Dạo chơi nghệ thuật
Gọi là Xứ Nắng, Sunnyland, nên ai cũng tưởng xóm này có nhiều nắng. Trong phần để lại ý kiến dưới bài báo về cuộc đi dạo nghệ thuật trên tờ báo địa phương “Diễn đàn Bellingham”, một người ghi: Một xóm dân tuyệt vời. Một hoạt động thú vị. Nhưng nhớ bôi nhiều kem chống nắng. Và coi chừng mấy con dê. Những còm tiếp theo: Dê hả? và Đừng giẫm lên bãi cỏ của tui đấy! Đùa ấy mà, chứ Sunnyland đâu còn mấy nhà duy trì bãi cỏ, họ đã lần lượt biến bãi cỏ thành vườn rau , vườn hoa, hay vườn cây rồi. Trong vườn họ bày ra những “tác phẩm” thủ công, mỹ nghệ, của mình hoặc của bạn bè hàng xóm, và cái xóm này biến thành một “art walk” mà tôi tạm dịch là dạo chơi nghệ thuật.
Ngày thường người ta vẫn đi dạo trong xóm này, để tập thể dục, thư giản gân cốt, để chào hỏi chòm xóm, và cũng để coi tình hình vườn của người ta ra sao. Hồi mới học tiếng Anh, thấy thành ngữ Anh nói cỏ bên hàng xóm sao mà luôn xanh hơn cỏ vườn nhà mình, tôi hiểu ý ám chỉ thói ganh tỵ xoi mói của láng giềng, nhưng không thực sự thấm thía. Đến khi tôi về ở Sunnyland, chăm chút mảnh vườn nhỏ, chụp hình hoa cỏ đăng lên blog khoe, ai cũng xuýt xoa vườn đẹp, vậy mà sao có dịp đi qua vườn hàng xóm, lòng tôi vẫn nhoi nhói ganh tỵ, khi thấy cái bồn phun nước mini của người ta cứ tràn trề rạo rực, còn cái chậu chim tắm (bird-bath) trong vườn nhà mình mọc toàn tảo nâu thấy mà nản.
Tôi cứ bụng tôi mà suy ra bụng những người chiều chiều đi dạo trong xóm. Thấy mình trong vườn, họ chào hỏi thân mật, có khi nói chuyện nắng mưa, rồi đi tiếp như thể đi mới là sự nghiệp của đời người, chân bước đều, mắt nhìn thẳng chứ không nhìn ngang liếc dọc luống rau hay giậu blueberry bên đường. Nhưng nếu đứng khuất trong nhà bếp nhìn ra, đôi khi tôi bắt gặp bà hàng xóm nhà ở mé trên đang chậm bước để săm soi đám đậu vườn tôi: cách tôi cắm cọc giăng dây cho dây đậu leo lên là phỏng theo ký ức về những rẫy mướp, dưa leo, đậu đũa ở quê nhà hồi còn nhỏ. Cũng phải sáng tạo ít nhiều vì ký ức tuổi thơ có nhiều tưởng tượng hoang đường hơn hiện thực. May mắn là đậu lên xanh tốt tạo thành một bức vách xanh um bên hè. Một bữa tôi đi ngang nhà bà hàng xóm đó, nhón gót qua hàng rào gỗ, không thấy bả, bèn dừng lại nhìn đám đậu của bả, rồi tí tởn về nhà khoe với chồng: đậu vườn mình đẹp nhứt xóm! Bị ổng rầy là chớ có dòm vô vườn nhà người ta như vậy. Xứ này sự riêng tư là một thứ đạo đức bất khả xâm phạm.
Lâu lâu mới có cơ hội thâm nhập “chính thức” vô vườn người ta. Những cơ hội hiếm hoi ấy là được mời qua nhà người ta ăn thịt nướng ngoài vườn, hoặc khi người ta bày bán đồ xôn trong sân, và khi họ mở cửa vườn tham gia “art walk”. Vụ này thực ra còn mới mẻ ở xóm dân cư, chứ chưa thành “lệ” hay truyền thống như ở dưới phố chính hay ngoài đảo Lummi. Dưới phố chính có nhiều phòng triển lãm hay cửa hàng mỹ thuật, mỗi tháng một lần có “art walk”, nhân dịp lễ hội hay mùa nghỉ đông du khách, thì tưng bừng xôm tụ, làm ăn cũng khá lắm. Đảo Lummi là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi, đặc biệt là chốn nghệ sĩ chọn làm nơi sáng tác, lại có thiên nhiên ngoạn mục và văn hóa đặc sắc của người bản địa. Nên mỗi năm cũng làm ba cuộc dạo chơi nghệ thuật.
Tinh thần dạo chơi nghệ thuật là “cây nhà lá vườn” phóng khoáng, là sân chơi của nghệ sĩ địa phương. Ở dưới phố chính thì đậm màu sắc thương mại hơn ở đảo Lummi, còn dạo chơi nghệ thuật ở trong xóm thì gần như phi thương mại. Ở dưới phố hay trên đảo Lummi, hoạt động cũng mang tính chính trị ít nhiều: chính quyền cần duy trì những hoạt động tương tự như nét đặc sắc của địa phương, khi thì cổ vũ tinh thần xanh, khi thì khuyến khích văn hóa đa chủng tộc, lúc lại đề cao bảo tồn nghệ thuật thổ dân. Ở dưới phố đương nhiên tổ chức chuyên nghiệp hơn, và bên cạnh những tay chuyên nghiệp là dân tài tử, bày tác phẩm tùm lum, ca múa tùm lum, dù sao cũng được một ngày vui, nếu không thu được tiền bán sản phẩm hay quảng bá tên tuổi như dân chuyên nghiệp.
Dạo chơi nghệ thuật trong xóm dân cư Sunnyland vốn là ý tưởng của bà hàng xóm Alice Clark. Mấy tháng trước, lúc xuân sang vườn nhà ai cũng rộn ràng hoa cỏ, bà phát mấy tờ truyền đơn kêu gọi dân xóm tham gia một vụ mà bà gọi là “Sunnyland Stomp” vào ngày 18 tháng 7: Ngày đó nhà nào trong xóm muốn mở cửa vườn ra cho thiên hạ vô chơi và thưởng thức nghệ thuật thì báo cho bà biết để bà ghi địa chỉ vườn của mình vô một tấm bản đồ và quảng bá cho người ta biết đường mà tới chơi. Khi mở cửa vườn, mình có thể bày biện tranh , ảnh, tượng, đồ gốm, đồ thêu, may, đan, móc, đồ gỗ, sắt, rơm, lá, đồ ăn , uống … nói chung là tất cả những gì mình muốn khoe với xóm giềng, hay muốn đãi khách gần xa. Có người bày hàng ra vườn rồi bỏ ngỏ cho ai ra vô tùy ý, còn mình thì đi qua vườn người khác chơi. Có người ở lại vườn mình, chẳng những để nghênh tiếp khách mà còn bày cuộc đờn hát nhảy múa để mua vui.
Thế là thiên hạ chuẩn bị. Sunnyland này suốt mùa thu đến hết mùa đông tuy vẫn mang tiếng xứ nắng nhưng thường âm u, ẩm ướt, hoặc lạnh cóng. Lúc đó phần lớn thời gian sống người ta ở trong nhà, nhất là người hưu trí, hay đã thong dong việc đời, làm nghề tự do, hoặc không làm gì cả. Người ta bèn làm những “chuyện điên khùng nhất” để lấp bớt thời gian rảnh rỗi và giải tỏa trầm uất. Hậu quả là khi trời ấm lên và có nắng, người ta phát sinh nhu cầu “chia sẻ” thành quả của những cơn điên khùng mùa đông.
Xóm này còn có một tên gọi đùa là xóm nghệ sĩ, vì ngẫu nhiên mà dân cư thuộc thành nghệ sĩ khá đông, có cả nghệ sĩ xóm lẻ lẫn “tầm cỡ” to to. Nhìn bản đồ có đánh dấu những vườn mở có trưng bày nghệ thuật, kèm giới thiệu về nghệ sĩ , nghệ nhân, cùng đặc điểm tác phẩm , là thấy xóm này phong phú đa dạng: Có ông là giáo sư mỹ thuật bày tác phẩm gốm của ổng và đồng đồng nghiệp, sinh viên; có bà chuyên viên về hoa giả bày biện bộ sưu tập hoa sau mấy mươi năm kinh doanh thịnh đạt, có người vườn rộng và đẹp quá mà không có đủ hàng để khoe, bèn rủ rê mấy tay đờn ca đến, trong số đó có cả những ban nhạc “danh tiếng” xứ Bellingham. Ông hàng xóm cách nhà tôi ba căn thì bày những tác phẩm bằng kim loại. Bà hàng xóm sau nhà thì bày những tấm chăn bà ghép bằng những mẫu vải vụn. Đầu xóm có ông nọ bày tượng trong vườn, bọn tượng ấy quanh năm vẫn ở đó, tới ngày hội ông chỉ mở cửa vườn ra chứ khỏi mất công chuẩn bị gì hết, cũng khỏi lo mưa nắng.
Mỗi lần về Việt Nam tôi đều tha sang nhà ở xóm nắng này dăm bảy thứ của quê nhà, rỗ tre, chổi cỏ, đồ sành, để xài trong nhà. Tính có dịp sẽ bày ra vườn góp mặt bầu cua với người ta. (Ông bà ở góc đường bên kia bày các món đồ đem từ nước Nga quê ổng qua coi bộ hấp dẫn thiên hạ dữ lắm!) Nhưng kỳ này thì không kịp: điểm lại hàng mây tre lá của mình còn thưa thớt, mà vườn tược mùa rồi đi vắng nên hơi tiêu điều. Hẹn kỳ sau vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Tưứ Bảy)
Ngày thường người ta vẫn đi dạo trong xóm này, để tập thể dục, thư giản gân cốt, để chào hỏi chòm xóm, và cũng để coi tình hình vườn của người ta ra sao. Hồi mới học tiếng Anh, thấy thành ngữ Anh nói cỏ bên hàng xóm sao mà luôn xanh hơn cỏ vườn nhà mình, tôi hiểu ý ám chỉ thói ganh tỵ xoi mói của láng giềng, nhưng không thực sự thấm thía. Đến khi tôi về ở Sunnyland, chăm chút mảnh vườn nhỏ, chụp hình hoa cỏ đăng lên blog khoe, ai cũng xuýt xoa vườn đẹp, vậy mà sao có dịp đi qua vườn hàng xóm, lòng tôi vẫn nhoi nhói ganh tỵ, khi thấy cái bồn phun nước mini của người ta cứ tràn trề rạo rực, còn cái chậu chim tắm (bird-bath) trong vườn nhà mình mọc toàn tảo nâu thấy mà nản.
Tôi cứ bụng tôi mà suy ra bụng những người chiều chiều đi dạo trong xóm. Thấy mình trong vườn, họ chào hỏi thân mật, có khi nói chuyện nắng mưa, rồi đi tiếp như thể đi mới là sự nghiệp của đời người, chân bước đều, mắt nhìn thẳng chứ không nhìn ngang liếc dọc luống rau hay giậu blueberry bên đường. Nhưng nếu đứng khuất trong nhà bếp nhìn ra, đôi khi tôi bắt gặp bà hàng xóm nhà ở mé trên đang chậm bước để săm soi đám đậu vườn tôi: cách tôi cắm cọc giăng dây cho dây đậu leo lên là phỏng theo ký ức về những rẫy mướp, dưa leo, đậu đũa ở quê nhà hồi còn nhỏ. Cũng phải sáng tạo ít nhiều vì ký ức tuổi thơ có nhiều tưởng tượng hoang đường hơn hiện thực. May mắn là đậu lên xanh tốt tạo thành một bức vách xanh um bên hè. Một bữa tôi đi ngang nhà bà hàng xóm đó, nhón gót qua hàng rào gỗ, không thấy bả, bèn dừng lại nhìn đám đậu của bả, rồi tí tởn về nhà khoe với chồng: đậu vườn mình đẹp nhứt xóm! Bị ổng rầy là chớ có dòm vô vườn nhà người ta như vậy. Xứ này sự riêng tư là một thứ đạo đức bất khả xâm phạm.
Lâu lâu mới có cơ hội thâm nhập “chính thức” vô vườn người ta. Những cơ hội hiếm hoi ấy là được mời qua nhà người ta ăn thịt nướng ngoài vườn, hoặc khi người ta bày bán đồ xôn trong sân, và khi họ mở cửa vườn tham gia “art walk”. Vụ này thực ra còn mới mẻ ở xóm dân cư, chứ chưa thành “lệ” hay truyền thống như ở dưới phố chính hay ngoài đảo Lummi. Dưới phố chính có nhiều phòng triển lãm hay cửa hàng mỹ thuật, mỗi tháng một lần có “art walk”, nhân dịp lễ hội hay mùa nghỉ đông du khách, thì tưng bừng xôm tụ, làm ăn cũng khá lắm. Đảo Lummi là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi, đặc biệt là chốn nghệ sĩ chọn làm nơi sáng tác, lại có thiên nhiên ngoạn mục và văn hóa đặc sắc của người bản địa. Nên mỗi năm cũng làm ba cuộc dạo chơi nghệ thuật.
Tinh thần dạo chơi nghệ thuật là “cây nhà lá vườn” phóng khoáng, là sân chơi của nghệ sĩ địa phương. Ở dưới phố chính thì đậm màu sắc thương mại hơn ở đảo Lummi, còn dạo chơi nghệ thuật ở trong xóm thì gần như phi thương mại. Ở dưới phố hay trên đảo Lummi, hoạt động cũng mang tính chính trị ít nhiều: chính quyền cần duy trì những hoạt động tương tự như nét đặc sắc của địa phương, khi thì cổ vũ tinh thần xanh, khi thì khuyến khích văn hóa đa chủng tộc, lúc lại đề cao bảo tồn nghệ thuật thổ dân. Ở dưới phố đương nhiên tổ chức chuyên nghiệp hơn, và bên cạnh những tay chuyên nghiệp là dân tài tử, bày tác phẩm tùm lum, ca múa tùm lum, dù sao cũng được một ngày vui, nếu không thu được tiền bán sản phẩm hay quảng bá tên tuổi như dân chuyên nghiệp.
Dạo chơi nghệ thuật trong xóm dân cư Sunnyland vốn là ý tưởng của bà hàng xóm Alice Clark. Mấy tháng trước, lúc xuân sang vườn nhà ai cũng rộn ràng hoa cỏ, bà phát mấy tờ truyền đơn kêu gọi dân xóm tham gia một vụ mà bà gọi là “Sunnyland Stomp” vào ngày 18 tháng 7: Ngày đó nhà nào trong xóm muốn mở cửa vườn ra cho thiên hạ vô chơi và thưởng thức nghệ thuật thì báo cho bà biết để bà ghi địa chỉ vườn của mình vô một tấm bản đồ và quảng bá cho người ta biết đường mà tới chơi. Khi mở cửa vườn, mình có thể bày biện tranh , ảnh, tượng, đồ gốm, đồ thêu, may, đan, móc, đồ gỗ, sắt, rơm, lá, đồ ăn , uống … nói chung là tất cả những gì mình muốn khoe với xóm giềng, hay muốn đãi khách gần xa. Có người bày hàng ra vườn rồi bỏ ngỏ cho ai ra vô tùy ý, còn mình thì đi qua vườn người khác chơi. Có người ở lại vườn mình, chẳng những để nghênh tiếp khách mà còn bày cuộc đờn hát nhảy múa để mua vui.
Thế là thiên hạ chuẩn bị. Sunnyland này suốt mùa thu đến hết mùa đông tuy vẫn mang tiếng xứ nắng nhưng thường âm u, ẩm ướt, hoặc lạnh cóng. Lúc đó phần lớn thời gian sống người ta ở trong nhà, nhất là người hưu trí, hay đã thong dong việc đời, làm nghề tự do, hoặc không làm gì cả. Người ta bèn làm những “chuyện điên khùng nhất” để lấp bớt thời gian rảnh rỗi và giải tỏa trầm uất. Hậu quả là khi trời ấm lên và có nắng, người ta phát sinh nhu cầu “chia sẻ” thành quả của những cơn điên khùng mùa đông.
Xóm này còn có một tên gọi đùa là xóm nghệ sĩ, vì ngẫu nhiên mà dân cư thuộc thành nghệ sĩ khá đông, có cả nghệ sĩ xóm lẻ lẫn “tầm cỡ” to to. Nhìn bản đồ có đánh dấu những vườn mở có trưng bày nghệ thuật, kèm giới thiệu về nghệ sĩ , nghệ nhân, cùng đặc điểm tác phẩm , là thấy xóm này phong phú đa dạng: Có ông là giáo sư mỹ thuật bày tác phẩm gốm của ổng và đồng đồng nghiệp, sinh viên; có bà chuyên viên về hoa giả bày biện bộ sưu tập hoa sau mấy mươi năm kinh doanh thịnh đạt, có người vườn rộng và đẹp quá mà không có đủ hàng để khoe, bèn rủ rê mấy tay đờn ca đến, trong số đó có cả những ban nhạc “danh tiếng” xứ Bellingham. Ông hàng xóm cách nhà tôi ba căn thì bày những tác phẩm bằng kim loại. Bà hàng xóm sau nhà thì bày những tấm chăn bà ghép bằng những mẫu vải vụn. Đầu xóm có ông nọ bày tượng trong vườn, bọn tượng ấy quanh năm vẫn ở đó, tới ngày hội ông chỉ mở cửa vườn ra chứ khỏi mất công chuẩn bị gì hết, cũng khỏi lo mưa nắng.
Mỗi lần về Việt Nam tôi đều tha sang nhà ở xóm nắng này dăm bảy thứ của quê nhà, rỗ tre, chổi cỏ, đồ sành, để xài trong nhà. Tính có dịp sẽ bày ra vườn góp mặt bầu cua với người ta. (Ông bà ở góc đường bên kia bày các món đồ đem từ nước Nga quê ổng qua coi bộ hấp dẫn thiên hạ dữ lắm!) Nhưng kỳ này thì không kịp: điểm lại hàng mây tre lá của mình còn thưa thớt, mà vườn tược mùa rồi đi vắng nên hơi tiêu điều. Hẹn kỳ sau vậy.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Tưứ Bảy)