Hành trình thơ phương nam

Trong khói sông mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
(Sơn Nam, Hương Rừng Cà Mau)


Chiếc độc huyền, điệu thơ Lục Vân Tiên” là tài sản văn hoá lưu dân mang theo khi tiến vào đồng bằng sông Cửu Long, từ một quê cũ chưa phải là cũ lắm. Hai ba trăm năm, từ thưở mở đất Thuận Quảng đến lập Gia Định thành. Chiếc độc huyền, hay cây đờn bầu, chế tạo đơn giản: một trái bầu, một cần đàn, một dây tơ. Điệu thơ Lục Vân Tiên khảng khái, trung nghĩa, cận nhân tình. Đó là sự tuyển chọn khôn ngoan, có kinh nghiệm của người tiên phong đến nơi “muỗi, vắt nhiều như cỏ. Chướng khí mù như sương”. Nơi đó thiếu thốn phương tiện in ấn, công chúng trí thức không nhiều, nên “thơ và nhạc dính liền nhau, bất khả phân” như Sơn Nam dựa theo quyển “Thổ ngơi Đồng Nai” của Bình Nguyên Lộc mà nhận xét trong quyển “Nói về miền Nam”. Theo hai tác giả này, trong ba trăm năm thuần hoá đất phương Nam, ông bà chúng ta đã sáng tạo một số lượng ca dao không kém tổng số lượng ca dao sưu tầm được ở miền Bắc vốn có lịch sử văn hoá cả ngàn năm. Điều đó chứng tỏ sức sáng tạo thi ca dồi dào của con cháu những người mở đất, những kẻ “có óc phiêu lưu, khám phá”.

Thơ dính liền với nhạc trong buổi ban đầu của văn hoá phương Nam, cũng giống như dòng sông Cửu Long ở thượng nguồn, phù sa ít, lưu lượng nhỏ, phải cậy thế núi chung quanh, nhờ âm thanh ghềnh thác mà khẳng định sự hiện hữu giữa thiên nhiên hoang sơ. Nhưng khi đã tiếp nhận và hoà tan mọi thứ hay dở suốt hành trình mấy ngàn cây số ra biển, dòng chảy đã thuần thành, giá trị tự thân của dòng sông là lượng phù sa bồi lắng, lượng thủy sản dồi dào, lượng nước rửa phèn, đẩy lùi biển mặn, lượng bao dung, bình thản của mặt nước mênh mông dù vẫn còn những cơn sóng, con xoáy nơi đáy sông, cửa biển. Dòng thơ phương Nam chảy qua thiên niên kỷ thứ ba đang định hình giá trị tự thân từ sự thừa kế chiếc độc huyền và điệu thơ Lục Vân Tiên.
Thơ phương Nam, do vậy, giàu nhạc điệu. Không chỉ kết hợp giai điệu có sẵn để sáng tạo, như “môi”, “mép”, tức là thêm thắt, biến tấu một câu lục bát ngắn có sẵn khi hò của nghệ sĩ vô danh: Anh thương em / Thương quấn thương quít / Bồng ra gốc mít, bồng xít gốc chanh / Bồng quanh đám sậy, bồng bậy vô mui / Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi ( Ca dao), mà còn ráo riết phá cách, như nước tràn bờ, vô phương cản: Sông uốn lượn quanh cồn. Đôi chim chích chòe ẩn hiện nơi vườn lôm chôm ửng nắng. Rơi đâu đó câu hò dân dã nằm chõng chơ ngã tư thinh vắng. Đường xuống bến nước, lúc nhúc từng dề lục bình trôi trôi, trổ bông tím ngát. Trang sách thiên nhiên mầu nhiệm mở ra / tôi hồn nhiên làm chú bé tập đánh vần… (Trần Hữu Dũng, Trang Sách Thiên Nhiên)
Nhạc điệu làm nên hình thức thơ chứ không phải số chữ trong câu hay cách ngắt dòng. Khi ý tứ, tình cảm phá bờ tuôn ra tuồn tuột, những câu dài tận cùng bằng vần trắc như cái hớp lấy hơi, tiếp sức mạch văn trào tới. Sức biểu đạt lớn của ngôn từ cô động trong tiết điệu riêng làm nên thơ, thơ chứ không phải “thơ văn xuôi”.
Cũng không phải phương ngữ làm nên đặc tính địa phương, mà chính giọng, điệu, từ dùng tự nhiên, chân thật, nhằm bộc lộ chứ không trau chuốt bãi buôi, tạo đặc sắc phương Nam cho dòng thơ này. "Với em, tôi có thể nói hết mọi chuyện trên đời và tất tật bao điều thầm kín. Hai đứa lang thang ngõ tắt đường ngang dưới lộn xộn những hàng cây bất tận, nào ai đếm thời gian để tiếc ngắn dài. Em tôi, bởi tôi nhận ra bằng giác quan không bình thường của bàn tay mềm mại và ánh mắt long lanh buồn vui lẩn lộn. Thế là từ đó tôi sống có khác hơn, khác hơn như cắm một cành phong lan mong manh vào lọ thủy tinh trong suốt. Chợt nhận ra sự có nhau như là không khí, như là..." (Lê Chí, Tôi và Em)
Có thể do thúc đẩy của nhịp sống hiện đại, có thể do bản chất văn hoá phương Nam chan hoà, mở rộng và luôn chuyển động, không gian thơ cũng được các nhà thơ đẩy khỏi chân trời, ngày càng có nhiều người chọn cách dốc lòng để tìm sự thấu hiểu. "Lúc thất vọng cuộc sống lúc giận con giận chồng tôi ngồi buồn tủi thân muốn khóc… tự an ủi bằng cách nghĩ về quãng đời đẹp nhất – còn gì hơn ấu thơ… Có anh tôi cùng nhảy lò cò, trèo cây trứng cá hái quả tôi ăn anh té gãy tay thành cán vá… anh nho nhả hiền lành tôi đòi gì cũng nhường cho cả, yêu văn nghệ tài hoa anh tự học đàn đặt nhạc tôi ca… Như mọi người tôi luyến tiếc tuổi thơ, như mọi người tôi phải thành người lớn. Anh em cách không xa mà khác chi hàng xóm, riêng gánh những gia đình nhỏ bé nặng trên vai… Mỗi năm đám giỗ đôi ngày, quây quần giữa cháu con giữa em rễ chị dâu, hai anh em chỉ nhìn nhau mà nhớ… tôi nhớ tuổi thơ tôi có anh vui quá, còn anh thì anh nhớ gì tôi?"(Thanh Nguyên, Thơ cho thủ túc)
Cả người làm thơ còn rất trẻ, trong nổ lực tri giải và trải nghiệm, cũng chia sẻ một cách chân thật, hồn nhiên, tuy cũng có dè dặt xuống hàng, mạch thơ vẫn liên tục: "Trên đỉnh cao đầy nắng, dư thừa hơi lạnh / tôi khoái những con que que chân tay dư thừa màu thân củi / hào hứng vui sướng lạ thường / Quên hỏi nó tên gì, đặc tính sinh dục, sở thích, kích thước tối đa / Tôi chỉ biết nó rất đặc biệt / Lần đầu tiên / trong phòng tắm lạnh ngắt không nước nóng / Nó nhúc nhích như con ma trinh tiết cố tình chọc phá tôi." (Nguyệt Phạm, Phức cảm que que)
Lời ngay, nói thật, gọi đúng tên sự vật, tả rỏ bản chất sự việc, là thủ pháp sáng tác cấp tiến trong nhiều nền văn học hiện nay trên thế giới, ở nước mình vẫn còn bị một số người coi là không văn vẻ, là “quê mùa”. Nên hiểu “quê mùa” theo nghĩa: "tánh chất nông thôn, miền lục tỉnh. Quê mùa là một sắc thái văn hóa, một nhu cầu tình cảm tất yếu của người ở thôn quê và cũng là của người ở thành thị "(Sơn Nam, Nói về miền Nam). Khi con người bước chệch qua giai đoạn “đô thị hoá” đầy sự vô cảm, giả tạo, không bản sắc, sẽ nhận ra “quê mùa” có thể là cái phao cứu hộ linh hồn giữa biển tha hoá, cái bến để nỗi cô đơn tấp về.
Tuyệt vời thay, “quê mùa” như một sắc thái văn hoá đã thấm nhuần trong những bài thơ hay nhất phương Nam: Như bài thơ “Cuộc đời” của Trang Thế Hy, từng chữ bình thường, từng câu đơn giản, lặng lẽ tuôn một mạch, gây hiệu ứng bàng hoàng nơi người đọc khi vừa dứt câu. Đoạn trích này chứng minh thi pháp “quê mùa” đủ sức triết lý thâm sâu: "Em bẹo hình hài ra bán / Đang thời đông khách mua / Chợ thịt còn sung được nhiều mùa / Nghe nói anh cầm viết / Nghệ thuật là gì em muốn biết / - Mùi tanh nói mùi thơm / Cây bút cầm tay : cần câu cơm / Đó em ơi ! Nghệ thuật: / Nhắm mắt quay lưng chào sự thật / Rồi đôi ta nhìn nhau / Không ai đánh mà nghe đau" (Trang Thế Hy, Cuộc đời)
Bài “Một góc miền Tây” của Định thị Thu Vân cũng là ví dụ một bài thơ hay, đầy ắp một cách dung dị cái tình “quê mùa” phương Nam: "Men rượu ấy vì anh em đã nhấp / Sẽ vì anh em thức trọn đêm nay / Anh đã sống và lòng anh đã trải / Em lẽ nào không mắc nợ miền tây! / Anh lẽ nào không biết mắt em cay / Buồn chất ngất bao ngày, tim đã mỏi / Em trót quên mà miền tây vẫn đợi / Góc bạn bè ươm lại chút thơ ngây." (Định thị Thu Vân, Một góc miền Tây) Trầm tĩnh, đằm thắm, như phù sa lắng đọng, mà âm ỉ cồn cào dậy sóng lòng người.
Hành trình thơ phương Nam đang tiến ra cửa biển - một biển của thời khủng hoảng khí hậu toàn cầu, băng tan và mực nước biển dâng cao, bão tố và những tai hoạ môi trường vừa do tự nhiên vừa tại con người. Bóng người vô danh trong khói sóng mênh mông với chiếc độc huyền và điệu thơ Lục Vân Tiên dường như xa hút, dường như nhỏ nhoi. Thơ, cũng giống như nước ở mảnh đất phương Nam, có thể nào không chảy, có thể nào không thấm, không tràn lan? Bản chất biến đổi không ngừng của văn hoá phương Nam vừa thay đổi môi trường của nhà thơ vừa thúc bách nhà thơ đi tìm giá trị vĩnh hằng. "Thật vô nghĩa trong những ngày này / khi gió chướng rong qua thành phố đôi chân tôi trên phố xá Sài Gòn lại đi tìm kiếm Sài Gòn. / Không có cuộc tái sinh nào có em trong tôi / không em cách nào tôi tái sinh tôi trong khoảnh khắc dù đó chỉ là một nửa nụ hôn một nửa cuộc đời tôi đã gởi lại cho em." (Chim Trắng, Đi tìm.)


Lý Lan
(bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, số Xuân Kỷ Sửu)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222