Mùa xuân theo ngỗng về


Sau những ngày mưa, gió, tuyết, sương giá, mây mù, cuối cùng hôm nay nắng lên.   Tôi ra thăm vườn rau: chỗ thì nước đọng cả vũng, chỗ thì đất nhão chèm nhẹp. Nhưng trừ mấy chỗ đó ra thì chỗ nào cũng xanh rì cỏ dại. Đang hí húi nhổ cỏ thì nghe tiếng kêu trên trời “Ngá ngá”. Ngước nhìn lên thấy một đàn chim đang bay.
Chim bay trên trời cao cao, đối với  tôi, con nào cũng như con nấy.  Mà nếu có con nào lượn qua lượn lại ngay trước mắt  tôi  kiểu biểu diễn thời trang,  tôi cũng bù trất tên tuổi của chúng. Vùng này ven biển nên có nhiều giống chim lắm.  Tôi đoán tiếng chim kêu nghe như “Ó” là hải âu, còn “Nga nga” là tiếng ngỗng. (Tùy tâm trạng, có khi  tôi nghe chúng kêu “Ngơ ngác”, có khi nghe như “Ngao ngán”, lại có khi “Ngáp ngáp” hay “Ngang ngang”.  Nhưng từ khi biết chúng là ngỗng,  tôi thường nghe ra  “Nga nga” hơn vì nga là ngỗng mà.) Thiên nga là ngỗng trời. Những con ngỗng bay qua vùng trời này thường là ngỗng Canada.
Mùa thu ngỗng bay về phương nam. Bây giờ đàn ngỗng thiên di đang trở về. Vậy là mùa xuân cũng đang theo ngỗng về. Hứng khởi trong lòng  tôi hát khe khẻ: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…” Tuy hiện thực và lời ca có khác nhau chút đỉnh, nhưng tinh thần phấn chấn như nhau. “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…” Cảm giác hân hoan an lạc khi mùa đông đầy bão tuyết dữ dội thất thường qua đi, để sáng sớm nắng lên bình thường, sương tan trên cỏ và chim hót trong lùm cây đang nảy chồi non. Giai điệu êm ái ngân nga trong đầu,  tôi đung đưa thân mình như đang khiêu vũ.  “Mùa xuân mơ ước đang đến đầu tiên với khói bay trên sông, gà gáy trưa bên sông…”
 Một trưa nắng vui.  Tôi nhổ được một nắm bồ công anh (dandelion) đem vô nhà trộn gỏi. Bồ công anh bị coi là cỏ dại, mọc tràn lan ở xứ này. Lần đầu tiên thấy chúng nở hoa vàng rực trên bãi cỏ xanh,  tôi yêu chúng ngay. Đến khi ăn quen vị đăng đắng của chúng  tôi càng yêu. Tuy tình yêu bồ công anh trở nên thực tế hơn, phàm tục hơn, nhưng nó cũng chân thực hơn. Và bền bĩ. Cứ đầu xuân ra vườn là thấy bồ công anh đang lúc non tơ mềm mại, lá xanh mướt cọng trắng nõn. Sau mấy tháng trời sống trong âm u ăn đồ đông lạnh, cơ thể  tôi có một thèm muốn rất tự nhiên khi thấy cọng lá bồ công anh tươi roi rói. Nhai nó giòn giòn như cọng giá, vị nó nhân nhẩn như rau đắng.  Tôi ăn nó đủ kiểu: trộn gỏi, cuốn bánh tráng, xào tỏi, nấu canh tôm.
Hôm nay  tôi sẽ trộn nắm lá bồ công anh đầu mùa với mấy thứ rau cỏ khác cũng hái trong vườn làm món gỏi xuân. Những thứ rau trong vườn sống sót sau băng giá xứ này gồm arugula, mache, kale và leek. Chúng không mọc ở xứ mình nên  tôi không biết chúng có tên tiếng Việt hay không. Leek thuộc họ hành tỏi, thân suông đuột như hành lá nhưng phảng phất mùi tỏi, đôi khi  tôi dùng thay hành lá, thường thì xào với tôm/thịt như tỏi. Kale là bà con gần với cây cải rỗ.  Mà có lẽ chúng là anh em. Vì cải rỗ bị gọi là “Chinese kale”, hay kale Tàu,  phân biệt với kale Nga (Russian kale), kale Tô cách lan, kale Mỹ, do hình dạng của lá quăn hay rách hay phẳng. Mache ăn như lá sâm đất,  còn arugula có vị cay cay, bà con của cải bẹ xanh. Còn một thứ giống cải bẹ trắng gọi là chard, chịu lạnh kém hơn, lá thường dập úng sau vài trận sương  giá /   tuyết đầu tiên, nhưng nếu ủ gốc rễ kỹ thì đầu xuân chúng lại nảy mầm non lá mới.
Hái mỗi thứ rau một nắm,  rửa sạch, rảy cho ráo nước, trộn lẫn nhau với dầu ô liu và giấm đỏ, thêm mấy cái crouton là bánh mì cắt nhỏ như hột súc xắc chiên giòn. Đơn giản vậy thôi. Đó là món ăn  tôi tự hào không thể nào làm dở được. Rau tươi rói, mỗi thứ rau một vị: ngọt, đắng, cay, chua, bùi bùi… có đủ.  Tô gỏi dọn lên bàn ăn, ông chồng kêu lên: “À há! Gỏi xuân!”  Tôi nói hồi trưa nhổ cỏ trong vườn  tôi nghe ngỗng trời kêu, vậy là mùa xuân theo ngỗng về rồi. Anh cười bảo: Thời tiết thay đổi, trái đất ấm dần lên, lũ ngỗng trời không cần bay xa lắm về phương nam trú đông, có lẽ chúng chỉ lẩn quẩn quanh mấy đầm nước ven biển trong vùng này. Nghe mà cụt hứng.  
 Dù vậy  tôi cũng cố gia vị bữa ăn một chút lãng mạn bằng văn học nghệ thuật.  Tôi nói với anh rằng câu “Mùa xuân theo ngỗng về” là  tôi nhái câu hát trong bài “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, một nhạc sĩ tài hoa Việt Nam, sáng tác vào mùa xuân hòa bình đầu tiên. Sau bao nhiêu năm đất nước chiến tranh, xã hội xáo trộn, cuộc đời riêng từng người chìm nổi những hoạn nạn, ly tán… thì một trưa nắng thanh bình vẳng tiếng gà gáy trưa bên sông và bầu trời dập dìu chim én bay, thay vì máy bay ném bom và tiếng còi rú báo động ở từng góc phố…  Tôi chưa dứt câu, chưa nói hết ý mình, đã ngừng lại, vì diễn biến trên nét mặt ông chồng. Rất khó tả sự thay đổi tinh vi mà chỉ có người ngồi đối diện với nhau mỗi ngày ở bàn ăn mới nhận ra. Và điều đó chỉ thoáng qua. Rồi anh như tỉnh lại, bảo: “Trong khi  cuộc sống trên mặt đất còn được bình thường, hãy thưởng thức điều bình thường của mùa xuân.” Ý ảnh là món gỏi xuân.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222