Ở các nơi khác trên thế giới


Khi  tôi viết bài này thì đã chiều ngày 8 tháng 3 ở Sài Gòn. Tới ngày báo in ra chắc cái “ngày phụ nữ” ấy đã lùi vào xó bếp. Nếu  tôi lại viết về phụ nữ nữa, có lẽ ban biên tập sẽ treo nó lên giàn bếp chờ đến (ngày giỗ) sang năm. Dù vậy  tôi vẫn viết, vì đang trong dòng suy nghĩ về   những gì phụ nữ  đang làm ở khắp nơi trên thế giới.
Ở nước New Zealand, nơi phụ nữ có quyền bỏ phiếu từ năm 1893, có quyền ứng cử vào quốc hội từ năm 1919, đến nay đất nước  có bốn triệu rưởi dân này đã có hai vị nữ thống chế toàn quyền (governor-general), hai vị nữ thủ tướng, 43 trong số 100 công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán New Zealand có nữ giám đốc. Thế nhưng nữ tiến sĩ Jenifer Curtin của Trung tâm Nghiên cứu Lao động và Xã hội trong kỷ nguyên Toàn cầu của đại học Monash ở Melbourne, Úc, cho rằng “Chúng ta còn cả một con đường dài phải đi” mới đưa được xã hội tới chỗ bình đẳng giới, vì trên toàn thế giới, phụ nữ lãnh đạo quốc gia chỉ chiếm 13% và chỉ có 19% chính khách giữ vị trí dân cử là nữ.  
Đầu thế kỷ trước, phụ nữ giàu hầu hết là nhờ tài sản thừa kế. Ngày nay phụ nữ tự mình tạo nên sự nghiệp để trở thành triệu phú, và tỷ phú, không còn hiếm hoi. Danh sách những nữ tỷ phú tự lập năm 2011 bao gồm: J.K.Rowling, tác giả Harry Potter; Meg Whitman, người sáng lập eBay; Doris Fisher, người sáng lập hãng thời trang Gap; Giuliana Benetton, đồng sáng lập tập đoàn Benetton; Oprah Winfrey, hoạt động trong lãnh vực truyền thông và giải trí; Chu Lam Yiu, sáng lập công ty hương liệu; Rosalia Mera, nhà thiết kế thời trang, chủ chuỗi cửa hàng Zara. Tên tuổi những nữ tỷ phú này quen thuộc với công chúng trước tiên nhờ tài năng trong công việc họ làm (nhà văn, diễn viên, nhà thiết kế…). Cũng trong danh sách này có 7 nữ tỷ phú ở Trung quốc, đều giàu lên nhờ bất động sản. Câu hỏi là nảy sinh: Đã có thay đổi đáng kể về con số phụ nữ giàu có tột đỉnh, còn đối với đại đa số phụ nữ nghèo khổ trong tối tăm, đã có thay đổi gì chăng?
Ba tỷ phụ nữ và em gái ở Ấn Độ, Trung quốc, Phi châu, Nam Mỹ, Đông Nam Á, và Việt Nam sẵn sàng nắm lấy bất cứ cơ hội nào dù nhỏ nhứt để mong đổi đời, thực hiện giấc mơ và hy vọng của mình. Họ học hành trong điều kiện bất lợi để có tri thức và nghề nghiệp, họ tiện tặn dành dụm để có vốn liếng khởi nghiệp, họ bươn chải không quản ngại khó khăn cực nhục để kiếm miếng ăn cho con cái, họ làm tất cả và không ngừng vươn lên. Nhiều tổ chức xã hội và tài chánh tầm quốc gia và  quốc tế đã có những chương trình hổ trợ để phụ nữ tham gia vào sự phát triển, nhưng sự bất bình đẳng giới trong quyền lực và quyền lợi vẫn khiến phụ nữ đi lòng vòng trong  nghèo khó. Theo Poverty Matters Blog (“blog Nghèo thành vấn đề”, do quĩ từ thiện của người giàu nhứt thế giới Bill & Melinda Gates tài trợ), thì “Nếu phụ nữ và bé gái thực sự được đặt vào trung tâm của những nỗ lực phát triển, thì một khởi điểm tốt là đừng hỏi phụ nữ và bé gái có thể làm gì cho sự phát triển, mà hãy đặt vấn đề là sự phát triển có thể làm được gì cho họ.”
Mỗi xã hội có vấn đề riêng của xã hội ấy, người ta hay nói vậy. Chẳng hạn ở nước Ả Rập Saudi, vấn đề của phụ nữ không phải là dầm mưa dãi nắng đi bán hàng rong, phụ hồ, lội ruộng cấy lúa. Xứ này đủ giàu và sỉ diện để không cho phụ nữ ra chốn công cộng làm những việc “của đàn ông”. Như la cà quán xá hay lái xe chẳng hạn. Phụ nữ mà lái xe ra đường thì bị phạt đánh 10 roi, hoặc bị ở tù. Vì vậy phong trào phụ nữ  ở các nước Ả Rập là đòi quyền lái xe hơi. Tôi nhớ  năm 2000 tôi có đến một nước Hồi giáo ở Trung Đông, tất cả cửa hàng tiệm quán đều do đàn ông đứng bán, kể cả tiệm bán áo quần và đồ lót phụ nữ.  Vậy sao tiện cho phụ nữ mua sắm?  Tôi thấy phụ nữ vào tiệm luôn có đàn ông đi kèm, thậm chí  tôi thấy các ông đi một mình tự lựa mua đồ lót cho phụ nữ. (Hẳn nhiên ông ta biết kích thước người đàn bà của mình!) Hôm nay nhận được thư bạn cho biết nhờ nhiều cuộc vận động kiên trì, cuối cùng bộ trưởng lao động nước này đã cho phép phụ nữ được làm việc như nhân viên trong các cửa hàng bán đồ lót phụ nữ, kể từ năm nay (2012).
Thế giới này đã không thể thay đổi nếu phụ nữ không thay đổi. Có những người đối phó với phong trào nữ quyền bằng cách chêm những gương mặt phụ nữ vào những bức tranh đa số đàn ông theo một tỷ lệ hay chỉ tiêu nào đó, để cho thấy xã hội mình cũng văn minh phát triển. Nhưng vấn đề vẫn ở chính người phụ nữ. Bài báo “Phụ nữ tạo sự thay đổi” trên smh.com.au  ngày 8/3/2012  viết về bà Jill Wash, người đã “tự nhấc” mình lên từng bậc thang quản lý trong một quá trình lao động và tranh đấu mấy chục năm, từ khi đi làm ở tuổi đôi mươi. Thời đó không ai nghĩ là phụ nữ mà làm quản lý. Nhân viên nữ thường bị đồng nghiệp nam sàm sỡ, nếu báo cáo với sếp thì sếp (toàn là đàn ông) giải quyết là nên cười xòa bỏ qua, coi đó là sự tán dương, người đẹp mới được chọc ghẹo! Bà Wash muốn làm sếp nhưng chung quanh không có mô hình nữ quản lý nào cả. Bà tự tìm con đường đi, là người phụ nữ đầu tiên trở thành tổng giám đốc tập đoàn ARM của Úc. Bà nói: “ Tôi muốn ở vị trí này vì  tôi làm giỏi công việc  tôi đang làm, không phải vì  tôi là đàn bà hay tôi cần đạt một chỉ tiêu.”


Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222