Truyện cụt
Ý tưởng ban đầu là một tiểu thuyết 80.000 chữ. Dự định viết trong 4 tháng. Trên xe lửa. (Đây
là ý tưởng của nhà văn Anh David Gaffney chứ không phải của tôi!)
Gaffney sống và làm việc ở hai thành phố khác nhau, ngày nào cũng phải
đi về giữa Manchester và Liverpool bằng xe lửa, mỗi chuyến mất 50 phút. Ban đầu
Gaffney cũng giống như những hành khách khác, tranh thủ thời gian ngồi trên xe
lửa để ngủ hoặc đọc sách. Nhưng vì ông là nhà văn nên ông nghĩ: tại sao mình lại
đọc (cái người khác viết) mà không viết (cho người khác đọc)? 50 phút là thời
gian đủ để viết 500 chữ, mỗi ngày viết trên 2 chuyến xe lửa thì sẽ được 1.000 chữ, trừ cuối tuần ra, chừng
4 tháng là ra đời một tiểu thuyết!
Nghĩ là làm, Gaffney bắt tay viết ngay, liền tù tì hai tuần
lễ. Song viết lách không đơn giản dễ dàng như vậy dù đối với một nhà văn chuyên
nghiệp. Mười cái một ngàn chữ ráp lại
không có vẻ gì là những phần liên quan với nhau của một tiểu thuyết. Có thể tiểu
thuyết ngày nay không nhứt thiết phải gồm những phần có liên quan với nhau. Ai
bây giờ có thể nghiêm túc đọc một mạch 80.000 chữ? Mà đọc vài trang trong năm
mười phút ở trạm chờ hay 50 phút trên xe lửa rồi dẹp sách, bươn chải theo dòng
đời cho tới khi có thời gian chết để đọc tiếp, thì dẫu tiểu thuyết liền lạc
cách nào cũng đứt khúc, lụn vụn. Cho nên tiểu thuyết hậu hiện đại lụn vụn, lỏng
lẻo, rời rạc, tản mạn, tan tác, lửng lơ, hư vô, mơ hồ.
Và chúng ta đang sống
ở thời ai cũng kè kè điện thoại (chứ không phải cuốn sách) trong túi. Thực tế
này phát sinh một loại sách gọi là Sách-điện-thoại. Tác phẩm phải có đầy đủ mọi
yếu tố cần có của một tiểu thuyết: cốt truyện, nhân vật, tình tiết, chi tiết,
ngôn ngữ, tư tưởng, vv. Nhưng chỉ 150 chữ. Để có thể gởi như tin nhắn qua điện
thoại.
Gaffney đối đầu với vấn nạn thời đại của nghệ sĩ: viết
(trong mơ hồ, lửng lơ, tan tác, rời rạc…) một tác phẩm 80.000 chữ không biết để
làm gì, hay tập trung dứt điểm mỗi ngày một cái 150 chữ bán cho hãng điện thoại
(khuyến mãi khách hàng)? Khi người ta
còn trẻ và đầy tham vọng thì cách nào tạo được sự nghiệp là cách tốt / đúng /
hay / phải / duy nhứt. Gaffney bèn thay
đổi qui trình sáng tác. Lượt đi ông vẫn viết, theo bút lực, được 500 chữ. Lượt
về ông không viết tiếp mà đem 500 chữ đã viết ra tỉa tót lại. Xe chạy hết nửa
đường thì còn 300 chữ, và nửa đường còn lại là giai đoạn căng thẳng đầy khó
khăn làm sao cho số chữ giảm đi phân nửa (mà vẫn còn là một tác phẩm văn học!).
Một trăm năm mươi chữ mỗi ngày là một chỉ tiêu hợp lý, theo
kinh nghiệm của tôi. Có thời tôi tính ra trung bình tôi viết được 1.500 chữ mỗi ngày (đủ thể loại,
kể cả dịch và nhật ký riêng) nhưng chỉ trong vòng 5-7 năm sung sức chẳng làm gì
khác ngoài chuyện ôm cái máy tính cả khi ăn khi ngủ. Đó là thời kỳ điên mà tôi không muốn lập lại, và cũng không còn khả
năng lập lại. Nỗ lực duy trì công việc viết hiện nay là mỗi tuần một bài cỡ
1000 – 1200 chữ, viết xong mà chưa bị đột quị là mừng hết sức rồi. Bởi vì, cũng
như Gaffney, để viết được 150 chữ, tôi
phải viết cỡ 500 chữ rồi tỉa lại còn một phần ba. Nhưng khổ hơn Gaffney ở chỗ, tôi không đi xe lửa mỗi ngày để có cảnh vật
con người sự việc thay đổi mỗi ngày để có cái viết mới luôn luôn. Xứ Bellingham như cái hốc mũi, xỉ cho cố thì
cũng ra cứt mũi mà thôi.
Vả lại, một bài cả ngàn chữ, chỉ được cái sang khi dàn trang
trên tờ báo / tạp chí truyền thống, chứ bỏ lên blog hay note hay wall trên các
trang mạng xã hội, hay twit ter hay text qua điện thoại thì đâm ra dài lòong
thòong. Tôi thường tự hỏi ngoài người
biên tập phải duyệt bài , ai là người đọc hết mỗi bài tôi viết? Có lẽ đã đến lúc tôi học tập Gaffney, kiếm ai đó chịu mua mỗi
ngày một trăm năm chục chữ, thay vì mỗi tuần 1.200 chữ. Đằng nào mình cũng lao
động cỡ đó, nhưng thay đổi đầu ra để phục vụ độc giả tốt hơn.
Tích tiểu thành đại. Tính đến nay Gaffney đã xuất bản đến cuốn
sách (giấy) thứ tư, cuốn nào cũng bìa cứng, dày dày, đầy nhóc chữ một cách đáng
nể. Đó là những tuyển tập các truyện ngắn 150 chữ ông đã viết đều đều mỗi ngày. Bây giờ David
Gaffney đã nổi tiếng là nhà văn chuyên trị truyện ngắn 150 chữ. Uy tín của ông
tăng đến độ tờ báo rất uy tín ở Anh là tờ
Guardian đã mời ông viết một bài chia sẻ kinh nghiệm trên báo này, nhân Ngày Truyện Cụt Quốc gia ở Anh.
(Xem thông tin về ngày này ở đây: http://nationalflashfictionday.co.uk/
)
Tất nhiên truyện cụt đã thành một thể loại văn học đương đại,
ít nhứt ở Anh và đâu đó trên thế giới. Ở Việt Nam mình cũng đã có quá trình vận
động cho thể loại này, hình như gọi là truyện cực ngắn, truyện chớp, truyện ngắn
ngắn, truyện ngắn bỏ túi, truyện ngắn tí hon, truyện ngắn mi ni, truyện ngắn
không quá một ngàn chữ hay năm trăm chữ, vv. Nhưng tôi thấy những tên gọi đó đều dài, trong khi
đặc trưng nổi bật của thể loại này là cụt ngủn. Cho nên tôi gọi nó là truyện cụt. Nhân ngày Truyện Cụt
Quốc gia đầu tiên (ở Anh) tôi sẽ bắt đầu
sự nghiệp viết truyện cụt. Có ai mua không?
Lý Lan