con vỏi con voi

Bất ngờ thấy bốn con voi đang sắp hàng tắm ở tiệm rửa xe, tôi đứng ngây như phỗng rồi bật lên tiếng reo, vừa vỗ tay vừa cười: “Coi kìa con voi!” Người chung quanh hướng mắt về phía tôi như thể nhìn tôi còn thú vị hơn xem mấy con voi đang tắm ở tiệm rửa xe trên phố. Bốn con voi to đùng, đen như trâu, cao hơn mái nhà rửa xe, nên chúng chỉ đứng ngoài sân. Người ta cầm cái vòi xịt nước vào chúng, xịt tá lả: đầu, cổ, lưng, bụng, chân, vòi, giống thao tác rửa một chiếc xe tải, nhưng bốn con voi không đứng ỳ ra như những chiếc xe tải không nổ máy, mà chúng diễn tả cảm xúc bằng cách múa hẳn hoi, cái vòi vươn ra co vào khi tia nước bắn vào mặt, bốn chân lần lượt nhấc lên hạ xuống, tấm thân “bồ tượng” sàng bên nây rồi sàng bên kia, hai tai rách bươm như tàu lá chuối phe phẩy, và con mắt tinh anh hấp háy như cười như khoái trá…
Tôi vùng quay mình chạy hết ga về khách sạn, gặp một đồng nghiệp trẻ đang đi ra, thấy mặt tôi nghi ngờ hỏi “Có chuyện gì?” Tôi chỉ kịp nói “Con voi” là cánh cửa thang máy đã đóng lại. Về tới phòng, lấy máy chụp hình ra, lại cửa sổ chụp ngay mấy cái từ trên cao và hơi xa, rồi hộc tốc lao xuống cầu thang, lại gặp một đồng nghiệp khác, tuân theo trực giác nghề nghiệp anh ta cũng sấp sãi chạy theo tôi, vừa chạy vừa rút máy chụp hình ra khỏi túi vừa hỏi: “Chuyện gì?” Tôi nói “Con voi”. Anh bạn chưng hửng nhưng vẫn không bỏ cuộc. Chạy tới chỗ rửa xe thì chỉ còn thấy một vũng nước lênh láng trong sân (loang ra cả mặt đường) còn bốn con voi thì đang đủng đỉnh đi phía cuối phố. Chụp hình mấy con voi lúc này chẳng có gì hay hết. Anh bạn tự rút kinh nghiệm là đừng bao giờ săn tin bằng cách chạy theo một nhà văn.

Voi tắm, dù là tắm bằng vòi nước máy ở tiệm rửa xe ngay trung tâm thành phố, không phải là “hot news”, ít ra là đối với dân Buôn Mê Thuột. Tây nguyên hàng năm tổ chức nhiều lễ hội, mà lễ hội Tây nguyên thì phải có voi. Những con voi này chắc chắn sành sõi mấy vụ lễ hội hơn cả tôi. Đêm qua, trong lễ khai mạc, đàn voi bốn con đã uy nghi diễu hành qua trước sân khấu ở quảng trường trong tíêng cồng chiêng và tíêng vỗ tay hoan hô của khán giả. Lễ hội còn tiếp diễn và sẽ có một buổi bế mạc hoành tráng vào ngày mốt, nên voi cứ lưu lại thành phố, ăn mía và tắm nước phông tên. Thành phố này dù đã phát triển vượt xa mức “đi loanh quanh lại về chốn cũ”, nhưng cũng chưa đến nỗi quá rộng lớn đối với bước chân voi. Đàn voi đi trên phố, biết giữ lề phải, biết ngừng lại ở ngã tư đèn đỏ, xe cộ chung quanh di chuyển bình thường, dân chúng ở nhà hai bên đường nhìn voi đi qua rồi tiếp tục công việc của mình. Chỉ có tôi cứ lóc cóc chạy theo voi, vui đến nỗi không nhịn được tiếng cười, mừng đến nỗi mấy lần phải kềm nước mắt.
Tại sao? Con voi là một thần tượng tuổi thơ của tôi. Hồi còn nằm võng cho bà ngoại ru ngủ, tôi đã mơ màng thấy con voi trong câu hát “Chiều chiều vịt lội cò bay, ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng.” Thức dậy chơi với trẻ xóm Vườn, tôi bi bô hát “Con vỏi con voi, có cái vòi đi trước…”, rồi chạy lên Lò Chén coi người ta lấy đất sét nắn voi, làm đôn voi, chân bàn voi, hoặc một mình ông voi với đủ cả bành cả kiệu. Quê tôi ở miền Đông, chắc ngày xưa là quê xứ của voi, nhưng tới đời tôi, chuyện voi nghe như là huyền thoại. Đến khi lìa quê, lên Sài Gòn, tôi mới được thấy voi lần đầu tiên trong Sở Thú. Lần đầu tiên được cha dẫn đi chơi, lòng trẻ hân hoan đến nỗi cảm giác sửng sờ khi đứng trước con voi thực không áp đảo nỗi vô vàn cảm xúc ngất ngây khác của một đứa trẻ lên tám mới từ làng quê lên chốn thị thành. Dù vậy, ấn tượng có ý nghĩa nhứt, ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành thế giới quan của tôi sau này, là con voi có thực. Ông voi trong những câu hát ru của bà ngoại, những câu đồng dao trẻ con chơi, những tượng voi to nhỏ ở lò gốm, không hề hoang đường, không chỉ là huyền thoại. Có con voi thực trên đời và nó đúng như được miêu tả, như tôi đã tưởng tượng.
Khi đứng trước con voi thực năm lên tám, tôi chỉ thấy sửng sốt hân hoan, chứ chưa biết đó là sự may mắn mà số phận dành cho mình: Thay vì sự vỡ mộng thường gặp ở hầu hết trẻ em trong quá trình trưởng thành, chẳng hạn nhận ra Bà Tiên là sản phẩm tưởng tượng, cổ tích là chuyện bịa đặt, tôi lại được chứng thực là có ông voi trên đời. Trong quá trình trưởng thành (và già đi) sau này, tôi cũng vỡ mộng nhiều phen như mọi người, nhưng hình ảnh sừng sửng của ông voi trong hạnh phúc tuổi thơ đã như một cột trụ neo giữ niềm tin, khiến cho trong những tình huống tuyệt vọng nhứt, tôi lại thấy voi hiện ra – dĩ nhiên trong tâm tưởng của riêng mình.
Thực ra, ngoài con voi, tôi-trẻ-con cũng khoái rồng, phượng, kỳ lân, khủng long… Nhứt là những con rồng trong truyện Tây Du. Đương nhiên tôi sớm nhận ra trong đám này, chỉ có khủng long là có thể có thực, còn lại chỉ là sản phẩm hoang đường của trí tưởng tượng. Năm 40 tuổi, tôi mới có cơ hội đứng trứơc một bộ xương khủng long khổng lồ trưng bày trong viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bộ xương ấy được khai quật và lắp ráp lại, những bộ phận thíêu được bù đắp bằng nhưa hay sứ nhân tạo và toàn bộ xương được chống đỡ bằng một bộ giá kim loại đồ sộ. Đứng quanh tôi là những đứa trẻ con Mỹ, ngây người trố mắt nhìn. Tôi có thể đọc được trong những đôi mắt trong veo ấy điều này: có khủng long thực! Nhưng là ở ngày xưa cơ. Ngày xưa, thưở hồng hoang, có những con khủng long… Như trong sách truyện mà cha mẹ đọc cho chúng nghe trên giường ngủ những buổi tối êm đềm… Nói ra điều này rất trẻ con, nhưng quả thực lúc đó, tôi chia sẻ niềm vui mừng của những đứa trẻ may mắn được chứng thực một niềm tin, mà trong lòng tôi vẫn âm ỉ giữ riêng một niềm vui ích kỷ: Ông voi của tôi không chỉ là bộ xương ở viện bảo tàng, ông voi của tôi vẫn còn ở Tây nguyên, có thể không còn “chiều chiều bẻ mía chạy ngay vô rừng”, nhưng vẫn là con voi thực.
Khi mấy đồng nghiệp (trẻ và có phần nể tôi quá đáng) gạ hỏi vụ con voi: có cái gì để viết mà tôi mê mẩn chúng suốt mấy ngày ở Tây nguyên, thậm chí lên tuốt Buôn Đôn chỉ để cỡi voi! Tôi giữ riêng huyền thoại ông voi cho mình để viết bài này, nên chia sẻ với các bạn đó một đề tài khác: Những con voi vẫn còn mang huyền thoại rừng già nhiệt đới này đang thích nghi môi trường biến đổi, không chỉ môi trường tự nhiên mà cả môi trường văn hoá – rõ ràng chúng đang đóng vai biểu tượng cho cả tự nhiên và văn hoá Tây nguyên trong các lễ hội lẫn các khu du lịch. Chúng tắm ở tiệm rửa xe chứ không phải trong dòng sông Sê Rê Pok, tuân theo luật lệ giao thông ở đô thị, quen thuộc với xe hơi đời mới nhà bê tông cao tầng. Vậy là hay hay dở thì tuỳ mỗi người nhận định. Hiện thực là Tây nguyên đã biến đổi đến nỗi voi cũng phải thích nghi để sinh tồn.

Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222