Google và tác quyền Việt Nam

Hôm qua có mấy đồng nghiệp biểu tôi đọc bài này Vì quán café có wifi và người ta đang tranh cải ì xèo, tôi tranh thủ "google" một cái, chỉ cần gõ mấy từ Google Book Settlement thì thấy ngay cái kết quả đầu tiên là http://www.googlebooksettlement.com/ với đầy đủ thông tin chính thức về vụ này, muốn đọc tiếng Việt thì chọn “Tiếng Việt” trong cái ô ở góc trên bên phải, hoặc vô đây . Mấy đồng nghiệp đó bèn “ủy thác” cho tôi nhiệm vụ “viết lên blog của mày”. Để cho người chưa biết ất giáp gì tiện theo dõi, tôi trích nguyên văn bài báo (chữ italic) và có ý kiến nho nhỏ trong những đoạn bắt đầu bằng -->

[Mất trắng nếu không đạt thỏa thuận
“Tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google - trang công cụ tìm kiếm có lượng truy cập lớn nhất thế giới. Đó là một trong số những điều sẽ xảy ra nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4-9-2009.”
]

--> Theo thông báo cập nhật của tòa án Liên bang Hoa kỳ khu vực phía Nam New York phổ biến trên trang web chính thức của quản trị thoả thuận thu xếp dành cho Thoả thuận Thu xếp Vụ kiện Tập thể về Tác quyền trên Tìm kiếm Sách của Google thì 4-9-2009 là “Thời hạn Cuối cùng để Không Tham gia/Phản đối” – Nếu những tác giả có thể bị ảnh hưởng trong vụ này không muốn thỏa thuận thì chọn lựa “không tham gia”, tức là đứng ngoài thỏa thuận này (opt out), để tiếp tục kiện Google. Vụ kiện sẽ tiếp tục và được gì hay mất gì phải chờ phán quyết của tòa mới biết. Nếu mình không muốn kiện tụng Google thì mình không cần làm gì cả, và mặc nhiên được coi là thỏa thuận, và Google có trách nhiệm thực hiện mọi hứa hẹn trong thỏa thuận đó.
(Lưu ý là công cụ tìm kiếm Google và Google Book Search khác nhau, vụ việc ở đây liên quan đến Google Book Search. Nếu một người đọc chữ Việt tìm trên Google Book Search "Đại Việt Sử Ký" mà ra kết quả 0 document thì người đó: 1. Thôi tìm kiếm, khỏi đọc, chịu dốt luôn - hay 2. Sử dụng công cụ tìm kiếm khác để có ngay cái mình kiếm?) Nếu giả định “Tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google" thì Google mới là thằng khóc thét - 90 triệu người nói tiếng Việt điên sao mà dùng một công cụ chắc chắn không tìm ra cái mà họ kiếm? Thằng cha Microsoft (+ Yahoo) và bao nhiêu thằng "nhóc" khác đang nhấp nhỗm chờ điều đó xảy ra. Đồng bào yên tâm.)

[Google đã gửi Thông báo pháp lý đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam - tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, để thương thảo. Theo đó, ngày 7-10-2009, Google sẽ trở thành bị đơn trong một vụ kiện tập thể liên quan đến quyền quét và sử dụng sách và phụ trang. ]

--> Vụ kiện mà Google là bị đơn bắt đầu từ tháng 9/2005 khi Hội Tác giả đại diện cho 8.000 tác giả Mỹ đứng đơn kiện Google vi phạm tác quyền. Tháng 10/2005, năm nhà xuất bản lớn đại diện cho Hiệp hội xuất bản Mỹ cũng đứng một đơn khác kiện Google tội danh tương tự. Trận chiến này to và phức tạp, diễn tiến đến tháng 10/2008 thì Google ký một “Thỏa thuận Thu xếp” (Settlement) với Hội Tác giả, theo đó chủ bản quyền nào trong số 7 triệu quyển sách và bài viết đã bị Google sao chụp (scan) và số hóa để đưa vào vào chương trình “Truy tìm Sách của Google” (xem http://books.google.com) sẽ được bồi thường. Ngày ấn định cho những chủ bản quyền muốn đứng ngoài thỏa thuận để tiếp tục kiện là 05/5/2009, và một phiên tòa xét cử công bằng cuối cùng (final fairness hearing) sẽ diễn ra vào ngày 11/6/2009. Tháng 2/2009 trang web của Quản trị viên Thỏa thuận thu xếp được lập ra để các chủ bản quyền trực tiệp chọn đứng về phe đi kiện hay phe bị kiện. Hai phe đều ráo riết chiêu binh mãi tướng cho trận sống mái cuối cùng. Đến tháng 6/2009 diễn biến vẫn còn vô cùng phức tạp, cho nên tòa án liên bang cho dời ngày “opt out” tới 04/9/2009 và phiên xử dời tới 07/10/2009. Bây giờ hai bên không còn kiên nhẫn chờ những kẻ “tọa sơn quan hổ đấu” nghiêng ngả thieo chiều gió nữa, mà quắn đít cắp cặp (có đô la) đi đến từng đối tượng có liên quan để dụ dỗ thỏa thuận hay xúi giục kiện tụng.

[Để đối phó, Google dàn xếp bằng lời hứa sẽ thanh toán 60 USD khi thực hiện mỗi lần số hóa cho người nắm giữ bản quyền (bao gồm nhà xuất bản và tác giả). Tiếp đó, Google sẽ thanh toán 63% doanh thu từ mỗi lần sử dụng cho những người nắm giữ bản quyền. ]

--> Tất cả chi tiết liên quan việc “thanh toán” này có ghi rõ trong bản thỏa thuận mà chủ bản quyền ký với Google nếu đồng ý thỏa thuận. Việc “thanh toán” này dành cho 7 triệu sách và bài viết được Google đưa vào danh mục của Google Books, chứ không phải bất kỳ quyển sách nào.

[Thời hạn cuối cùng để các tác giả và nhà xuất bản bên ngoài nước Mỹ không tham gia hoặc phản đối thỏa thuận nêu trên là 4-9-2009. Ngược lại, nếu đồng ý dàn xếp, Google sẽ được quyền hợp pháp khi quét và duy trì cơ sở dữ liệu điện tử về các cuốn sách và phụ trang xuất bản bên ngoài nước Mỹ. Thậm chí, đối với những ấn phẩm không còn xuất bản nữa, nếu được phép của những người nắm giữ bản quyền, Google có thể bán quyền truy cập cơ sở dữ liệu và tổ chức đăng ký mua, đặt quảng cáo trên bất kỳ trang nào của cuốn sách đó cũng như tận dụng các tính năng thương mại khác của sách. ]

--> Người nắm giữ bản quyền (chủ bản quyền) khi thỏa thuận thu xếp là đã giao cho Google rất nhiều quyền hạn sử dụng tác phẩm của mình, nhưng Google chỉ thanh toán cho chủ bản quyền khi scan và thu được lợi nhuận từ tác phẩm đó. Trước mắt Google lo giải quyết 7 triệu tác phẩm đã đưa vào Google Books. Nếu tác phẩm của mình không nằm trong số đó thì Google vẫn hoan nghênh và tận dùng sự thỏa thuận của mình (cho vụ kiện), nhưng mình phải cực kỳ kiên nhẫn mới hòng nhận được tiền , hay thấy sách của mình xuất hiện trong danh mục Google Books sau này.

[Tuy nhiên, rắc rối ở đây là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam chỉ đại diện quản lý quyền sử dụng các tác phẩm hư cấu cho hơn 1.000 nhà văn, trong khi đó, số lượng tác phẩm phi hư cấu được sử dụng trong môi trường số lại không nhỏ. ]

--> Điều tôi mơ hồ về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam là trung tâm này không nói rõ họ là đơn vị hành chánh, cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hay dịch vụ tư nhân. Điều ghi rõ trong thỏa thuận của Google là những người chủ bản quyền mới là người có thể ký kết thỏa thuận hay nộp đơn kiện. Những người này có thể thuê luật sư hay tổ chức chuyên môn bảo vệ quyền lợi của họ, và trong trường hợp đó, luật sư hay tổ chức được thuê chỉ đại diện cho chủ bản quyền nào ủy thác cho họ mà thôi.

[Trên thực tế, theo thống kê của Google, có tới 3/4 lượng tác phẩm trong tổng số 4.400 đầu sách được Google số hóa là ấn phẩm phi hư cấu. Thế nhưng, đến thời điểm tháng 7 này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam mới chỉ đạt được thỏa thuận với Hội Xuất bản và một số nhà xuất bản trong nước. Số còn lại, gần 3.000 tác giả thì trung tâm chưa nhận được ủy thác. ]

--> Trong 4.400 đầu sách tiếng Việt được Google số hóa có những tác phẩm đã thuộc về sở hữu công cộng, thí dụ Kiều hay Đại Việt Sử ký toàn thư, những tác giả đã mất hơn trăm năm và những người thừa kế không còn được giữ bản quyền nữa, những tác phẩm loại này mới cần và rất cần được nhà nước và các tổ chức dân chúng quan tâm bảo vệ như di sản văn hóa của dân tộc mình. (Chẳng hạn không thể để Google quảng cáo “hot Vietnamese sexy girls” trên trang sách Đại Việt Sử Ký). Còn đối với các tác phẩm còn bản quyền và chủ bản quyền còn sống sờ sờ ra đấy thì trung tâm nào, hay bất cứ ai quan tâm bảo vệ tác quyền, cần phổ biến rõ ràng và chính xác thông tin về việc này, và nếu muốn giúp đỡ ai hay đại diện cho ai để tranh tụng gì đó thì đương nhiên phải được người đó ủy thác một cách tự nguyện và đúng pháp luật.

[Do vậy, để có đủ tư cách đại diện cho các tác giả, bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam, đã tính tới phương án xin Chính phủ cho Giấy phép mở. Đây là loại giấy phép cho phép tổ chức quản lý tập thể được quyền sử dụng toàn bộ kho tác phẩm ở quốc gia đó (hoặc của toàn thế giới) có liên quan đến quyền do tổ chức quản lý tập thể này quản lý, không phụ thuộc vào việc chủ sở hữu quyền đã ủy thác cho tổ chức đó quyền quản lý hay không. ]

--> Ý tưởng này thật kinh dị! Loại giấy phép theo miêu tả trong đoạn văn trên hoàn toàn đi ngược lại và vi phạm nghiêm trọng Công ước Bern mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng không nên loại trừ bất cứ khả năng kinh dị nào ở xứ mình. Cho nên những tác giả có thể bị ảnh hưởng trong vụ này nên vào http://www.googlebooksettlement.com/r/home để tự quyết định những việc liên quan đến tác quyền của mình. Tất cả văn bản liên quan trên trang web đó đều có bản tiếng Việt ngoài bản tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, và tất cả kỷ năng tin học cần thiết là biết rê con chuột vào chữ “Thanh toán bằng tiền mặt” hay “thôi tham gia thỏa thuận thu xếp” hay lựa chọn khác rồi bấm một cái. Nhưng trước nhất là cứ đọc cho hết bản thông báo vì “ở trong còn lắm điều hay” mà nhà văn Việt Nam nên biết để đừng bị hù dọa và ăn hiếp.

[Mặt khác, theo nhận định của bà Luyến, thực tế hiện nay, các sách hư cấu (văn học) và các sách phi hư cấu (giáo trình, từ điển, sách khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tác phẩm báo chí, bài báo khoa học...) đều có lượng độc giả nhất định; thậm chí lượng độc giả của các tác phẩm phi hư cấu còn lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu chỉ có các tác giả thuộc Hội Nhà văn được bảo vệ mà các tác giả phi hư cấu bị bỏ rơi thì khó có thể đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của pháp luật về quyền tác giả, trong khi về lý thuyết lẫn thực tiễn, quyền lợi của cả hai nhóm đều như nhau. Do đó, ngày 9-7, Ban vận động thành lập Hiệp hội Quyền tác giả phi hư cấu đã có cuộc họp để xúc tiến quá trình thành lập. ]

--> Sở dĩ tác giả và nhà xuất bản Việt Nam có dính vô vụ kiện Google ở Mỹ này là vì luật bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ bảo hộ cả bản quyền của tất cả tác giả ở những nước có tham gia công ước Bern. Nhưng chúng ta chỉ là thành viên ăn theo, tùy theo lựa chọn của mình cuối cùng có thể thuộc phe thắng hoặc phe thua trong vụ kiện này, lúc đó thắng nhờ thua chịu mà thôi. Còn vấn đề tác quyền ở xứ mình nằm trong việc chúng ta thực thi luật pháp nhà nước và cam kết quốc tế như thế nào, và ý thức cùng kiến thức của các tác giả và các chủ bản quyền về quyền lợi của mình tới đâu. Trong tất cả tủ sách hay máy tính của các nhà văn có bao nhiêu tủ/máy có văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ và công ước Bern để khi cần thì tham khảo cho đỡ cải cọ lung tung?

[Ngoài ra, bà Luyến cũng đã gửi Bộ Nội vụ kiến nghị đề xuất mở rộng phạm vi quản lý quyền của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam. Theo đó trung tâm được phép quản lý các tác giả không chỉ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam mà là tất cả chủ sở hữu quyền của các tác phẩm viết được thể hiện dưới dạng chữ in (trừ cơ sở dữ liệu).]

--> Trời! Bộ tham quá hóa khùng hay sao? Vì viễn cảnh "trung tâm được phép quản lý các tác giả không chỉ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam mà là tất cả chủ sở hữu quyền của các tác phẩm viết được thể hiện dưới dạng chữ in" mà tôi rụng rời tay chân. Phen này tôi phải ôm hết tác phẩm của mình chạy qua Mỹ nhờ luật pháp xứ họ bảo hộ, chứ luật pháp nước mình để làm gì mà không bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ của công dân, đến nỗi một cái trung tâm ấm ớ cả những qui ước cơ bản của công ước Bern mà đòi quản lý "tất cả chủ sở hữu quyền của các tác phẩm viết được thể hiện dưới dạng chữ in" Giỡn hả?

[Nếu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam đồng ý thương lượng với Google thì sau ngày 4-9-2009, các trang web trong nước có thể sẽ bị "làm khó" nếu không trả mức tương đương như "ông lớn" Google (60 USD cho một lần số hóa và 63% doanh thu cho mỗi lần sử dụng). Thế nhưng, nếu trung tâm nhượng bộ hoặc ưu đãi các trang web này thì sẽ phá vỡ cam kết cạnh tranh lành mạnh và có thể phải đối mặt với nguy cơ bị Google kiện lại. ]

--> Thông tin này khác hẳn với nội dung các điều khỏan trong bản thỏa thuận và thông báo thỏa thuận thu xếp. Làm ơn đọc văn bản chính thức, và làm ơn nhớ là trong thời đại thông tin ngày nay, “cha nó lú chú nó khôn.”

[Ngược lại, nếu các trang web trong nước không dàn xếp được về bản quyền và không "phá giá" của Google, thì từ sau ngày thỏa thuận với Google có hiệu lực, chủ website sẽ không được phép đăng tải bất kỳ tác phẩm nào của hơn 4.000 tác giả đã bán cho Google (bản danh sách tác giả - tác phẩm này sẽ được đăng công khai trên website của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam) nếu không muốn bị đưa ra tòa. ]

Lại tầm bậy! (Làm ơn đọc kỷ thông báo và bản thỏa thuận của người ta, tuy câu chữ kỳ cục nhưng không tối nghĩa đến mức suy diễn trẹo bản họng như vậy.Họ cũng có bảng 82 câu giải đáp những câu hỏi thường gặp, dễ hiểu hơn.)

[Tuy nhiên, ngoài những bất lợi nói trên, nếu đồng ý với đề nghị của Google, và nếu Google nghiêm túc thực hiện thỏa thuận thì hằng năm các nhà xuất bản và các tác giả Việt Nam sẽ có một số tiền không nhỏ. "Trong tương lai, 3 "nhà": nhà văn, nhà giáo, nhà báo sẽ hưởng lợi từ việc này, vì tính sơ sơ, hằng năm trung tâm sẽ thu khoảng 300 - 400 triệu USD tiền bồi thường bản quyền từ Google", bà Luyến nhẩm tính. Đấy là chưa kể khi số hóa trên internet, các xuất bản phẩm sẽ được Google đo "nhiệt" bằng lượng độc giả truy cập... ]

Toàn bộ số tiền thỏa thuận mà Google đồng ý chi là 125 triệu USD, trong đó trích ra 34,4 triệu USD để lập Book Rights Registry, một tổ chức làm nhiệm vụ kiểm soát và thu tiền tác quyền trên Google books để chi trả cho chủ bản quyền. Còn lại bao nhiêu cho 7 triệu sách và bài viết và các chi phí khác? Nếu nhẩm tính theo giá 60USD/ 1 cuốn sách + lợi nhuận từ truy cập và quảng cáo trên trang sách (mặc dù còn lâu lắm mới xảy ra chuyện độc giả Việt Nam trả tiền đọc sách trên Google, nhưng cứ tính một cách lạc quan là 40USD/năm) thì tổng thu của 4.400 cuốn hiện nay (tính luôn rất nhiều cuốn không còn bản quyền) thì … (tôi thua, phải xài máy tính bấm tới bấm lui, chứ không cách nào nhẩm tính ra 300-400 triệu USD)

update: Thiệt là kỳ quái, cái "bài này" là bài báo có cái tít giật gân "Google chào giá 400 triệu USD/năm bản quyền tác phẩm VN" trên Thanh Niên online ở http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200928/20090710233623.aspx, được Tuổi Trẻ online bổ sung mấy cái box thành một bài hoành tráng với ghi chú cuối bài là "theo Thanh Niên và Pháp luật TP". Vì thấy cái trên Tuổi Trẻ online gom luôn cả hai nguồn nên mình đã đặt link "bài này" tới http://nhipsongso.tuoitre.com.vn/Index.aspx?ArticleID=326095&ChannelID=16
Viết xong check link còn ngon lành, bèn báo cho bạn bè biết mà đọc, chúng hồi đáp ngay là link "bài này" chết rồi!!! Kỳ thiệt. Đành link trở qua Thanh Niên. Nếu mà link đó die luôn thì xin độc giả hiểu cho những đoạn in nghiêng trong bài và đặt trong [ ] là trích dẫn từ bài báo "Google chào giá 400 triệu USD/năm bản quyền tác phẩm VN" tác giả là Lan Ngọc, được cập nhật trên Thanh Niên online lúc 10/07/2009 23:36 . Phải ghi chi tiết như vậy vì đó là nguyên tắc trích dẫn tranh luận.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222