Việt Linh Chuyện & truyện, con đường không cùng


Tiện ích của máy tính và internet tập cho  tôi một thói quen: lưu lại (save) bất kỳ văn bản đang đọc nào làm nảy lên ý tưởng gì đó. Có thể một bài viết liên quan đến đề tài hay nhân vật mình đang quan tâm lúc đó. Chẳng hạn câu chuyện một phụ nữ nông thôn ít học đi lấy chồng ở bên Tây, có tựa “Viễn vông bóng đèn”, tác giả Việt Linh,  tôi lưu vào hồ sơ (folder): “Đời sống người việt ở nước ngoài”. Hay bài viết cũng của Việt Linh về Madeleine Riffauld trong “Buổi phim xao động” được cho vô hồ sơ “Nữ quyền”.
Có nhiều bài  tôi đã lưu lại chỉ vì một chi tiết, tình tiết nào đó rất riêng tư. Chẳng hạn  “Nhân Kiều”,  Bài & ảnh của Việt Linh,  có  tấm ảnh chụp hình hoa Forsythia.  Vườn sau nhà  tôi cũng có cây  này,  mọc thành bụi rậm,  hoa không hương, nhưng nở rộ vào lúc hầu như các thứ cây cỏ khác còn ngủ đông.  Tôi chưa từng thấy hoa này đẹp cho đến khi nhìn tấm ảnh chị Linh chụp. Và đọc bài chị viết, thấy y chang tâm tình của mình.
Viết là công việc đơn độc của một người. Ly hương là con đường cùng văn hóa. Người viết ly hương phải tìm cách nhập vào đại lộ văn hóa xứ người, ngược lại sẽ  bị lạc lỏng và lãng quên ở cuối con đường cùng văn hóa của mình, nhất là ngôn ngữ của mình.  Nhưng người đàn bà tha hương viết bằng tiếng mẹ đẻ là một nỗ lực sống còn tâm linh: viết hay là chết lụi tâm hồn.  Lớn hơn một thôi thúc của nhu cầu, viết bằng tiếng mẹ đẻ đối với người đàn bà tha hương là một bản năng sống.  Dạy cho con tiếng nói của mình, bày giải với thế gian bằng tiếng nói của mình, viết, tức là là suy tư, bằng ngôn ngữ của mình, với người đàn bà viết văn, tiếng nói là mình.
 Ngẫu nhiên mà nhiều chị em bạn  cầm viết của  tôi giờ mỗi người một phương trời. May mà có Internet, để thỉnh thoảng thoát ra giòng lưu thông ráo riết ở xứ người,  tôi rẻ vào con đường riêng vắng vẻ, tìm đến một trang blog của bạn hay trang báo bạn thường đăng bài, để đọc bạn, gặp bạn, để mừng vui, để ngậm ngùi. Tuy không còn “đàn đúm” như thời còn ở trong nước, (hay thời còn trẻ tuổi độc thân!), thậm chí đã nhiều năm không gặp mặt,  tôi biết người này vẫn trông người kia, yên tâm phần nào khi thấy bạn mình còn đó. Tác phẩm của bạn như bàn tay bạn chìa ra, và mình cũng cố chìa ra bàn tay của mình, vói vịn nhau qua không gian ảo mà tồn tại.
Dù vậy quê nhà vẫn là điểm hẹn, nơi ta có thể gặp người đọc thật sự của mình. Mùa hội sách năm nay  tôi lỗi hẹn, không thể về. Nhưng bạn bè vẫn hội tụ đông vui. Hai tuần trước,  tôi đã nhận được thư mời đến dự buổi giao lưu của Việt Linh với độc giả và ra mắt quyển sách mới “Việt Linh Chuyện & truyện”. Lúc ấy chị Việt Linh còn ở Pháp. Chị email cho biết đã nhờ Hoàng Anh ở NXB Trẻ gởi sách tặng  tôi. Tôi đang ở Mỹ, nhờ em  tôi nhận sách dùm. Hai chị em chỉ có thể email về “đứa con”  mà cả hai chưa thấy mặt mũi, chưa được tận tay cầm nắm vuốt ve. 
Nhưng bằng những file kèm theo email của chị  tôi nhận ra phần lớn bài trong quyển  sách mới này tôi đã đọc rồi, nhiều bài còn lưu lại trong máy tính cá nhân. Như  bài “Gừng cay muối mặn” mà  tôi từng dịch miệng cho ông chồng của  tôi nghe vào một ngày vùng Tây Bắc nước Mỹ âm u xám xịt. Như bài “Bà Chúa của Sơn Nam” mà  tôi có cảm giác sau khi đọc như uống ly rượu ngày giỗ nhà văn, đắng đắng ngọt ngọt. “Biết ông túng thiếu mà tự trọng, nhiều người, trong đó có tôi, hay tặng tiền ông bằng cách khẽ đưa vào túi áo để ông khỏi chạm tay cầm. Thường ông ngó lơ, lí nhí nói “Cảm ơn” hoặc “Tử tế ha” rồi lảng qua chuyện khác (…) tôi hiểu Sơn Nam sôi động phù du chỉ là phần nổi của tảng băng, như hiểu đằng sau tiếng cười ha hả, xác nhận bị vợ đăng tivi tìm kiếm là nỗi cô đơn vô bờ bến. Nỗi cô đơn Sơn Nam”
Có bài do chính chị gởi sau khi viết, với lời nhắn nhủ là “em phải đọc và học cái gương chị”. Đó là bài “Xin lỗi bản thân” viết bằng tấm lòng của người sống sót sau tai biến mạch máu não, lo lắng cho những người mình thương yêu có thể mắc bệnh và gặp nạn như mình. Nếu ai đã đọc quyển sách trước của Việt Linh, Chuyện mình, chuyện người, thì sẽ nhận thấy sự thay đổi tinh tế mà sâu sắc trong những trang viết của chị từ sau bài “Xin lỗi bản thân.”
Hóa ra con đường của chị không cùng không cụt. Trên con đường đó chị dần tìm ra bản thân mình và nó dẫn chị về với người đọc – đồng bào mình. Chúc mừng chị Việt Linh. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222