Bí quyết làm vườn 1
Sau ba mùa hè hì hụi làm vườn, tôi đúc kết được một kinh nghiệm, một “bí quyết” để vào mùa trồng trọt những năm sau, vườn của tôi luôn xanh tốt. Đó là cái gì mọc thì trồng, cái gì không mọc thì thôi.
Ngôi nhà tụi này mua đã cổ, qua ba bốn đời chủ, ông chủ nhà trước là một giáo sư thực vật, khu vườn là một bộ sưu tập mi ni những kỳ hoa dị thảo. Tôi dốt đặc về cây cỏ. Nhưng tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm quan điểm làm vườn của bà ngoại tôi. Hồi nhỏ lon ton theo bà đi hái rau hay làm cỏ trong vườn, tôi nhập tâm bài học căn bản về thiên nhiên của bà ngoại: cây cỏ trong trời đất gồm hai loại: ăn được và không ăn được. Thứ gì không ăn được thì kể như cỏ, gặp thì phải nhổ bỏ đi. Thứ gì ăn được thì cứ để nó mọc, có hái ăn thì cũng chừa lại chút đỉnh cho nó trổ bông, đậu trái, để có hột mà mọc lên cây khác. Cho nên tôi biết rành rau càng cua, rau sam, rau má, rau dền dại, cải trời, đọt tàu bay, cọng môn nước… nói chung những thứ ăn được . Chúng đều tự mọc ở góc vườn, bên đường, dưới mương, chẳng cần tưới bón gì cả, chỉ cần lâu lâu mình xách rỗ hái về ăn để chúng vui mà mọc nữa.
Khi tụi tôi dọn vào ngôi nhà mới của mình, tức là nhà cũ của ông giáo sư thực vật, khu vườn đã vào kỳ ngủ đông, phần lớn cây cỏ đã trụi lá. Đã vậy mưa gió khiến mặt đất lầy lội, ngỗn ngang cành gảy lá úa. Vả lại trời lạnh, có khi âm 11 độ C. Tôi chỉ đặc biệt chú ý đến cái cây to nhứt trong vườn sau, trông như một cổ thụ đã chết. Do kinh nghiệm hồi đi học ở North Carolina, mùa đông bão tuyết khiến điện bị cúp mấy ngày, hệ thống sưởi hiện đại chịu thua lò sưởi cổ điển. Gặp sự cố như vậy, chỉ còn nước cưa cây trong vườn để đốt lò sưởi. May sao năm đó mùa đông ôn hòa, tuyết rơi vài trận, tụ lại đủ lâu để trẻ con vọc tuyết chán. Rồi tuyết từ từ tan. Mặt đất lộ ra những nụ nho nhỏ, trắng trắng xanh xanh.

Đó là hoa Giọt tuyết (Snowdrop). Hồi thập niên tám mươi của thế kỷ trước tôi có xem một phim thần thoại Nga về các vị thần của mỗi tháng. Khi bước chân vị thần đầu năm nhẹ lướt tới, mặt đất nở ra vô vàn đóa hoa trắng nõn lung linh. Tôi tưởng chỉ có trong phim thần thoại mới xảy ra điều kỳ diệu ấy. Đâu ngờ rằng mặt đất ngay dưới chân mình cũng có phép mầu. Ttrắng trắng là nụ hoa nhú lên từ (củ) trong lòng đất, xanh xanh là lá non. Chẳng mấy chốc vạt đất bên hè nhà xanh mơn mởn điểm những đóa hoa trắng lung linh như các vì sao. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì hoa Crocus đột ngột xuất hiện. Cánh hoa màu tím, nhụy hoa vàng, lá xanh có một đường gân trắng, hoa Crocus khi nở ra to cỡ một búp sen nhỏ, ngày không nắng hoa cụp cánh lại, thon thon như ngón tay út.

Lần lượt tôi phát hiện trong vườn còn có những bông Crocus màu trắng nhụy vàng, màu hồng phớt, màu tím lam, màu tím nâu… Và trong lúc lần dò theo dấu hoa Crocus tôi gặp hoa Hellebores đã nở tự bao giờ dưới gốc cây quince.

Làm sao tôi biết tên những thứ cây cỏ xa lạ ấy? Ông giáo sư thực vật khi trồng các loại cây trong vườn vẫn để nguyên cái “thẻ bài” của chúng. Cái thẻ ấy ghi tên khoa học hoặc tên thường gọi của mỗi cây mà các tiệm bán cây kiểng đã đeo cho chúng. Tất cả cây cỏ bán trong vườn ươm, vườn kiểng, đều có tên họ. Gặp cây gì trong vườn mà không có “thẻ bài” tôi chụp hình chúng đem vô vườn bán cây kiểng hỏi tên, hoặc đi vòng vòng trong tiệm xem cây nào ở đó giống cái cây ở vườn mình. Có một số cây cỏ trong vườn tôi không tìm thấy ở vườn bán cây kiểng, tôi gởi hình lên các diễn đàn người làm vườn hay vườn bách thảo hay website khoa thực vật các trường đại học, thế nào cũng có người biết tên, và không khó khăn gì trong việc tìm hiểu đặc tính của cây một khi mình biết được tên nó. Hóa ra nhiều cây cỏ trong vườn tôi có gốc gác từ vùng Đông Á, Tây Âu.
(còn tiếp)
Ngôi nhà tụi này mua đã cổ, qua ba bốn đời chủ, ông chủ nhà trước là một giáo sư thực vật, khu vườn là một bộ sưu tập mi ni những kỳ hoa dị thảo. Tôi dốt đặc về cây cỏ. Nhưng tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm quan điểm làm vườn của bà ngoại tôi. Hồi nhỏ lon ton theo bà đi hái rau hay làm cỏ trong vườn, tôi nhập tâm bài học căn bản về thiên nhiên của bà ngoại: cây cỏ trong trời đất gồm hai loại: ăn được và không ăn được. Thứ gì không ăn được thì kể như cỏ, gặp thì phải nhổ bỏ đi. Thứ gì ăn được thì cứ để nó mọc, có hái ăn thì cũng chừa lại chút đỉnh cho nó trổ bông, đậu trái, để có hột mà mọc lên cây khác. Cho nên tôi biết rành rau càng cua, rau sam, rau má, rau dền dại, cải trời, đọt tàu bay, cọng môn nước… nói chung những thứ ăn được . Chúng đều tự mọc ở góc vườn, bên đường, dưới mương, chẳng cần tưới bón gì cả, chỉ cần lâu lâu mình xách rỗ hái về ăn để chúng vui mà mọc nữa.
Khi tụi tôi dọn vào ngôi nhà mới của mình, tức là nhà cũ của ông giáo sư thực vật, khu vườn đã vào kỳ ngủ đông, phần lớn cây cỏ đã trụi lá. Đã vậy mưa gió khiến mặt đất lầy lội, ngỗn ngang cành gảy lá úa. Vả lại trời lạnh, có khi âm 11 độ C. Tôi chỉ đặc biệt chú ý đến cái cây to nhứt trong vườn sau, trông như một cổ thụ đã chết. Do kinh nghiệm hồi đi học ở North Carolina, mùa đông bão tuyết khiến điện bị cúp mấy ngày, hệ thống sưởi hiện đại chịu thua lò sưởi cổ điển. Gặp sự cố như vậy, chỉ còn nước cưa cây trong vườn để đốt lò sưởi. May sao năm đó mùa đông ôn hòa, tuyết rơi vài trận, tụ lại đủ lâu để trẻ con vọc tuyết chán. Rồi tuyết từ từ tan. Mặt đất lộ ra những nụ nho nhỏ, trắng trắng xanh xanh.

Đó là hoa Giọt tuyết (Snowdrop). Hồi thập niên tám mươi của thế kỷ trước tôi có xem một phim thần thoại Nga về các vị thần của mỗi tháng. Khi bước chân vị thần đầu năm nhẹ lướt tới, mặt đất nở ra vô vàn đóa hoa trắng nõn lung linh. Tôi tưởng chỉ có trong phim thần thoại mới xảy ra điều kỳ diệu ấy. Đâu ngờ rằng mặt đất ngay dưới chân mình cũng có phép mầu. Ttrắng trắng là nụ hoa nhú lên từ (củ) trong lòng đất, xanh xanh là lá non. Chẳng mấy chốc vạt đất bên hè nhà xanh mơn mởn điểm những đóa hoa trắng lung linh như các vì sao. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì hoa Crocus đột ngột xuất hiện. Cánh hoa màu tím, nhụy hoa vàng, lá xanh có một đường gân trắng, hoa Crocus khi nở ra to cỡ một búp sen nhỏ, ngày không nắng hoa cụp cánh lại, thon thon như ngón tay út.

Lần lượt tôi phát hiện trong vườn còn có những bông Crocus màu trắng nhụy vàng, màu hồng phớt, màu tím lam, màu tím nâu… Và trong lúc lần dò theo dấu hoa Crocus tôi gặp hoa Hellebores đã nở tự bao giờ dưới gốc cây quince.

Làm sao tôi biết tên những thứ cây cỏ xa lạ ấy? Ông giáo sư thực vật khi trồng các loại cây trong vườn vẫn để nguyên cái “thẻ bài” của chúng. Cái thẻ ấy ghi tên khoa học hoặc tên thường gọi của mỗi cây mà các tiệm bán cây kiểng đã đeo cho chúng. Tất cả cây cỏ bán trong vườn ươm, vườn kiểng, đều có tên họ. Gặp cây gì trong vườn mà không có “thẻ bài” tôi chụp hình chúng đem vô vườn bán cây kiểng hỏi tên, hoặc đi vòng vòng trong tiệm xem cây nào ở đó giống cái cây ở vườn mình. Có một số cây cỏ trong vườn tôi không tìm thấy ở vườn bán cây kiểng, tôi gởi hình lên các diễn đàn người làm vườn hay vườn bách thảo hay website khoa thực vật các trường đại học, thế nào cũng có người biết tên, và không khó khăn gì trong việc tìm hiểu đặc tính của cây một khi mình biết được tên nó. Hóa ra nhiều cây cỏ trong vườn tôi có gốc gác từ vùng Đông Á, Tây Âu.
(còn tiếp)