Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 11, 2008

nhơn tình ấm lạnh

Nghiên cứu khoa học mới đây chứng minh: cảm giác nóng lạnh của bàn tay chi phối tình cảm và phán xét của con người. Để có được khám phá mà các báo như New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), Thượng Hải báo (Hoa) đua nhau khai thác thành bài đinh, giáo sư tiếp thị Lawrence Williams của đại học Colorado và giáo sư tâm lý John A. Bargh của đại học Yale chỉ tốn vài ly cà phê. Bằng thí nghiệm xã hội thực tiễn các giáo sư đã chứng minh là người đang cầm một ly cà phê nóng trong tay thì có nhận xét rộng rãi hay ho về ngừơi khác; ngược lại, khi cầm một ly cà phê nguội lạnh thì người ta thấy thiên hạ đều là hạng xỏ lá ba que. Hèn gì! Hèn gì tánh cách nổi bật của thị dân ở xứ mình ngày nay là đố kỵ: ưa ganh ăn ghét ở, thích bới móc, nhục mạ người khác. Ấy chẳng qua là do tập quán uống ở các thành phố nóng nực mà ra. Ở những nơi này, khi gặp nhau thù tạc người ta thường uống bia lạnh, nếu uống thức gì khác thì cũng lạnh. Bàn tay tiếp xúc với với cái ly lạnh ngắt phát tín hiệu lên não biểu ngắt dây...

trở lạnh

Sáng nay trời trở lạnh. Có mấy người đứng đợi xe buýt bên kia đường mặc áo khoác, kiểu áo gió mong manh, trông dáng điệu có vẻ họ vẫn cảm thấy lạnh mỗi khi gió lùa. Mưa như trẻ con giỡn, thoáng qua rồi biến mất rồi lại quay về và cũng chỉ trong chốc lát. Trời nhiều mây, không khí trong nhà âm ẩm. Cây mình trồng ngoài hành lang không biết bị người qua kẻ lại ngứa tay nhổ hay bị con gì ăn hay bị phép thuật khiến cho tàng hình, hôm qua thấy đó hôm nay không thấy nữa. Lại đem hột giống ra gieo. Trời mát và ẩm như vầy hột giống rất dễ nảy mầm. Chỉ có điều là chúng sẽ thọ được mấy ngày, mấy tuần sau khi nảy mầm. (Đợt cây trứơc thọ được từ ba ngày tới ba tuần) Đã bắt đầu một ngày bằng cách vọc đất. Bây giờ vọc máy tính. Có những file mình đã đặt password rồi quên mất, thử cả chục cái khác nhau rồi mà vẫn không đúng. Không biết mình đã viết điều gì mà phải giấu kín bằng một cái password mà mình cũng không biết?

nói chuyện giới tính

Hình ảnh
Nói tới vấn đề giới, vâng, “vấn đề” chứ không chỉ là đề tài hay câu chuyện, thế nào cũng có tranh cải, thậm chí tranh cải sôi nổi, hoặc gay gắt. Cho nên cuộc thảo luận về “Tầm quan trọng của bình đẳng giới trong việc phát triển đất nước” càng lúc càng hào hứng. Diễn giả đã thận trọng trình bày một cách khái quát những hạn chế sự phát triển xã hội do bất bình đẳng giới, và đưa ra những thí dụ toàn ở xứ người ta, lại nhử mồi rằng những biện pháp tiếp cận bình đẳng giới mà các chuyên gia tây phương đưa ra không phải là liều thuốc tiên, những huyền thoại như giáo dục đem lại bình đẳng cho phụ nữ không áp dụng có hiệu quả ở các nước có những nền văn hoá khác nhau. Thí dụ ở Bangladesh phụ nữ học thức càng cao thì bị đòi của hồi môn càng nhiều. Thậm chí ở nước tiên tiến như Singapore phụ nữ học càng cao càng khó kiếm chồng, đến nỗi chánh phủ ông Lý Quang Diệu phải mở vô số dịch vụ mai mối. Quả là chạm trúng nọc. Vậy phụ nữ không nên học cao, chớ giành chức lớn, đừng tỏ ra mạnh mẽ sắc sảo, kẻo...

Mumbai

Tôi đã từng mơ đến đó một lần trong đời - chiêm ngưỡng tình yêu và cái chết cái đẹp và thời gian Cái gì vĩnh cửu ở Taj Mahal? Thâm tâm tôi biết có thể mình chẳng bao giờ đến đó Mumbai, biển Ả rập, Lâm tỳ ni nơi sinh ra Phật dù như một kẻ hành hương một du khách Người lữ hành trong tưởng tượng Tôi chỉ mơ mình đi qua đó đôi khi trong giấc ngủ oi nồng trước cơn áp thấp nhiệt đới giòng sông mát ngọt vồng lên như bầu ngực nữ thần Ganga Tôi đã mơ mình đi qua đó đêm qua gặp một tỷ người gặp phiến đá mòn một triệu dấu chân gặp bông lài mới tinh Chẳng liên quan gì tin nóng hổi chạy tít lớn trên mọi kênh truyền thông sáng nay Mumbai bị khủng bố 80 người chết 300 người bị thương Sao tôi thức dậy làm gì trong thế giới này?

cây phảng

Hình ảnh
Đây là hình cây phảng, được rèn bằng tay ở xứ Hoà Hảo, An Giang. Nó nặng lắm, mình không cầm nổi. Ngày nay người ta ít dùng phảng. Mình đọc về dụng cụ này từ lâu trong sách của Sơn Nam, nhưng chưa từng thấy nó được sử dụng trong thực tế như thế nào. Sơn Nam viết về nó như vầy: "Người làm ruộng nghĩ đến một kiểu dao để chém cỏ nhiều hơn. Ngồi mà chặt thì thất sách, vì mỏi lưng. Đứng mà chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để gốc cỏ bị thối luôn. Do đó cần đến một lọai dao dài; muốn chém cỏ trong tư thế đứng mà chém thì cán dao phải bẻ cong lại. Đó là cây phảng. Phảng là một loại dao. Trong ngôn ngữ của dân phát cỏ nói là cần cây phảng, nhưng lại nói dùng phảng ấy mà “chém một dao”; chém nhanh, gọi là chém cho mau dao. Tùy công dung, tùy địa phương mà cán của cây dao dài ấy bẻ cong lại nhiều hay ít. Nói cho cụ thể, cán dao và lưỡi vốn là nằm theo đường thẳng (180o) , nếu uốn lại lần hồi ta có loại phảng náp, phảng mõ cộ lôi, phả...

bánh mì sữa

"bánh mì sữa đặc ruột thơm ngon hai ngàn một ổ" Đúng giờ này, 4 giờ chiều, tiếng rao từ dưới đường vọng lên. Đó là cả một sự tra tấn. Bởi vì tíêng rao kích thích trí tưởng tượng, trí tưởng tượng đánh thức bao tử, bao tử than mấy ngày rồi chiều nào cũng bị bỏ đói. Thương cái bao tử hết sức. Nhưng không, đã thề rồi. Nhứt định không ăn, dù bánh mì sữa đặc ruột thơm ngon! À, tíêng rao hàng rong khiến mình nhớ ra. Hôm trước để viết một bài về hàng rong, mình có tìm đọc một mớ sách, trong đó có cuốn The Origins of an Immigrant Community , Các nguồn cội của một cộng đồng di dân, có đoạn miêu tả những di dân Ả rập đi bán hàng rong ở Mỹ như vầy: "“Họ đeo cái sọt hay tấm vải vuông to cột chéo góc chứa thực phẩm khô và tạp hoá gia dụng. Thường thường họ vác trên lưng, trên vai, những tấm thảm phương đông cuộn tròn. Họ là chân dung tổng hợp của kẻ đi tìm vận may, với sự kiên trì phấn chấn, tận tuỵ, năng nổ, tháo vác, chân thật, đáng tin cậy, họ đương đầu với những thách thức hàng n...

khoảng lặng

Khoảng lặng trong chuỗi âm thanh cuống quít chị đứng yên dáng tượng đồng mặt ngữa mắt nhắm bờ môi mím chợt bật ra tiếng thét vút cao tiếng dương cầm hoảng loạn bàn tay chị xoè ra những ngón tay căng cong cong chọc vào khoảng không khuấy đảo xục tìm bàn tay chị nắm chặt cái gì đó siết nó thiết tha ấp vào ngực trái ưỡn lên rồi võng xuống tiếng hát vỡ vụn thành lời thì thầm tiếng dương cầm khép nép người nghe chết trân

thì thôi

thì thôi ta buông thì thôi người trôi thì thôi nhắm mắt ước giấc ngủ đầy thì thôi sóng gió mịt mù chân mây thì thôi ký ức là mộng ảo buông tay ngỡ tỉnh giấc hoang đường ái ân bẻ ngó còn vương thì thôi chốn ấy đoạn trường người đi

chiều dã ngoại

Buổi chiều trời mưa, trận mưa lớn phủ một vùng rộng khắp từ Sài Gòn đến Giang Điền. Mới lúc sáng, chuẩn bị đi chơi, trời trong xanh, nắng rực rỡ. Rồi mỗi lúc mỗi nắng hơn, chói chang, rát bỏng, mồ hôi chưa kịp đổ ra đã bốc hơi. Nhiều người vừa thấy thác là mừng quính, nhảy ùm xuống bất chấp nước đục ngầu. Có lẽ những con suối chảy qua miền đông đất đỏ thường đục màu phù sa, nên trông như màu nước mía. Đang trưa nắng rang, đứng nhìn dòng nước mía chảy ào ào cũng đã thèm. Người ta rủ đi chơi, tôi hớn hở đi ngay, ban đầu tưởng mình chưa biết chỗ đó. Xe chạy ra khỏi thành phố rồi, nhìn những tấm bảng hiệu bên đường để biết xe đang chạy tới đâu. Chừng hơn một tíêng đồng hồ là xe qua Biên Hoà, tới Trảng Bom, rồi Giang Điền. Ủa, là đây sao? Tôi không nhận ra chút quen thuộc nào từ nhà cửa bên đường đến cánh cổng công viên, thậm chí cây cỏ cũng xa lạ: hình như là những kỳ hoa dị thảo công viên trồng để hấp dẫn du khách. Nhưng con suối thì tôi đứng lặng nhìn, trong lòng ngờ ngợ. Nó chảy rì rà...

ở hai bán cầu

Đêm qua em mơ anh nói vậy anh đủ hiểu ở hai bán cầu em ngủ thì anh thức bây giờ đến phiên em thức giữa mùi xăng nhớt và mùi cống rãnh dù nước đã rút về nơi nó trào lên khi triều cường hồi khuya ở nơi mặt trời vừa lặn anh ăn xong bữa chiều có khoai tây cá hồi hai cốc rượu chát lò sưởi đốt suốt đêm nay dự báo rét đậm nhiều sương giá internet chập chờn em không gởi được email nhưng anh biết em ở đây bình yên đọc và viết anh ngủ đi và mơ em

sinh viên đại học Hoa Sen

Hình ảnh
Nhân đi dự buổi thảo luận "Tầm quan trọng của bình đẳng giới trong việc phát triển đất nước" ở trường Hoa Sen, được các bạn sinh viên cho chụp hình ké và gởi tặng tấm hình để dán lên blog cho vui. Có viết một bài liên quan nội dung thảo luận, nhưng để báo đăng rồi mới dán lên đây.

chợt nhớ ra

Bỗng giật mình nhớ ra điều đã mất như cái bóp đựng tiền - tất cả tiền mình có – năm ấy 1985 như cái xe đạp vừa dựng trước cửa hàng ngoảnh qua ngoảnh lại mất tiêu như một người mình tưởng là yêu đi cưới người khác như một lời hứa chắc chắn như những ngày - tờ lịch gỡ đi không để làm gì như giấc ngủ ngon như nhiều thứ nữa Không có gì tìm lại được

làm sao biết?

Tôi đang đứng ở trạm chờ xe buýt, dưới một tấm che cong cong vừa là vách vừa là mái, vẽ quảng cáo, chừa một góc vẽ các tuyến xe. Chăm chú xem một lúc tôi biết chắc chắn chuyến xe tôi cần đón về Chợ Lớn dừng ở trạm này. Bảng ghi cả độ giãn cách giữa các chuyến xe là 5 – 7 phút. Tôi yên chí đợi. Một chị đã ngồi sẵn trên băng ghế với hai ba túi xách lớn nhỏ ôm trước bụng hỏi: “Có xe vô quận 8 không?” Tôi lại chăm chú nghiên cứu bản đồ. Trên tấm bảng chỉ vẽ những tuyến xe đi ngang trạm này, và những tuyến đó không vô quận 8. Lẽ ra nên có thêm một bản đồ tổng quát tất cả các tuyến xe để tiện cho hành khách tính toán hành trình. Nhưng như vậy sẽ chiếm nhiều chỗ dành cho quảng cáo. May mà tôi luôn thủ sẵn một tấm bản đồ mua ở trạm Bến Thành hồi đầu năm, tuy đã cũ vì sử dụng quá nhiều lần, nhưng vẫn giúp tôi mò ra đường đi nứơc bước khi cần thiết. Tôi xem rồi bảo: “Chị đi xe vô Chợ Lớn với tôi, tới Nguyễn tri Phương xuống trạm đón xe 59 đi tiếp.” Chị mừng rỡ ôm túi xách nhích lại gần tôi v...

hội chợ nông nghiệp

Tôi dằn túi mấy trăm ngàn đồng đi hội chợ nông nghiệp, định mua một ít nước mắm, khô và mật ong, là những đặc sản ở các tỉnh đem về, mà em tôi nói là hội chợ năm ngoái thấy có bán. Các gian hàng bày cả bên trong lẫn ngoài sân nhà thi đấu Phú Thọ, tôi đi mỏi chân mà không kiếm ra gian nào của tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Nhiều gian hàng bỏ trống, không biết có phải do ảnh hưởng của tình hình kinh tế … thế giới? Dù vậy cũng kiếm được mấy chỗ bán mật ong, sản phẩm đem từ Hải Dương và Tây nguyên vào, giá cả du di, trung bình 100.000 đồng 1 lít, đóng chai nhiều cỡ, tiện cho mục đích tiêu dùng khác nhau. Tôm khô hiếm, có một chỗ bán coi bộ ngon: to, khô, không nhuộm màu, hỏi giá: 650.000 đồng 1 kí (Trời!) Còn nước mắm thì phát hiện nước măm lú, theo người bán nói thì là nước mắm này được chôn dưới đất nhiều năm rồi đào lên, mùi rất ư là mùi nước mắm, chứ không bị xử lý gần bay mất mùi như các thứ nước mắm thương phẩm bán ở siêu thị. Tiếc là người ta không chứa nước mắm này trong mấy cái ‘tỉn’ n...

tương lai

chậm rãi bà già vuốt phẳng tờ hai ngàn đồng rồi xếp làm tư cất vô túi áo quay đi mắt nhìn xuống đất tôi nói với những người đang ngồi chung bàn ăn tôi nhìn thấy tôi-tương-lai đó họ gạt đi, cười như chuyện giỡn nhưng tôi biết người lạc quan nhứt đám tự tin hơn tất cả không tỏ vẻ gì bận tâm không có lý do gì để sợ cũng sợ

bìa mới

Hình ảnh
Đây là bìa mới của quyển Tiểu Thuyết Đàn Bà tái bản lần 2. Cũng do hoạ sĩ kiêm nhà văn Vũ Đình Giang thiết kế. Bìa của hai lần xuất bản trước là mô phỏng theo bức danh hoạ Icarus của Henri Matisse, đương nhiên là đẹp. Chỉ có điều, chủ đề bức tranh không liên quan đến chủ đề cuốn sách. Bìa mới này có gợi ý ít nhiều đến nội dung cuốn sách. Nội dung sách, dĩ nhiên, không thay đổi.

bông vạn thọ

Hôm nay mấy "hột giống" bông vạn thọ mình ươm trong chậu con nảy mầm, bảy cây, từ một dúm "hột giống", có một cây không biết bị con gì ăn hết một lá mầm, và một cây hình như bị dị tật, không vươn thẳng lên mà cong cong. Ví dụ hai ba cây nữa bị yểu mệnh trong quá trình trưởng thành, thì sẽ còn được một cặp trổ bông. Hy vọng vậy. Hàng xóm thấy mình lúi húi ngoài hành lang, tội nghiệp mình đày thân chi cho cực, bông vạn thọ đâu có mắc hay hiếm, Tết người ta bán khắp nơi, thậm chí liệng cả đống ngoài đường vào chiều ba mươi Tết. Lại có người nói là đã bỏ công thì trồng cây gì sang trọng lạ lùng hay đắt quí. Mình cười hì hì. Trồng cây là một thứ đạo. Ngộ hay không ngộ, vậy thôi. Niềm vui kỳ lạ khi nhìn cây nảy mầm, mọc lá, đâm cành, đơm nụ, nở hoa... ngộ đạo rồi thì biết vui, không ngộ thì không thể biết sự kỳ diệu của niềm vui đó. Còn tại sao trồng bông vạn thọ ư? Vì nó đẹp. Cứ thử trồng nó, một hai cây, sẽ thấy cái đẹp đó. Chứ quen nhìn nó cả bó cả bầy ở chợ, tình giá ...

Obama (nữa)

Trên báo Thanh Nien Daily (tíêng Anh) có bài phỏng vấn về ý nghĩa của việc Obama được bầu làm tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Có thể đọc bài đó online ở đây

Obama

" Nhìn từ xa thì thấy chuyện xảy ra như vầy: có một đất nước ở đó hàng chục triệu người Thiên Chúa giáo da trắng, đi bầu tự do, chọn lãnh tụ của họ là một người da đen xuất thân bình dân, con của một người theo Hồi giáo. Có một nơi như thế trên Trái Đất đã xảy ra một việc như thế - nơi đó là nước Mỹ (New York Times, Nov 5, 2008) Thư của chồng viết: "Hàng trăm sinh viên đang nhảy múa trong sân trường (ĐH Western Washington) reo hò: Obama, Obama, yes we did, yes we did! Một ngày đầy phấn khích! Chắc là anh sẽ thức khuya ... nước mắt còn chảy trên mặt anh..." Trước đây chưa từng và sau này chưa biết ra sao, nhưng lúc này, nhìn kết quả bầu cử, mình thật sự xúc động và loé lên niềm hy vọng cho quê chồng.

bẫy côn trùng

Hình ảnh
Trong hội chợ nông nghiệp có một gian hàng treo mấy cái gì giống lồng chim mà không phải lồng chim. Tới gần coi mới biết là cái bẫy côn trùng, theo tờ giới thiệu sản phẩm thì là 'máy' diệt côn trùng và muỗi, và đặc biệt là diệt rầy nâu. Mình khoái cái chữ 'máy' này. Đó là một dụng cụ, chính xác là một cái bẫy, nhưng chắc là người sáng chế và nhà sản xuất có cân nhắc tên gọi sản phẩm khi đưa ra thị trường. Kêu là cái bẫy rầy nâu thì không quảng cáo hết chức năng kèm theo của nó, lại khiến nó hơi tầm thường. Kêu là 'máy' thấy hiện đại ngay. Mặc dù nó không có động cơ và chẳng vận hành gì hết. Và nó là một sản phẩm điển hình cho sự sáng tạo của nhà nông ta: bằng kinh nghiệm thực tiễn cải tiến một sản phẩm khác thành sản phẩm phù hợp với yêu cầu thực tế. Kiểu gỡ máy xe hơi gắn vô xuồng ghe để chạy trên sông. Người sáng chế ra cái 'máy' này là một nông dân ở Tây Ninh. Từ kinh nghiệm dân gian dùng đèn sáng dụ rầy nâu bu lại để diệt, ông cải tiến cây vợt điện b...

sợ

thăm thẳm trong hang động hoang đối diện mặt người trên vách đá câu hỏi dội lại từ thảng thốt là ai? là ai? là tôi? là tôi? là vết rêu ẩm lạnh buốt là nét mòn thời gian khoét chút mặt trời sấp ngữa xế trưa chân run trượt trên rễ cây lồi là tôi? là ai? là ai? đừng ngoảnh lại đâu cũng là vách đá thăm thẳm hoang động lạnh buốt rêu

hiện tượng ca nhạc

Trong bài báo về ông xích lô Omar Ali trở thành 'hiện tượng ca nhạc' ở xứ Bangladesh có mấy điều thú vị: 1. Ông Omar 45 tuổi đạp xích lô 25 năm khắp thành phố Dhaka, 12 giờ 1 ngày và 7 ngày 1 tuần, kiếm được khoảng 2 bảng (cỡ 40.000đồng) một ngày . 2. Khi bị kẹt xe giữa thành phố 11 triệu người đông như nêm ấy, không nhúc nhích cục cựa được ông Omar bèn hát. Lý do: hồi ở quê đánh xe trâu ông vẫn thường hát cho trâu đi lẹ, lên thành phố đạp xích lô ông hát khi kẹt xe thì đôi khi được khách thưởng thêm chút đỉnh, vì họ được xả bớt căng thẳng. 3. Ông Omar không phải là ca sĩ - xích lô cá biệt. Sau khi quan sát hiện tượng phổ biến này, một nhà báo tên là Munni Saha đã đề nghị với một công ty truyền hình tổ chức cuộc thi, và cổ động dân xích lô đi thi hát bằng cách dán poster quảng cáo trên thành lưng xe xích lô chạy khắp thành phố. 3000 người đã ghi danh, lọc lại còn 20 người cho các buổi truyền hình hàng tuần. 4. Tuy một nách bốn con, ông Omar vẫn đi thi tiếng hát truyền hình và ...

phương tiện xanh

Phải ngồi trên xe buýt, chỗ gần tài xế, mới thấy được nỗi hãi hùng của việc đi lại ở xứ ta. Bao nhiêu lần tim tôi co thắt không kịp khi chiếc xe thắng nhổng đít vì một hay nhiều chiếc xe khác bỗng nhiên từ bên trái bên phải hay chiều ngược lại xẹt ngang ngay trước đầu xe. Có lần gặp ông tài xế quạu quá, ổng chửi thề vung vít, đòi ‘cán chết bà’ mấy chiếc xe gắn máy không biết nhường xe ổng. Nghe nói có ông đã làm như vậy. Bản thân tôi chỉ chứng kiến xe buýt và xe gắn máy đụng nhau một lần, và từ đó rút ra kết luận: Dù lỗi xe nào, thì tôi thà ngồi trên xe buýt hơn là ngồi xe gắn máy khi tai nạn xảy ra. Đó là lý do tôi chọn đi xe buýt, ngoài lý do nữa là rẻ và tiện đường. Góc đường Nguyễn tri Phương và An Dương Vương có hơn mười tuyến xe búyt chạy ngang, mà trạm xe buýt chỉ cách chỗ tôi ở mười mấy bước chân. Bây giờ về quê, tôi chỉ cần bước sang bên kia đường, ba ngàn đồng xe buýt từ Chợ Lớn tới Ngã Tư Ga, rồi tám ngàn đồng từ Ngã Tư Ga tới Lái Thiêu (Bình Dương). Cần đi những nơi không ...