Chúng ta đang đi đâu?


Nhằm một ngày trời mây u ám mà đọc một cuốn sách của E.O. Wilson thiệt là nhức cái đầu. Ông này là giáo sư của trường đại học Harvard, tác giả của trên 20 cuốn sách, cuốn  tôi đang mon men đọc là cuốn mới vừa xuất bản, The Social Conquest of Earth. Mới cái tựa là nhức cái đầu rồi: với trình độ Anh ngữ bằng A cũng biết trái đất là “the Earth”, và “Earth” luôn đi với mạo từ xác định “the” vì chỉ có một trái đất, nơi chúng ta đang sống. Ông Wilson là Mỹ chánh hiệu, ổng viết “Earth” không có “the”, ai dám bắt giò ổng viết thiếu? Hẳn là ổng cố ý và có ngụ ý về chữ “Đất” trụi lũi đó. “The Social Conquest” có thể hiểu là cuộc chinh phục xã hội, hay mang tính xã hội/quần thể, và vì có chữ “the” nên hiểu rằng đây chính là chủ đề lớn của quyển sách. (Ôi, xin lỗi đồng bào.  Tôi loay hoay giải thích vì hỗm nay hơi hoảng với những tranh luận um sùm về dịch thuật. Nhưng thôi, chúng ta qua sông và bỏ cái gọi là thãm họa lại mà đi tiếp.)

Bìa của cuốn sách in lại bức tranh nổi tiếng của Paul Gauguin (hẳn nhiên có lý do!). Ông  E.O. Wilson viết trong Lời mở đầu:  “ Hãy nhìn kỹ chi tiết của bức tranh. Nó gồm  một hàng nhân vật dàn trải trước một pha trộn lờ mờ  những núi và biển của phong cảnh Tahiti. Hiện thực lẫn lộn  siêu thực, những nhân vật đó tượng trưng cho vòng đời con người. Họa sĩ chủ ý cho chúng ta ngắm từ phải sang trái. Một trẻ sơ sinh ở góc phải tương trưng cho sự sinh. Một người trưởng thành không rõ rệt giới tính được đặt ngay trung tâm bức tranh, hai cánh tay giơ lên, biểu tượng của sự tư nhận thức cá nhân. Về phía  trái một cặp trẻ đang hái và ăn táo theo  cổ mẫu Adam-và-Eva , sự khát khao  tri thức. Xa hơn về bên trái là tượng trưng sự chết, một bà già co cụm trong đau đớn và tuyệt vọng. (…) Ở góc trái trên cùng của tấm vải vẽ, Gauguin viết cái tên nổi tiếng của bức tranh: D ‘ou` Venons Nous / Que Sommes Nous / Où Allons Nous. Bức tranh không phải là một câu trả lời. Nó là một câu hỏi.”
Chỗ này lại mở ngoặc cho người chưa có trình độ A về hội họa như  tôi. Paul Gauguin là một họa sĩ Pháp, chào đời năm 1848 ở Paris, nơi ông trải qua thời trẻ tuổi như một doanh nhân thành đạt với vợ đẹp con ngoan. Nhưng (bắt chước thái tử Tất Đạt Đa) ông từ bỏ, hay đánh mất tất cả để đi tìm chân lý và theo đuổi đam mê mỹ thuật. Vào cuối năm 1897, Gauguin một mình ở Punaauia, xứ Tahiti, thân tàn ma dại túi không tiền, tự biết mình tới số rồi, Gauguin vẽ bức tranh nói trên, Chúng ta từ đâu tới / chúng ta là cái gì / chúng ta đi đâu, đinh ninh đó là tác phẩm cuối cùng. Sau khi vẽ xong ông đã thủ sẵn thuốc độc đi lên núi để tự tử vì muốn được lũ kiến xơi trước khi bị con người tìm thấy xác. Nhưng rồi ông nghĩ lại, leo xuống núi, lãnh việc của một viên chức cạo giấy, sống vật vờ thêm năm năm nữa rồi chết vì bệnh giang mai. Một chi tiết không liên can đến bức tranh của Gauguin hay cuốn sách của Wilson nhưng hơi dính tới Việt Nam là Gauguin từng nộp đơn xin việc làm ở Tonkin (Bắc kỳ)  sau khi Pháp thuộc địa hóa cả nước Việt Nam, nhưng ông bị từ chối; và thay vì  được  qua Việt Nam, Gauguin bị phái tới xứ Tahati (Polynesia thuộc Pháp) ở giữa Thái Bình Dương mênh mông rồi chết ở đó. Đóng ngoặc.
Trở lại… ừm… bức tranh hay cuốn sách nhỉ? À, cuốn sách.  Chương một có tiểu tựa “The Human Condition”. Chữ “the” đi với chữ “condition” số ít cũng đáng lưu ý. Nhưng hạ hồi phân giải. Tạm dịch là Hoàn cảnh  con người.  Hay Thân phận / Tình thế / Trạng thái / Điều kiện con người, tùy hỉ. Thân phận con người nghe quen tai hơn. Nhưng tiếng Việt hiện thời sính “hoàn cảnh” hơn.  (Xin lỗi, vẫn còn bị ám ảnh cuộc tranh luận về dịch thuật!) Chương này nằm trong phần I với câu hỏi in hoa tổ chảng: TẠI SAO TỒN TẠI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI CAO CẤP?
Những câu hỏi mà Gauguin vẽ ra xét cho cùng không thuộc bản quyền của riêng ông. Người ta, ai cũng ít nhứt một lần thắc mắc điều đó, đó là vấn đề cốt lõi của  tôn giáo và triết học. Nhiều người, từ các triết gia  Hy Lạp cổ đại đến gã say ở quán nhậu Sài Gòn hiện đại, cũng giống Gauguin: đặt được những câu hỏi đó là đủ vĩ đại rồi, không mong gì có câu trả lời. Nhưng  E.O. Wilson cho rằng những tiến bộ khoa học, đặc biệt trong hai thập niên qua, đã đủ cho chúng ta có câu trả lời  mạch lạc  vấn đề nguồn cội và bản chất con người. Tuy nhiên, để làm được vậy, ông Wilson cho rằng phải tìm ra giải đáp cho hai câu hỏi căn bản hơn nữa, một là tại sao lại có đời sống xã hội cao cấp,  và tại sao đời sống xã hội cao cấp  rất hiếm trong lịch sử sự sống, hai là những quyền năng điều khiển đã tạo ra đời sống đó có đặc tính gì, làm sao để nhận biết.  
Phần còn lại của cuốn sách đương nhiên là nỗ lực của tác giả nhằm giải đáp những câu hỏi của Gauguin cùng những câu hỏi phát sinh của tác giả. Trong phần CHÚNG TA LÀ CÁI GÌ?  Wilson đặt vấn đề bản chất con người là gì, văn hóa tiến hóa ra sao, nguồn gốc của ngôn ngữ,  tiến hóa của sự đa dạng văn hóa, nguồn gốc của đạo đức và danh dự, nguồn gốc của tôn giáo, và nguồn gốc của nghệ thuật sáng tạo.  Có một khái niệm  tôi nhức cái đầu tìm không ra từ tương đương thích đáng trong tiếng Việt là “eusociality”. Theo Wilson giải thích thì  eusociality là xã hội / quần thể mà một số cá thể tiết giảm tiềm năng sinh sản của mình để nuôi dưỡng con cái kẻ khác. Thí dụ như tổ ong chẳng hạn, trong đó tất cả ong thợ đều vô sinh và chăm sóc ấu trùng do con ong chúa đẻ ra. Đức tính vị tha này, theo ông Wilson, là nền tảng của tổ chức xã hội ở dạng cao cấp nhứt.
Cuốn sách kết thúc với câu hỏi: CHÚNG TA ĐANG ĐI ĐÂU? Câu trả lời của E.O.  Wilson là “A New Enlightenment” có thể dịch là “Một giác ngộ mới” hay “Một cuộc thăng hoa mới” . Nhưng  tôi chưa đọc tới đó. Wilson là một nhà khoa học, không phải triết gia. Cuốn sách trình bày những lý thuyết và chứng cứ khoa học. Dù vậy, mới ra lò nó đã gây tranh cải.  Vụ tranh cải cũng có nhiều cái hay. Nhưng để  tôi đọc tiếp đã. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222