Đổi đời

Chuyện này nghe như tiếu lâm, tôi không chắc chuyện có thực hay xạo: ông bác vật nọ đi du học bên Tây về trồng một vườn đu đủ ra toàn đu đủ đực. Tất nhiên ông nhận thức vườn đu đủ của ông có tính độc đáo, vì khắp vùng đu đủ nông dân trồng đều có trái, chứ không chỉ có bông như đu đủ ông trồng. Có thể đó là một hiện tượng hiếm lạ đáng nghiên cứu. Ông bèn nghiên cứu, nghiên cứu, nghiên cứu hoài mà không giải quyết được vấn đề. Cho đến một hôm một ông nông dân bảo: Tụi tui cũng trồng ra đu đủ đực hoài chứ hiếm lạ gì, chỉ cần phạt ngang thân cây, cây sẽ mọc lại và trở thành đu đủ … cái.
Không biết có phải vì vậy nên thanh niên bây giờ đi du học nào kinh tế, tin học, y học, hay hàng không vũ trụ… chứ không mấy người chí thú học nông nghiệp. Những lần về đồng bằng sông Cửu Long, nơi đa số dân chúng là nông dân, sức mạnh kinh tế là nông nghiệp, tôi gặp nhiều gia đình khá giả có con học ở Sài Gòn, ở cả nước ngoài. Hỏi các em học gì, thì cũng là tin học, kinh tế, ngoại ngữ. Tham vọng của các em là học hành các môn “hiện đại”, rồi tạo lập được sự nghiệp ở thành phố, thoát khỏi cảnh đời một nắng hai sương của cha mẹ ông bà ở “dưới quê”, vừa lạc hậu vừa nhọc nhằn. Các bậc cha mẹ cực khổ nuôi con ăn học cũng mong chúng lên Sài Gòn, hay ra nước ngoài, được sống sung sướng, làm việc trong những cao ốc văn phòng, ăn mặc đẹp, gặp gỡ người nổi tiếng. Họ đã ngán cảnh đời sáng cày tối cuốc, mặt úp đất, mông chổng lên trời, giữa đồng ngập nước, nắng cháy da.
Thì đúng là nông thôn của mình bây giờ vẫn còn lạc hậu nghèo nàn, việc đồng áng cực nhọc vất vả. Nhiều người thậm chí đinh ninh rằng nông thôn thì phải vậy, và trong ngôn ngữ Việt hiện nay, “nông dân”, “nhà quê” thường được hiểu như đối lập với “trí thức”, “văn minh”. Nhưng nếu đến những xứ sở văn minh ở phương Tây, như Pháp, Hà Lan chẳng hạn, sẽ thấy nông thôn của người ta đẹp đẽ, văn minh; nông nghiệp là một nghề sang trọng không kém nghệ sĩ hay bất cứ ngành nghề trí thức nào.
Phải có thiên tư và có học mới có thể trở thành nông dân, chứ không phải ai muốn nhào ra làm ruộng đều được. Để bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, cũng như uy tín thương hiệu sản phẩm, một số nước tiên tiến buộc người làm nghề nông phải tốt nghiệp trường Canh nông. Phương tiện sản xuất chính của nghề nông là đất và nước, là những tài nguyên ngày càng quí hiếm ở mọi quốc gia, nhất là những quốc gia hậu công nghiệp, không thể giao bừa cho những người dốt. Con nhà nông muốn nối nghiệp cha, dù sanh trưởng ở nông thôn, làm chủ đất, và rành sáu câu công việc nhà nông, vẫn phải có bằng cấp mới được là nông dân. Đến như Trung quốc, nông thôn bên đó chắc cũng cỡ nông thôn xứ mình, nhưng một thế hệ nông dân trẻ có học đang thay đổi nền nông nghiệp của họ. Nhân theo dõi thế vận hội 2008 bên đó, tôi có đọc một tin về việc cung cấp rau quả sạch cho hàng vạn người tham dự Thế vận hội, mới biết chị “nông dân” lãnh trách nhiệm đó là một thạc sĩ du học ở Pháp về.
Đi chợ nông dân ở Bellingham (Mỹ) tôi thường thấy những người đứng sau các quầy nông sản là những chàng trai cô gái trẻ đẹp - có lần chồng tôi nhận ra một sinh viên cũ - tôi tưởng họ là những sinh viên đi phụ bán hàng; nhưng hóa ra họ đều là nông dân thực thụ, người nuôi trồng ra những sản phẩm mà học đang bày bán. Như anh sinh viên cũ của chồng tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, đã lập nghiệp ở một nông trại nhỏ mà anh mua trả góp (giá không cao hơn một cái nhà ở thành phố.) Người bạn đời của anh cũng có trình độ đại học, cả hai yêu thiên nhiên, thích cuộc sống tự do tự tại, và muốn nuôi dạy con cái trong môi trường trong lành và thân thiện ở nông thôn. Đó không chỉ là sự chọn lựa nghề nghiệp, mà còn là chọn lựa cách sống.
Trường đại học tiểu bang nào ở Mỹ cũng có khoa nông nghiệp, sinh viên theo học các khoa này nhiều người xuất thân giàu có danh giá, và chứng tỏ năng lực trí tuệ xuất sắc. Sau khi học xong họ tự hào trở thành nông dân. Họ làm nghề nông không chỉ bằng cơ bắp mà còn bằng đầu óc của thạc sĩ, cử nhân. Họ biến nông thôn thành một xã hội hài hòa văn minh mà người thành thị chỉ biết mơ ước. Ở khoa nông nghiệp người ta không chỉ dạy cách trồng cây gì hay nuôi con gì, mà có tất cả các môn liên quan đến nền văn hóa nông thôn, từ môi trường, đất, nước, thời tiết, bảo quản chế biến thực phẩm, kế hoạch mùa vụ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, thị trường nông sản địạ phương và thế giới, kỷ năng cỡi ngựa, cả ngoại ngữ…
Một ông “Hai Lúa” đồng bằng sông Cửu Long có lần hỏi tôi nên cho con trai đi học môn gì, tôi thấy ruộng đất của ông cũng khá mà có mỗi một người con trai, nên bảo: nên cho cháu đi học nông nghiệp. Ông cười ha ha như thể tôi nói giỡn: Ông chịu cực khổ những mong quí tử của mình đổi đời, chứ bảo nó theo nghề nông, thì nó cứ ở nhà học ông, cần gì đi học xa. Tôi chịu ông là lão nông tri điền, ắt có nhiều điều đáng học hỏi. Nhưng nếu mình chỉ theo đúng bước chân người đi trước thì mình sẽ chỉ đi tới chỗ họ dừng lại là cùng.

Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222