Một đô la một ngày
Tuyến xe buýt 56 có trạm dừng gần nhà tôi, nên đi đâu tôi cũng đón xe này. Xe chạy từ bến xe Chợ Lớn
qua trạm trung tâm thành phố trước chợ Bến Thành rồi chạy tiếp tới Tân Vạn qua
ngã ba Vũng Tàu. Thường thì tôi chỉ đi tới
bến Chợ Lớn hay chợ Bến Thành, rồi từ hai trạm trung tâm đó đổi xe buýt để có
thể đi bất cứ đâu trong thành phố này. Tôi chỉ đi hết tuyến một lần cho biết,
thấy xe chạy qua nhiều trạm gần các trường đại học: ĐH Y Dược, ĐH Sài Gòn, ĐH
Sư Phạm, ĐH Khoa Học, rồi ra khỏi nội thành tới khu đại học quốc gia ở Thủ Đức.
Nên tôi đoán những hành khách trẻ là sinh viên các trường gần trạm
họ lên xuống.
Tôi thích nhìn (lén)
mấy bạn đó, thấy hầu hết đều thanh mảnh. Thậm chí có người vừa ốm vừa lùn, trông
bé tí lại xanh xao. Thỉnh thoảng tôi mới
gặp một người hồng hào có vẻ khỏe mạnh. Thiệt tình thì tôi nhìn những người có eo co với ánh mắt ngưỡng
mộ. Nhưng gầy gò và xanh xao như thể suy dinh dưỡng thì không được quyến rũ lắm. Tôi suy diễn là sinh viên mà phải đi xe buýt
có lẽ là ở tỉnh xa lên thành phố trọ ở ngoại ô, và sinh viên nghèo. Nhưng cũng
có thể dáng mảnh mai vẻ hao gầy là mốt của thanh niên bây giờ. Dù sao, tôi rất
áy náy khi thấy người ta còn trẻ mà sức khỏe coi bộ ỉu xìu.
Sáng nay tôi có việc
đi xe buýt 56 và ngồi cạnh một cô gái tuy gầy gầy nhưng hồng hào, nét mặt tươi
sáng, đôi môi sẵn nụ cười khi tôi bước đến
bên cạnh. Cô gái đã cầm cái ba lô hơi to trên ghế bên cạnh kê lên đùi mình để
trống chỗ cho tôi ngồi xuống. Tôi cám ơn và hỏi em là sinh viên trường nào,
cô gái nói cháu học ở Thủ Đức. Tôi hỏi học
gì mà phải mang sách đầy ba lô vậy, cô gái vừa cười vừa nói có mấy cuốn sách à,
tại có cái nồi cơm ở dưới đáy bao lô. Cô gái vẫn cười trước vẻ ngạc nhiên của tôi và nói tiếp: Cháu kiếm được chỗ trọ này
tiện đường xe buýt, chỗ ở sạch sẽ, bạn cùng phòng dễ thương, tiền phòng chia ra
không nhiều, nhưng qui định là không được nấu nướng trong phòng. Mà thực ra
cũng không thể nấu vì không có ổ cắm điện. Nên cháu cõng nồi cơm điện vô trường
cắm nhờ ổ điện trong … thư viện. Cháu để
nồi trong ba lô, chỉ thò ra sợi dây điện, đâu có phân biệt được đó là dây điện
của nồi cơm hay máy laptop.
Dĩ nhiên khi cơm sôi bốc khói và tỏa mùi thơm thì không dễ
gì giấu, nhưng nồi cơm nhỏ, thời gian nấu ngắn, cơm chín là ngắt điện rút dây
vô ba lô cõng đi chỗ khác ngay. Mà cháu đâu có vi phạm nội qui: cháu để nồi cơm
trong ba lô chứ đâu có ăn trong thư viện. Có nhiều góc vắng vẻ lãng mạn để giở
cơm ra ăn đàng hoàng. Tôi tò mò một bữa
ăn “đàng hoàng” của cô gái gồm những gì ngoài cơm nóng. Em ngập ngừng, rồi nói
với cái vẻ thì cứ sự thật trình bày chứ có gì mà ngượng: Như bữa nay, cơm sôi cháu
bỏ vào một hai cái trứng. Bữa cơm của cháu có trứng dầm muối tiêu và dưa leo
(cháu không thích dầm trứng trong nước mắm vì đem theo nước mắm không tiện). Cháu
có một trái ổi để tráng miệng nữa.
Trưa thì cháu ăn vậy cho gọn nhẹ. Chỉ một phần ba nồi cơm
thôi. Phần còn lại cháu cõng về phòng trọ để ăn buổi chiều và sáng hôm sau. Ở
phòng của mình, cháu ăn uống “thịnh soạn” hơn. (Nội qui phòng trọ cấm nấu nướng
chứ không cấm ăn hay chế biến món ăn. Cháu pha nước mắm chanh ớt ngon lắm, để
ăn với bún, bánh ướt, bánh cuốn, bánh tráng, những thứ mua về ăn liền không cần
nấu. Rau sống, rau trộn, gỏi, salad… đâu cần nấu.. Thứ gì cần nấu chín thì cháu
làm sạch sẵn, khi cơm cạn cháu để vô nồi
cơm hấp luôn. Thực ra có nhiều thứ bán ở
siêu thị hay ngoài tiệm, ngoài chợ, đem về là ăn luôn khỏi nấu, nhưng tốn kém.
Mình tự chế biến cho đỡ tốn. Cháu chỉ có thể ăn theo tiêu chuẩn 20.000 đồng một
ngày.
Đó là số tiền dưới một đô la Mỹ, và theo World Bank thì mức
sống một người bằng 1 đô mỗi ngày được coi là mức nghèo (chuẩn thế giới). Ở mức
nghèo này, người ta chủ yếu chi tiêu cho việc ăn để sống còn, những chi tiêu
khác không đáng kể. Có khoảng 1 tỹ người
trên thế giới sống ở mức này, vào năm 2005, thưở kinh tế thế giới chưa suy
thoái, đồng đô la chưa mất giá, và ở những nước đông người nghèo chưa xảy ra khủng
hoảng giá lương thực. Tôi còn nhớ ở nước
mình, năm 2005, người ta có thể ngồi nhà hàng cơm trưa văn phòng, mỗi phần ăn
tính ra cỡ 1 đô gồm cơm, ba món canh, mặn, xào, và món tráng miệng, nước uống miễn phí nếu uống
trà đá. Bây giờ với 20.000 đồng cô gái
chỉ có thể mua được một dĩa cơm bình dân ở lề đường.
Tôi tỏ ra thông cảm, nhưng có lẽ cô gái hiểu lầm
là thương hại, cô vẫn tươi cười, hơi liếng thoắng một chút: Bạn cháu cũng có đứa
không thể sống nổi với mức đó, sáng một gói xôi, trưa một ổ bánh mì là hết vèo
20.000 đồng. Chiều tối ôm bụng đói đi ngủ là chẳng bao lâu kiệt sức. Có đứa
chơi mì ăn liền suốt, loại rẻ, hai ba ngàn một gói. Bị táo bón kinh niên. Cháu
từng xỉu trong lớp. Từ đó cháu biết chuyện ăn uống không phải là “chuyện nhỏ”.
Chịu khó một chút, bớt “ăn ngoài” mua gạo về nấu cơm với đồ tươi. Bây giờ cái gì
cũng mắc, khó “đi chợ”, cháu đi chợ mội tuần một lần, 140.000 đồng mua được,
thí dụ: 3 kí gạo (40.000 đồng), 1 chục
trứng (20.000 đồng), dưa chuột, cà chua,
cà rốt, bắp cải, rau, đổ đồng 10.000 đồng 1 kí, đậu hủ (7 miếng 21.000 đồng) hoặc 1 bịch nửa kí cá ba
sa phi-lê (23.000 đồng), chanh, ớt, tỏi, muối, đường, dầu ăn, nước mắm… (20.000
đồng) Là cháu làm tròn cho dễ tính, chứ cháu còn kò kè trả giá, rồi gom tiền lẻ
còn lại mua trái cây theo mùa. Cô gái lại nhoẻn miệng cười. Ngon mà rẻ. Một tỷ
người sống được bằng 1 đô la mỗi ngày, cháu cũng phải sống được. Vả lại, đâu có
chọn lựa nào khác.
Lý Lan