Chợ Tết
Gần tết những con đường quanh chợ Hòa Bình vào buổi chiều tấp
nập đông vui. Khoảng 4 giờ chiều là lòng đường gần như bày kín hàng hóa và người
ta bắt đầu chen chân lựa chọn mua sắm. Thực ra chẳng riêng gì chợ này, cả thành
phố, và cả nước, những ngày này đâu đâu cũng rộn ràng cảnh mua sắm Tết. Chẳng
qua tôi thường đi chợ này nên tôi tả cảnh chợ này.
Ngày thường tôi đi rất
sớm, lúc năm giờ rưởi, luôn tiện tập thể dục buổi sáng. Tôi đi hết mấy con hẻm, băng qua đại lộ Trần
Hưng Đạo, theo đường Trần tuấn Khải ra đại lộ Võ Văn Kiệt. Vì lý do gì đó làn
xe trong cùng sát bờ kênh rất ít xe chạy, người tập thể dục ung dung đi lại thoải
mái. Theo đường đó tôi lên cây cầu đi bộ
bắc qua kênh Tàu Hủ. Buổi sáng cây cầu
này cũng toàn người tập thể dục. Phần lớn là những người cao tuổi nhưng chưa thể
kẻ là già, vì còn đủ sứ leo mấy chục bậc thang
rồi đi qua đi lại vài (chục) hiệp trên
mặt cầu dài chừng trăm thước. Những người làm cầu này chắc là nghĩ đến
dân cư bên kia bờ kênh, muốn tạo thuận lợi cho họ đi qua chợ mua bán. Chắc họ cũng tính tới công dụng giải
trí khi chiều chiều gió nổi lên, người ta kéo lên cầu “hóng mát”. Công dụng như
“chỗ tập thể dục” chắc là ngoài kế hoạch.
Nhưng đó là chỗ đắc dụng nhứt của cây cầu này.
Gặp hôm nước ròng, hay con nước kém, mức nước kênh xuống thấp,
lộ ra vô số miệng cống lớn cống nhỏ đổ nước sinh hoạt xuống lòng kênh. Lúc đó,
dù trời xanh nắng vàng cũng không tạo được ảo ảnh trên mặt nước đen ngòm, và
mùi hôi nồng trong cơn gió chạy dọc con kênh như cười cợt những người đang vươn
vai hít thở. Đúng là buồn cười thiệt. Nếu không có mùi hôi của nước kênh bị ô
nhiễm nặng, thì mùi khói xăng dầu xe cộ chạy vù dù phía dưới cầu cũng đủ hại cho sức khỏe. Đi tập thể dục
về tôi ngoái mũi ra hai cục cứt mũi đen
thui. Kệ, đâu cũng vậy, chỗ này còn được cái trời cao cảnh rộng, giúp mình xả
được cảm giác bức bối tù túng suốt ngày sống trong hẻm.
Công bằng mà nói, khi nước lớn, mấy giề lục bình lừ lừ theo
nước sông Sài Gòn trôi vào cũng có vẻ lãng mạn, và gió lúc ấy có chút hương đồng ruộng. Tùy theo nước rong nước
kém mà tôi đi qua đi lại cái cầu mười lần
hoặc một lần, trước khi đi qua chợ. Từ mấy chiếc ghe đậu dưới lòng kênh người ta cũng gánh lên chợ những quày chuối
hay giỏ rau trái gì đó. Tôi theo một cậu
gánh chuối tới đường Bạch Vân. Cậu dừng lại trước cửa chợ, nơi một cô gái ngồi
trên tấm ni lông trải trên lòng đường đang bày vài mươi nải chuối từ chín hườm
hườm đến chuối còn xanh như mới hái. Tôi
hỏi chuối trồng ở xứ nào, cô nói Bến Tre. Tôi có tật nghi ngờ những người bán
trái cây về xuất xứ hàng hóa của họ, cam nào cũng cam Cái Bè, măng cụt nào cũng
măng cụt Lái thiêu, nhưng tôi cứ thích hỏi,
và người ta nói sao nghe vậy. Mấy bữa
nay ngoài chuối người ta “lên” nhiều bưởi, xòai xanh, quít đường, mãng cầu
xiêm, đu đủ… Những thứ để bày trên mâm ngũ quả ngày tết.
Từ đầu tháng chạp đã thấy người bán chổi lông gà cán dài hai
ba thước. Chổi này bán được nhứt vào dịp này, vì nhiều gia đình quét dọn nhà cửa
mỗi năm một lần, thường vào rằm, nhưng tiện ngày nào trong tháng chạp cũng được,
miễn là trước khi rước ông bà vào chiều ba mươi. Ba tôi ngày trước ưa coi ngày trong cuốn lịch cũ
te tua của ông để biết ngày nào tốt mới quét dọn. Nếu ngày đó bận, ông cũng
quét dọn sơ qua, rồi những ngày sau rảnh ngày nào làm tiếp ngày đó. Tôi thấy quanh năm ngày nào cũng quét nhà, và
vài ba tháng nên tổng vệ sinh một lần, chứ đợi chi cả năm. Nhưng từ nhỏ đến lớn,
năm nào cũng thấy ba tôi coi ngày quét dọn
nhà cửa, tôi nhiễm như một tập quán có
phần thiêng liêng (để tránh nói mê tín). Năm nào làm ăn thất bát, trong nhà lục
đục hay có người bệnh tật, là tôi coi
ngày, dọn dẹp nhà cửa cật lực, với lòng mong mỏi tha thiết xua đi và rửa sạch
những huông ám xui xẻo của năm cũ.
Và dù gì cũng phải mặc quần áo mới vào ngày mùng một. Nên
chiều chiều tắt nắng tôi lại đi chợ. Lúc
này áo quần giày nón vớ và cả đồ lót bày đầy vun khắp nơi. Hàng treo trên giá
có giá cao hơn hàng đổ đống. Lý do tôi lựa
hàng đổ đống vì sự thoải mái lựa chọn. Mặc tình cầm lên ném xuống đã đành, lựa chán
bỏ đi cũng không bị mắng vói theo. Vì người bán hàng rất bận, người lựa hàng
thì đông, phải lanh mắt, lại phải lanh mồm. Như chị bán áo ngực hai chục ngàn một
cái rao liên tục khiến mép miệng không kịp kéo da non: “Giá rẻ cực sốc rồi.
Không mua ngay là hối hận liền. Hàng đẹp mê man. Bảo đảm không vừa ý không lấy
tiền. Tha hồ lựa chọn. Bán môt tặng một, tính giá hai cái thôi. Khỏi trả giá,
giá này đã bao chợ rồi. Đâu rẻ hơn trở lại đây lấy tiền lại. Không mua cho
luôn. Giá rẻ cực sốc rồi.”
Đợi ba ngày cận Tết
tôi mới mua những thứ như bao lì xì, đèn, nhang, hoa và giấy đỏ trang
trí. Nhưng chợ Tết đã bán những thứ ấy, cùng những câu đối đỏ, từ rằm, có lẽ sớm
hơn mà tôi không để ý. Tôi có cảm giác như mấy năm gần đây, mỗi năm
chợ tết bắt đầu sớm hơn, như thể nhiều người bán phải cạnh tranh bán trước để
giành mối của đồng nghiệp. Dù sao tôi
cũng khoái. Ngày nào tôi cũng đem về nhà
một cái gì đó từ chợ Tết. Ừ, từ đầu tháng chạp đến giờ ngày nào tôi cũng đi chợ Tết.
Lý Lan