Khó như lên trời

Cớ làm sao mà trong 1,3 tỉ người Trung quốc không kiếm ra nỗi 11 người đá banh để tham dự World Cup? Đây không phải là nỗi băn khoăn của riêng dân TQ, mà của tờ báo Mỹ The New York Times. Giữa lúc World Cup 2010 đang vào giai đoạn tứ kết, chuyện các đội Anh Mỹ Pháp Ý rớt đài đã nguội tanh, ban biên tập báo này nhìn quanh quất kiếm đề tài câu khách, chói mắt ngay vì con số 24 triệu người Trung quốc xem trận đấu khai mạc World Cup, coi như nước có khối lượng khán giả đông nhứt thế giới. Với ngần ấy người mộ điệu, những siêu sao bóng đá TQ ở đâu? Đó là đề tài thảo luận báo đó đặt ra cho 4 vị khách, trong đó chỉ có một người là dân TQ, ông Xu Gouqi.
Ông Gouqi là giáo sư lịch sử ở trường đại học Hồng Kong. Ông cho là người TQ không muốn con cái họ lấy đá banh làm sự nghiệp. Nhưng oái oăm là TQ có số lượng fan bóng đá đông nhứt thế giới. Người TQ mà coi người ta đá bóng rồi khen chê và cá độ thì hay hạng nhứt, còn chuyện bản thân đá bóng thì … không phù hợp tạng người. Bản thân Gouqi tiêu biểu cho tinh thần đó: phân tích yếu kém của bóng đá TQ thì rất hay, hỏi làm sao khắc phục thì ông bào “Khó như lên trời.”
Bà Susan Brownell và ông Ray Tsuchiyama đều là giáo sư ở Mỹ, cùng đổ thừa cho nền bóng đá quốc doanh TQ về sự bệ rạc của bóng đá nước này. Kể ra cũng kỳ, lẽ ra một nước khoe nền tảng công nông vững chắc phải có hệ thống phát triển bóng đá rộng khắp trong quần chúng chứ. Chính những câu lạc bộ bóng đá địa phương là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng thiên tài. Nhưng ông Ray suy diễn là những câu lạc bộ bóng đá không phát triển được ở TQ vì chính quyền e sợ những phong trào quần chúng lớn mạnh sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nói về bóng đá Trung quốc, ông Rowan Simons bảo hãy nói về chánh trị. Simons là chủ tịch của mạng lưới bóng đá nghiệp dư ở Trung quốc, không có tài trợ của chính phủ, mà dựa vào những nhà đầu tư nước ngoài. Điểm chánh trị mà ông muốn nói là luật thể thao TQ ghi rõ chính quyền kiểm soát hiệp hội bóng đá TQ, trong khi điều 17 hiến chương FIFA đòi hỏi hội bóng đá phải là tổ chức độc lập phi chánh phủ. Chẳng những qui định ngược với FIFA, TQ còn phát triển bóng đá ngược thiên hạ, theo kiểu từ trên biểu xuống, trong khi tại những quốc gia có nền bóng đá mạnh thì thiên tài bóng đá đều phát triển từ phong trào quần chúng đi lên.
Vì hiệp hội bóng đá chánh thức của TQ không quản bóng đá nghiệp dư nên lĩnh vực này bị nhà đầu tư nước ngoài nhào vô. Hiện nay mạng lưới của ông Simons có khoảng một trăm đội bóng nghiệp dư của người lớn, thu hút 2 ngàn trẻ con luyện tập sau giờ học (học phí rất cao). Những con số đó quá khiêm tốn so với 1,3 tỉ người TQ. Nhưng ông Simons tư tin là thành công bé nhỏ của ông mà được nhân rộng ra các thành phố lớn ở TQ thì chẳng mấy chốc TQ sẽ hưởng lợi không nhỏ từ ưu thế lớn nhứt là dân số đông nhứt hành tinh.
Xem ra người Mỹ bàn về bóng đá TQ không khác gì người TQ bình luận Mỹ đá banh.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222