bọn trẻ đồng năn

Mua tấm bản đồ đồng bằng Nam bộ mới nhất, thấy chằng chịt đường xá màu đỏ, kênh rạch màu xanh, địa danh ghi theo tỉnh, huyện, thành phố, thị trấn… Tìm không có chỗ nào ghi “cánh đồng năn”. Coi trong bản đồ cũ từ nửa thế kỷ trước mới thấy mấy chữ “Plain of reeds” chỉ nguyên một vùng bao la chiếm phần lớn diện tích tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp ngày nay, và cả một phần đất thuộc Kampuchia, được đánh dấu bằng những gạch ngắn đứt quãng, ký hiệu chỉ vùng đất trũng ngập nước. Tôi biết cánh đồng năn qua sách vỡ và trong thực tế cách đây gần ba chục năm.

Một lần đi từ Sa Đéc, bằng đường thuỷ, trên một chiếc ghe bị phá nước khi đang vượt sông Tiền, đến một nơi gọi là Mỹ An của tỉnh Đồng Tháp. Nhớ buổi sáng ra chợ thấy người ta bán chuột đồng, mỗi xâu cả chục con. Có một đứa nhỏ mặc xà lỏn ở trần, mỗi tay xách hai ba xâu chuột, vẹo cả cái lưng gầy gò. Nó trố mắt nhìn tôi như tôi trố mắt nhìn xâu chuột. Tôi nhớ lúc bước chân xuống một chiếc xuồng con chòng chành, một đứa nhỏ nắm chân tôi la ré lên: “Bà này run quá trời!” Một đứa khác dỗ tôi qua cầu khỉ, khi ra được giữa cầu, nó bỗng bước thoăn thoắt qua tuốt bờ kia, bỏ mặc tôi phát khóc trên cầu. Tôi khóc thật sự, và phải bò hết đoạn cầu khỉ còn lại để qua kênh. Sở dĩ ký ức của tôi về Đồng Tháp có mấy đứa nhỏ ranh ma ấy là vì trong lúc người ta nhậu (hay họp) tôi kiếm cớ ra ngoài, chơi với con nít.
Một lần khác tôi đi từ Tân An, bằng đường bộ, trên một chiếc xe đò dột nóc khi trời mưa trên con đường đất mới đấp, về xứ Mộc Hoá. Chính lần này tôi thực sự có chút khái niệm về sự bao la và hoang vu của cánh đồng năn – cánh đồng năn nghĩa đen: cỏ năn mọc khắp cánh đồng bạt ngàn hai bên con đường. Ngoài vài chỗ tập trung một số kiến trúc sơ sài mới xây gắn bảng đỏ ghi Ủy ban hay Xã đội gì đó, dọc đường không thấy nhà cửa, chứ đừng nói tới trường học. Bỗng dưng trên dòng kênh cặp theo con lộ có một chiếc xuồng, và trên xuồng có một đứa nhỏ. Nó ngừng tay chống xuồng ngó theo đoàn xe, người trên xe cố ngoái nhìn lại coi những thứ chất trên xuồng là gì. Củ sen? Cọng súng? hay củ năn, củ ấu? Tôi hoàn toàn không biết vùng đất phèn này có thể cung cấp cho người ta cái gì để sống. Tôi càng không hiểu làm sao một con người tồn tại được nơi đây, đừng nói chi tới một đứa trẻ.

Gần ba thập niên trôi qua. Chính xác là 27 năm. Tôi trở lại nơi từng là cánh đồng năn. Đó đây vẫn còn vài vạt cỏ năn lẫn giữa tràm và lúa. Do tôi đã xem mô hình trồng xen lúa và tràm trong sách, nên biết tràm có khả năng “rửa phèn”, người ta xả nước ở rừng tràm ra ruộng trồng lúa, do đó cảnh quan xứ này bây giờ có những đồng lúa nằm cạnh rừng tràm. Vài vạt tràm vừa bị đốn và bứng gốc đi để chuẩn bị sạ lúa. Nếu lúa không được trồng ngay thì qua một hai vụ cỏ năn sẽ lại mọc kín ruộng. Người ta lại phải “móc” cỏ năn lên bờ chờ chúng khô rồi đốt. Đó đây trên bờ ruộng khói bốc lên từ những đống lửa đốt cỏ năn. Mùi ngai ngái. Cảnh nửa hoang sơ nửa đầm ấm.
Dẫn tôi đi thăm đồng là mấy đứa nhỏ đi chân đất. Tụi nó nhanh nhẩu tranh nhau trả lời những câu hỏi ngốc nghếch của tôi. Các con có phải chăn trâu không? Không. Chăn trâu làm gì? Muốn cày đất thì mướn máy cày. Vậy hả? Mấy người kia chắc là đi cấy lúa? Đâu phải, họ đi dặm lúa đó. Là sao? Thì lúa sạ có chỗ mọc tốt có chỗ không, chỗ nào thưa thì phải dặm lại. Sạ lúa là hốt lúa vãi ra đồng phải không? Không. (Bà này không biết cái gì hết! Tụi nó ngao ngán nói với nhau) Có cái máy sạ chứ, lúa ngâm mọc mộng rồi mới sạ. Tụi nó dẫn tôi đi coi cái “máy sạ” ấy, cho đỡ mất công diễn tả. Nhưng vì tôi vẫn không hình dung được cái máy ấy sạ như thế nào, một đứa bèn kéo cái máy ra biểu diễn minh hoạ. Coi bộ nó thành thạo việc nhà nông mặc dù mới chừng mười tuổi.

Ở một cái quán bên đường, người đàn ông trung niên, uống cà phê, nhìn bọn trẻ nói: “Tụi nó bây giờ đỡ cực rồi. Hồi tui bằng tuổi tụi nó, ông già dắt tui về đây, đi móc củ, ngón tay ngón chưn phèn đóng vàng khè, lở loét, đói không sợ bằng khát, nhiều bữa khát xỉu luôn.” Bọn trẻ ngồi quanh có vẻ hiểu sự may mắn của thế hệ mình. Vài ba vạt cỏ năn ngoài đồng giúp chúng tưởng tượng nỗi kinh khủng của cánh đồng năn mênh mông. Thỉnh thoảng nghe người lớn kể chuyện hồi mới đến lập nghiệp ở đất này, chúng cũng biết ít nhiều là “hồi xưa” cực khổ ghê gớm lắm. Hồi xưa là thời của ông bà nội ông bà ngoại của tụi nó, cùng lắm là thời cha mẹ chú bác tụi nó.

Bây giờ tụi nó thấy xe hơi chạy ngoài đường thíêu gì, coi ti vi biết đủ thứ chuyện trên thế giới. Đứa nào khôn thì ráng học, để “mai mốt có Tây đến chơi xứ mình, mình biết nói tiếng Anh tíêng Mỹ với người ta, héng con?” Người đàn ông vỗ đầu đứa nhỏ, nó nhoẻn miệng cười.

Lý Lan
(bài đăng báo Yêu Trẻ)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222