thần đồng đội, một thứ quan trọng như tình bạn, và cần thiết cho những mô hình nghiên cứu, học tập và làm việc phổ biến hiện nay, là hợp tác theo đội , gọi là “teamwork”. Những bạn trẻ phương Tây được hưởng một nền giáo dục tốt thường tham gia ít nhất một đội thể thao hay câu lạc bộ nào đó, vừa có bạn bè, đồng đội, vừa rèn luyện tinh thần “teamwork”, một phần quan trọng trong rèn luyện nhân cách con người thành đạt trong xã hội ngày nay. Đội, nhóm, “team” là một mô hình xã hội thu nhỏ và giản lượt để chuẩn bị cho bạn trẻ bước vào mô hình xã hội rộng lớn và phức tạp hơn. Người thành công trong các đội nhóm có xu hướng thành công trong cuộc đời.
Không phải cứ thảy một người vô một nhóm là người đó có thể hòa nhập và hợp tác nhịp nhàng với người khác. Nhiều sinh viên Việt Nam vào học những trường lớn ở nước ngoài, học phí rất cao, với những tiện nghi tuyệt vời cho các hoạt động rèn luyện thể lực và nhân cách, nhưng hầu như các bạn ấy không sử dụng đến. Các bạn không “quen”, không biết, và rồi không thích những hoạt động đó. Có khi chính các bạn đó cũng biết là mình đang lãng phí, một phần khá lớn trong học phí của bạn là để cho những hoạt động đó.
Ở đại học, đặc biệt khi mình là du học sinh, vẫn có thể kết được những tình bạn đẹp bền sâu sắc. Sẽ không có cái gì tương tự như những người bạn tuổi thơ của mình ở quê nhà. Nhưng bạn đã trưởng thành, trên đường kết thêm bạn bè, bạn sẽ thấy đồng đội quan trọng hơn.

Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222