Cám ơn
Chủ nhật tươi hồng, chủ nhật xanh trong! Trời nắng và hoa hồng trong vườn đang tỏa hương. Tôi xuống phố, đường xá vắng hoe. Đặc điểm những khu phố chính (downtown) của các thành phố nhỏ ở Mỹ là những ngày cuối tuần đìu hiu khi các công sở, ngân hàng, văn phòng các công ty… đóng cửa. Một số nhà hàng, tiệm quán cũng đóng cửa vì thưa vắng khách. Người ta đi mua sắm ở các khu thương xá, hoặc đi chơi ở các khu giải trí. “Phố” chỉ còn khách du lịch vãng lai thăm mấy nhà bảo tàng hay chụp hình những kiến trúc cổ mà thành phố cố giữ để hấp dẫn du khách.
Phố vắng như mọi khi, chứ không phải vì bữa nay mọi người ở nhà coi trận chung kết World Cup. Con số dự đoán mười mấy triệu khán giả Mỹ coi truyền hình trực tiếp trận bóng đá này được phân tích là tập trung ở những thành phố đông dân nói tiếng Tây Ban Nha và người nước ngoài hay dân nhập cư từ châu Á, như Miami, San Diego, San Francisco. New York cũng thuộc vào hàng những thành phố Mỹ sôi động trong mùa World Cup này vì có khoảng 2 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, và như thủ đô Washington, New York cũng có đông đảo dân cư quốc tế. Những người “điên vì xóc-cờ” là những người không-phải-Mỹ, như nhận định của ông hàng xóm tôi. Ổng bảo bóng đá là môn thể thao không-phải-Mỹ, 4 năm rộ lên một phát, như bầu cử tổng thống, dù ai thắng thì rồi cũng đâu vào đấy, dân chúng cứ lo công việc của mình thì hơn. Nói rồi ổng chạy máy cắt cỏ ầm ầm trên cái sân cỏ trước nhà ổng.
Thực ra có tới mấy chục người ở thành phố sôi động khẻ khàng này tập trung ở trung tâm thể thao Sportsplex để coi bóng đá trên màn ảnh tivi khổng lồ. Không khí quả thật khẻ khàng, tối thui như trong rạp hát, chỉ có điều không có sẵn ghế nệm êm, chỉ có mấy băng ghế gỗ, người xem tự vác theo ghế xếp và ngồi xúm thành từng cụm với nhau. Lại có con nít bò lỗm ngỗm trên sàn, nên đi đứng phải hết sức cẩn thận. Trước cửa có một nhóm con trai tuổi teen mở quầy bán bánh mì kẹp xúc xích, hot dog, để gây quĩ gì đó.
Tôi đành đi lang thang trong phố vắng như người khách lạ, ngẫm nghĩ lời ông hàng xóm. Thực ra ổng rất tử tế và ý tứ khi nói tới chủng tộc và đa văn hóa. Nhưng ổng cũng tự nhận ổng “toàn Mỹ”, all American. Mời ổng ăn chả giò ổng khoái lắm, nhưng món ăn chắc bụng mỗi ngày là khoai tây, thịt bò. Thỉnh thoảng tôi lôi ổng vô mấy bài tản mạn World Cup cho vui, chứ tôi cũng hiểu trong mắt ổng tôi không-phải-Mỹ, như bóng đá, như chả giò.
Nên tôi đi lang thang trong phố vắng khi trận chung kết World Cup hạ màn. Quả thực ai thắng ai thua chẳng ăn nhằm gì đến tôi. Buồn vui lẫn lộn trong lòng bây giờ là: Chỉ còn phải viết bài tản mạn cuối cùng này nữa thôi, là hết bị giục bài, là hết dịp kể chuyện cãi nhau với chồng và ghẹo ông hàng xóm, và rồi chẳng còn ai bận tâm đến buồn vui của tôi nơi đất khách nữa. A, World Cup, cám ơn trò chơi lớn, cám ơn em tôi ở Chợ Lớn thường xuyên trò chuyện và cung cấp thông tin, cám ơn những người đồng điệu ở quê nhà đã đọc những chuyện dông dài tôi “tản mạn” một tháng qua, cho tôi cảm giác gần gũi chị em bạn bè, cho tôi chút lãng mạn …
Lý Lan
Phố vắng như mọi khi, chứ không phải vì bữa nay mọi người ở nhà coi trận chung kết World Cup. Con số dự đoán mười mấy triệu khán giả Mỹ coi truyền hình trực tiếp trận bóng đá này được phân tích là tập trung ở những thành phố đông dân nói tiếng Tây Ban Nha và người nước ngoài hay dân nhập cư từ châu Á, như Miami, San Diego, San Francisco. New York cũng thuộc vào hàng những thành phố Mỹ sôi động trong mùa World Cup này vì có khoảng 2 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, và như thủ đô Washington, New York cũng có đông đảo dân cư quốc tế. Những người “điên vì xóc-cờ” là những người không-phải-Mỹ, như nhận định của ông hàng xóm tôi. Ổng bảo bóng đá là môn thể thao không-phải-Mỹ, 4 năm rộ lên một phát, như bầu cử tổng thống, dù ai thắng thì rồi cũng đâu vào đấy, dân chúng cứ lo công việc của mình thì hơn. Nói rồi ổng chạy máy cắt cỏ ầm ầm trên cái sân cỏ trước nhà ổng.
Thực ra có tới mấy chục người ở thành phố sôi động khẻ khàng này tập trung ở trung tâm thể thao Sportsplex để coi bóng đá trên màn ảnh tivi khổng lồ. Không khí quả thật khẻ khàng, tối thui như trong rạp hát, chỉ có điều không có sẵn ghế nệm êm, chỉ có mấy băng ghế gỗ, người xem tự vác theo ghế xếp và ngồi xúm thành từng cụm với nhau. Lại có con nít bò lỗm ngỗm trên sàn, nên đi đứng phải hết sức cẩn thận. Trước cửa có một nhóm con trai tuổi teen mở quầy bán bánh mì kẹp xúc xích, hot dog, để gây quĩ gì đó.
Tôi đành đi lang thang trong phố vắng như người khách lạ, ngẫm nghĩ lời ông hàng xóm. Thực ra ổng rất tử tế và ý tứ khi nói tới chủng tộc và đa văn hóa. Nhưng ổng cũng tự nhận ổng “toàn Mỹ”, all American. Mời ổng ăn chả giò ổng khoái lắm, nhưng món ăn chắc bụng mỗi ngày là khoai tây, thịt bò. Thỉnh thoảng tôi lôi ổng vô mấy bài tản mạn World Cup cho vui, chứ tôi cũng hiểu trong mắt ổng tôi không-phải-Mỹ, như bóng đá, như chả giò.
Nên tôi đi lang thang trong phố vắng khi trận chung kết World Cup hạ màn. Quả thực ai thắng ai thua chẳng ăn nhằm gì đến tôi. Buồn vui lẫn lộn trong lòng bây giờ là: Chỉ còn phải viết bài tản mạn cuối cùng này nữa thôi, là hết bị giục bài, là hết dịp kể chuyện cãi nhau với chồng và ghẹo ông hàng xóm, và rồi chẳng còn ai bận tâm đến buồn vui của tôi nơi đất khách nữa. A, World Cup, cám ơn trò chơi lớn, cám ơn em tôi ở Chợ Lớn thường xuyên trò chuyện và cung cấp thông tin, cám ơn những người đồng điệu ở quê nhà đã đọc những chuyện dông dài tôi “tản mạn” một tháng qua, cho tôi cảm giác gần gũi chị em bạn bè, cho tôi chút lãng mạn …
Lý Lan