Mười hai năm một tỷ


Bạn ở xa đến thăm, lần đầu, nên tôi muốn đưa bạn đi coi nhà. Bạn nói khỏi cần, đứng đây (trong phòng chính, từ cửa vào ba bước) bạn đảo mắt một cái là đã thấy hết phòng ốc đồ đạc trong nhà rồi. Bạn lại giễu tôi: “Nhà nhỏ xíu mà cũng khoe!”

Thì đúng là so với nhà bạn (hai trăm rưởi thước vuông, tính diện tích tầng trệt và tầng lầu, chứ tầng hầm và tầng áp mái không kể) thì ngôi nhà 70 thước vuông của tôi, theo như bạn nói kèm lời xin lỗi: chỉ bằng cái phòng chơi dành cho trẻ con trên tầng áp mái của nhà bạn. Mà có lẽ còn thua, vì từ cửa sổ cái phòng áp mái nhà bạn còn nhìn ra cảnh đẹp chung quanh, chứ cái nhà tôi bị ép giữa hai căn nhà hàng xóm, phía trước là đường xe đậu dài dài, phía sau là hẻm toàn thùng rác.

Dĩ nhiên tôi không cảm thấy buồn tủi gì cả. Vì đây là sự chọn lựa mà cho đến giờ vợ chồng tụi này vẫn hài lòng. Thậm chí hơi tự hào là mình đã đi trước phong trào “ở nhà nhỏ” trên thế giới. Khi thành phố New York có dự án xây những căn hộ rộng không quá 30 thước vuông, thiên hạ ào ào bàn luận về không gian bao lớn thì vừa đủ cho một người, hay một cặp, sống thoải mái an vui. Ở là một thói quen. Một người có thói quen bừa bãi thì ở trong lâu đài cũng tùm lum, một người có thói quen ngăn nắp thì chín thước vuông cũng sống gọn gàng dễ chịu.

Nếu gõ tìm “tiny houses” trên Youtube.com , người ta có thể xem một loạt video về  những căn nhà nhỏ rất đặc biệt. Có cái ngộ nghĩnh, có cái như một tác phẩm mỹ thuật, nhiều cái đầy tính sáng tạo, nhứt là những không gian “thừa thẹo” trong các tòa nhà cao to ở những thành phố lớn như New York, Hong Kong. Trong một “phòng” chưa đầy 9 mét vuông không có bếp, một cô gái đã tạo một không gian sống đầy đủ, vừa có chỗ làm việc, nấu ăn, giải trí, nghỉ ngơi, nghĩa là một cái nhà ấm cúng đúng nghĩa. Một căn hộ trong một cao ốc ở Hong Kong chỉ có diện tích 30 thước vuông nhưng chủ nhân khéo thiết kế khiến nó có thể biến thành 24 “phòng” chức năng khác nhau cho những nhu cầu phong phú của một người trẻ tuổi ở thành phố hiện đại.  

Tôi chắc chắn người Việt mình khéo ở không kém ai. Mười mấy sinh viên ở trong một căn phòng hăm mấy mét vuông là chuyện bình thường. Hai vợ chồng bồng đứa con lên thành phố mà thuê được một chỗ ở chín mét vuông kể như hạnh phúc. Còn ở quê, cái nhà mà cặp vợ chồng trẻ vừa “ra riêng” được bà con phụ cất có khi không tới tám mét, có khi chỉ vừa đủ kê một cái giường đôi. Dĩ nhiên chỗ ở như vậy là “khó khăn”. Ai cũng có ước mơ “nhà cao cửa rộng”. Nhiều người lấy đó làm mục tiêu phấn đấu (trong hạn 5 năm, 10 năm…). Nhiều người đạt được mục tiêu đó rồi thì vừa hết một đời người. Và rất nhiều người không bao giờ đạt tới ước mơ đó.

Hồi tụi này dự định mua nhà, trong suốt mấy tháng trời anh cò nhà dắt đi xem cả trăm căn đang rao bán trong khoảng giá cả vừa túi tiền tụi này. Cũng có căn rộng trên hai trăm thước vuông, nằm trên mảnh đất gần nửa mẫu mà người chủ cũ tự gọi là trang trại mini. Cũng có căn vừa cất xong trong khu dân cư mới lập, đường xá, công viên, cột đèn… cái gì cũng mới toanh. Rốt cuộc tụi này chọn căn nhà gỗ xây vào năm 1926 này vì thứ nhứt là vị trí: nó nằm trong khu dân cư ổn định lâu đời, yên tĩnh, lại có thể đi bộ  tới trung tâm thành phố và khu mua sắm, gần trường học và bệnh viện; thứ hai là thiết kế nhà gọn, diện tích vừa đủ, đỡ tốn công quét dọn, đỡ tốn điện gas thắp sáng và giữ ấm, làm lạnh theo mùa. Ngoài ra ông thì thích một số đặc điểm kiến trúc gỗ hồi đầu thế kỷ trước mà ngôi nhà còn giữ được, bà thì khoái vườn trước vườn sau có hoa kiểng rau trái. 

Phong trào “ở nhà nhỏ” rộ lên mấy năm gần đây không vì những lý do như chọn lựa của tụi này, mà vì một quan niệm “toàn cầu” nhằm giải quyết vấn đề tương lai trái đất. Ấy là vào cuối thế kỷ hai mươi (1999) số cá thể loài người đã lên tới 6 tỷ. Đến tháng 10/2011 thì con số đó là 7 tỷ. Khả năng tăng 1 tỷ người mỗi 12 năm là điều các nhà chính trị, kinh tế, khoa học… đều quan tâm, chứ không chỉ riêng mấy nhà môi trường. Các nhà đó đồng ý là không gian sống của con người mang tính văn hóa, chỉ cần thay đổi quan điểm thì sẽ thấy trong khi tài nguyên trái đất đang cạn kiệt, đồng loại thì nheo nhóc chen chúc khắp nơi (1,6 tỷ người ở nhà tồi tàn và 100 triệu người chỉ có màn trời chiếu đất), thì người ở cái nhà quá to, tiêu dùng nhiên liệu và nguyên vật liệu quá nhiều, là người không biết điều (chứ không cao sang phú quí đáng ngưỡng vọng.) Vì vậy các chính phủ ở những xã hội tiên tiến và dân chủ (như ở châu Âu, nay mới lan tới Mỹ) bắt đầu đưa ra những chương trình, kế hoạch “đầu tàu” trong nổ lực tạo công bằng về không gian sống. 

Bạn bè bà con vốn quen với kích thước “to rộng” kiểu Mỹ, đều cho rằng căn nhà của tụi này quá nhỏ, không đạt tiêu chuẩn Mỹ. Nhưng sử gia của nhà này chỉ ra rằng vị anh hùng nước Mỹ, tổng thống Abraham Lincoln được sanh ra và lớn lên trong một căn nhà gỗ còn nhỏ hơn cả cái nhà này. Mà chẳng phải một, trong lịch sử nước Mỹ có cả thảy 7 vị tổng thống  được nuôi dạy lớn lên trong những ngôi nhà nhỏ. Và đó mới là câu chuyện tiêu biểu cho nước Mỹ với phác đồ giấc mơ Mỹ: từ ngôi nhà nhỏ ở nơi không ai biết là đâu tới tòa Bạch Ốc giữa thủ đô Washington nắm quyền lực ảnh hưởng cả thế giới. (Đừng cãi với ổng là ngôi nhà nhỏ là điểm bắt đầu của những vĩ nhân đó, chứ không phải chỗ … kết thúc như tụi này!)

Vấn đề, tôi đồng ý với ổng, là  cách sống chứ không phải không gian sống. Ở chỗ nhỏ nhưng cố gắng suy nghĩ lớn, mở tầm nhìn rộng, khơi tâm hồn sâu, làm cái gì đó cho đồng loại và sống an vui với cái mình có là được.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222