nhơn tình ấm lạnh

Nghiên cứu khoa học mới đây chứng minh: cảm giác nóng lạnh của bàn tay chi phối tình cảm và phán xét của con người. Để có được khám phá mà các báo như New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), Thượng Hải báo (Hoa) đua nhau khai thác thành bài đinh, giáo sư tiếp thị Lawrence Williams của đại học Colorado và giáo sư tâm lý John A. Bargh của đại học Yale chỉ tốn vài ly cà phê. Bằng thí nghiệm xã hội thực tiễn các giáo sư đã chứng minh là người đang cầm một ly cà phê nóng trong tay thì có nhận xét rộng rãi hay ho về ngừơi khác; ngược lại, khi cầm một ly cà phê nguội lạnh thì người ta thấy thiên hạ đều là hạng xỏ lá ba que. Hèn gì!
Hèn gì tánh cách nổi bật của thị dân ở xứ mình ngày nay là đố kỵ: ưa ganh ăn ghét ở, thích bới móc, nhục mạ người khác. Ấy chẳng qua là do tập quán uống ở các thành phố nóng nực mà ra. Ở những nơi này, khi gặp nhau thù tạc người ta thường uống bia lạnh, nếu uống thức gì khác thì cũng lạnh. Bàn tay tiếp xúc với với cái ly lạnh ngắt phát tín hiệu lên não biểu ngắt dây thần kinh tử tế đi (hoàn toàn ngoài ý thức của ‘chủ thể’). Người ta cầm ly chúc tụng nhau, miệng hô dô dô mà lòng gườm gườm, chẳng qua vì cái ly trong tay luôn có mấy cục đá. Chứ không phải vì bản chất người Việt xấu xí hay xã hội bần cùng sanh bại hoại.
Thật may, nay có ánh sáng khoa học soi rọi, dân ta chỉ cần thay đổi thói quen ăn nhậu là có thể thay đổi phong cách trong văn hoá cư xử: Thay gì uống đồ lạnh (trà đá, bia, nứơc ngọt có đá, kem, sinh tố...) ta hãy mời nhau nước trà nóng hay cà phê nóng. Tay bưng tách trà thơm ấm áp hay cầm ly cà phê bốc khói, não sẽ phát tín hiệu an toàn cho dây thần kinh ‘vị tha’ hoạt động, người ta trở nên khách quan công bằng hơn trong nhận định tư cách và hành vi của người khác.
Thử nhìn ra thế giới văn minh mà coi: hình ảnh người sành điệu ở London, Paris, Tokyo, Los Angeles… là người vừa lái xe vừa nhấm nháp ly cà phê (chứ đố dám vừa lái xe vừa nốc bia!) hoặc bước vội vã trên đường phố sang trọng với ly cà phê trong tay. Do tập quán uống nóng đó, người ta rất lịch sự với nhau, chạm trán nhau là hê lên ‘chào!’ lỡ đụng là ‘xin lỗi’ nhường một bước là ‘cám ơn’. Rồi sau đó người ta sát phạt đẫm máu trên thương trường lẫn chính trường. Nhưng đó là chuyện khác.
Hoàn cảnh xứ ta hiện nay cần làm cách mạng về ẩm thực. Đất nước giàu đẹp của chúng ta bạt ngàn nương trà rẫy cà phê. Trà nóng lại vốn là thức uống xã giao 'truyền thống' của dân tộc ta, tuy hơi tai tiếng vì hình ảnh khề khà của các cụ, nhưng nếu quảng bá thông qua hình tượng hoa hậu hay ca sĩ rap thì sẽ đi sâu vào lòng giới trẻ. Đặc biệt giới teen , vốn rất nhanh nhạy trong tiếp thu tiến bộ khoa học kỷ thuật thế giới, chắc chắn đang tận dụng khám phá tâm lý này: thay vì tỏ tình qua ly kem (có thể bị từ chối hay chế rễu trong 50% trường hợp) thì một tách cà phê sữa nóng hoặc sô cô la hay ca cao sữa nóng sẽ khiến cho cơ hội thành công vượt mức 50%.
Đến đây không còn gì phải ngại ngùng mà không đề nghị lên quốc hội: Cần có luật qui định thức uống của cán bộ và nhân dân trong giao tế công cộng. Bởi vì việc thay đổi thức uống chẳng những tác động sâu sắc đến nền văn hoá dân tộc mà sẽ là đòn bẩy đẩy mạnh phát triển kinh tế nứơc nhà trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Lý Lan
(bài đăng báo Tuổi Trẻ Cười)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222