Thời già đẹp
Người ta quở tôi: đừng nói chuyện già nữa. Họ bảo tôi: già đâu mà già. Rồi họ an ủi tôi: Giữ tâm hồn trẻ trung thì không bao giờ già. Nhưng mà tôi đâu có buồn tủi hay khổ sở hay lo rầu gì cái chuyện tôi già đâu? Dĩ nhiên tôi cũng không khoe khoang tự hào. Tôi chỉ hài lòng là mình may mắn sống được tới … già.
Nhìn qua nhìn lại những người trang lứa với mình, thấy người ta đã đang và sắp về hưu, mà người được xã hội đồng thuận cho nghỉ ngơi mặc nhiên được coi là người già. Phần lớn các bạn cựu giáo viên của tôi ngay hồi chưa về hưu đã nghiễm nhiên đứng vào hàng những “thầy cô giáo già”, không những lớn tuổi hơn phụ huynh học sinh của mình, mà có khi bằng tuổi ông bà nội ngoại của chúng. Mỗi niên học mới đón một lứa học sinh mới mười lăm tuổi vào trường, người thầy lại giật mình với bài toán nhẩm: ban đầu thầy lớn hơn học trò năm bảy tuổi, rồi thầy gấp đôi tuổi học trò, rồi tuổi thầy gấp ba, và bây giờ thì gấp… bốn! Ừ, nếu mình già thì mình cứ già, tại sao phải né tránh, tại sao phải dối mình dối người, tại sao phải kháng cự lại quá trình tự nhiên của sự sống?
Tôi đoán mấy người bạn … già của tôi không chịu mình già vì già bây giờ đồng nghĩa với yếu, bệnh, xấu và lạc hậu. Tuy không đến nỗi đi thẫm mỹ viện lóc mở và căng da mặt, nhưng bạn tôi ai cũng nhuộm tóc. Tuy không phải ai cũng có mở hay có đường trong máu nhưng ai cũng chịu khó tập thể dục, phổ biến nhất là đi bộ. Tuy cũng có trình độ đại học, nhưng họ thích khoe: mấy vụ computer với blog liếc này, do thằng con làm giùm, bày sẵn, mình cứ đó mà chơi, chứ làm sao bon chen lại tụi trẻ. Nhiều khi tôi thấy bạn mình giống như bọn teen người lớn không ra người lớn, con nít không ra con nít: họ cũng tự biết mình không còn trẻ, nhưng không cam tâm già, cho nên ba hồi suy nghĩ như người già, bốn hồi hành xử như thể còn trẻ lắm.
Nhớ 10 năm trước, nghe tin tôi được học bỗng du học, một người bạn của tôi tức giận bảo: Mày già rồi, học làm gì nữa, tranh mất một chỗ của tụi trẻ. Tôi đã thông cảm là con của chị lúc đó đang ở đại học và phấn đấu trầy vi tróc vảy vẫn không giành được một xuất học bỗng; tôi đã hơi mặc cảm là có thể mình đã tranh mất phần của em cháu mình. Mặc dù nói cho công bằng, tôi cũng phấn đấu trầy vi tróc vảy, từ hồi còn là sinh viên như cháu mình bây giờ, hai chục năm trời mới đạt được nguyện vọng, chứ bộ chơi à. Nhưng có vẻ nhiều người đồng tình với quan điểm của bạn tôi, nên có một sự kỳ thị là người ở tuổi 40, thậm chí 35, hầu như bị gạt ra khỏi các tiêu chuẩn học bỗng hiện nay. Và mặc nhiên hình thành quan niệm phổ biến rằng 40 tuổi thì thôi, học nữa cũng không còn “phục vụ” được bao lâu nữa. Tôi có thể lấy tôi làm một thí dụ để chứng mình quan niệm này sai.
Đường công danh sau khi về hưu thường là chấm hết. Cho nên người tham quyền cố vị sợ già là phải, không muốn bị coi già là đương nhiên. Nhưng ngoại trừ cái vụ tuổi về hưu sớm ở xứ mình (khiến cho người mình già sớm hơn người ta) không có gì để bàn vì cái xứ mình nó đã vậy rồi, khái niệm “già” còn nhiều chuyện phải nói lắm. Trước nhất phải dẹp cái thành kiến “già vô dụng”. Người đời vô dụng nhiều lắm, và họ thuộc mọi lứa tuổi. “Già khó tánh, bảo thủ” cũng là thành kiến cần xô ngã. Tôi có mấy đứa cháu tuổi từ mười mấy đến hăm mấy, đứa nào cũng khó tánh hơn hơn cha chú chúng, và hàng cha chú này (tuổi sồn sồn) thì bảo thủ hơn cả ông nội ông ngoại.
Ở xứ dân sống dai như Nhật, Mỹ, nói “già” là người trên 80 tuổi, chẳng hạn như các bà được “lên phim” trong bộ phim tài liệu “The Beauty of Aging” (Nét đẹp lão thành). Bà Lavada, 82 tuổi, còn dự tính làm chuyện này chuyện kia, bà Doreetha thì cứ già một cách quyến rũ, như rượu hay phó mát, càng già càng ngon. Không ai chối rằng mình già, cũng không che giấu những chuyện chẳng đặng đừng khi thân thể mình tuân theo qui luật tự nhiên. Nhưng toàn bộ phim trình bày một cách trầm tĩnh thâm thúy và thuyết phục về những người già đẹp. Con người có một thời trẻ đẹp và một thời già đẹp. Không phải ai cũng ý thức và tận hưởng thời trẻ đẹp của mình – rất nhiều người “nhớ” và “tiếc” cái thời trẻ đẹp sau khi cái thời đó đã qua. Còn thời già đẹp mà qua đi thì tới cái chết, người ta không có cơ hội để ngẫm lại mà nuối tiếc, để ca ngợi hay cảnh bảo với người đời.
Thành kiến già xấu là tại mình sợ già quá, cho rằng già thì xấu. Nếu công bằng sáng suốt khách quan mà nhận xét, thì thiếu gì người trẻ xấu òm, và thử nhìn quanh mình coi, thử ngắm cha mẹ mình, ông bà mình, ngắm theo cái cách Thích Nhất Hạnh viết trong Bông Hồng Cài Áo: nhìn thật lâu, thì sẽ thấy tóc trắng, da mồi, miệng móm mém… của những người mình yêu thương kính trọng rất đẹp. Hôm tôi đi chơi ở Hàn quốc với chị bạn và mẹ của chị, chụp hình gởi về cho các anh chị của bạn xem, họ nhận xét là trong ba người, mẹ (75 tuổi) là người đẹp nhất, và ai cũng đồng ý như vậy. Bà có nụ cười rất tươi với hàng răng trắng đều đặn, ánh mắt sắc sảo hiểu thấu, mái tóc bạc óng ánh như bạch kim, da nhăn nhưng nét mặt thanh thản, tuy đi không nhanh nhưng dáng người thẳng, điệu bộ thong dong. Và dù bà lớn hơn tôi một phần tư thế kỷ, tôi chơi tới đâu bà ung dung chơi tới đó.
Do ngẫu nhiên của số phận, phần lớn đồng nghiệp và bạn bè thân quen đều lớn hơn tôi, từ vài tuổi đến vài chục. Chỉ có đám bạn học là đồng lứa. Trong mấy chục năm nay tôi vẫn quan sát những người lớn hơn mình già đi. Không phải ai cũng làm được chuyện “già đi một cách quyến rũ như rượu hay phó mát”. Cũng có người già thiu, già héo, già mòn mỏi. Đặc biệt, phụ nữ ưa già đột ngột, có người giữ được xuân sắc rất lâu, quá 50 luôn, rồi bỗng nhiên già xộp trong vòng một hai năm. Ấy là đang nói về hình thể. Chứ còn tính cách mỗi người như thế nào khi tôi quen biết cách đây mấy chục năm thì bây giờ cũng y như vậy; và qua thí dụ mấy người đã chết rồi, tôi chắc là cái duy nhất người ta yên tâm sẽ còn nguyên để đem theo vô hòm chính là tính cách của mình.
Chơi với người lớn tuổi hơn mình có cái hay là mình thường thấy mình trẻ (hơn người ta). Đến một lúc khựng lại ngoảnh nhìn “đám trẻ” hơn mình, mới hay mình đã già. Nội cái nhận thức mình già đã là một cú sốc. Cố “dối già” một thời gian, tuổi trẻ vẫn bỏ ta mà đi. Rồi lại người đời cứ quở mình già, xã hội vây quanh mình với bao thành kiến, khiến già quả thật … cô độc, dễ mặc cảm. Chuyện thay đổi quan điểm xã hội là chuyện … để bọn trẻ làm. Còn mình, chi bằng thẳng thắn chấp nhận con người mình như thực chất của mình. Kiểm tra coi sức của mình, thời gian của mình còn được bao nhiêu, để liệu tính mà sống cuộc đời già đẹp.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
Nhìn qua nhìn lại những người trang lứa với mình, thấy người ta đã đang và sắp về hưu, mà người được xã hội đồng thuận cho nghỉ ngơi mặc nhiên được coi là người già. Phần lớn các bạn cựu giáo viên của tôi ngay hồi chưa về hưu đã nghiễm nhiên đứng vào hàng những “thầy cô giáo già”, không những lớn tuổi hơn phụ huynh học sinh của mình, mà có khi bằng tuổi ông bà nội ngoại của chúng. Mỗi niên học mới đón một lứa học sinh mới mười lăm tuổi vào trường, người thầy lại giật mình với bài toán nhẩm: ban đầu thầy lớn hơn học trò năm bảy tuổi, rồi thầy gấp đôi tuổi học trò, rồi tuổi thầy gấp ba, và bây giờ thì gấp… bốn! Ừ, nếu mình già thì mình cứ già, tại sao phải né tránh, tại sao phải dối mình dối người, tại sao phải kháng cự lại quá trình tự nhiên của sự sống?
Tôi đoán mấy người bạn … già của tôi không chịu mình già vì già bây giờ đồng nghĩa với yếu, bệnh, xấu và lạc hậu. Tuy không đến nỗi đi thẫm mỹ viện lóc mở và căng da mặt, nhưng bạn tôi ai cũng nhuộm tóc. Tuy không phải ai cũng có mở hay có đường trong máu nhưng ai cũng chịu khó tập thể dục, phổ biến nhất là đi bộ. Tuy cũng có trình độ đại học, nhưng họ thích khoe: mấy vụ computer với blog liếc này, do thằng con làm giùm, bày sẵn, mình cứ đó mà chơi, chứ làm sao bon chen lại tụi trẻ. Nhiều khi tôi thấy bạn mình giống như bọn teen người lớn không ra người lớn, con nít không ra con nít: họ cũng tự biết mình không còn trẻ, nhưng không cam tâm già, cho nên ba hồi suy nghĩ như người già, bốn hồi hành xử như thể còn trẻ lắm.
Nhớ 10 năm trước, nghe tin tôi được học bỗng du học, một người bạn của tôi tức giận bảo: Mày già rồi, học làm gì nữa, tranh mất một chỗ của tụi trẻ. Tôi đã thông cảm là con của chị lúc đó đang ở đại học và phấn đấu trầy vi tróc vảy vẫn không giành được một xuất học bỗng; tôi đã hơi mặc cảm là có thể mình đã tranh mất phần của em cháu mình. Mặc dù nói cho công bằng, tôi cũng phấn đấu trầy vi tróc vảy, từ hồi còn là sinh viên như cháu mình bây giờ, hai chục năm trời mới đạt được nguyện vọng, chứ bộ chơi à. Nhưng có vẻ nhiều người đồng tình với quan điểm của bạn tôi, nên có một sự kỳ thị là người ở tuổi 40, thậm chí 35, hầu như bị gạt ra khỏi các tiêu chuẩn học bỗng hiện nay. Và mặc nhiên hình thành quan niệm phổ biến rằng 40 tuổi thì thôi, học nữa cũng không còn “phục vụ” được bao lâu nữa. Tôi có thể lấy tôi làm một thí dụ để chứng mình quan niệm này sai.
Đường công danh sau khi về hưu thường là chấm hết. Cho nên người tham quyền cố vị sợ già là phải, không muốn bị coi già là đương nhiên. Nhưng ngoại trừ cái vụ tuổi về hưu sớm ở xứ mình (khiến cho người mình già sớm hơn người ta) không có gì để bàn vì cái xứ mình nó đã vậy rồi, khái niệm “già” còn nhiều chuyện phải nói lắm. Trước nhất phải dẹp cái thành kiến “già vô dụng”. Người đời vô dụng nhiều lắm, và họ thuộc mọi lứa tuổi. “Già khó tánh, bảo thủ” cũng là thành kiến cần xô ngã. Tôi có mấy đứa cháu tuổi từ mười mấy đến hăm mấy, đứa nào cũng khó tánh hơn hơn cha chú chúng, và hàng cha chú này (tuổi sồn sồn) thì bảo thủ hơn cả ông nội ông ngoại.
Ở xứ dân sống dai như Nhật, Mỹ, nói “già” là người trên 80 tuổi, chẳng hạn như các bà được “lên phim” trong bộ phim tài liệu “The Beauty of Aging” (Nét đẹp lão thành). Bà Lavada, 82 tuổi, còn dự tính làm chuyện này chuyện kia, bà Doreetha thì cứ già một cách quyến rũ, như rượu hay phó mát, càng già càng ngon. Không ai chối rằng mình già, cũng không che giấu những chuyện chẳng đặng đừng khi thân thể mình tuân theo qui luật tự nhiên. Nhưng toàn bộ phim trình bày một cách trầm tĩnh thâm thúy và thuyết phục về những người già đẹp. Con người có một thời trẻ đẹp và một thời già đẹp. Không phải ai cũng ý thức và tận hưởng thời trẻ đẹp của mình – rất nhiều người “nhớ” và “tiếc” cái thời trẻ đẹp sau khi cái thời đó đã qua. Còn thời già đẹp mà qua đi thì tới cái chết, người ta không có cơ hội để ngẫm lại mà nuối tiếc, để ca ngợi hay cảnh bảo với người đời.
Thành kiến già xấu là tại mình sợ già quá, cho rằng già thì xấu. Nếu công bằng sáng suốt khách quan mà nhận xét, thì thiếu gì người trẻ xấu òm, và thử nhìn quanh mình coi, thử ngắm cha mẹ mình, ông bà mình, ngắm theo cái cách Thích Nhất Hạnh viết trong Bông Hồng Cài Áo: nhìn thật lâu, thì sẽ thấy tóc trắng, da mồi, miệng móm mém… của những người mình yêu thương kính trọng rất đẹp. Hôm tôi đi chơi ở Hàn quốc với chị bạn và mẹ của chị, chụp hình gởi về cho các anh chị của bạn xem, họ nhận xét là trong ba người, mẹ (75 tuổi) là người đẹp nhất, và ai cũng đồng ý như vậy. Bà có nụ cười rất tươi với hàng răng trắng đều đặn, ánh mắt sắc sảo hiểu thấu, mái tóc bạc óng ánh như bạch kim, da nhăn nhưng nét mặt thanh thản, tuy đi không nhanh nhưng dáng người thẳng, điệu bộ thong dong. Và dù bà lớn hơn tôi một phần tư thế kỷ, tôi chơi tới đâu bà ung dung chơi tới đó.
Do ngẫu nhiên của số phận, phần lớn đồng nghiệp và bạn bè thân quen đều lớn hơn tôi, từ vài tuổi đến vài chục. Chỉ có đám bạn học là đồng lứa. Trong mấy chục năm nay tôi vẫn quan sát những người lớn hơn mình già đi. Không phải ai cũng làm được chuyện “già đi một cách quyến rũ như rượu hay phó mát”. Cũng có người già thiu, già héo, già mòn mỏi. Đặc biệt, phụ nữ ưa già đột ngột, có người giữ được xuân sắc rất lâu, quá 50 luôn, rồi bỗng nhiên già xộp trong vòng một hai năm. Ấy là đang nói về hình thể. Chứ còn tính cách mỗi người như thế nào khi tôi quen biết cách đây mấy chục năm thì bây giờ cũng y như vậy; và qua thí dụ mấy người đã chết rồi, tôi chắc là cái duy nhất người ta yên tâm sẽ còn nguyên để đem theo vô hòm chính là tính cách của mình.
Chơi với người lớn tuổi hơn mình có cái hay là mình thường thấy mình trẻ (hơn người ta). Đến một lúc khựng lại ngoảnh nhìn “đám trẻ” hơn mình, mới hay mình đã già. Nội cái nhận thức mình già đã là một cú sốc. Cố “dối già” một thời gian, tuổi trẻ vẫn bỏ ta mà đi. Rồi lại người đời cứ quở mình già, xã hội vây quanh mình với bao thành kiến, khiến già quả thật … cô độc, dễ mặc cảm. Chuyện thay đổi quan điểm xã hội là chuyện … để bọn trẻ làm. Còn mình, chi bằng thẳng thắn chấp nhận con người mình như thực chất của mình. Kiểm tra coi sức của mình, thời gian của mình còn được bao nhiêu, để liệu tính mà sống cuộc đời già đẹp.
Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)