Thiệt thòi hay may mắn?

Tôi đọc báo, thấy cụm từ “trẻ thiệt thòi” thường dùng để chỉ những người trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, hoặc khuyết tật, nhiễm hay bị ảnh hưởng HIV, đôi khi dùng rộng ra cho trẻ em thuộc gia đình nghèo khó, không được đi học. Không biết gộp tất cả lại thì số trẻ thiệt thòi này chiếm tỷ lệ nào trong dân số trẻ trung ở xã hội mình. Có thể là con số nho nhỏ thôi. Nhưng nếu hiểu khái niệm “trẻ thiệt thòi” theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là “trẻ không được hưởng đầy đủ những quyền lợi mà chúng đáng lẽ được hưởng” như quyền được sống trong một gia đình yêu thương, được dinh dưỡng đầy đủ, được bảo vệ sức khỏe, được giáo dục chu đáo, được an toàn trong xã hội, được vui chơi giải trí lành mạnh, được dành cho những điều kiện và cơ hội phát triển tương tự như người đồng lứa, thì e là đại đa số người trẻ Việt Nam đều là trẻ thiệt thòi.
Có người đồng ý ngay: Chứ còn gì nữa? Trong một xã hội các thứ giá trị lộn tùng phèo, mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, một thiểu số ăn trên ngồi trốc, đa số đương nhiên bị thiệt thòi. Con cái của đa số người dân thiệt thòi đó, ngay cả những đứa may mắn có được một gia đình yêu thương và khá giả để đủ ăn đủ mặc, không bệnh tật, hay bệnh tật có bác sĩ thuốc men, thì cũng không chắc được an toàn khi ra khỏi căn nhà cha mẹ mình. Có khu phố nào, làng xóm nào được coi là an toàn cho trẻ? (Không bị xe chạy ẩu tông, không bị trấn lột, cưỡng bức hay dụ dỗ tiêu thụ những thứ gây nghiện, hay tập nhiễm những hành vị tự hủy hoặc gây hại cho xã hội). Lại còn việc giáo dục. Trẻ đi “tỵ nạn giáo dục” ở xứ người hay trường “quốc tế” chưa biết hay ho ra sao, còn đại bộ phận trẻ đang chịu đựng nền giáo dục trong nước thì đều bị thiệt thòi nhiều hay ít, tùy hoàn cảnh ở nông thôn hay thành thị. Ấy là chưa nói tới mục vui chơi giải trí lành mạnh và những điều kiện, cơ hội phát triển trong xã hội còn bất bình đẳng.
Có người phản bác: Đòi hỏi sự hoàn hảo là điều không tưởng. Nên lấy quan điểm tương đối mà phấn đấu. So với thế hệ tôi (nay thuộc hàng ông bà) sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, hay thế hệ sinh ra và lớn lên thời hậu chiến (nay đã thành cha mẹ bọn teens) đầy khó khăn thiếu thốn lẫn tai ươn bất ngờ, thì bọn trẻ bây giờ kể như may mắn. Vả lại, bất bình đẳng là tất yếu của xã hội phát triển, khôn sống mống chết là qui luật đào thải trong tự nhiên. Chính sự thiệt thòi của một số người trong xã hội là một động lực tiến hóa: những người đó nổ lực nhiều hơn để phấn đấu vươn lên, nhờ vậy mà đạt được những thành tựu phi thường, cải tiến xã hội. Những kẻ được chăm chút đầy đủ thường trở thành kẻ hưởng thụ tự mãn vô tích sự. Xã hội con người xưa nay luôn như vậy: ai cũng ở một vị trí nào đó trong cái vòng đu quay, dưới đáy hay trên đỉnh hay lơ lửng giữa chừng. Kẻ ở dưới đáy chòi đạp trèo lên khiến cái vòng quay, và khi cái vòng quay thì các vị trí ắt thay đổi. Thay vì đòi hỏi sự hoàn hảo không tưởng, hãy nổ lực vươn lên nếu mình đang ở vị trí thiệt thòi.
Tùy theo quan điểm hay tùy hoàn cảnh, mỗi người có thể tự coi mình bị thiệt thòi hay may mắn. Nhưng xét cho cùng, những người trẻ hiện nay đang là sinh viên là người may mắn. Họ may mắn hơn hàng triệu trẻ em Việt Nam khác phải kết thúc việc học sau cấp 3, hoặc cấp 2, hoặc cấp 1, thậm chí không hề được đến trường. Nhưng so sánh như vậy làm gì! Người bạn trẻ đang trò chuyện cùng tôi tự so sánh mình với những người trang lứa trên thế giới cơ. Và “thế giới” bạn ngụ ý là Nhật, Hàn, Mỹ , Úc, Âu… chứ không phải Angola hay Cuba! Bạn đang nói rằng nền giáo dục mà bạn đang thụ hưởng khiến cho bạn bị thiệt thòi so với “người ta”, những người có bằng cấp các trường danh tiếng ở các nước tiên tiến. Tôi không thể phản bác điều này.
Tôi cũng không thể nói điều an ủi gì cả. Mà nói ra chắc bạn giận, vì tôi lại thấy như vậy mà hay. Bởi vì trong ngôn ngữ nào cũng có chữ “nhưng”. Bạn bè cùng thời với tôi hay nói: tuổi trẻ của tụi mình chịu nhiều thiệt thòi: chiến tranh loạn lạc chết chóc mất mát, nhưng nhờ vậy tụi mình biết suy tư trăn trở về một lý tưởng sống. Mấy đứa học trò nhà quê tôi đạy cách đây hai ba chục năm thỉnh thoảng tâm sự: Hồi đó tụi em chịu nhiều thiệt thòi, đói ăn, thiếu mặc, đi học về làm ruộng, nhưng nhờ vậy mà biết chịu cực chịu khó, bền gan nuôi ý chí.
Đúng là không phải ai cũng có thể chuyển những thiệt thòi thành động cơ phấn đấu. Một hòn đá với người này là chướng ngại vật, với người khác là điểm tựa cho đòn bẫy. Đúng là trách nhiệm của nhà nước là làm sao cho người trẻ nước mình được hưởng một nền giáo dục có sức cạnh tranh trong thế giới “toàn cầu hóa” này. Nhưng khi điều đó còn là một viễn cảnh, thì may mắn cho người nào nhận ra được sự thiệt thòi của mình.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222