Về thực vật và người
Hai câu thơ “Kiếp sau
xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”trong bài Cây Thông của Nguyễn Công Trứ thường nổi lên những khi
tôi có được khoảnh khắc thong dong trong đời mình. Lý do là cây thông không mọc
ở Sài Gòn là nơi tôi đã dành phần lớn thời gian ngược xuôi kiếm sống. Thỉnh thoảng
đi chơi Đà Lạt mới thấy cây thông. Vì là lúc đi chơi nên có thì giờ ngồi, hay nằm
trên cỏ, nhìn lên cây thông cao đứng trên đồi cao in bóng sừng sững giữa trời cao.
Tôi được lúc thong dong nên tôi lẩn thẩn tự hỏi từ kiếp người
chuyển sang làm cây thông là tiến hóa hay thoái hóa? Nguyễn Công Trứ rõ ràng
chán sự phức tạp của con người (“Khi vui
muốn khóc, buồn tênh lại cười”) nên nghĩ làm thông cho khỏe: cứ mọc trong
trời đất vậy thôi, gió thổi lá reo, chẳng buồn vui gì cả.
Nhưng mấy năm gần đây, những khám phá trong ngành thực vật học
cho thấy là cây cỏ cũng có cảm xúc, và theo như giáo sư thực vật Daniel
Chamovitz của trường đại học Tel Aviv thì “xét
về gien và hóa chất, cây cỏ phức tạp hơn
chúng ta.” Chúng ta, theo thuyết tiến hóa của Darwin thì đang là sinh vật ở
bậc cao nhứt, tính từ tổ tiên chung của mọi sinh vật trên trái đất này, trải
qua một quá trình tiến hóa khoảng 3,7 tỷ năm. Còn theo Kinh Thánh thì con người
được tạo ra theo khuôn mẫu đã hoàn chỉnh của chính Đấng sáng tạo. Tôi chịu ảnh
hưởng tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tin rằng chồn rắn tu luyện có thể thành người,
người tu luyện thì thành tiên Phật, làm
điều ác thì đầu thai thành súc vật hay tệ hơn, không được hóa kiếp mà cứ chập
chờn trong trạng thái ma quỷ.
Hóa thành cây cỏ hình như là một dạng thoát kiếp luận hồi, một
cách tạm thời. Trong truyện trầu cau, Lang Tân hóa thành cây cau, người vợ hóa
thành dây trầu. Hai người này không làm điều gì ác đáng bị đày đọa thành súc vật
hay ma quỷ. Ngược lại, chính tấm lòng của họ, tình nghĩa của họ đã khiến họ bỏ
nhà cửa, lìa cuộc đời đầy ngộ nhận đau lòng, để hóa thành thực vật. Cây cau và
dây trầu, theo bà ngoại tôi thì “sống hoài”. Hoặc sống dai lắm, có thể cầm cự
khá lâu ở một chỗ của vòng sinh lão bệnh
tử. Có những cổ thụ sống tới cả ngàn năm, những loại sống hai ba trăm
năm không ít, nếu người ta để yên chúng.
Một lần, hồi mới cưới, chồng tôi đưa tôi về nơi chôn nhau cắt
rún của anh. Nhà cũ của cha mẹ không còn nữa, tụi này chỉ dạo một vòng quanh thị
trấn đìu hiu, rồi dừng ở công viên, nơi nửa thế kỷ trước gia đình anh thường ăn
picnic vào ngày lễ Độc Lập. Anh đứng dưới tán một cây tùng cảm thán: Hồi nhỏ
xíu anh đã thấy cây này cao to như vầy, bây giờ nó vẫy y vậy, và vài mươi năm nữa
cây sẽ vẫn đứng đây, vẫn cao ngất xanh rì…Mà anh chắc sẽ lụm cụm đi không nỗi nữa. Lúc đó tôi cảm giác như cây cười ha hả. Tưởng
tượng cây đã từng chứng kiến anh chạy nhảy quanh đây, vấp té… và giờ đây gặp lại
cậu bé ngày xưa trong vóc dáng một người lớn gần già. Tôi cảm nhận được sự trìu
mến trong tiếng lá lao xao và thấy anh
thật hạnh phúc có một cổ thụ ghi dấu cả
đời mình.
Tôi cũng có những cây
trong ký ức đáng liệt vào hàng cổ thụ, như cây si sau nhà ở Dòn Mé Sán, cây sầu riêng trong vườn
nhà ngoại, cây sao bên cửa sổ lớp học ở trường Gia Long, cây dầu ở công viên
Văn Lang… Nhưng hầu hết những cây đó không còn tồn tại nữa khi tôi chưa tới tuổi
năm mươi.
Có lẽ do ảnh hưởng từ ông bà ngoại tôi, những người làm vườn,
và tuổi thơ tôi được sống ở xứ vườn, nên tôi luôn dành nhiều tình cảm cho cây cỏ,
luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết với cỏ cây. Tôi hoàn toàn tin rằng cây cỏ có
tình cảm. Giáo sư Chamovitz bằng phương pháp khoa học xác nhận rằng thực vật có
cảm xúc, nhưng không phải kiểu “tình cảm” hay “ý thức” như con người. Dĩ nhiên
tôi không nên tranh luận với nhà khoa học về chuyên môn của họ, nhứt là về một
lĩnh vực mà tôi mù tịt. Người khác thì tỉnh bơ cãi lại: Sao không? Nông dân nào
cũng biết là khi mình trò chuyện với cây cỏ, chúng sẽ vui hơn và cho nhiều trái
hơn, hoặc trái ngon ngọt hơn. Nhiều nông trại đã gắn loa ngoài đồng cho bắp đậu
khoai nghe nhạc, và nhận thấy là bắp khoái nhạc cổ điển hơn rock’n roll.
Giáo sư Chamovitz chỉ
nhũn nhặn đáp là những thí nghiệm lập đi lập lại trong phòng thí nghiệm của ông
không thể chứng minh tác động của âm nhạc (hay tiêng người) đối với sự phát triển
của thực vật. Càng không thể tìm thấy bằng
chứng nào cho thấy khoai tây phân biệt được nhạc Mozart và Jimi Henrix. Cái mà
ông phát hiện là thực vật có cùng một phức hợp protein trong mã di truyền, mà
ông gọi là COP9, giống y chang như con
người, và các động vật khác. Giáo sư Chamovitz chuyên về gien, và những khám
phá của ông xác nhận giữa cây cỏ và người ta có những điểm chung trong gien,
góp phần củng cố thuyết tiến hóa của Darwin. Ông an ủi người ta là tuy cây cỏ
có cùng chung nguồn gốc với người ta, nhưng con người ta “siêu” hơn ở chỗ: người
ta không chỉ ngửi, nghe, thấy… mà người ta còn suy nghĩ về những điều người ta
nghe, thấy...
Trong bài phỏng vấn trên báo Haaretz, giáo sư Chamovitz trả
lời câu hỏi tại sao ông quan tâm đến cây cỏ như vậy, ông nói: “Chúng ta phải chấp nhận là trong 30 năm nữa,
chúng ta sẽ là quần thể 9 tỷ người trên trái đất, và chúng ta đều phải ăn. Chúng
ta hoàn toàn nhờ vào cây cỏ để có thực phẩm, quần áo, thuốc men, và oxygen nữa,
dĩ nhiên. Nếu chúng ta không hiểu cây cỏ cảm nhận và phản ứng với môi trường
như thế nào, chúng ta sẽ không thể nào bảo đảm nguồn cung ứng cho các sản phẩmchế
biến từ thực vật.”
Đọc tới đó, bỗng nhiên tôi buồn. Ôi cây cỏ. Mày được quan
tâm, được tìm hiểu, không phải để thông cảm, yêu thương, mà để lợi dụng.
(Tặng kèm hoa cỏ tháng 8 trong vườn - đều là những thứ quen thuộc ở xứ mình , đố ai biết hoa gì là hoa gì?)