làm sao biết?

Tôi đang đứng ở trạm chờ xe buýt, dưới một tấm che cong cong vừa là vách vừa là mái, vẽ quảng cáo, chừa một góc vẽ các tuyến xe. Chăm chú xem một lúc tôi biết chắc chắn chuyến xe tôi cần đón về Chợ Lớn dừng ở trạm này. Bảng ghi cả độ giãn cách giữa các chuyến xe là 5 – 7 phút. Tôi yên chí đợi.
Một chị đã ngồi sẵn trên băng ghế với hai ba túi xách lớn nhỏ ôm trước bụng hỏi: “Có xe vô quận 8 không?” Tôi lại chăm chú nghiên cứu bản đồ. Trên tấm bảng chỉ vẽ những tuyến xe đi ngang trạm này, và những tuyến đó không vô quận 8. Lẽ ra nên có thêm một bản đồ tổng quát tất cả các tuyến xe để tiện cho hành khách tính toán hành trình. Nhưng như vậy sẽ chiếm nhiều chỗ dành cho quảng cáo. May mà tôi luôn thủ sẵn một tấm bản đồ mua ở trạm Bến Thành hồi đầu năm, tuy đã cũ vì sử dụng quá nhiều lần, nhưng vẫn giúp tôi mò ra đường đi nứơc bước khi cần thiết. Tôi xem rồi bảo: “Chị đi xe vô Chợ Lớn với tôi, tới Nguyễn tri Phương xuống trạm đón xe 59 đi tiếp.” Chị mừng rỡ ôm túi xách nhích lại gần tôi với thái độ trông cậy, khiến tôi ưỡn thẳng người lên.
Chờ 5 – 7 phút rồi 10 phút, rồi 15 phút, chẳng thấy chiếc xe búyt nào. Đường xá vẫn nườm nượp xe cộ các loại. Tôi an ủi bạn đồng hành: “Có lẽ bị kẹt xe.” Lại nói chuyện viễn vông cho qua giờ. Mai mốt ở mỗi trạm xe búyt sẽ có một màn hình, cũng chiếu mấy cái quảng cáo, nhưng khi mình chạm ngón tay vào thì sẽ hiện ra một bảng hướng dẫn, mình chỉ vào câu hỏi “Bao giờ xe đến?” thì sẽ hiện ra vị trí những chiếc xe búyt đang chạy trên tuyến đường này và câu trả lời: chuyến sớm nhứt sắp đến trong 2 phút nữa. Hoặc mình chỉ tay vào câu hỏi “Đi đâu?” sẽ thấy một bản đồ hay các địa danh, mình chọn một địa điểm là có ngay câu trả lời: đi xe số mấy, tới trạm nào, đón tiếp xe gì, tới đâu thì xuống.
20 phút qua. Chính tôi phát sốt ruột. Ngó dáo dác quanh trạm, thấy bảng có vẽ số điện thoại để liên lạc quảng cáo, chứ không thấy số nào liên lạc với trạm thông tin hay điều hành xe búyt. Chẳng lẽ lại nói “lẽ ra” nữa? Nhưng dịch vụ công cộng phải có cầu thông tin với công chúng chớ? Để có sự cố gì công chúng được giải thích, trấn an, hay tự xoay sở lấy. Tôi đứng ra sát lề đường nhóng nhóng. Một ông xe ôm tấp vô hỏi tôi đi đâu, ra giá 20.000 đồng. Tôi nói tôi chờ xe buýt. Ông nói xe buýt đâu có ngừng ở đây. Ở đoạn đường trên “bị lô cốt” nên xe búyt quẹo sang đường khác, bỏ trạm này lâu rồi.
Tôi nhìn sững ông xe ôm, nghĩ ông xạo. Chứ lẽ ra, ừ, lẽ ra chỉ cần dán hay vẽ mấy chữ “Trạm này ngưng hoạt động cho đến khi đường hết bị lô cốt” thì ai người ta không thông cảm.
Hoàn cảnh đã vậy, lẽ ra tôi để ông xe ôm chở quách về nhà, nhưng vì đã lỡ ưỡn ngực làm người dẫn đường, tôi đành dắt díu chị ở quận 8 đi tìm cái trạm có xe búyt ngừng, vừa đi vừa hỏi, hỏi đi hỏi lại cho chắc ăn. Tôi chuyên đi xe buýt và cổ vũ đồng bào đi xe búyt, nên tôi không có ý, cũng không có gan, chê bai xe buýt. Điều tôi muốn nói là công chúng có quyền được thông tin, ít nhất là thông tin cần thiết và cụ thể, như cái trạm xe búyt này có xe búyt ngừng hay không, hoặc cái lô cốt trên đường này chừng nào mới dọn xong?

Lý Lan
(bài đăng báo Tuổi Trẻ với tít bị đổi thành "Ai nói cho tôi biết?")

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222