Mùa hè đang ra đi.


Nói mùa hè bị đuổi đi thì chính xác hơn. Hôm cuối tuần rồi các siêu thị, thương xá, cửa hàng tranh nhau đại hạ giá, gọi là “Đại hạ giá cho ngày tựu trường”. Người ta đi mua sắm như điên. Nhìn người ta ngược xuôi chóng mặt quá, tôi ra khỏi thương xá, băng qua bãi đậu xe đặc nghẹt, tìm một chỗ ngồi dưới bóng cây, chờ. Không biết chờ đến bao giờ. Người ta rủ đi mua sắm như mọi năm, tôi ham vui mà đi, bây giờ mắc kẹt như vầy. Chỉ có mình tôi thấy hàng hóa bắt ngán, chứ người ta mê man lựa hết cái này đến thử cái kia.

Vậy là sắp tựu trường. Cuộc sống ở cái gọi là thành phố đại học này xoay quanh cái trục chính là hoạt động của các trường học, được dẫn dắt bởi hoạt động thương mại của các thương xá và các hệ thống siêu thị. Trời tháng 8 còn xanh ngắt, nắng vàng như mật, đậu đang trổ bông, cà chua mới chín hườm hườm, tức là thiên nhiên vẫn còn sung mãn sức sống mùa hè. Nhưng quảng cáo mua sắm cho ngày tựu trường đã được gởi tới từng nhà, tờ báo địa phương cũng vắt hàng tít to ngang trang nhứt: “Giã biệt mùa hè, mọi người hối hả chuẩn bị cho niên học mới.” Các bậc cha mẹ bèn vin ngay cớ ấy để chấm dứt ngày tháng rong chơi của đám trẻ. Dắt chúng đi mua sắm một cuối tuần này nữa là xong: Tụi bây được trang bị đầy đủ rồi đấy, liệu mà học hành tử tế, đừng vòi vĩnh quấy rầy người lớn nhé, để người ta rảnh cái chuyện giải trí cho con cái mà tập trung  đối phó với kinh tế suy thoái!

Tôi không có gì phải lo toan cả. Chừng nào lá cây gingko trong vườn đổi màu vàng rực tôi mới chịu cho mùa hè ra đi. Bây giờ cây vẫn còn xanh lá, trái cũng còn xanh trên cành, mắc gì không tận hưởng những ngày ấm áp cuối tháng tám? Có khi sang tháng chín trời vẫn còn trong xanh, nhiệt độ  xấp xỉ 20 độ C, mặt trời vẫn nấn ná trên mặt biển sau giờ cơm chiều. Lúc này đi lang thang dọc bờ biển là hạnh phúc nhứt. Nhưng vì người ta háo hức chuẩn bị vô trường lớn, tôi lại lang thang  trong cái thương xá nhen chúc người  và hàng hóa này.

Ngồi dưới bóng cây trong cái không-phải-công-viên này cũng tạm yên. (Quanh khu thương xá và bãi đậu xe người ta trồng cây và cỏ trên một vành đai hẹp hơi dốc, không thể gọi là công viên, nhưng bãi cỏ được chăm sóc xanh mướt mịn màng, cây cao bóng cả cũng dịu con mắt.) Cái cây đang đỡ lưng tôi hình như có tên là quaking aspen, không biết tiếng Việt gọi là gì. Thân cây hơi mảnh khảnh, cành thon nhỏ, lá hình trái tim (cái gì hình tròn tròn có đuôi nhọn đều gợi cho tôi hình trái tim). Cành cây không dang ngang mà cố vươn thẳng lên, đeo hàng ngàn chiếc lá hình trái tim, run rẩy mỗi khi có cơn gió thoảng, phát ra âm thanh lao xao, nghe một hồi là buồn ngủ. Tôi đặt tên nó là cây ru ngủ.

Tôi ngủ gà ngủ gật dưới bóng cây có lẽ cả giờ đồng hồ. Người ta, theo lời người ta kể lại, thỉnh thoảng chạy ra thăm chừng tôi có ô kê không, thấy tôi ngoẹo đầu dưới gốc cây ngủ khò nên lại quay vào thương xá tiếp tục lựa đồ thử đồ. Sắm đồ đi học mà làm như sắm đồ ra riêng. Ủa, mà cũng gần như “ra riêng”! Người ta vô trường đại học ở một thành phố khác cách nhà cả ngàn cây số, ở nhà trọ, sống với bạn, không có cha mẹ anh chị em ông bà cô bác nhặng xị chung quanh. Một cuộc sống mới hoàn toàn. Hoàn toàn độc lập. Hoàn toàn tự do. Người ta nôn nao hình dung trước bản thân mình trong cuộc sống đó.

Mình ăn mặc như thế nào, cần bao nhiêu vớ khăn đồ lót. (Không còn chuyện cứ cởi ra là quăng vô sọt đồ dơ rồi tìm thấy chúng sạch sẽ thơm tho thẳng nếp trong tủ nữa. Sẽ phải xài máy giặt công cộng, mỗi lần giặt phải bỏ bạc cắc vô cái khe trên máy.) Nhưng tất nhiên đó là chuyện nhỏ. Cái lớn lao điên đầu là trông mình như thế nào trong cái áo thế nọ, cái quần thế kia. Tôi không giúp được người ta chút nào trong chuyện này. Thực ra thì lúc đầu, khi còn lẽo đẽo theo người ta chen vô những gian bày quần áo, rồi vô cả phòng thay đồ, tôi cũng có góp ý một hai lần. Nhưng hễ tôi nói cái áo này trông rất hay, là người ta ngần ngừ rồi bỏ xuống. Tôi hỏi sao vậy (ý là nếu người ta ngại giá tiền hơi mắc thì tôi sẵn sàng hổ trợ phần chênh lệch) nhưng người ta không nói gì, mà nghe lời người bán hàng thử cái áo khác.

Tôi ngẫm nghĩ rồi tự suy ra là cái “trông rất hay” trong mắt một bà già hẳn khiến người ta cảnh giác, như thể ba từ ấy có nghĩa là “đứng đắn đấy” hay “rất cổ điển”. Suy diễn một mình rồi phì cười một mình, chợt bắt gặp ánh mắt người ta nhìn mình. Ánh mắt hơi ngạc nhiên, hơi ngượng ngùng. Lại tự nghĩ rồi tự suy là người ta ắt là mắc cở  khi đi bên cạnh một bà già Á Đông lảm nhảm và cười một mình như bị ngố. Thấy người ta có vẻ bối rối, tôi muốn cười to hơn và bảo: Cháu ơi, nhìn quanh mà coi, thiên hạ say sưa mua sắm, trong mắt họ chỉ có hàng hóa, đâu thấy người. Bảo đảm với cháu là nãy giờ không ai nhìn hay thấy tụi mình. Nhưng người ta đã quay đi, cố đi nhanh một tý thì phải, để giữ một khoảng cách với bà già này.

Nhưng phải công nhận người ta là người tốt. Hai ba lần bỏ dở cuộc mua sắm để chạy ra ngoài xem bà già có ô kê dưới gốc cây ru ngủ không. Cuối cùng, người ta lếch thếch bước ra chỗ đậu xe, tay bị tay bòng, tay xách nách mang, mồ hôi nhễ nhại, miệng vừa cười vừa hỏi: Bà ngủ ngon không? Ngon. Tôi chiêm bao thấy mình vẫn đi trong mall, nắm tay một cô bé nhỏ xíu, cứ sợ nó đi lạc. Người ta cười ha ha: thực ra hồi bé cháu nắm tay bà vì sợ bà đi lạc ấy chứ. Mà mười năm qua rồi nhỉ? Đây là lần thứ mười mà có lẽ là lần chót bà cháu mình cùng đi mua sắm cho ngày tựu trường.  Tôi nói ướm vậy với một chút ngậm ngùi và một chút phập phồng thất vọng. Người ta hồn nhiên gật đầu cái rụp: Dạ, cháu lớn rồi mà.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222