Nhớ nhà vườn


Nhà ngoại tôi ở xứ vườn miền Đông Nam bộ. Nhà cũ, mái ngói, vách ván, cột gỗ, nền đất, thấp và nhỏ, ẩn khuất giữa khu vườn rộng. Vườn thực ra cũng không rộng lắm, khoảng 4.000 thước vuông,  nhỏ hơn diện tích một số nhà vườn ở Huế.
Lần đầu tiên tôi  thăm Huế là năm 1998, chưa nghe nói nhiều về văn hóa nhà vườn. Được người quen đón về nhà chơi,  tôi đã thú vị chứ không ngạc nhiên khi thấy ở tận chốn kinh kỳ, người ta cũng có vườn quanh nhà và cách sống không khác mấy ở làng quê mình.  Trước đó  tôi đã đi thăm nhiều nơi dân cư khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vườn chung quanh nhà gần như điều tất nhiên. Tôi không thắc mắc gì, “thì cùng một nước, cùng một nền văn hóa.”  Với lại, nhà phải có vườn chứ. Chẳng qua ở chốn thị thành chật chội như Sài Gòn người ta mới phải sống chen chúc, nhà sát vách chung tường, lại chồng cái này lên cái kia.
Sau này  tôi đọc một số bài viết về nhà vườn Huế, cũng thú vị khi các tác giả viết về nhà vườn Huế như một văn hóa đặc thù Huế, một phong cách sống độc đáo  Huế, thể hiện tâm hồn Huế, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người Huế, sự bổ sung giữa vật chất và tinh thần Huế, sự cân bằng trong cuộc sống Huế, chỉ có ở người Huế, xứ Huế. Có thể nhà vườn ở miền Đông hay miền Tây xứ Nam kỳ không độc đáo vì chỉ mô phỏng theo “ngoài Huế” và thế nào cũng có ít nhiều biến đổi theo phong thổ và  bối cảnh lịch sử địa phương.  
Có dịp đến thăm nhà một người bạn sống ở bên Kampuchia,  tôi lại thấy một không gian sinh sống quen thuộc. Tuy nhà sàn, nhưng cũng bằng gỗ và ngói, chung quanh là xoài, vú sữa, đu đủ, chuối, thơm, xen lẫn với giàn bầu bí, mấy vạt rau thơm, mấy cây bông vạn thọ, bông trang, bông phượng vĩ.  Trong viện bảo tàng ở Seoul  tôi thấy mô hình cư trú người Korea cũng có sự gắn kết giữa nhà và vườn. Đi chơi ở Ireland  tôi được dẫn đến thăm nơi trưng bày văn hóa cổ truyền, thấy người ta cũng có vườn bên cạnh hay chung quanh nhà ở. Nhà vườn có vẻ như mẫu số văn hóa chung của nhiều dân tộc ở đó đây trên trái đất.
Cũng giống như nhà vườn ở Huế (và nhiều nơi khác) nhà vườn ở miền Đông Nam bộ quê  tôi đang biến mất hay biến dạng dần khi đất thổ cư trở nên đắt đỏ, cách sống và nhu cầu ở của người ta cần được hiện đại hóa. Những ngôi nhà bê tông cửa kính luôn đóng kín (vì gắn máy lạnh) cách ly con người với thiên nhiên đã đành, cách ly họ với cả chòm xóm láng giềng.   Nhà ngoại  tôi (nay là nhà cậu Út ) cũng được xây lại như vậy. Tuy nhà vẫn nằm giữa vườn , nhưng chỏi lỏi với chung quanh, và cây cỏ chung quanh cứ thờ ơ mọc, chẳng biết số phận mình ra sao, khi mà những dự án qui hoạch này nọ cứ “nghe nói” mà không biết bao giờ nhìn thấy. Nhiều người cứ mong ngóng huyện trở thành quận, thị xã “lên” thành phố, để chuyển đổi đất vườn thành đất thổ cư, chia lô một hai trăm mét vuông mỗi nền nhà cho dễ bán. Người ta dứt bỏ mối quan hệ với tự nhiên, làm rạn nứt cả những quan hệ người với người.
Vậy mà gần đây trong giới trung lưu độ thị lại rộ lên phong trào xây / sống kiểu “nhà vườn”. Xem mẫu quảng cáo của một số công ty kiến trúc - xây dựng, thấy trong nhiều thiết kế nhà là chính, như một biệt thự, villa, vườn như chút thiên nhiên khuyến mãi kèm theo. Trong không gian đô thị, vườn “cổ điển” đương nhiên là một sự xa xỉ. Một ban công hay gầm cầu thang hay ô giếng trời thả lan mấy dây trầu bà trầu ông chen với cây phát tài thủy trúc lẫn giữa mấy phiến đá hòn sỏi … có thể không chính danh là vườn. Nhưng nếu người ta tìm được trong hoạt động chăm sóc cây cỏ mỗi ngày những phút thanh thản bình yên và sự gần gũi hài hòa với thiên nhiên, thì một chậu bonsai, một hòn đá rêu phủ… cũng đầy đủ phong vị vườn.   Tôi thấy kiểu vườn này giống như viên vitamin C thay thế cho cóc ổi xoài cam. Nhưng có còn hơn không.
Nhà vườn khác với biệt thự, villa như thế nào? Đây là sự phân biệt của riêng tôi để tiện cho bài viết này. Biệt thự, villa chỉ là nhà, hoặc nhà là phần chủ yếu, có thể có vườn kiểng chung quanh. Nhà vườn thì hiển nhiên gồm nhà và vườn. Trước nhà là vườn kiểng, bên hè và sau nhà có vườn rau, vườn cây ăn trái (không nhứt thiết luôn đúng trật tự này), lại còn xen lẫn hồ / ao, giếng, chuồng, kho… hay vài kiến trúc phụ (buồng tắm, cầu tiêu…) Vườn đồng thời là không gian sống quan trọng ngang với nhà, chứ không phải chút cây cỏ sỏi đá trang điểm cho ngôi nhà. Vườn có thể  sinh huê lợi với chút sản phẩm nông nghiệp, nhưng không phải là công cụ sản xuất đem lại nguồn thu nhập chính cho một gia đình sống đầy đủ về vật chất.

Người sống trong nhà vườn không nhứt thiết là nông dân, nhưng để bảo quản nhà vườn cần có những hoạt động và tri thức về nông nghiệp. Không thể làm vườn “hụ hợ” mà có được vườn tươi tốt. Nhà vườn được chăm sóc kỹ, đúng khoa học bởi những bàn tay dày kinh nghiệm nghề nông,  thì mới tỏa khí hưng vượng.  Đồ đạc trong nhà bỏ mặc thì bụi bám theo thời gian, dăm bữa nửa tháng sau lau chùi lại sáng trưng. Nhưng vườn gồm những “sinh vật”, một hai ngày thiếu nước cây cỏ chết héo, thừa nước cây cỏ chết úng, rồi còn sâu bọ, cỏ rác, khi phải mé nhánh tỉa cành, rồi phải trồng cây mới, và đủ thứ việc khác nữa. Chứ không thì cây cối già rồi chết cả, hoặc gảy đổ hư hao vì thời tiết sâu bệnh. Giữa các “sinh vật”, dù là người, động vật hay thực vật, có một mẫu số truyền thông nào đó mà khoa học chưa giải thích được.  Tin  tôi hay không thì tùy, nhưng  tôi có trồng một cây thiết mộc lan trong chậu, suốt hai mươi năm  tôi nghiệm không sai là hễ  tôi bệnh thì cây èo uột, khô lá, hễ  tôi có chuyện vui thì cây hớn hở … trổ bông.

 Người  ta nói “đồ vật có hồn” trong những ngôi nhà cổ. Đồ vật còn có hồn huống chi là sinh vật. Tuy nhiên, vườn không “cổ” theo thời gian như nhà hay đồ vật trong đó. Vườn được chăm sóc tốt luôn trẻ trung, mới mẻ,  tràn trề sức sống. Cho dù cây mai năm chục năm hay trăm năm tuổi, hoa vẫn vàng thắm khi đón xuân về. Cho dù vạt rau bên hè đã có từ thời bà ngoại mới về làm dâu, đến nay cháu của ngoại cũng đã bạc đầu, vậy mà bao thứ rau thơm vẫn thơm vẫn xanh vẫn mơn mởn sau mỗi trận mưa hè. Cây mận trắng ngày xưa  đứa nhỏ nào hay leo trèo không được thọ lắm. Nhưng cây bòn bon tơ đã thế  ngay chỗ cây mận chết già. Rồi đám rau càng cua –  Chúng vẫn mọc ở cạnh lu nước từ lúc  đứa nhỏ mới  biết bò mon men ra đó, cho đến bây giờ đứa bé thành ông già, đám rau ấy luôn nhận ra người cũ, hễ  người về thăm là chúng mọc rộ lên, biếc xanh như bông cẩm thạch. Cho nên người luống tuổi thích làm vườn.

Người muốn lập nhà vườn chắc là người muốn sống hòa bình với thiên nhiên. Chứ không phải chán đời, ngán người. Thiên nhiên luôn khơi gợi đức hiếu sinh, khiến người ta ham sống, yêu đời, quan tâm đến thế giới chung quanh, đến các loài, và dạy cho người ta giá trị của sự đoàn kết,  tương trợ, gắn kết nhau. Sống yên lành thanh thản với thiên nhiên là cách sống nhân văn nhứt.

Lý Lan


Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222