Vườn rau trước ngõ
Bellingham là một thành phố nhỏ dân số chừng trăm ngàn người,
có lịch sử khoảng 200 năm, khu được coi là di tích lịch sử có những ngôi nhà “cổ”
cỡ 150 tuổi đổ lại. Xóm tôi ở phần lớn
nhà được xây trong khoảng năm 1910-1920, chủ yếu bằng gỗ. Thời đó xứ này còn
nhiều rừng, khai thác chế biến gỗ là ngành kinh tế quan trọng nhứt. Khu dân cư
này vốn được thiết kế như xóm bình dân, mỗi nhà rộng khoảng 70 đến 150 mét
vuông, nằm biệt lập trên một miếng đất nhỏ cỡ
450 mét vuông, phía trước có sân phía sau có vườn. Vườn sau thường trồng
cây táo, lê hay mận. Sân trước hầu như mặc định trồng cỏ. Dù mặt tiền mỗi nhà một
kiểu, tất cả các sân trước đều y chang nhau: những thảm cỏ xanh mướt nối nhau liền lạc trải dài mút dãy phố. Có
khác chăng là cỏ nhà hàng xóm có vẻ xanh hơn cỏ nhà mình.
Ngay từ lúc mới dọn vào
tôi đã nghĩ mảnh sân trước nhà là chỗ lý tưởng lập vườn rau. Nhưng ông
chồng không muốn phá vỡ cảnh quan đặc thù của khu dân cư Mỹ. Ổng bảo bãi cỏ là
cái không thể thiếu của một ngôi nhà Mỹ. Chiều chiều ông chủ nhà xách cái máy cắt
cỏ chạy ầm ầm quanh nhà mới cảm thấy mạnh mẽ quyền sở hữu trên miếng đất của
mình! Một bà tiến sĩ môi trường đã ước tính trên toàn nước Mỹ có tổng cộng
128.000 Km vuông đất trồng cỏ để chơi, bao gồm cả bãi cỏ sân golf, sân banh,
công viên và bãi cỏ của từng nhà. Diện tích đó lớn hơn cả diện tích trồng bắp
có hệ thống tưới tiêu ở Mỹ. Mỗi năm người
Mỹ tiêu 17 tỷ đô la cho bãi cỏ gồm mua sắm các giống cỏ, phân bón, thuốc trừ
sâu, nước và hệ thống tưới tiêu, dụng cụ máy móc cắt cỏ, nhiên liệu chạy máy,
thời gian công sức hoặc thuê mướn người chăm sóc bãi cỏ thay cho mình. Nghề cắt
cỏ mướn kiếm tiền không tệ: khoảng 26 triệu gia đình thường xuyên sử dụng dịch
vụ của các công ty cắt cỏ chuyên nghiệp.
Thực tình ngày
xưa tôi rất yêu cỏ. Bây giờ cũng còn yêu. Có những ban mai tôi bắc ghế ngồi ngay cửa chính nhìn ra bãi cỏ
trước nhà còn phủ sương giá trắng xóa, chờ nắng lên, sương tan dần, cỏ vươn lên
xanh mướt, cảm thấy lòng bình yên, nhẹ nhàng, niềm hy vọng trồi lên, cuộc sống như
bắt đầu lại với một ngày mới. Năm 2008
tôi về Việt Nam ở một thời gian dài, mười mấy tháng, nhiều khi nhớ nhà ở
Mỹ là nhớ những buổi sáng ngồi nhìn nắng long lanh trên ngọn cỏ và những buổi
chiều bãi cỏ in bóng ngôi nhà trườn dài
theo nắng xế. Đến khi tôi trở lại, trên
đường từ phi trường về nhà, tôi bình tâm
chờ đến đầu ngõ để nhìn thấy màu cỏ xanh thanh thản bên lối đi lên những bậc thềm
gỗ của ngôi nhà nhỏ.
Nhưng ô hay, bãi cỏ đã bị đào bới lem nhem, trông như thể ai
đó vừa xới đất lên để tìm kiếm cái gì đã đánh mất. Ông chồng hớn hở nói: “Đây
là món quà mừng em trở về. Một mảnh vườn để em trồng rau. Chẳng phải ngay từ đầu
em đã muốn có một vườn rau trước ngõ?” Ừ thì
tôi từng muốn vậy. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Ngó qua hàng xóm, bãi cỏ
nhà hai bên vẫn xanh, nhưng trước ngôi nhà cách đó ba căn đã xuất hiện một mảnh
vườn hình chữ nhật trồng nào cà chua, hành ngò, rau thơm, cải các loại. Phía cuối
phố, ngôi nhà ngay góc đường đã biến phần lớn bãi cỏ thành vườn, chỉ chừa lại một
khoảnh xanh để đặt một cái xích đu. Bên kia đường, mảnh vườn của ngôi nhà khuất
sau cây liễu có cả bộ khung hình chữ U ngược để ban đêm kéo một tấm chăn trùm lại.
Và không chỉ riêng ở phố này, nhiều nơi khác trong thành phố cũng có hiện tượng
biến bãi cỏ thành vườn rau.
Nhưng không phải ai cũng đào xới lem nhem như mảnh sân trước
nhà tôi. Cũng không phải ai cũng ra siêu
thị sắm một bộ khung gỗ hình chữ nhật và mấy bao đất về dựng trong chớp mắt một
vườn rau giữa bãi cỏ. Nhiều người, chắc tốn cả ngàn đô, chở về nào đá to đá nhỏ,
nào chậu sành chậu gốm, lại còn đào ao, dựng cổng, trồng xen hoa cỏ (ăn được) với
các thứ rau cải có ngoại hình so sánh được với cây kiểng. Đại khái họ lập một
vườn kiểng ăn được (edible landscape) vừa để tăng thẫm mỹ ngôi nhà vừa để hưởng
ứng phong trào ăn rau tươi do đệ nhứt phu nhân Michelle Obama phát động.
Quanh tòa Nhà Trắng là những bãi cỏ xanh mênh mông, đương
nhiên cần nhiều nhân công chăm sóc giữ gìn. Hồi thế chiến thứ nhứt xảy ra, tổng
thống nước Mỹ lúc đó là Woodrow Wilson
muốn vận động nhân lực và vật lực cho cuộc chiến, đã cho thả một đàn cừu trên
bãi cỏ quanh tòa Nhà Trắng, thứ nhứt là cừu ăn cỏ, (để cho người cắt cỏ rảnh
tay đi lính), thứ hai là cừu cung cấp len là thứ đang thiếu hụt thời bấy giờ. Len
của đám cừu ăn cỏ Nhà Trắng ấy đã được bán đấu giá tới 100.000 đô la! Đại khái,
năm 2008 nước Mỹ đang thời suy thoái, Nhà Trắng bèn làm gương biến một khoảnh cỏ
thành vườn rau, để tuyên truyền lợi ích của việc trồng rau so với trồng cỏ. Có
những người làm theo để ủng hộ. Dĩ nhiên nhiều người vẫn giữ nguyên bãi cỏ và
chỉ trích bọn lập vườn. Nhiều người tuy lập vườn nhưng khăng khăng không chịu
là mình chạy theo phong trào. Người Mỹ luôn có cả ngàn lý do khác nhau để làm một
cái gì đó giống người ta hoặc không giống ai hết.
Kỷ nghệ cung cấp
cây con hột giống và dụng cụ làm vườn phát triển rần rần một dạo. Cứ xuân sang
thiên hạ lại hè nhau đào xới trồng trọt. Chỉ cần một ngày ra vườn ươm giống cây
mua cây con về cắm xuống đất là ngủ một đêm thức dậy thấy trước nhà mình cũng
có vườn rau như ai. Rồi ngày một dài ra, hè sang thiên hạ rủ nhau xuống biển
lên núi, vườn rau ở nhà cây gì muốn mọc thì mọc, rau cỏ chen chúc như rừng
hoang. Thu đến mưa dầm dề trôi hết lớp đất màu mở. Thành thật mà nói,
mùa đông nhìn những mảnh vườn lở lói trước nhà sao mà xấu xí đến đau lòng.
Thế là xuân năm
sau lại hì hụi cải tạo “cảnh quan” trước nhà. Ông chồng khuân đá về dựng một bức
tường thâm thấp để giữ đất. Rồi khuân gỗ về dựng một hàng rào. Ông đi qua đi lại,
ngắm tới ngắm lui, ngôi nhà phía sau tường đá thấp thấp và hàng rào gỗ cao cao,
bữa nay bẫy cục đá này qua bên nây, bữa sau lăn nó lại chỗ cũ. Rồi ngồi thở dốc
nhớ tiếc bãi cỏ ngày xưa. Nhớ mùi cỏ mới cắt ngai ngái, nhớ thảm cỏ vừa cắt
xong êm ái bàn chân, mượt mà tầm mắt.
Nhưng tôi không muốn đảo ngược lại nữa. Rốt cuộc tôi đã có một vườn rau trước ngõ. Trãi qua ba
mùa trồng trọt, đất đã thuần, nhiều cây lưu niên đã bén rễ sâu, cứ xuân sang lại
đâm chồi nảy tược, trổ bông kết trái. Và
khi trời ấm áp tôi trồng nào rau dền,
rau muống, rau cần, tần ô, cải xanh, cải ngọt, cà chua, dưa leo. Chỉ có rau muống
hơi bị đẹt, các thứ cải đều ngon lành. Những cây không hái ăn kịp thời hè nhau
trổ bông, dụ dỗ ong bướm dập dìu. Nhưng cái chính là mỗi sáng và mỗi chiều bắc
ghế ngồi nhìn ra cửa, thấy đám rau cải thân quen mọc lúp xúp, tôi thấy lòng
mình bình an, vui vui khi ông đi qua bà đi lại thỉnh thoảng thốt “Vườn rau đẹp
quá!”.