Vật bất ly thân
Tôi được mời tham dự một chương trình văn học ngoại khóa ở một trường học, và tôi đã từ chối qua điện thoại là tôi lu bu quá, e không sắp xếp đi được. Người tổ chức khăng khăng bảo là sẽ cho người “bưng” tôi đi rồi “bưng” tôi về, trong vòng 2 giờ, và tôi không phải làm gì cả. Chính điều này khiến tôi bảo tôi dứt khoát đừng đi. Nhưng bữa nay vẫn xuất hiện một sinh viên ngay trước cửa nhà tôi. Em bảo nếu tôi không đi thì em không hoàn thành nhiệm vụ, em không thể về, em sẽ ngồi ở đây, ít nhất 2 giờ, cho đến khi buổi lễ ở trường kết thúc. Người tổ chức (trót thông báo danh sách khách mời), sẽ tiếp tục thông báo là đã cử người đi đón tôi và tôi đang trên đường, mà không rõ gặp sự cố gì vẫn chưa thấy đến!
Tôi đành đứng dậy bảo: “Thôi, đi!” Người đón tôi hớn hở ra mặt, nói là đã có sẵn nón bảo hộ cho tôi, rồi nhìn tôi có vẻ chờ đợi. Tôi đội nón, lập lại: “Đi thôi.” Em hơi ngạc nhiên: “Cô không…” Tôi cũng ngạc nhiên: “Em muốn nói cô không trang điểm sửa soạn gì hả? Bộ buổi lễ trang trọng lắm sao?” Em sinh viên vội phân bua: “Dạ không. Em … thấy cô nói đi là đứng dậy đi tay không, em … hơi lạ.” Em sinh viên này là nữ, đi xe tay ga, đeo quàng vai một cái túi xách ba màu trắng đen xám. Em nói toàn bộ những gì quan trọng, thân thiết, “của” em, hay “thuộc về” em, đều ở trong cái vật bất ly thân này. Cứ ra khỏi nhà mà không có nó là em thấy thiếu thốn, trống trải, lúng túng, mất tự tin.
À, tôi cũng có túi xách chứ, đủ loại từ ba lô to đùng đến “bóp” cầm tay bé tí. Và thời sinh viên tôi cũng kè kè bên mình một cái “tay nải”, loại túi vải có dây đeo to bản, mốt thời đó. Ngoài tập sách ra, trong tay nải của tôi thường có một cái lon nhôm đựng bữa ăn trưa. Cái lon đó vốn đựng sữa bột nhãn hiệu nổi tiếng thời đó, nên gọi là lon ghi-gô, gọi tắt là “gô”. Mùa mưa thì đem theo áo mưa. Trời nắng thì đội nón vải. Các thứ này đều có thể xếp gọn cất trong tay nải khi không dùng đến. Ngoài ra có thể có cóc, ổi, me, kẹo hay vài thứ linh tinh khác mà tôi không thể nhớ hết. Cũng không sao nhớ chính xác từ lúc nào tôi chia tay với cái tay nải thân thiết ấy.
Nói ngắn gọn thì tôi đã xài qua vài chục cái túi xách, trung bình mỗi cái một hai năm, không đến nỗi như “thay áo”, nhưng đại khái nó cũng là một thứ “trang phục”. Đi làm, đi dự tiệc, đi mua sắm, đi chơi… mỗi hoạt động đòi hỏi loại túi xách riêng. Hồi còn dạy học, tôi có ba bốn “túi xách đi dạy”, vì ngoài trường công tôi còn dạy ở hai ba trường tư, mỗi chỗ dạy có những sách vỡ và đồ linh tinh riêng, cứ thời khóa biểu ở trường nào thì quảy túi xách trường nấy. Từ khi tôi nghỉ dạy, loại túi xách này biến luôn khỏi danh mục đồ đạc của tôi. Cái túi đi mua sắm cũng bị loại, vì sau khi đi qua vài siêu thị, nhà sách, cửa hàng … bị yêu cầu gởi lại giỏ xách vào mấy ô gởi đồ đạc, tôi cảm thấy … mệt quá. Hoặc là không thèm vô mấy chỗ bán hàng coi mọi khách hàng đều là đạo tặc tiềm năng ấy, hoặc là không xách giỏ đi mua sắm nữa!
Đương nhiên vẫn còn nhiều trường hợp tôi đeo theo túi/giỏ/ví khi ra đường. Chủ yếu để đựng những thứ cần thiết cho mục đích của từng chuyến xuất hành ấy. Riêng chuyến đi dự buổi ngoại khóa mà người ta chỉ cần sự “có mặt” của tôi thì tôi cần đem theo những gì? Em sinh viên chợt nói lên ý kiến riêng kèm theo nụ cười: “Cô nam tính ghê.” Thú thật tôi hơi bị sốc, mặc dù tôi đã tập được thói quen phớt lờ mọi nhận xét phê bình về cá nhân hay tác phẩm của mình. Chỉ vì tôi nói đi là đứng dậy đi … tay không, mà tôi có “nam tính”? Nhưng khoan, em định nghĩa “nam tính” là gì? Em bối rối. Vậy thì ta thử giải thích ngược lại: Tại sao phải đeo túi/giỏ/ví hay cái gì đó mới có “nữ tính”?
Do phải “bưng ( tôi) đi rồi bưng về”, em và tôi tiếp tục câu chuyện trên đường về. Lúc này em có vẻ nhẹ nhõm vì sắp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và cởi mở hơn sau khi “ gần gũi” tôi hai tiếng đồng hồ. Em khẳng định ví/túi/giỏ xách tay là đồ vật “nữ tính” (Nữ có nhiều phụ tùng linh kiện, nhưng không thể mặc áo quần may đầy túi để đựng đủ thứ linh tinh hằm bà lằng ấy. Chẳng hạn? Như mấy thứ giữ vệ sinh phụ nữ: khăn thấm hay băng vệ sinh siêu mỏng, mấy thứ trang điểm dã chiến như cây son sáp để giữ môi đừng khô nẻ, một cái gương con. Lại còn mấy thứ thuộc về sức khỏe. Nữ mới xài mấy thứ này, và không thể không xài.) Phụ nữ hiện đại bước ra đường luôn phải dự phòng những tình huống có thể xảy ra hoặc không ngờ xảy ra, và phải luôn có sẵn các linh kiện phụ tùng (nhiều thứ rất nhỏ như tăm xỉa răng, viên thuốc làm nín ợ hơi nấc cục ) để … luôn là người sành điệu.
“Em ấn tượng ngay từ đầu về sự giản dị của cô, nhưng hình như cô không chăm sóc bản thân mình lắm. Ý em không phải là son phấn này nọ, nhưng…” Tôi cười vả lả: “Cô già rồi em ơi.” Em trố mắt: “Mới lúc nãy cô phát biểu là phụ nữ không có tuổi.” Vậy ư? Tôi lẩm cẩm rồi. Nhưng để tôi nghĩ lại xem. Một cái giỏ xách. Hay túi xách đeo vai. Có thể một cái ba lô để không bị xệ một bên vai. Với lại nghe nói đeo ba lô đi bộ sẽ luyện xương sống cứng và thẳng. Chà, tôi đứng phân vân trước cửa hàng bán túi/giỏ/ví hồi lâu. Quả thật toàn là hàng giành cho phụ nữ. Và tôi bật cười với ý nghĩ là một cái túi/giỏ/ví kè kè bên mình sẽ khiến tôi có “nữ tính.” Có không?
Lý Lan
Tôi đành đứng dậy bảo: “Thôi, đi!” Người đón tôi hớn hở ra mặt, nói là đã có sẵn nón bảo hộ cho tôi, rồi nhìn tôi có vẻ chờ đợi. Tôi đội nón, lập lại: “Đi thôi.” Em hơi ngạc nhiên: “Cô không…” Tôi cũng ngạc nhiên: “Em muốn nói cô không trang điểm sửa soạn gì hả? Bộ buổi lễ trang trọng lắm sao?” Em sinh viên vội phân bua: “Dạ không. Em … thấy cô nói đi là đứng dậy đi tay không, em … hơi lạ.” Em sinh viên này là nữ, đi xe tay ga, đeo quàng vai một cái túi xách ba màu trắng đen xám. Em nói toàn bộ những gì quan trọng, thân thiết, “của” em, hay “thuộc về” em, đều ở trong cái vật bất ly thân này. Cứ ra khỏi nhà mà không có nó là em thấy thiếu thốn, trống trải, lúng túng, mất tự tin.
À, tôi cũng có túi xách chứ, đủ loại từ ba lô to đùng đến “bóp” cầm tay bé tí. Và thời sinh viên tôi cũng kè kè bên mình một cái “tay nải”, loại túi vải có dây đeo to bản, mốt thời đó. Ngoài tập sách ra, trong tay nải của tôi thường có một cái lon nhôm đựng bữa ăn trưa. Cái lon đó vốn đựng sữa bột nhãn hiệu nổi tiếng thời đó, nên gọi là lon ghi-gô, gọi tắt là “gô”. Mùa mưa thì đem theo áo mưa. Trời nắng thì đội nón vải. Các thứ này đều có thể xếp gọn cất trong tay nải khi không dùng đến. Ngoài ra có thể có cóc, ổi, me, kẹo hay vài thứ linh tinh khác mà tôi không thể nhớ hết. Cũng không sao nhớ chính xác từ lúc nào tôi chia tay với cái tay nải thân thiết ấy.
Nói ngắn gọn thì tôi đã xài qua vài chục cái túi xách, trung bình mỗi cái một hai năm, không đến nỗi như “thay áo”, nhưng đại khái nó cũng là một thứ “trang phục”. Đi làm, đi dự tiệc, đi mua sắm, đi chơi… mỗi hoạt động đòi hỏi loại túi xách riêng. Hồi còn dạy học, tôi có ba bốn “túi xách đi dạy”, vì ngoài trường công tôi còn dạy ở hai ba trường tư, mỗi chỗ dạy có những sách vỡ và đồ linh tinh riêng, cứ thời khóa biểu ở trường nào thì quảy túi xách trường nấy. Từ khi tôi nghỉ dạy, loại túi xách này biến luôn khỏi danh mục đồ đạc của tôi. Cái túi đi mua sắm cũng bị loại, vì sau khi đi qua vài siêu thị, nhà sách, cửa hàng … bị yêu cầu gởi lại giỏ xách vào mấy ô gởi đồ đạc, tôi cảm thấy … mệt quá. Hoặc là không thèm vô mấy chỗ bán hàng coi mọi khách hàng đều là đạo tặc tiềm năng ấy, hoặc là không xách giỏ đi mua sắm nữa!
Đương nhiên vẫn còn nhiều trường hợp tôi đeo theo túi/giỏ/ví khi ra đường. Chủ yếu để đựng những thứ cần thiết cho mục đích của từng chuyến xuất hành ấy. Riêng chuyến đi dự buổi ngoại khóa mà người ta chỉ cần sự “có mặt” của tôi thì tôi cần đem theo những gì? Em sinh viên chợt nói lên ý kiến riêng kèm theo nụ cười: “Cô nam tính ghê.” Thú thật tôi hơi bị sốc, mặc dù tôi đã tập được thói quen phớt lờ mọi nhận xét phê bình về cá nhân hay tác phẩm của mình. Chỉ vì tôi nói đi là đứng dậy đi … tay không, mà tôi có “nam tính”? Nhưng khoan, em định nghĩa “nam tính” là gì? Em bối rối. Vậy thì ta thử giải thích ngược lại: Tại sao phải đeo túi/giỏ/ví hay cái gì đó mới có “nữ tính”?
Do phải “bưng ( tôi) đi rồi bưng về”, em và tôi tiếp tục câu chuyện trên đường về. Lúc này em có vẻ nhẹ nhõm vì sắp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và cởi mở hơn sau khi “ gần gũi” tôi hai tiếng đồng hồ. Em khẳng định ví/túi/giỏ xách tay là đồ vật “nữ tính” (Nữ có nhiều phụ tùng linh kiện, nhưng không thể mặc áo quần may đầy túi để đựng đủ thứ linh tinh hằm bà lằng ấy. Chẳng hạn? Như mấy thứ giữ vệ sinh phụ nữ: khăn thấm hay băng vệ sinh siêu mỏng, mấy thứ trang điểm dã chiến như cây son sáp để giữ môi đừng khô nẻ, một cái gương con. Lại còn mấy thứ thuộc về sức khỏe. Nữ mới xài mấy thứ này, và không thể không xài.) Phụ nữ hiện đại bước ra đường luôn phải dự phòng những tình huống có thể xảy ra hoặc không ngờ xảy ra, và phải luôn có sẵn các linh kiện phụ tùng (nhiều thứ rất nhỏ như tăm xỉa răng, viên thuốc làm nín ợ hơi nấc cục ) để … luôn là người sành điệu.
“Em ấn tượng ngay từ đầu về sự giản dị của cô, nhưng hình như cô không chăm sóc bản thân mình lắm. Ý em không phải là son phấn này nọ, nhưng…” Tôi cười vả lả: “Cô già rồi em ơi.” Em trố mắt: “Mới lúc nãy cô phát biểu là phụ nữ không có tuổi.” Vậy ư? Tôi lẩm cẩm rồi. Nhưng để tôi nghĩ lại xem. Một cái giỏ xách. Hay túi xách đeo vai. Có thể một cái ba lô để không bị xệ một bên vai. Với lại nghe nói đeo ba lô đi bộ sẽ luyện xương sống cứng và thẳng. Chà, tôi đứng phân vân trước cửa hàng bán túi/giỏ/ví hồi lâu. Quả thật toàn là hàng giành cho phụ nữ. Và tôi bật cười với ý nghĩ là một cái túi/giỏ/ví kè kè bên mình sẽ khiến tôi có “nữ tính.” Có không?
Lý Lan