truyện ngắn một ngàn hai trăm chữ

Hôm thứ sáu, nhân lúc ăn trưa với chị Thoa, anh Bình, Bích Ngân, và Kim Cúc, nói chuyện văn chương, xuất bản, báo chí, và đàn bà (dĩ nhiên, nhứt là sau khi anh Bình về sớm lo việc cơ quan - giám đốc mà!) Còn lại bốn bà, câu chuyện về cái "dại" của đàn bà càng thấm thía. Cái dại của người viết tiểu thuyết càng thấy thương: tiểu thuyết đàn bà của mình xuất bản 2.000 cuốn bán hết trong tuần lễ đầu tiên, bèn in thêm ngay 3.000 cuốn, thuộc vào loại sách bán chạy, nên mình nhận được khoảng 15 triệu nhuận bút (sau khi trừ thuế và tiền tác giả mua thêm sách tặng hôm giao lưu) Như vậy là nhiều. Nếu một tác giả chưa có "thương hiệu" thì số lượng in chỉ 1.000 bản, tức là một cuốn sách trên 200 trang viết cả năm trời sẽ đạt thành quả kinh tế khoảng 3 triệu đồng. Mà 3 triệu đồng là giá một cái truyện ngắn 1.200 chữ đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Buổi chiều đó mình bèn quyết chí viết một cái truyện ngắn 1.200 chữ thay vì viết tiếp cái tiểu thuyết. Gõ lóc cóc một hồi, đếm lại thấy hơi bị dôi khá nhiều chữ, bèn bỏ đi ngủ.
Sáng thứ bảy dậy sớm đem ra đọc lại, cắt xén, tỉa gọt, ưng ý rồi meo cho Thuý Nga. Vài tiếng đồng hồ sau, Nga gọi điện nói nếu đổi cái tên truyện thì mai đăng được. Chấp gì cái tên! Ô kê luôn.
Sáng nay mua báo Tuổi Trẻ thấy bài của mình đăng không sót một chữ, chỉ sửa vài lỗi chính tả thôi. Hoan hô công nghệ làm báo chuyện nghiệp nhanh nhạy chính xác. Báo đã đăng truyện rồi (cầm chắc có 3 triệu!) nên dán cái bài đó lên đây cho bà con ở xa không mua được báo đọc chơi:

Kết thúc có hậu

Sau khi tham khảo giá thị trường, tôi quyết định gọt cái đầu có chí của Thanh, dẹp hết quần áo nón vớ, cắt luôn những buổi ngồi ở trạm xe búyt thẩn thờ nhìn xe cộ chạy ngang. Đối với một con khùng thì quần áo chẳng qua miếng giẻ rách lòng thòng, có hay không cũng được. Ngồi vớ vẩn bên đường vì không nhà, hay không biết đường về nhà, không phải là chi tiết đặc sắc. Còn câu gọt cái đầu có chí thì có thể gây hiểu nhầm, con chí hay ý chí, chỉ tổ khiến người biên tập nghi ngại. Nhưng mà khoan, thủ pháp viết truyện ăn khách là gài những chi tiết lập lờ nước đôi như vậy để độc giả có cái thú suy diễn …
Nhưng phải cắt gọt, vì truyện này mới viết xong đếm được ba ngàn chữ. Những tờ báo có chỗ đăng đầy đủ đàng hoàng cả truyện chỉ trả cở một triệu đồng nhuận bút, trong khi tờ báo trả ba triệu đồng một truyện thì giới hạn số chữ dưới một ngàn hai. Tôi đâu có ngu. Chữ nghĩa mình viết bao nhiêu chẳng được, bỏ đi viết lại mấy hồi; chứ tiền bạc mình có tự in được đâu, bớt một triệu là xót một triệu, ít hơn hai triệu là xót gấp đôi.
Nên tôi quyết định tém cái nhập đề giới thiệu thân thế nhân vật lại. Cha mẹ anh chị em có người thương người ghét, người lo lắng đi tìm, người gặp giữa đường xấu hổ không chịu nhận nhau, âu cũng thường tình. Khi Thanh gượng đứng dậy và đi được, nó lảo đảo một tý, rồi lết đi chầm chậm, rồi khi tới cái băng ở trạm chờ xe búyt, cái băng gồm ba song sắt hay kim loại gì đó, dài và hẹp, đóng chặt xuống mặt đường, rất khó nằm giạng cẳng trên đó, ngồi tạm thì được. Ủa, mà đã cắt bỏ chi tiết nó ngồi ở trạm xe búyt thẩn thờ thì cần gì miêu tả cái băng ghế, cho dù cái đó sau này có thể kể là tang vật / hiện trường, nơi bắt đầu / kết thúc tội lỗi.
Bàn tay Thanh vẫn còn nhơm nhớp. Nó trét bàn tay lên tấm bảng vẽ các tuyến đường, vết máu quẹt bê bết lên những chữ Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu. Có lẽ vẫn còn cảm giác nhơn nhớt, nó lại chà bàn tay lên… À, đã cắt bỏ áo quần nó rồi, đâu còn gì cho nó trét nốt máu lên (vạt áo hay ống quần). Vậy bỏ phứt chi tiết này đi. Nó đâu có ý thức phi tang gì, chẳng qua cảm giác lầy nhầy trong bàn tay … Cảm giác ư? Để coi, có cách gì để biết, đúng ra là để tả, cảm giác nó lúc này?
Chắc là nó mệt mỏi. Nó nằm xuống băng ghế. Nó duỗi chân ra, cố giữ thăng bằng. Rồi nó té lăn xuống đất. Cân nhắc thử coi. Không có phần miêu tả cấu trúc cái băng ghế thì người đọc làm sao hình dung cái cảnh Thanh loay hoay (hay vùng vẫy hay trân mình chịu đựng hay cong cớn hay co quắp) trong những thế nằm và tình huống nằm trên cái băng đó. Thôi bỏ qua. Viết kỹ thành ra dung tục. Viết mấp mé thêm khó chịu. Viết văn vẻ càng không chịu được. Mà nói cho cùng, những chuyện đó đâu có nghĩa gì với Thanh đâu. Thân thể nó lúc này đau đớn và dã dượi. Nó muốn nằm yên. Mà nó không thể nằm yên. Nó té xuống, ngồi dậy, nằm xuống, lại té.
Bụng nó quặn đau, nó tụt quần ngồi xổm cố rặn. Mà khổ, lại quần áo. Phải quyết định dứt khoát về chi tiết áo quần của con khùng này. Nếu dẹp bỏ ngay từ đầu thì sẽ tiết kiệm vài trăm chữ liên quan trong suốt câu chuyện. Có lẽ lờ đi động tác tụt quần thô tục đó. Nó hơi chổng khu lên, cúi lom khom nhìn cái gì nhú ra giữa háng. Nó cố rặn, cố rặn. Nó rặn theo bản năng để tống khứ cái gì đó đã tới giai đoạn không thể tá túc trong thân thể nó nữa. Nó thở hồng hộc, bật ngữa người ra, thò tay xuống háng. (Cắt thôi. Mình không cắt người biên tập cũng cắt. Chữ nghĩa trần trụi, dễ gây liên tưởng không trong sáng.)
Đoạn tiếp theo này cũng nên cắt, vì viết mà không dựa vào vốn sống thực tế: Tiếng khóc văng vẳng xa xăm. Oe oe. Không chắc là tiếng trẻ con khóc nghe oe oe. Ví von như tiếng mèo kêu đêm cũng không chính xác. Cố gắng miêu tả chỉ thêm dài dòng. Cứ oe oe cho ngắn. Nhưng tiếng oe oe dường như không có ý nghĩa gì đối với Thanh. Nó gượng dậy, đứng lên, lảo đảo, lê bước đi, như người bị táo bón mười ngày, sau một trận quằn quại, đã xổ xong.
Tới đây đếm lại thì thấy phải cắt thêm ba trăm chữ nữa mới đạt yêu cầu. Bỏ đoạn nào đây?
Sáng sớm nào hai vợ chồng cũng dắt nhau đi bộ. Đi song song, có khi trò chuyện có khi lăng im. Chân bước thong thả, tay đánh đòng đưa. Có khi vợ kéo tay chồng lưu ý ông tránh một bãi cứt chó hay chướng ngại vật bất ngờ nào đó trên lối đi. Một bữa, họ bỏ ngang buổi đi bộ, vì trên lối đi thường lệ không phải là một bãi cứt mà là một đứa trẻ sơ sinh. Ba bốn năm sau, bà vợ thỉnh thoảng nhìn đứa bé chạy tung tăng rồi nhìn chồng trêu: "con rơi con lượm mà sao càng nuôi lớn càng giống ông quá hè?”
Đoạn này là happy end phù hợp truyền thống các báo đăng truyện ngắn cho độc giả giải trí cuối tuần, giữ đoạn này mới hòng được đăng. Vậy phải trở lên trên câu chuyện một khúc mà bỏ quách đoạn trời sáng tỏ mấy bà buôn thúng bán mẹt đi xe buýt vô thành phố buôn bán như mọi ngày, vừa xuống trạm là thấy Thanh ngồi thờ thẩn trên băng ghế, máu me bê bết. Mấy bà chép miệng: "Thằng nào thiệt bất nhơn. Mà thích thú cái nỗi gì không biết! Con nhỏ khùng, áo quần hôi hám, đầu tóc chí không." (Bỏ là phải thôi, vì từ đầu mình đã lột hết quần áo và gọt đầu con khùng đó rồi mà.)
(truyện ngắn 1.125 chữ của Lý Lan)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222