phỏng vấn
Trứơc Tết mình có trả lời phỏng vấn của Hoàng Nhân, nghe nói bài đã đăng báo sau Tết, nhưng mình chưa thấy mặt mũi nó ra sau. Đành đem nguyên văn bài mình trả lời đăng lên đây chơi.
* Chị dịch Harry Potter từ đầu đến cuối, mới nhất là cuốn sách viết về thế giới phù thủy cuối cùng của J.K.Rowling. Dịch tức là đọc rất kỹ một tác phẩm, chị thử “so sánh” về “tài năng” của nhà văn ta với J.K.Rowling trong việc cho ra một cuốn sách hút hồn độc giả nhí như vậy?
- Tôi không làm chuyện “so sánh” về “tài năng” của nhà văn, dù dùng chữ trong ngoặc kép. Nếu đặt vấn đề chúng ta có thể làm được một tác phẩm ăn khách kiểu Harry Potter như của bà J.K.Rowling hay không, thì tôi nghĩ là trong phạm vi cộng đồng nói tiếng Việt thì có thể. Thực tế là trên khắp thế giới người ta đã “bắt chước” bà Rowling từ khi Harry Potter đang thịnh hành 5,7 năm trước, nhưng không ai thành công như bà về lượng phát hành và tầm cỡ thế giới. Có những bộ sách nhái Harry Potter cũng bán được vài triệu bản ở Nga và Trung quốc. Trong bối cảnh văn hoá đọc ở Việt Nam nếu một quyển sách nào bán được vài chục ngàn bản thì kể như là ăn khách, là thành công về mặt thương mại rồi. Còn đặt vấn đề nổi tiếng toàn cầu như bà Rowling thì tôi nghĩ chúng ta bất lợi hơn vì chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh phổ cập toàn cầu. Chúng ta có những tài nguyên lịch sử, văn hóa khổng lồ như những mỏ quặng mà nếu biết khai thác sẽ có thể tinh luyện thành những tác phẩm có giá trị.
* Chị đã từng nói rằng: Vì không có người đầu tư nên chị chưa chú trọng viết sách giải trí cho thíêu nhi. Theo chị “đầu tư” ở đây nên được hiểu như thế nào?
- Lâu nay, các hội nhà văn thường đầu tư cho hội viên bằng cách cấp cho họ một số tiền. Tôi không nghĩ trợ cấp là đầu tư cho nhà văn. Nếu cần vài chục triệu để khỏi lo cơm áo trong vài tháng để viết, tôi tự lo được. Nói “đầu tư” là nói chuyện kinh doanh lớn: muốn có sản phẩm chiếm được thị trường rộng thu lợi nhuận nhiều thì phải đầu tư lớn từ A đến Z, từ nguồn sản xuất đến người tiêu dùng, mà khâu chế tác sản phẩm chỉ là một công đoạn chịu sự chi phối chặt chẽ của các khâu nghiên cứu thị trường, cung cấp nguyên vật liệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, phân phối hàng hoá, dịch vụ bảo hành. Thí dụ, tôi muốn viết về trẻ em đường phố, “nhà đầu tư” có nghiên cứu thị trường thấy rằng hiện tượng trẻ em bỏ nhà đi bụi là mối quan tâm của phụ huynh và các nhà giáo dục hiện nay sẽ tìm cách tạo điều kiện cho nhà văn tiếp cận được thực tế tình trạng này và hiểu biết nỗi quan tâm của những người-tiêu-thụ-tiềm-năng là các phụ huynh, nhà giáo dục, người quan tâm đến trẻ em, đến xã hội, hay làm công tác xã hội. Nếu đầu tư giỏi vào một sản phẩm giải trí thì người ta coi trọng chuyên môn trong từng khâu tìm hiểu thị trường đến quảng bá phân phối sản phẩm. Ấy là chúng ta đang nói chuyện làm sách bán chạy. Muốn có những tác phẩm văn học không nhắm vào thị trường là chuyện khác. Nếu ở trong tầm ngắm của người “đầu tư” chuyên nghiệp thì tôi cũng sẽ thử viết một bộ sách “ăn khách” để kiếm tiền. Ngược lại, tôi cứ viết điều tôi nghĩ và cái tôi thích, bất chấp thị trường, chẳng khoái hơn sao?
* Chứ không phải chúng ta chưa có những tác phẩm “hoành tráng” bởi vì nhuận bút cho nhà văn rẻ như bèo?
- Nhuận bút sách hiện nay quả thực là thấp, vì nhà văn bị ức hiếp quá trong cơ chế thị trường lẫn cơ chế hành chính hiện nay. Một thí dụ: sách “luộc”, sách giả, sách lậu, bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là sự ăn cắp lợi nhuận chính đáng của nhà văn. Tôi không dùng chữ “hoành tráng” để miêu tả sách, tôi chỉ nhấn mạnh là sách ở xứ nào cũng có sách nhắm vào thị trường, coi “bán chạy” là tiêu chí hàng đầu, nhưng đồng thời có nhiều sách khác hướng đến những tiêu chí khác. Cho nên không phải người viết sách nào cũng lấy tiền làm thước đo công việc mình làm. Một cuốn sách ăn khách có thể không có giá trị gì đối với những người không thích a dua theo bầy đàn. Một cuốn sách được viết theo những tiêu chí bất kể thị trường có thể đem lại những điều khác hơn tiền bạc.
*Thưa chị, nhà văn mà sáng tác theo định hướng thị trường như vậy có bị coi là làm hàng “chợ” không?
- Tôi hiểu “thị” trong thị trường là “chợ”, nhưng “hàng chợ” theo nghĩa thông dùng là hàng sản xuất quấy quá, số lượng nhiều, bán rẻ. Tôi thích chợ vì tính đại chúng và năng động của nó, còn hàng chợ thì gặp lúc nghèo cũng xài đỡ. Đời sống đa dạng, phong phú, mà tôi thì thích nếm trải. Trẻ em mau lớn, mua áo quần “hàng chợ” mặc vài tháng đã thấy chật, bỏ đi mua áo khác, không hề gì. Người viết đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội bằng lao động phù hợp với thù lao là điều chấp nhận được. Tôi thực tâm yêu mến những người làm giấy tiền đô la “hàng chợ” để đốt cho cô hồn tháng 7 hơn những người nắm đô la thiệt mà làm điêu đứng bao nhiêu người trên thế gian này.
* Nhưng hiện nay, sách muốn bán chạy phải biết “PR”, quảng cáo… trong khi nhà văn ta lại rất lơ mơ trong các khâu này?
- “PR”, quảng cáo, tiếp thị là những nghề cần có chuyên môn, là những môn được đào tạo ở các trường đại học và trường chuyên nghiệp. Ai có năng khiếu hay chuyên môn về nghề này thì chọn nghề này sống dễ hơn viết văn. Nhà văn ngày nay muốn có thị trường cho sách mình viết thì không thể không được “PR”, hay lăng xê, quảng cáo. Càng tinh vi, càng chuyên nghiệp, càng nổi đình nổi đám, càng thành công. Trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới, cũng như trong các ngành kinh doanh khác, vai trò quảng cáo rất quan trọng. Tôi thấy ngành xuất bản ở nước mình đang tìm cách vươn tới tầm kỷ nghệ, chắc chắn việc quảng cáo chuyên nghiệp sẽ có vị trí của nó. Vị trí nhà văn trong công nghệ xuất bản là chế tác đạt chuẩn sản phẩm trong qui trình, chuyện khác có người khác lo. Nhà văn giữ được vị trí ở ngoài guồng máy để sáng tạo độc lập phải có bản lĩnh và phải chấp nhận cuộc chiến đấu của Đông Ki Xốt.
* Được biết chị sống ở nước ngoài khá lâu, chị có thể nói đôi chút về toàn cầu hóa văn hóa?
- Toàn cầu hóa văn hóa không có nghĩa là xóa nhòa hay triệt tiêu tính địa phương và bản sắc các nền văn hoá dân tộc. Ngược lại, chính đặc sắc văn hoá của từng địa phương đóng góp và tạo thành màu sắc của văn hoá toàn cầu. Ví dụ, một hãng sản xuất dầu gội đầu tầm cỡ toàn cầu muốn quảng bá sản phẩm ở Việt Nam, họ thay mái tóc vàng óng của người mẫu thành mái tóc đen huyền. Chúng ta thấy trang trí Noel và năm mới dương lịch trên đường phố xứ mình như biểu hiện của toàn cầu hoá, nhưng nếu qua xứ người vào dịp Tết âm lịch cũng thấy những hoạt động văn hoá của các cộng đồng Á Đông tưng bừng và ngày càng được dân bản xứ Âu Mỹ Úc chú ý. Vấn đề là không thể bảo thủ văn hoá địa phương hay văn hoá dân tộc, mà làm sao phát triển bản sắc riêng trong chiều hướng toàn cầu. Thí dụ, nhà văn Việt Nam viết tiếng Việt nhắm vào cộng đồng người nói tiếng Việt để tìm độc giả và đề tài, mà độc giả tiếng Việt thì ở trên khắp thế giới và đề tài người Việt quan tâm có nhiều trùng khớp với những quan tâm của người trên toàn cầu. Một tác phẩm đáp ứng được những mối quan tâm đó thì có khả năng tìm được thị trường không chỉ trong cộng đồng nói tiếng Việt.
*Xin cảm ơn chị, chúc chị năm mới sẽ có những “Harry Potter” cho độc giả Việt!
Cảm ơn bạn. Nhưng hãy chúc tôi năm mới không đến nỗi túng tiền để có thể sống và viết ngoài cơn lốc thị trường.
* Chị dịch Harry Potter từ đầu đến cuối, mới nhất là cuốn sách viết về thế giới phù thủy cuối cùng của J.K.Rowling. Dịch tức là đọc rất kỹ một tác phẩm, chị thử “so sánh” về “tài năng” của nhà văn ta với J.K.Rowling trong việc cho ra một cuốn sách hút hồn độc giả nhí như vậy?
- Tôi không làm chuyện “so sánh” về “tài năng” của nhà văn, dù dùng chữ trong ngoặc kép. Nếu đặt vấn đề chúng ta có thể làm được một tác phẩm ăn khách kiểu Harry Potter như của bà J.K.Rowling hay không, thì tôi nghĩ là trong phạm vi cộng đồng nói tiếng Việt thì có thể. Thực tế là trên khắp thế giới người ta đã “bắt chước” bà Rowling từ khi Harry Potter đang thịnh hành 5,7 năm trước, nhưng không ai thành công như bà về lượng phát hành và tầm cỡ thế giới. Có những bộ sách nhái Harry Potter cũng bán được vài triệu bản ở Nga và Trung quốc. Trong bối cảnh văn hoá đọc ở Việt Nam nếu một quyển sách nào bán được vài chục ngàn bản thì kể như là ăn khách, là thành công về mặt thương mại rồi. Còn đặt vấn đề nổi tiếng toàn cầu như bà Rowling thì tôi nghĩ chúng ta bất lợi hơn vì chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh phổ cập toàn cầu. Chúng ta có những tài nguyên lịch sử, văn hóa khổng lồ như những mỏ quặng mà nếu biết khai thác sẽ có thể tinh luyện thành những tác phẩm có giá trị.
* Chị đã từng nói rằng: Vì không có người đầu tư nên chị chưa chú trọng viết sách giải trí cho thíêu nhi. Theo chị “đầu tư” ở đây nên được hiểu như thế nào?
- Lâu nay, các hội nhà văn thường đầu tư cho hội viên bằng cách cấp cho họ một số tiền. Tôi không nghĩ trợ cấp là đầu tư cho nhà văn. Nếu cần vài chục triệu để khỏi lo cơm áo trong vài tháng để viết, tôi tự lo được. Nói “đầu tư” là nói chuyện kinh doanh lớn: muốn có sản phẩm chiếm được thị trường rộng thu lợi nhuận nhiều thì phải đầu tư lớn từ A đến Z, từ nguồn sản xuất đến người tiêu dùng, mà khâu chế tác sản phẩm chỉ là một công đoạn chịu sự chi phối chặt chẽ của các khâu nghiên cứu thị trường, cung cấp nguyên vật liệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, phân phối hàng hoá, dịch vụ bảo hành. Thí dụ, tôi muốn viết về trẻ em đường phố, “nhà đầu tư” có nghiên cứu thị trường thấy rằng hiện tượng trẻ em bỏ nhà đi bụi là mối quan tâm của phụ huynh và các nhà giáo dục hiện nay sẽ tìm cách tạo điều kiện cho nhà văn tiếp cận được thực tế tình trạng này và hiểu biết nỗi quan tâm của những người-tiêu-thụ-tiềm-năng là các phụ huynh, nhà giáo dục, người quan tâm đến trẻ em, đến xã hội, hay làm công tác xã hội. Nếu đầu tư giỏi vào một sản phẩm giải trí thì người ta coi trọng chuyên môn trong từng khâu tìm hiểu thị trường đến quảng bá phân phối sản phẩm. Ấy là chúng ta đang nói chuyện làm sách bán chạy. Muốn có những tác phẩm văn học không nhắm vào thị trường là chuyện khác. Nếu ở trong tầm ngắm của người “đầu tư” chuyên nghiệp thì tôi cũng sẽ thử viết một bộ sách “ăn khách” để kiếm tiền. Ngược lại, tôi cứ viết điều tôi nghĩ và cái tôi thích, bất chấp thị trường, chẳng khoái hơn sao?
* Chứ không phải chúng ta chưa có những tác phẩm “hoành tráng” bởi vì nhuận bút cho nhà văn rẻ như bèo?
- Nhuận bút sách hiện nay quả thực là thấp, vì nhà văn bị ức hiếp quá trong cơ chế thị trường lẫn cơ chế hành chính hiện nay. Một thí dụ: sách “luộc”, sách giả, sách lậu, bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là sự ăn cắp lợi nhuận chính đáng của nhà văn. Tôi không dùng chữ “hoành tráng” để miêu tả sách, tôi chỉ nhấn mạnh là sách ở xứ nào cũng có sách nhắm vào thị trường, coi “bán chạy” là tiêu chí hàng đầu, nhưng đồng thời có nhiều sách khác hướng đến những tiêu chí khác. Cho nên không phải người viết sách nào cũng lấy tiền làm thước đo công việc mình làm. Một cuốn sách ăn khách có thể không có giá trị gì đối với những người không thích a dua theo bầy đàn. Một cuốn sách được viết theo những tiêu chí bất kể thị trường có thể đem lại những điều khác hơn tiền bạc.
*Thưa chị, nhà văn mà sáng tác theo định hướng thị trường như vậy có bị coi là làm hàng “chợ” không?
- Tôi hiểu “thị” trong thị trường là “chợ”, nhưng “hàng chợ” theo nghĩa thông dùng là hàng sản xuất quấy quá, số lượng nhiều, bán rẻ. Tôi thích chợ vì tính đại chúng và năng động của nó, còn hàng chợ thì gặp lúc nghèo cũng xài đỡ. Đời sống đa dạng, phong phú, mà tôi thì thích nếm trải. Trẻ em mau lớn, mua áo quần “hàng chợ” mặc vài tháng đã thấy chật, bỏ đi mua áo khác, không hề gì. Người viết đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội bằng lao động phù hợp với thù lao là điều chấp nhận được. Tôi thực tâm yêu mến những người làm giấy tiền đô la “hàng chợ” để đốt cho cô hồn tháng 7 hơn những người nắm đô la thiệt mà làm điêu đứng bao nhiêu người trên thế gian này.
* Nhưng hiện nay, sách muốn bán chạy phải biết “PR”, quảng cáo… trong khi nhà văn ta lại rất lơ mơ trong các khâu này?
- “PR”, quảng cáo, tiếp thị là những nghề cần có chuyên môn, là những môn được đào tạo ở các trường đại học và trường chuyên nghiệp. Ai có năng khiếu hay chuyên môn về nghề này thì chọn nghề này sống dễ hơn viết văn. Nhà văn ngày nay muốn có thị trường cho sách mình viết thì không thể không được “PR”, hay lăng xê, quảng cáo. Càng tinh vi, càng chuyên nghiệp, càng nổi đình nổi đám, càng thành công. Trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới, cũng như trong các ngành kinh doanh khác, vai trò quảng cáo rất quan trọng. Tôi thấy ngành xuất bản ở nước mình đang tìm cách vươn tới tầm kỷ nghệ, chắc chắn việc quảng cáo chuyên nghiệp sẽ có vị trí của nó. Vị trí nhà văn trong công nghệ xuất bản là chế tác đạt chuẩn sản phẩm trong qui trình, chuyện khác có người khác lo. Nhà văn giữ được vị trí ở ngoài guồng máy để sáng tạo độc lập phải có bản lĩnh và phải chấp nhận cuộc chiến đấu của Đông Ki Xốt.
* Được biết chị sống ở nước ngoài khá lâu, chị có thể nói đôi chút về toàn cầu hóa văn hóa?
- Toàn cầu hóa văn hóa không có nghĩa là xóa nhòa hay triệt tiêu tính địa phương và bản sắc các nền văn hoá dân tộc. Ngược lại, chính đặc sắc văn hoá của từng địa phương đóng góp và tạo thành màu sắc của văn hoá toàn cầu. Ví dụ, một hãng sản xuất dầu gội đầu tầm cỡ toàn cầu muốn quảng bá sản phẩm ở Việt Nam, họ thay mái tóc vàng óng của người mẫu thành mái tóc đen huyền. Chúng ta thấy trang trí Noel và năm mới dương lịch trên đường phố xứ mình như biểu hiện của toàn cầu hoá, nhưng nếu qua xứ người vào dịp Tết âm lịch cũng thấy những hoạt động văn hoá của các cộng đồng Á Đông tưng bừng và ngày càng được dân bản xứ Âu Mỹ Úc chú ý. Vấn đề là không thể bảo thủ văn hoá địa phương hay văn hoá dân tộc, mà làm sao phát triển bản sắc riêng trong chiều hướng toàn cầu. Thí dụ, nhà văn Việt Nam viết tiếng Việt nhắm vào cộng đồng người nói tiếng Việt để tìm độc giả và đề tài, mà độc giả tiếng Việt thì ở trên khắp thế giới và đề tài người Việt quan tâm có nhiều trùng khớp với những quan tâm của người trên toàn cầu. Một tác phẩm đáp ứng được những mối quan tâm đó thì có khả năng tìm được thị trường không chỉ trong cộng đồng nói tiếng Việt.
*Xin cảm ơn chị, chúc chị năm mới sẽ có những “Harry Potter” cho độc giả Việt!
Cảm ơn bạn. Nhưng hãy chúc tôi năm mới không đến nỗi túng tiền để có thể sống và viết ngoài cơn lốc thị trường.