Ngôi nhà xanh mơ ước
Tôi xem chương trình
ngôi nhà mơ ước trên tivi, thấy ngôi nhà đơn giản, chừng vài chục thước vuông,
hình chữ nhựt, ngăn làm hai, coi như có một phòng trước và một buồng trong.
Ngôi nhà như vậy được coi là khang trang, tường tô, nền gạch, mái tôn, hứa hẹn
mưa to không dột, không lụt, không sập.
Tôi thành thật tin nhiều người chỉ mơ ước đến ngôi nhà như vậy. Tôi từng sống trong ngôi nhà hễ mưa là dột và
ngập lụt. Và tôi biết cảm giác sung sướng được ở trong một ngôi nhà chắc chắn, an toàn,
lúc ngoài trời tơi bời giông bão. Một không gian riêng để sống yên lành là ước
mơ chính đáng của mọi người. Lẽ ra điều đó cũng nên được ghi trong luật pháp của
mọi xã hội tiến bộ: Người ta ai cũng có quyền có một không gian sống an toàn.
Đòi hỏi “ai cũng có
quyền sống trong một môi trường an toàn
lành mạnh” khá phi thực tế trong tình hình trái đất hiện nay. Mỗi cá thể trên
hành tinh này đã , đang và sẽ phải tự thích nghi hoặc đối phó với môi trường bằng
khả năng sinh tồn và tiến hóa. Nếu không
thì ráng chịu diệt vong. Darwin đã nói rõ điều này. Khí hậu xứ mình ít khi quá
nóng hay quá lạnh đến chết người, nên không đến nỗi như ở mấy nước gần Bắc cực,
mùa đông mà không có nơi trú ngụ an toàn được sưởi ấm thì người lẫn vật đều có
thể chết vùi trong bão tuyết. Mưa nắng xứ mình, nói nào ngay cũng khiến người
kém sức khỏe đổ bệnh, nhưng hiếm có trường hợp người vô gia cư chết vì dầm mưa dãi
nắng. Nên người mình không “lo” về chỗ ở như lo về miếng ăn. Đại khái “ăn thì
nhiều chứ ở bao nhiêu”, hay “đói mới chết chứ rách thì lòi da là cùng.” Ngay cả
ước nguyện cảm động của cụ Hồ Chí Minh: “ Tôi chỉ có một ham muốn tột bật là đồng
bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, cũng bỏ sót nhu cầu nhà ở an toàn.
Ngôi nhà, dưới vòm trời phương nam này, có vẻ như không phải là ưu tiên số một đối với những người
chưa được no cơm ấm cật, hoặc quá bận rộn trong cuộc vật lộn mưu sinh. Nhưng người
ta ai cũng có ước mơ, càng đói rách thiếu thốn càng khát khao mãnh liệt. Vả
chăng ước mơ về ngôi nhà thuộc loại mơ ước phổ thông nhứt, ông bà mình nói “sống
cái nhà, chết nấm mồ”. Ngôi nhà thường là biểu tượng của thanh bình, hạnh phúc:
Tranh của trẻ con trên thế giới, dù khác văn hóa và hoàn cảnh sáng tác, thường
dùng hình tượng mái nhà để thể hiện ước mơ. Người lớn cũng vậy, “giấc mơ Mỹ”
hàm ý một cuộc sống tốt đẹp ở một miền đất lý tưởng hóa được tượng trưng bằng một ngôi nhà khang
trang và một chiếc xe hơi bóng loáng. Tôi không dám nói chắc chắn, nhưng tin là ai sống
ở trên đời này cũng có mơ ước về một ngôi nhà (thậm chí hai ba cái, hay nhiều
hơn.)
Ngôi nhà cung cấp cái vỏ bọc văn hóa cần thiết cho căn cước
con người ngoài chức năng là cơ sở vật
chất tạo không gian sống thoải mái riêng tư và bảo vệ con người khỏi những điều
kiện môi trường bất lợi của thiên nhiên. Dân gian nói tắt đèn nhà ngói như nhà
tranh, bác học cũng không chứng minh được người ở nhà lầu có văn hóa hơn người ở
nhà lụp xụp. Xã hội con người đã tiến hóa tới chỗ giá trị tinh thần của một con
người hay một cộng đồng không luôn luôn tỷ lệ thuận với số lượng của cải vật chất
mà họ sở hữu. Có những cá nhân không
màng đến những vỏ bọc văn hóa như ngôi nhà hay danh tiếng điạ vị, với lòng tự
tin là văn hóa nằm ở ngay trong bản thân
họ. Nhưng đại để đa số của nhân loại 7 tỷ người hiện nay dễ cảm thấy thiếu tự
tin và buồn khổ khi không có một chỗ ở tử tế. Thậm chí đã có nhà cửa đàng hoàng
vẫn buồn khổ vì nhà hàng xóm to đẹp hơn.
Nhưng bữa nay tôi không đào sâu vô phương diện văn hóa, chỉ
muốn lạm bàn một chút về khía cạnh vật chất của
cái nhà. Ngôi nhà với chức
năng “bảo vệ con người khỏi những điều
kiện môi trường bất lợi của thiên nhiên” trước tiên cần phải bền vững. Nhiều
người cho rằng nhà bằng bê tông / gạch / đá / kính / gỗ tốt là bền vững. Thử
nhìn lại cảnh hai tòa nhà Thương mại Thế giới
sụp đổ vào ngày 11/9, hay cảnh gạch ngói tan hoang trong động đất, hoặc
nguyên tòa nhà cuốn trôi theo sóng thần.
Tôi nhớ cảm giác đứng giữa những đền đài bằng đá sừng sững ở Angkor: vừa
kinh ngạc là con người có thể xây dựng những công trình như vầy, vừa kinh ngạc tại sao con người lại xây dựng những công trình này. Nhưng nhiều di chỉ của các nền văn minh khác
trên thế giới cũng có chung sự lạ lùng đó: tìm kiếm sự trường tồn trong cái hữu
hạn của vật chất.
Lại nhớ mấy chục năm
trước, thưở vùng đất Nhà Bè còn những ao súng với dừa nước mọc ven bờ, tôi thích đi thăm người bạn tu trong một cái
chùa ở đó. Chùa lợp bằng lá dừa khít rịt, đẹp và mát rượi. Cứ vài năm lại thay
mái chùa bằng chính lá dưà nước mọc chung quanh. Lá dừa nước không phải là thứ rắn chắc bền bĩ như đá tảng xây đền đài Angkor,
nhưng có sẵn quanh chùa và mọc lên hoài, theo quan điểm kiến trúc bền vững ngày
nay thì là vật liệu thân thiện môi trường: không trở thành chất thải khó tiêu hủy,
không tốn nhiều năng lượng để chế biến và vận chuyển, đáp ứng cung cầu tại chỗ,
không có hóa chất độc hại cho sức khỏe con người, mà lại điều hòa được không
khí nhiệt độ một cách tự nhiên.
Nhưng rồi sự “phát triển” khiến cho mọi thứ đảo lộn. Chùa bị
dời đi vì đất bị qui hoạch. Ao bông súng, rừng dừa nước… không còn nữa thì thôi
vậy. Chùa dọn đến chỗ mới lại dần dần bị vây quanh bởi nhà cửa chen chúc, toàn
nhà đúc bê tông “hai tấm”, “ba tấm”. Chùa cũng “đúc” luôn. Muốn lợp mái lá
không dễ: giờ khó kiếm thợ biết kỷ thuật lợp lá, tính ra giá thành lợp lá cao
hơn lợp tôn hay “đúc”. Và vấn đề nguyên liệu khá nan giải: nếu mái lá mà thành
phong trào, có nhu cầu cao, giá sẽ tăng, và e là những rừng dừa nước còn sót lại
sẽ bị diệt tuyệt luôn. Như những khu rừng
biến mất khi người tiêu thụ “phát sốt” với đồ gỗ.
Tôi đọc sách thấy nói
“Kiến trúc bền vững là một sản phẩm không gian tồn tại lâu dài có tính nghệ thuật,
hiệu quả và chi phí thấp, không phải tiêu tốn nhiều năng lượng mới sử dụng được
kiến trúc đó. Nó giải phóng tài nguyên văn hóa, kinh tế và sinh thái khỏi những
nền kinh tế tiêu thụ phù phiếm , nhắm đạt
tới cuộc sống an lạc.” Thú thật là tôi
không biết gì về kiến trúc, ngoại trừ một điều: kiến trúc là về ước mơ. Như kẻ
vô gia cư trong mưa gió mơ một mái nhà êm ấm, như kẻ sống trong túp lều trống
hoác dột lung tung mơ một căn nhà chắc chắn bền vững, tôi đi giữa thành phố ngập
lụt kẹt xe mà mơ đến một thành phố xanh và một ngôi nhà xanh.
Theo những tài liệu cổ vũ kiến trúc bền vững thì “ngôi nhà xanh” được thiết kế, xây dựng và
trang trí nội thất cân bằng giữa vật liệu bền vững và phí tổn, ứng phó được sự
biến đổi khí hậu, bảo tồn năng lượng và
làm tăng chất lượng cuộc sống. Nhà xanh trước nhứt không nguy nga đồ sộ, có thể
là nhà biệt lập hay dãy phố, chung cư, nhưng diện tích trung bình cho một gia
đình 2 đến 4 người khoảng từ 60m2 đến 120m2. Chuẩn của “nhà xanh” là : Có hệ thống tự cấp tự tiêu hoặc tái sử dụng
nguồn nước, hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt,
hệ thống vệ sinh độc lập (tự hủy, thậm chí cung cấp khí đốt cùng phân
bón). Có hệ thống tạo ra điện mặt trời hay sử dụng năng lượng mặt trời, đun nước
bằng năng lượng mặt trời. Sử dụng ánh
sáng tự nhiên không cần dùng nhiều đèn điện. Có thiết kế linh hoạt, kiến trúc dễ
sử dụng và có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, an toàn cho người già,
tàn tât và trẻ em. Thiết kế sao cho ngôi nhà dễ sửa chữa, bảo trì. Không khiến
môi trường xung quanh xuống cấp.
Nếu tôi đang ngồi
cùng một kiến trúc sư hay nhà thầu xây cất để lên kế hoạch cụ thể xây một ngôi
nhà, chắc là sẽ lòi ra nhiều vấn đề không thực tế trong hoàn cảnh nước mình,
hay so với những điều kiện mà cá nhân
tôi có được. Nhưng tôi đang mơ mộng
mà. Những chiều ngã tư kẹt xe, tiếng ồn
và khói bụi xộc vào mọi ngóc ngách trong nhà, những hôm triều cường nước cống
xì lên bốc mùi hôi thối, ước mơ ngôi nhà xanh của tôi càng mãnh liệt.
Lý Lan