Hiếp dâm là hiếp dâm
Thời sự tôi quan tâm
những ngày này là phụ nữ và trẻ em. Đọc lướt qua những tin trên các báo điện tử ở Việt Nam hôm nay: “Nữ sinh 13 tuổi mang bầu”, “Gã tài xế xe ôm có ‘máu dê’”, “Giao trứng cho ác”, “Khi thầy
giáo cuồng dâm với học sinh của mình”,
những cái tựa vô thưởng vô phạt, thậm chí nghe như bông phèng, mà nội
dung là những vụ hiếp dâm trẻ em hàng loạt.
Cũng là tin hiếp dâm dưới những cái tựa như vầy: “Chủ tịch Hội Nông dân xã xâm hại trẻ em”, “Thiếu nữ bị hãm hại trong quán karaoke”, “Thiếu nữ cắn lưỡi vì bị cưỡng bức tập thể”, “Thiếu nữ vật lộn với ‘yêu râu xanh’ trong nhà nghỉ”. Luật pháp nước
Việt Nam cũng như luật pháp hầu hết các nước trên địa cầu ngày nay đều coi hành
vi hiếp dâm là hành vi tội ác chống con người, gây hại trầm trọng và lâu dài
cho nạn nhân. Hiếp dâm là hiếp dâm, không phải “xâm hại”, không phải “hãm hại”,
không phải “cưỡng bức”, cũng không phải
“vật lộn”. Kẻ hiếp dâm là kẻ hiếp dâm, sao lại né tránh là “yêu râu xanh”, hay “có máu dê”?
Gọi đúng tên sự việc là điều tối cần thiết trong thông tin. Những
cách đưa tin qua những cái tựa trên tạo cảm giác về sự ỡm ờ của phương tiên
truyền thông – một bộ phận quan trọng mang tính phản ánh đồng thời hướng dẫn dư
luận – đối với hành vi tội ác này. Nạn
nhân của hiếp dâm trên lý thuyết có thể
là người thuộc bất cứ tuổi tác hay giới
tính nào, nhưng tuyệt đại đa số người bị hiếp dâm mà báo đài nêu ra hay đang
gây “xôn xao dư luận” là phụ nữ , đặc biệt trẻ em gái. Những chi tiết các bài
báo còn cho biết là những phụ nữ và em gái này đa số nghèo, bơ vơ , ỏ nông
thôn, ít học. Trong khi và sau khi bị hiếp
dâm những nạn nhân này sợ hãi im lặng vì bị kẻ hiếp dâm đe dọa. Trong nhiều trường
hợp, kẻ hiếp dâm không phải là kẻ xa lạ, mà là người trong thân tộc, hàng xóm,
bạn bè, người quen biết.
Tôi thấy không cần
bàn cãi gì nữa về khía cạnh đạo đức của hành vi hiếp dâm, không có bất cứ cơ sở
văn hóa hay truyền thống gì đứng vững được nếu chống đỡ hành vi hiếp dâm. Một
bài trên phapluatvn.vn tường thuật trường hợp một em gái khuyết tật vị thành
niên (sinh 1995) ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, bị người hàng xóm hiếp dâm khi em 14 tuổi. Bị
bắt quả tang phạm tội, kẻ hiếp dâm chỉ nộp phạt 300.000 đồng và một con heo cho
cả làng ăn nhậu , theo lệ làng. Gần đây
em gái lại bị chính dượng ghẻ hiếp
dâm. Trưởng công an huyện Sơn Hà trình bày: ‘Khả năng vụ việc sẽ dừng điều tra và có thể sẽ được xử lý theo hướng kết
hợp luật pháp cùng luật tục.’ Theo đó, kẻ hiếp dâm được trả về địa phương
và nộp phạt một con heo cùng một ít tiền.
Tôi biết còn những hủ
tục trong những làng xã xa xôi của đất nước Việt Nam đang phát triển,
nhưng tôi không tin hiến pháp và luật
pháp Việt Nam nhân nhượng một hủ tục chà
đạp phụ nữ như vậy. Càng không tin nỗi chính quyền và đảng cầm quyền bất lực
trước một hủ tục khuyến khích tội ác như vậy.
Tôi cám ơn người đã nêu sự việc này ra, nhưng tôi tự hỏi tại sao người viết kết luận: “Quả là đáng buồn khi mà nhận thức pháp luật
của người dân nơi đây còn hạn chế như thế,
thì tội ác vẫn còn có nơi để ẩn náu dung thân.” Sao lại buồn người
dân khi chính trưởng công an huyện thi hành luật pháp như thế!. Nếu “nhói lòng”
đối với nạn nhân và nhận ra sự việc vi phạm pháp luật để phơi bày ra dư luận,
sao lại dùng thứ văn chương mị dân này: “bé
gái bị làm nhục nhưng ‘yêu râu xanh’ thoát tội vì luật tục.” Tại sao báo
pháp luật mà không nói đúng là bé gái bị hiếp dâm và những kẻ hiếp dâm vẫn
hoành hành vì những người thi hành luật pháp không làm tròn nhiệm vụ?
Còn đây là cách thức các báo đài khác khai thác tin về tội
ác hiếp dâm. Bản tin cập nhật ngày 1/3/2012
trên Vietnamnet.vn gồm luôn trong
bài có tít “Nữ sinh 13 tuổi mang bầu” chuyện
một em học lớp 6 ở thành phố Thái Bình, đã bị một người đàn ông 65 tuổi “nhiều lần quan hệ tình dục” (LL: chữ
dùng trong bài, thay vì viết đúng là hiếp dâm nhiều lần suốt 10 tháng) khiến em
mang bầu và sanh con khi chưa đủ 13 tuổi; và một em 12 tuổi ở tỉnh Bình Phước bị
“một thanh niên ở khác xã hãm hiếp nhưng
anh ta dọa giết nên không dám nói với ai”. Chuyện em gái ở tỉnh Bình Phước
được những trang báo khác khai thác thành một loạt bài với những cái tít: “Bé 12
tuổi mang bầu 5 tháng, mẹ mới biết con bị cưỡng hiếp”, “Gia cảnh bé 12 tuổi bị cưỡng hiếp có thai 5
tháng”, “Độc già VNExpress giúp bé
12 tuổi bị cưỡng hiếp 70 triệu đồng”, kèm links dẫn tới “Tâm sự
của bé 12 tuổi mang thai 5 tháng” và “chân
dung kẻ cưỡng dâm” với tít “Kẻ cưỡng hiếp bé 12 tuổi thích rình xem phụ
nữ tắm”. Tôi có cảm giác như báo chí đang đùa. Lẽ nào xem một đứa trẻ không cha, nghèo đói, bị hiếp dâm, buộc phải bỏ
học, sắp làm mẹ, như đề tài câu khách.
Để chống lại tội ác hiếp dâm và những kẻ gây tội ác này đối
với phụ nữ, không chỉ cần một luật pháp nghiêm minh, mà còn cần một dư luận xã
hội lành mạnh công bằng đối với phụ nữ, coi phụ nữ là con người. Điều này cần một
nền giáo dục về công bằng xã hội và công bằng giới tính mà báo chí có thể đóng
một vai trò lớn. Bằng cách xác định quan điểm và thái độ của người cầm viết và tờ báo đối với một tội ác xã hội như hiếp dâm và bất
bình đẳng giới tính, chúng ta viết từ sự tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người,
tôn trọng công bằng và lẽ phải trong một xã hội mà chúng ta muốn cho văn minh
và nhân đạo hơn. Chúng ta không thể giả mù sa mưa, khều khều xoa xoa, hay né tránh cho yên thân. Cách đây một
tuần có một bài viết hiếm hoi của Tuệ Khanh trên VNMedia.vn đặt rõ ràng vấn đề hiếp dâm đang lan tràn sâu
rộng như một đại nạn trong xã hội hiện nay. Nhưng hai từ chính xác đại nạn ấy lại
đặt trong ngoặc kép. Cuối bài VnMedia hứa hẹn sẽ “tìm câu trả lời trong những
bài viết sau” mà rồi không thấy có thêm bài viết nào nữa. Tôi vẫn chờ những bài viết đó nhưng không thể
chỉ chờ mà thôi.
Lý Lan