chiều dã ngoại

Buổi chiều trời mưa, trận mưa lớn phủ một vùng rộng khắp từ Sài Gòn đến Giang Điền. Mới lúc sáng, chuẩn bị đi chơi, trời trong xanh, nắng rực rỡ. Rồi mỗi lúc mỗi nắng hơn, chói chang, rát bỏng, mồ hôi chưa kịp đổ ra đã bốc hơi. Nhiều người vừa thấy thác là mừng quính, nhảy ùm xuống bất chấp nước đục ngầu. Có lẽ những con suối chảy qua miền đông đất đỏ thường đục màu phù sa, nên trông như màu nước mía. Đang trưa nắng rang, đứng nhìn dòng nước mía chảy ào ào cũng đã thèm.
Người ta rủ đi chơi, tôi hớn hở đi ngay, ban đầu tưởng mình chưa biết chỗ đó. Xe chạy ra khỏi thành phố rồi, nhìn những tấm bảng hiệu bên đường để biết xe đang chạy tới đâu. Chừng hơn một tíêng đồng hồ là xe qua Biên Hoà, tới Trảng Bom, rồi Giang Điền. Ủa, là đây sao? Tôi không nhận ra chút quen thuộc nào từ nhà cửa bên đường đến cánh cổng công viên, thậm chí cây cỏ cũng xa lạ: hình như là những kỳ hoa dị thảo công viên trồng để hấp dẫn du khách. Nhưng con suối thì tôi đứng lặng nhìn, trong lòng ngờ ngợ. Nó chảy rì rào dưới chân tôi như chào hỏi. Quen không? Sao không? Mới ba chục năm…
Ừ, chính xác ba chục năm, 1978-2008. Chiến tranh lúc đó vẫn còn nóng ở biên giới Tây Nam, ở phía Đông Bắc thành phố là cuộc chíên chống đói, không hề kém phần khốc liệt. Dì Tư của tôi cùng chồng và năm con sống tại Trảng Bom, mỗi ngày thức dậy lúc trời còn tối om, cả nhà dắt nhau, vác cuốc quãy nồi đi bộ lên rẫy, nắng lên mới tới nơi, rồi người đốn cây, người lượm củi, người cuốc đất, người gieo trồng. Lúa rẫy mọc xen cỏ tranh, đậu phọng sống chung gai mắc cỡ, khoai mì và bắp là thứ chịu hạn dễ trồng nên nhìn đâu đâu cũng thấy, nhất là những rẫy trên đồi, bắp trổ cờ hàng hàng phất phơ nổi bật trên nền trời bao la lồng lộng. Thỉnh thoảng một tiếng bom hay mìm nổ, việc cứu cấp chộn rộn một lát, rồi trẻ già đàn bà đàn ông lại cặm cụi săm soi mặt đất, đánh cuộc mạng sống lấy miếng ăn, tự an ủi là ai tới số mới bị cái chết bật lên từ lòng đất chộp trúng, chứ vẫn may là bom đạn không còn trút ào ào xuống đầu mọi người như trong thời chiến nữa. Cũng mừng. Và hy vọng. Còn sống, còn làm, sẽ có một ngày ấm no. Cho đến một ngày, họ được đền bù một số tiền tượng trưng, và mảnh đất thấm mồ hôi và máu của họ trở thành nơi vui chơi giải trí.
Công viên giải trí xây quanh một đoạn suối, gồm một thác chính phía hạ lưu và hai thác đôi cách chừng một cây số về phía thượng nguồn. Có một cái hồ nhân tạo và một vườn lan. Ngoài ra là nhà hàng, nhà nghỉ, nhà tắm, chỗ cắm trại… không có gì đặc sắc, chỉ được ưu thế là con suối và ghềnh thác còn giữ được chút sắc thái thiên nhiên, tuy bị uốn nắn dòng chảy, xây kè đá bên bờ, và bắc ngang một cây cầu treo xấu phát khóc được. So với con suối hoang sơ ngày nào chảy giữa nương bắp rẫy khoai, trong mát ngọt lành như nàng sơn nữ, thì con suối bây giờ chẳng khác một mụ nạ dòng đã thập thành, ráng bẹo chút nhan sắc về chiều mua vui cho dân thị thành chỉ hình dung dòng suối qua truyện cổ tích.
Nứơc suối bây giờ hoà lẫn vô số những hoá chất không thể định danh từ các thứ phân bón và thúôc trừ sâu được sử dụng ở các vườn rẫy trong vùng, từ nước thải và rác rưởi của một dân số ngày càng đông đúc ở các khu dân cư gần đó, và của cả du khách đến đây, ai cũng có nhu cầu ăn uống tiêu tiểu tắm táp. Cách không xa là khu công nghiệp Sông Mây, có trời biết nước thải độc hại của các nhà máy được giải quyết như thế nào. Công viên này nếu muốn duy trì và phát triển kinh doanh ắt phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo tồn sự trong lành của con suối, ít nhất phải đạt mức an toàn sức khỏe. Chứ tình hình hiện nay, vào tháng 11 năm 2008, buổi sáng nắng, tắm ở thác chính đã thấy rin rít da, buổi chiều đến thác đôi (Chàng và Nàng) gặp cơn mưa, nước ngầu đục và bốc mùi không chịu được.
Có thể sẽ đến một lúc những đoạn suối và những vũng nước dưới chân thác mà đám du khách trẻ đang lặn hụp, sẽ phải cắm những tấm bảng cảnh báo “Nguy hiểm! Cấm tắm rửa hay uống nước suối.” Như một số nơi ở các nước công nghiệp hoá đã lâu mà tôi có dịp đi qua. Có một nơi, cảnh đẹp tuyệt vời, hồ nước trong veo nằm giữa một thiên nhiên ngoạn mục, lại cắm tấm bảng với nội dung trên, khiến tôi sửng sốt. Hỏi mới biết, vùng đó ngày xưa là khu công nghiệp, chất thải được chôn dưới đất, và bây giờ, nửa thế kỷ sau, chất độc hại của các hầm rác trong lòng đất vẫn tiếp tục làm ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Khi phát hiện điều này, người ta đã đóng cửa các nhà máy và tìm cách phục hồi sinh thái địa phương bằng rất nhiều công sức tiền bạc. Nhưng vì có những thứ rất độc mất cả trăm năm mới từ từ giảm tác hại, nên nguồn nước vẫn cần phải xử lý đặc biệt trước khi dùng cho sinh hoạt con người.
Đám bạn trẻ rủ tôi đi chơi dã ngoại chuyến này rất khoẻ, một chút ngứa ngoài da, một tí cay trong mắt, hay chút mùi hôi lạ không làm các bạn bận tâm, vì đã có sẵn các thứ kem, thuốc để bôi sức. Được một ngày vui thoải mái là sứơng rồi. Bận tâm làm gì chuyện ô nhiễm (bây giờ ở đâu chẳng vậy?) hay lịch sử đẫm máu mồ hôi và miểng bom của xứ này (xưa quá rồi!). Sao tôi nhiều chuyện quá hè?

Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222