Dịch thơ với Google
Tôi chép bài thơ “One
Cigarette” của Edwin Morgan,
một nhà thơ Tô cách lan mới chết cách đây hai năm, vào http://translate.google.com và biểu nó dịch sang tiếng Việt. Trong nháy mắt,
mà có khi nhanh hơn cả cái nháy mắt, bản dịch tiếng Việt hiện trên màn hình máy
tính, song song với nguyên tác. Tôi bấm
vào hình cái loa ở cuối trang và một giọng đàn ông đọc (giọng mũi như Tây) toàn
bài thơ, nghe ngộ ngộ, buồn cười. Tôi
nghe lại, không còn buồn cười cái giọng mũi và nhịp đều đều của máy nữa, bỗng thấy hay hay, vì những câu Google
dịch khiến tôi liên tưởng đến những bài
thơ của không ít nhà thơ Việt Nam đương đại. Thử đọc bản dịch khi còn mù nguyên
tác:
“Không
có khói mà không có bạn, lửa của tôi.
Sau khi bạn rời đi,
thuốc lá của bạn tỏa sáng trong cái gạt tàn của tôi
và gửi lên một chủ đề dài màu xám yên tĩnh như vậy
Tôi mỉm cười tự hỏi ai sẽ tin rằng tín hiệu của nó
tình yêu rất nhiều. một điếu thuốc lá
trong khay không hút thuốc.
Khi ngọn tháp cuối cùng
run sợ, một dự thảo đột ngột
thổi quanh co vào mặt tôi.
Là nó có mùi, hương vị?
Bạn đang ở đây một lần nữa, và tôi say rượu trên môi thuốc lá của bạn.
Ra với ánh sáng.
Hãy làm khói nằm trong bóng tối.
Cho đến khi tôi nghe thấy tro rất
thở dài xuống giữa những bông hoa bằng đồng
Tôi sẽ thở, và nửa đêm dài, nụ hôn cuối cùng của bạn.”
Sau khi bạn rời đi,
thuốc lá của bạn tỏa sáng trong cái gạt tàn của tôi
và gửi lên một chủ đề dài màu xám yên tĩnh như vậy
Tôi mỉm cười tự hỏi ai sẽ tin rằng tín hiệu của nó
tình yêu rất nhiều. một điếu thuốc lá
trong khay không hút thuốc.
Khi ngọn tháp cuối cùng
run sợ, một dự thảo đột ngột
thổi quanh co vào mặt tôi.
Là nó có mùi, hương vị?
Bạn đang ở đây một lần nữa, và tôi say rượu trên môi thuốc lá của bạn.
Ra với ánh sáng.
Hãy làm khói nằm trong bóng tối.
Cho đến khi tôi nghe thấy tro rất
thở dài xuống giữa những bông hoa bằng đồng
Tôi sẽ thở, và nửa đêm dài, nụ hôn cuối cùng của bạn.”
Tôi không bình luận
thơ hay dở, hay đây có phải thơ không.
Tôi chỉ nói chuyện dịch thuật. À, nên mở ngoặc một chút: “One Cigarette” là một bài thơ nổi tiếng
và Edwin Morgan là một nhà thơ lỗi lạc của
xứ Scotland, được vinh danh Thi Bá xứ Glasgow ( tôi dịch đại Poet Laureate,
Google để nguyên cặp từ này) và Thi sĩ
Quốc gia Tô cách lan.
Edwin Morgan là
người đầu tiên được tôn vinh trong cả hai danh hiệu này. Nghĩa là khi người ta
bày ra giải thưởng và danh xưng đó, người ta trao trước tiên cho Edwin Morgan .
Lý do chú giải là để khẳng định rằng giá trị văn học của nguyên tác đã được khẳng
định. Xin phép đóng ngoặc.
Google dịch và cho phép người ta sửa chữa, thêm bớt bản dịch,
lại còn hổ trợ tự điển và tu từ. Mình không ưng câu chữ nào thì xỉa con trỏ vào đó, sẽ hiện ra một dọc từ/cụm
từ khác để mình lựa chọn, hoặc tự đánh
câu chữ của mình thay vô, hoặc kéo chữ ngược xuôi nếu muốn đảo ngữ, đảo câu.
Lưu ý là khi mình sửa rồi thì cái thằng Google chôm luôn bản sửa của mình. Hễ
mình biểu nó dịch lại câu đó, thì nó dịch y chang câu mình sửa. Tức là nó không
có tự ái chút nào, cứ máy móc dịch vậy
đó, ai dịch khác đi, nó ô kê theo luôn. Như thoạt nhìn cái tựa “một thuốc
lá”, tôi sửa ngay thành “Một điếu thuốc lá”. Nhưng theo tứ thơ thì có thể là một “hơi thuốc lá” hay “tàn thuốc
lá” , hay ẩn dụ cái khác nữa, chứ không nhứt thiết phải “một điếu”. Vả lại thơ mà, ngữ pháp chỉn chu từ cái tựa trở đi thì còn gì là thơ. Nên tôi nghĩ “một thuốc lá” được chớ, như Trần Tế Xương vẫn viết “Một trà, một rượu,…” ấy. Tôi
bèn phục hồi bản dịch của Google, nhưng
dù tôi xóa bản dịch đã bị tôi sửa lung tung, rồi bấm “translate” cho nó
dịch lại, nó vẫn cứ hiện ra bản tôi đã sửa. Thiệt là máy!
Thực ra ban đầu tôi “sửa”
những chỗ mà tôi cho là sai rành rành,
chẳng hạn “In the non-smoker’s tray”
là “Trong cái gạt tàn của người không
hút thuốc” chứ không phải “Trong khay không hút thuốc”. Nhưng đọc lại giật
mình, người không hút thuốc sao lại có cái gạt tàn? Mỗi câu mỗi chữ trong bài thơ đều được chọn lọc
và hàm những tầng lớp ý nghĩa mà đọc một lần rồi đọc lại và đọc lại nữa, rồi ngẫm
nghĩ, và tùy tâm trạng và điều kiện thời gian môi trường mà mình cảm nhận khác
nhau. Đọc qua lần đầu, tôi nghĩ tác giả
miêu tả trạng thái còn ngây ngất sau khi người tình ra về, để lại mẫu thuốc lá
cháy rụi trong cái gạt tàn mà tác giả mượn làm cái cớ để gợi lên ký ức mới đó,
để nhấn nhá dư vị của nó.
Nhưng tóm tắt bài thơ như vậy không khác nói rằng Truyện Kiều
kể chuyện 15 năm lăn lóc của một cô gái giang hồ. Tất cả giá trị bản dịch Kiều của Nguyễn Du không phải ở sự
chuyển tải nội dung đó, mà ở 3218 câu thơ mà nhà thơ đã gởi vào đó tâm hồn suy
tư trải nghiệm và tài hoa của mình. Dịch như Nguyễn Du dịch Truyện Kiều mới gọi
là dịch tác phẩm văn học: dịch giả là đồng tác giả trong sáng tác nghệ thuật.
Chứ không chỉ là người chuyển ngữ một văn bản. Nhưng có lẽ ba trăm năm mới có một
Nguyễn Du.
Đành chấp nhận những “dịch giả” kiểu Google. Cứ mù nguyên
tác mà đọc: “Khi ngọn tháp cuối cùng
run sợ, một dự thảo đột ngột / Hãy
làm khói nằm trong bóng tối
/Cho đến khi tôi nghe thấy tro” cũng có vẻ thơ hậu hiện đại chớ! (Mặc dù Edwin Morgan được coi là nhà thơ hiện đại). Chắc
gì tôi dịch lại mà hay hơn. Họa may có
thêm một “bài thơ” tiếng Việt khác trong cố gắng diễn dịch lại bài thơ tiếng
Anh qua cảm nhận của mình. Nhưng tôi
không dại. Google dịch sao đi nữa đố ai
làm gì nó, và hàng triệu người xài nó mà không ý thức, hoặc không bận tâm, đến
những “thãm họa” đầy dẫy trong từng câu một.