Rau khúc ở chân trời
Xem đi xem lại hàng trăm tấm hình rau khúc tìm được trên
internet, tôi chắc chắn đã từng thấy hoa này, lá này, cây này ở ngay
trong vườn nhà mình. Cách đây nhiều năm. Thưở mơ màng chưa có khái niệm gì về
rau cỏ vườn tược. Cũng chẳng bận tâm rằng
có một thứ rau khúc trên đời.
Hồi nhỏ ăn xôi khúc của “bà Bắc kỳ” ở xóm bên, tôi cứ ngỡ xôi khúc nghĩa là xôi lấy ra từng khúc, mỗi
khúc có một cục nhưn. Tôi không chứng kiến
tận mắt cách bà nấu xôi, nhưng đứa con gái bà trạc tuổi tôi thường ngày phải giã mội cối hành lá cho
mẹ làm bánh. Mùi hành lá quyện với mùi tiêu, đậu xanh, mỡ heo bùi béo chỉ bốc lên khi cắn vào “cục nhưn” bên trong
lớp xôi trắng dẻo thơm ngon đặc trưng mà
tôi đinh ninh là mùi xôi khúc. Mãi sau này tôi mới biết “cục nhưn” đậu xanh xào thịt mỡ
trộn tiêu hành lẽ ra được bọc bằng một lớp bột nếp trộn rau khúc giã nhuyễn.
Chính rau khúc này mới làm nên mùi thơm đặc trưng và cái tên xôi khúc.
Vậy là mấy chục năm
trời tôi cứ tưởng mùi lá hành là mùi lá
khúc. Tôi phải ít nhứt một lần ăn cho được
miếng bánh khúc thứ thiệt để cải chính, hay để minh danh cho xôi khúc. Tôi cũng hiểu là khí hậu miền nam không phù hợp
với rau khúc, một thứ rau ôn đới chỉ mọc vào mùa đông đến đầu mùa xuân phương bắc và rụi tàn khi trời ấm
lên. Cho nên ở Sài Gòn chỉ có thể ăn xôi khúc cải biên với lá hành, lá cải, lá
khoai, hay lá tần ô. Tôi đợi dịp ra Hà Nội,
đặc biệt vào mùa xuân, hy vọng thưởng thức miếng bánh khúc trong cái lạnh se da
miền bắc.
Tôi đã đi lơ ngơ
trong cái chợ to gần Cầu Đông (vì chỗ ở trọ trên đường này) hỏi người ta có bán
rau khúc không. Người bạn Hà Nội đi cùng bảo “Chị hỏi cái lá diêu bông có thể
người ta còn biết đấy là ông Hoàng Cầm bịa ra, chứ cái lá rau khúc thì người ta
không biết đâu mà lần.” Tôi leo lên cả đường đê nhìn ra bờ bãi sông Hồng
để tìm. Nhưng làm sao tìm cái mình chưa từng biết hình dạng? Bạn tôi thú thật là chị cũng chưa từng thấy rau
khúc ra làm sao, và chị không chắc cái bánh khúc bán quanh năm trong ngõ nhà chị
làm bằng cái thứ lá gì. Rau khúc cũng như
những thứ của thời thôn dã xa xưa đã trở thành nỗi niềm hoài cổ trong đô
thị ngày nay, có hay không thực ra chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện đại đang
phát triển. Tôi không hoài niệm rau khúc
( đâu có ký ức gì về nó!). Tôi đi tìm
rau khúc vì lý do thực tế hơn.
Chúng ta đang sống ở thời thông tin internet. Tôi google “rau khúc” ra cái tên khoa học Gnaphalium affine D. Don, Tôi lần theo cái tên khoa học thì gặp vô số
website chữ Hoa, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Anh. Thì ra nó rất phổ biến ở các nước
Đông Á. Ở Nhật người ta có tục ăn cháo bảy
thứ rau trong đó có rau khúc vào ngày bảy tháng giêng để có sức khỏe trong năm mới. Ở Đài Loan có món bánh ngon
làm bằng rau khúc mọc trên vùng núi Alisan gần gần giống bánh khúc ở Việt Nam:
lá khúc giã nhuyễn trộn bột nếp bọc nhưn rồi hấp chín, chỉ khác là không có xôi
bọc quanh bánh. Ở các nước Đông Á rau khúc còn hiện diện trong bữa ăn như rau
luộc, và dùng trong ngành y dược dân tộc như một cây thuốc phổ thông trị cảm mạo
ho trướng mụn nhọt thông thường. Nói chung rau khúc vẫn sống hồn nhiên ở đâu đó
chứ không đến nỗi tuyệt chủng để mà thương tiếc nhớ nhung.
Thực ra rau khúc mọc … khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở Mỹ.
Mà ở Mỹ thì rau khúc bị coi là cỏ, có
tên là cudweed. Hồi mười năm trước, thửa mới theo chồng về ở xứ
Bellingham này, mùa xuân nhìn từ cửa sổ nhà bếp ra góc vườn thấy một giề xanh
xanh vàng vàng, chồng bảo đó là cudweed, một thứ cỏ dại mọc lan rất nhanh và rất
khó diệt. Nên tôi đã tận lực nhổ bỏ. Mấy
năm sau chúng mọc lại thưa thớt, tôi
cũng nhổ sạch bách. Bây giờ thì trong vườn
chẳng còn cọng cudweed nào nữa.
Thấy tôi buồn, ông chồng
hứa xuân sang sẽ chở tôi ra đồng, tha hồ
hái hoặc bứng về trồng lại trong vườn. A phải rồi! Dù là cỏ dai hay rau tự mọc
hoang ngoài đồng mình vẫn có thể trồng được. Thậm chí trồng còn tốt hơn. Nhớ
rau càng cua, rau đắng đất, rau dền dại, rau cải trời… những thứ ngày xưa là
rau dại mọc hoang trong vườn nhà ngoại
tôi, chẳng ai trồng cũng chẳng ai
bán mua gì chúng. Rồi bỗng dưng Sài Gòn thịnh mốt ăn gỏi rau càng cua, cháo cá
rau đắng đất… những món được liệt vào hàng đặc sản trong thực đơn nhà hàng cao
cấp. Vậy là các chợ Sài Gòn, cả siêu thị, hè nhau bày bán rau càng cua, rau đắng…
Hái hết rau dại thì người ta trồng, có cầu thì có cung. Xuân này tôi sẽ bứng
cudweed về trồng, xuân sau tôi sẽ
hái một mớ đem về xóm cũ làm quà cho cháu ngoại “bà Bắc kỳ” bán xôi khúc ngày
xưa…
Lý Lan