Một chuyến thăm Sài Gòn


Cuối cùng qua một khúc quanh trên  sông hiện ra một rừng cột buồm, và chẳng mấy chốc sau đó chúng  tôi neo tàu khá gần Bến Nghé, vùng giáp ranh Sài Gòn, bên bờ Tây của Sông. Tàu của chúng  tôi lập tức bị bao vây bởi hàng trăm “xuồng-con” và những người chèo xuồng, cả đàn ông lẫn đàn bà, nhốn nháo trèo lên tàu mang theo hàng hóa của họ , nhanh chóng tạo thành một cái chợ trên boong tàu.”
Đây là một đoạn văn dịch từ bài báo “A Visit to Saigon” của Walter A. Rose đăng trên Appletons’ Journal. Báo này xuất bản hàng tuần, trụ sở ở New York, với tiêu chí “Văn chương – Khoa học – Nghệ thuật”. Qua đoạn văn trên bạn có đoán được thời điểm ông Rose đến thăm Sài Gòn không? 2012? 1980? 1964? Không. Bạn không tin đâu, nhưng đây là sự thật: tháng 2 năm 1864 – một ngàn tám trăm sáu mươi bốn – chỉ hai năm sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Năm đó Pháp đặt mua một chiếc tàu chạy hơi nước xuất xưởng ở Hong Kong với tên Ville de Hué. Thuyền trường đưa chiếc tàu đến Sài Gòn để giao hàng là bạn thân của ông Rose, và theo như ông viết, ông đã “túm lấy cơ hội để thăm một đất nước mà  tôi tin là rất ít được viết đến trong nửa thế kỷ qua.”

Bài báo kèm theo một bức tranh minh họa không ghi chú tác giả, có thể do chính ông Rose ký họa với ghi chú “Cửa sông Sài Gòn”,  đăng trên Appletons’Journal số 162, ra ngày 4 tháng 5 năm 1872, hiện được giữ trong kho lưu trữ của trường đại học Michigan, Mỹ, có thể truy cập bản điện tử trên internet. ( http://quod.lib.umich.edu/m/moajrnl/acw8433.1-07.162/491:6?rgn=full+text;view=image )  Tranh vẽ nhà cửa đơn sơ bên sông, có ghe xuồng đậu dưới bến, người dắt trâu trên bờ, gà vịt trước sân nhà, cây cối um tùm, trông như cây cau, cây dừa, cây chuối. Không giống lắm, nhưng  tôi nhìn hình có thể đoán được. Như  đoán “ Bingeh” là Bến Nghé, và “Saong” là Sông (Sài Gòn). Nhiều chi tiết khác cũng có nhầm lẫn, chẳng hạn ông tưởng Sài Gòn là của Cam bốt, nên coi người địa phương là người Cam bốt, nhưng qua miêu tả y phục thì  tôi đoán là người Việt : “ quần rộng dài tới mắc các chân, thắt lưng bằng giải rút, áo lót dài tới eo, áo ngoài thường bằng lụa dài tới đầu gối, nút gài bên ngực phải.”  
Chuyến thăm Sài Gòn của ông Rose ngắn ngủi vài ngày, vì sau khi giao con tàu “Ville de Hué”, thuyền trưởng quyết định đi nhờ một con tàu khác vừa từ Singapore cập cảng Sài Gòn và  sẽ tiếp tục hành trình đến Hong Kong, ông Rose đành về theo ông bạn. Không biết những thông tin về địa lý, xã hội, kinh tế, văn hóa mà ông viết trong bài báo xuất bản 10 năm sau là do ông nghiên cứu sau này hay thu thập tại chỗ. Mặc dù có những sai sót dạng “lỗi chính tả”, vẫn đáng ngạc nhiên về sự quan sát và tầm quan tâm của ông. Và nếu không chấp nê quan điểm “thực dân” da trắng  thời ấy của tác giả thì những miêu tả của ông cũng giúp chúng ta hình dung phần nào về Sài Gòn trước khi bị Pháp biến thành một thành phố thuộc địa.
Thành quách vẫn còn, dù đã đổi chủ : “Sau khi đi qua cổng, chúng tôi đến một tòa nhà hình chữ nhật, trước đây là dinh chúa, nằm trên một khoảng đất xinh đẹp ở chính giữa thành, chung quanh có sân rộng, vây quanh bằng hàng rào cao.  Kiến trúc đồ sộ này đứng trên một nền gạch cao hai thước, dài ba mươi thước, rộng hai mươi thước, phần lớn xây bằng gạch, mái lợp ngói tráng men và được trang trí bằng các loài “phi long” thịnh hành ở Trung Hoa. Một cầu thang với những bậc làm bằng gỗ lớn dẫn lên cổng chính. Trước dinh có hai tháp canh  hình vuông, mỗi tháp có một trái chuông  hình nón cụt, dùng chày để dộng chứ không kéo dây. Phía sau,  hoành tráng không kém dinh thự chính, là hậu cung và khu nhà cho kẻ hầu hạ.  (…) Mặc dù bên trong những tòa nhà này, đang bị quân Pháp đồn trú, vẫn còn một ít dấu tích nét tráng lệ nguyên thủy, bàn tay tàn nhẫn của kẻ chiếm đoạt đã xóa đi hầu hết vẻ rực rỡ man rợ.”
Nếu Thành Gia Định ngày nay chẳng còn hồn xác gì nữa thì chợ và không khí chợ vẫn còn sống động, trải qua150 năm hình như không khác mấy: “ Ở đây hàng hóa phân phối hoàn toàn nhờ phụ nữ, phần lớn là những mụ già xấu xí, dù thi thoảng cũng có những gương mặt xinh đẹp lộ ra dưới mái lá nho nhỏ che quầy hàng của mỗi người bán để tránh tia nắng chiếu thẳng của mặt trời nhiệt đới. (…) Thị heo, cá, gạo, trà dường như có nhu cầu lớn nhứt, mặc dù trái cây vô số chủng loại cùng với bánh mứt, rau cải, trứng, gà vịt cũng nhiều. Cá biển được đưa về từ Vũng Tàu vẫn còn sống, được rộng trong những vũng nước trên ghe xuồng của người đánh bắt.” Tác giả ghi nhận là người ta ăn cả thịt cá sấu và nghe nói thịt chó cũng được nhâm nhi mỗi ngày. Ông tỏ ra khách quan viết rằng dân ở đây không uống sữa như đồng bào ông không ăn huyết. Trong cuộc dạo chợ vào ngày đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, ông Rose đã bị một bà bán hàng rong dụ mua mấy trái cam. Ông tính ra là với một đô la ông có thể mua hết cả gánh hàng gồm xoài, lựu,  chuối, thơm, đu đủ, bưởi, cam, chanh, ổi, mãng cầu.       
Mấy năm chiếm đóng Sài Gòn, Pháp đã bắt đầu có những xây dựng, chủ yếu khu vực thương mại ở bến cảng. Ông Rose miêu tả khu này : Bến cảng dài hàng dặm dọc bờ sông, nhà xưởng xây theo kiểu châu Âu, nhà ở của người nước ngoài rộng rãi và kiểu cọ, ngay cả nhà của dân bản xứ cũng được xây dựng tốt hơn phía Bến Nghé, một số được xây bằng gạch ngói, cửa hàng bày bán đồ địa phương sản xuất không tinh xảo bằng hàng Trung quốc, cho nên người bán thấy khách bắt mắt món nào là nói ngay món đó nhập từ Trung quốc. Ngoài tiền của dân bản xứ, những ngoại tệ khác cũng được lưu hành như quan Pháp, đô Mễ, Tây Ban Nha song song với vàng thoi bạc nén (có ấn con dấu của triều đình).
Sau khi thăm thành cũ và cảng mới, ông Rose ra ngoại thành, đến một ngôi chùa cổ xây bằng gạch mái lợp ngói trên một gò đất nhân tạo, trong một khung cảnh thiên nhiên lãng mạn. Ông được một nhà sư có hàm râu dê đón tiếp, dẫn vào hậu liêu, nơi bày biện đủ loại thần thánh. Không biết căn cứ vào đâu, ông có nhận xét ngộ nghĩnh này: những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Sài Gòn như phụ nữ, người nghèo thì theo đạo Phật, còn tầng lớp cao như nho sĩ thì theo đạo Khổng, nên chùa thờ cả Khổng tử lẫn Bà. Một nhận xét thú vị khác: đàn bà con gái có nước da lợt hơn đàn ông, tuy đàn ông là lao động chính nhưng đàn bà cũng bươn chải ngoài xã hội, tự do thoải mái hơn so với phụ nữ ở những xã hội Á Đông khác mà tác giả từng biết. Nhiều phụ nữ xứng đáng được coi là đẹp. Nhưng cả đàn ông lẫn đàn bà đều nhai trầu khiến ông thấy ghê. 
Không biết lúc báo đăng bài viết của ông Rose có bao nhiêu người Mỹ đọc và có ấn tượng gì về một nơi gọi là Sài Gòn. Nhưng 100 năm sau, Sài Gòn trở thành một danh từ ám ảnh đối với hàng triệu người Mỹ, với cả một thế hệ người Mỹ, và cả nước Mỹ. Và 150 năm sau, trong lúc gạn lọc tài liệu về mối quan hệ Việt – Mỹ  tôi ngẫu nhiên gặp bài báo “Một chuyến thăm Sài Gòn”. Không biết duyên nợ ân oán thế nào. Lạ một điều, Sài Gòn mà Walter A. Rose miêu tả sao giống như trong mộng mị hằng đêm của tôi:   “Những con đường hẹp chen chúc cuộc sống bận rộn, những khu ngoại thành thưa thớt  trải ra nhấp nhô hai bên bờ sông, đôi chỗ khuất sau những vườn  cau;  ngoại trừ phía tây bắc có mấy ngọn đồi, mọi chỗ khác đều là đất thấp, bồi bằng  phù sa, được tưới tiêu tốt nên phì nhiêu, nơi con Sông chảy qua, lòng sông rộng lấp lánh  như đồng được đánh bóng dưới ánh sáng vàng chóe của mặt trời đang lặn.”   

 Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222