Hái tôi đi!

Chiều chiều cắp rỗ qua vườn hàng xóm hái đậu. Đậu này màu tím sậm gần như đen, nhưng luộc chín thì lại xanh như đậu que, và có vị như đậu đũa. Hàng xóm này là chị Kate, đã biến bãi cỏ trước nhà mình thành vườn rau, từ ba bốn năm trước, chứ không phải từ khi bà Obama phát động phong trào làm vườn trong tòa Bạch Ốc,. Chị làm vườn rất đúng bài bản, không trồng khoai liên tiếp hai ba vụ trên cùng một mảnh đất, nên năm ngoái đất chị đã trồng khoai thì năm nay trồng đậu. Cũng theo bài bản thì trồng đậu sau vụ khoai là để phục hồi đất đai, tăng đạm cho đất. Đó mới là mục đích chính, nhưng khi đậu cho trái thì phải hái. Chị gắn một tấm bảng nhỏ giữa đám đậu ghi chữ “Pick me!” Nhìn xa thì thấy lá đậu xanh rậm rì, đến gần thì Trời ơi, đậu từng chùm lủng lẳng khêu gợi: Hái tôi đi!
Thành ra chiều chiều lại cắp rỗ qua vườn hàng xóm hái đậu. Vừa hái vừa nhớ vườn ngoại xưa. Chỗ nào trong vườn ngoại cũng mọc cái gì đó ăn được: rau thơm các loại mọc từng giề bên hè; bồ ngót trồng làm giậu; mồng tơi, khổ qua leo lên mấy cành cây khô tiện tay cắm bên cạnh khi gieo hột; bầu bí mướp thì bò đầy chái bếp; góc vườn này một đám khóm, góc vườn kia một vạt khoai mì; khuất dưới tán cây sầu riêng là một bầy lá lốt, chỗ lộ mặt trời thì dây lang dây muốn bò tùm lum; dưới mương mọc thành đám lá dứa, rau om; đến khúc gỗ bắc cầu qua mương cũng mọc mấy tai nấm mèo. Mà có vẻ như tất cả đều tự mọc lấy, mình chỉ việc tới bữa thì cắp rỗ ra vườn hái. (Khi bà ngoại mất rồi, tôi mới hiểu chỉ cỏ mới tự mọc mà thôi).
Có lần thấy người lúi húi trong vườn ngoại, tôi la lên: Ngoại ơi, có người ăn cắp rau vườn mình. Ấy là lúc tôi đã đi học ở Sài Gòn mấy năm, được dạy rằng cái gì không phải của mình mà mình lấy là ăn cắp, là xấu lắm, sẽ bị trừng phạt. Con nít chín mười tuổi là lúc óc tư hữu phát triển rạch ròi, thế giới được chia thành hai: của mình và của người ta, cái bàn ngồi chung với đứa bạn trong lớp được vạch một lằn phấn chính giữa: bên tao, bên mày. Khi về ngoại, tôi đã đi giáp vòng khu vườn, xác định cái gì thuộc về vườn mình; hơi phân vân về đám môn ngọt mọc giữa mương cái chia vườn ngoại với vườn ông Tư, nhưng khi thấy bà ngoại thản nhiên bứt cọng môn về luộc chấm mắm kho, tôi mặc nhiên coi đám môn đó là của vườn mình.
Thấy người khác hái rau trong vườn mình tôi la lên “ăn cắp”, bị bà ngoại rầy: “Rau cỏ mà ai ăn cắp hả con?” Ngoại bước ra vườn, chào hỏi bà Hai hay dì Sáu nào đó, lại hái phụ một ôm lá lốt, còn cám ơn người ta, vì “mưa xuống nó mọc dữ quá”, như thể người ta vừa giúp mình tảo thanh hay trấn áp lũ lá lốt đã thừa cơ thời tiết thuận lợi trở nên “dữ quá”. Ở nhà ngoại lâu tôi dần quen chuyện nhảy qua cái mương sang vườn hàng xóm hái mấy trái ớt chỉ thiên hay nhổ đám rau càng cua. Hai thứ này được coi là “tự mọc”, và không hiểu sao chúng toàn mọc bên vườn người ta. Cũng nhiều lần, bà ngoại sẵn hái rau cho bữa cơm nhà mình, hái dư cả thúng, chắc vì chúng mọc dữ quá, biểu tôi bưng qua cho ông Tám, bà Chín. Tôi bưng thúng rau đứng trước cửa nhà hàng xóm, chó sủa rân rân mà không thấy ai bước ra, tôi không biết kêu ới thưa gởi ra sao, bèn đặt đại cái thúng bên thềm, rồi ù chạy về nhà. Rồi có bữa, bỗng dưng trong sân nhà ngoại hiện ra một thúng cà dái dê, không biết ai bỏ đó, mà ngoại vẫn đem vô bếp nướng lên, trét mở hành, dầm nước mắm, khen cà ngon cà béo, ai trồng khéo ghê.
Tôi hái đậu vườn Kate về luộc chín, vớt ra, chan muỗng dầu ô liu, vắt chút chanh, rắc chút muối, trộn lên, ăn ngon ác liệt. Sau đó lại cắp rỗ đi vòng vòng trong xóm xem vườn ai treo bảng “pick me” nữa. Ở đây không giống quê ngoại xưa, cọng cỏ ngọn rau của người ta đều bất khả xâm phạm, muốn hái dù một cái hoa dại cũng phải xin phép; chứ cái gì người ta muốn cho hay bỏ đi, thì họ sẽ treo bảng “free”, miễn phí.
Sát bên nhà có cây lê, năm đầu tiên tôi về ở đây, thấy lê rụng đầy vườn, ông hàng xóm chiều chiều đi làm về lại phải lượm trái rụng bỏ thùng rác rồi mới chạy máy cắt cỏ. Ổng không thích ăn lê, chẳng qua cây lê do cha ổng trồng nên ổng chăm sóc giữ gìn làm kỷ niệm. Tôi ăn thử một trái mới rụng thấy giòn ngon như ổi xá lỵ Mỹ Thuận, bèn bưng rỗ tính đi lượm về, nghĩ đằng nào người ta cũng bỏ. Nhưng chồng tôi bảo không được, phải chờ chủ vườn về xin phép. Dĩ nhiên ông hàng xóm vui vẻ bảo tôi cứ hái hết cây giùm ổng. Rồi từ đó hàng năm ông hàng xóm chăm sóc cây cho nó ra hoa kết trái, rồi sang gõ cửa nhà tôi bảo là lê sắp chín, hôm nào qua hái giùm nhé. Mùa lê năm ngoái tôi không ở đây để hái, tiếc lắm, nghĩ bao nhiêu trái lê ngon lành như vậy mà liệng thùng rác thật là lãng phí. Nhưng hóa ra ông hàng xóm không liệng thùng rác nữa: lê chín, ông treo bảng “pick me” lên cây để người qua đường thoải mái hái. Người ta hái không hết, ông gom phần còn lại vô một thùng để bên lề đường, dán tấm giấy ghi “free”. Bữa sau thấy thùng lê vẫn còn đó, ông đành cất công chở nó tới Foodbank (ngân hàng thực phẩm). Ở đó, người ta giám định là lê của ông ăn được, bèn nhận, để phân phát lại cho người khác.
Tưởng đâu nết ăn lê của tôi cảm hóa được ông hàng xóm về giá trị trái lê, nhưng không phải vậy. Chẳng qua ổng đang hưởng ứng một phong trào ở địa phương như nhiều người Mỹ trung lưu may mắn khác. Ấy là chia sẻ với đồng bào ổng trong thời khủng hoảng kinh tế. Washington là một trong những tiểu bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Mỹ, và xứ Bellingham này lại nằm trong những thành phố có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tiểu bang. Số người đến Foodbank để nhận thực phẩm miễn phí ngày càng nhiều, do vậy Foodbank cũng cần nhiều nguồn thực phẩm hiến tặng. Hồi xưa Foodbank không vui vẻ nhận thực phẩm dễ hư (như rau trái), bây giờ thì họ nhận tuốt.
Bảng “pick me” treo lồ lộ trong đám đậu, hình như có mỗi mình tôi hái, mà tôi hái sao kịp? Đậu này càng hái cây càng mọc nhiều trái, không hái đậu già cây tịt luôn. Thế là Kate và tôi hái một thùng đầy đem qua Foodbank. Ở đó thực phẩm được phân phát cũng lịch sự lắm. Những thức ăn chế biến sẵn hay để được lâu (như đồ hộp) và những thứ không có nhiều mà nhiều người thích thì được phát theo đầu người, còn những thứ như thùng đậu của Kate thì cứ để trên bàn, ai muốn cứ tự lấy, bao nhiêu tùy ý.
Trên đường về, tôi thấy vài khu vườn cũng treo bảng “pick me”. Tôi nói với Kate sao mấy người thất nghiệp không đi hái những thứ này mà đi sắp hàng nhận đồ Foodbank? Kate nói: họ đâu có rảnh, hay có hứng thú đặc biệt như tụi mình, để đi vòng vòng hái rau trái? Họ chỉ cần đến Foodbank, nhận những bao thực phẩm các loại, khuận ra xe chở về nhà, nếu còn nhà. Nhiều người chẳng còn nhà, cũng chẳng còn bếp, hái đậu hay bắp về mắc công kiếm chỗ nấu nướng. Và nói cho cùng, cái xóm người ta có cái để cho đi thì ít ai cần nhận; còn những người cần nhận thì không muốn, hay không thể, la cà giữa những kẻ may mắn hơn.

Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222