phương pháp hiện thực

(Đây là một truyện ngắn mình từng gởi cho một tờ báo tử tế, người biên tập là bạn thân, nên bảo mình là truyện đau quá, không thể đăng, dễ bị xuyên tạc, chụp mũ này nọ, nhất là chi tiết thằng Chí là xã đội, nên sửa chi tíêt đó, cho nó là cha căng chú kiết gì cũng được, và cắt bỏ cái vĩ thanh đi, cho ai muốn hiểu sao thì hiểu. Mình không chịu sửa. cái truyện đành bỏ đó. Bỗng dưng có một người gởi email, xưng là ở báo Đất Việt, xin mình một truyện ngắn để đăng vào trang sáng tác báo chủ nhật. Mình chưa hề thấy tờ báo đó, không biết ai chủ trương. Người gởi email là bạn đọc thơ mình nên mình không nỡ từ chối. Bèn gởi cái truyện này, nghĩ là nếu người ta không đăng, hay cắt xén sửa sang, thì thôi, nếu đăng thì tốt. Hôm nay nhận được báo biếu thấy truyện đã đăng, nguyên văn.)

Câu chuyện hoàn toàn có thể viết y như nó đã xảy ra. Nhưng chủ nghĩa hiện thực không ăn khách nữa, hoặc không hấp dẫn độc giả trẻ, theo như một số nhà phê bình hiện nay khẳng định. Tôi cũng đồng ý là viết một câu chuyện y chang sự thật thì viết làm gì?

Sự thật đơn giản: Khi Bé Na tròn mười tám tuổi, sẽ lấy chồng Hàn quốc. Một phần vì nhiều đứa con gái trong xóm đã đi làm dâu nước ngoài, đường đi nước bứơc đã rành. Dẫu sốt ruột thì thằng Nhứt cũng phải đợi con gái nó đủ tuổi luật pháp cho kết hôn. Thời buổi này nhà có con gái khác nào có được miếng đất ba sào, dẫu kỳ công trồng trọt cái gì đi nữa cũng không khá nổi, chỉ trông mong giá đất lên, may ra bán được, không giàu thì cũng đỡ nghèo.

Đề tài giàu nghèo, nhứt là nghèo vô vọng, cũng như đề tài lấy chồng ngoại, tuy thời sự nhưng oái oăm là không mới lạ đã đành mà cũng không sắc cạnh hay to tát. Báo chí đã khai thác tanh banh những chuyện như cô dâu Việt nhảy lầu tự tử hoặc bị chồng ngoại giết hại thảm khốc hay bán lại nhà thổ. Thể loại phóng sự điều tra đắc dụng trong nỗ lực phơi bày sự thật có tính răn đe và báo động. Truyện ngắn là chuyện hư cấu. Làm sao hư cấu cho hấp dẫn một câu chuyện không thể nào khốc liệt hơn thực tế?

Thằng Nhứt, dù xấp xỉ bốn chục tuổi, cả trong xóm lẫn ngoài chợ vẫn gọi nó là thằng Nhứt, gọi vợ nó là con vợ thằng Nhứt, bé Na là con gái thằng Nhứt, mấy đứa em Na là đám con cái thằng Nhứt. Cả nhà nó ban ngày sống ngoài chợ. Con vợ nó bán rau muống, nó khiêng vác xách đẩy mướn, con cái nó đi vơ vẩn trong chợ, không hẳn ăn xin hay ăn cắp, ai cho gì ăn nấy, thấy cái gì rớt thì lượm. Đứa lớn lớn một chút thì bưng cái rổ có mấy cọng hành lá, ớt hiểm, chanh, tỏi… đi bán ngoài rìa chợ.

Bé Na bắt đầu bưng rỗ từ tám chín tuổi. Tới mười bảy tuổi mười một tháng rưởi Na vẫn còn bưng rỗ hành tỏi chanh ớt bán ở rìa chợ. Không có vốn, không biết nghề gì khác, Na cũng không nghĩ ra cách sống nào khác. Bưng một cái rỗ chanh ớt tỏi hành đứng ở rìa chợ, nhìn người ta qua lại, hóng hớt chuyện bên xóm này xóm kia, đưa qua đẩy lại mấy câu chọc ghẹo của mấy đứa bán quần áo cũ, kiếng mát, vé số… thật ra là một việc nhẹ nhàng.

Một buổi chợ sớm qua rất nhanh, chợ dọn xong là trưa rồi, lật bật ăn uống rửa ráy là hết chiều, coi hai ba tập phim truyền hình nữa là xong buổi tối. Thời gian cứ vậy mà trôi qua. Thằng Nhứt từ một thằng lêu bêu đầu đường xó chợ đã trở thành cha của một đám con nít lêu bêu xó chợ đầu đường. Vợ thằng Nhứt từ một con bán rau muống thành mẹ của một con bán hành tỏi. Hai vợ chồng thằng Nhứt không phải là không biết đến hạnh phúc hay tình yêu. Hai đứa cũng từng có thời hẹn hò chim chuột, cũng hứa hẹn, ước mơ, và trải qua những giờ phút mặn nồng, gọi là hạnh phúc thì cũng là hạnh phúc.

Bé Na cũng biết đến tình yêu, tức là những nhớ nhung, đeo đuổi, hôn hít, ghen tuông, hiểu lầm và khóc hận trong những bộ phim nó mê xem từ hồi mừơi ba mười bốn tuổi. Lúc mới trổ mã nó đã cặp bồ với thằng Ni trong xóm. Ban đầu là do con nít ghép tên Ni Na trong bài đồng dao hát nghêu ngao: “Úp lá đa, con Na thằng Ni, úp đi úp lại, úp đại úp mề…” Sau đó, chê thằng Ni con nít, Na để ý thằng Vạn bán quần áo cũ. Cuộc tình này không lâu vì thằng Vạn là dân lưu linh lưu địa, vác bao đồ đi hết chợ này đến chợ khác, tuy cũng có hẹn thề sẽ cưới Na, nhưng một năm trời sau vẫn chưa vác mặt về. May mà Na không có chửa. Nó đang bồ với thằng Chí ở xã đội khi tin tức lan truyền khắp chợ: thằng Nhứt sắp có rễ Hàn quốc.

Thằng Chí sanh trưởng ở xóm Chót, từ đó ra chợ không có đường bộ, toàn bơi xuồng. Mà dân xóm đó cũng ít đi chợ. Như nhà thằng Chí, mỗi năm chỉ đi chợ sáu bảy lần, khi có đám giỗ. Thằng Chí đi nghĩa vụ quân sự mới ra khỏi xóm nó lần đầu tiên trong đời. Nhưng khi về đóng ở xã đội, Chí đã biết nhiều nơi xa hơn làng xóm của nó, nhờ đi huấn luyện hay đi công tác. Chí đen, mặt lấm tấm mụn.
Buổi chiều tin đồn lan ra, Chí tới nhà thằng Nhứt, đeo theo một cái túi dết phồng phồng. Chị em con Na đã đi coi ké truyền hình ở quán bi da đầu xóm. Vợ thằng Nhứt đang bó rau muống ở bờ ao sau nhà. Chỉ còn thằng Nhứt nằm khểnh trên cái giường tre, xương cốt ê ẩm vì hôm đó nó đã vác cả trăm quày chuối xuống ghe.
Chí chào hỏi rồi ngồi xuống chiếc ghế đẩu khập khiểng. Nó kêu thằng Nhứt là bác.
“Thưa bác, xin bác đừng gả Na cho Hàn quốc. Hàn quốc mua Na năm mười triệu là cùng. Con có mười triệu đây, xin bác gả Na cho con.”
Chí banh miệng túi dết cho thằng Nhứt thấy mấy cục tiền dày cui cột dây thun ngay ngắn như gạch thẻ. Đó là lần đầu tiên trong đời thằng Nhứt thấy nhiều tiền như vậy, ở một cự ly gần như vậy, thậm chí có thể thọc tay vô túi là cầm được.
Chí túm miệng túi dết lại, thằng Nhứt mới chớp được mắt. Nó chớp chớp mắt không biết đang chiêm bao hay đang thức. Bỗng nhiên đầu nó bốc hoả, máu chạy rần rần khắp châu thân như thể nó vừa ực một chung rượu đế . Thằng Nhứt thấy lâng lâng phơi phới. Nó vẫn ngó chằm chằm cái túi tiền, miệng lúng búng không ra tiếng. “Mầy… mầy… mầy…”

Chuyện thằng Chí ôm một đống tiền mười triệu đòi cưới con Na chỉ cần mười lăm tiếng đồng hồ sau là lan khắp chợ. Nhưng trước đó, nó nổ như bom trong cái chòi lá của gia đình thằng Nhứt.
Có hai giai đoạn: đoạn đầu là vợ thằng Nhứt đang bó rau muống thì bị chồng kêu giựt ngược vô nhà. Sau khi biết lý do có mặt của Chí, vợ thằng Nhứt nghe lời chồng tất tả đi ra chợ. Trời đã tối, nhưng ở góc chợ vẫn sáng mấy ngọn đèn nê ông, là nơi dân nhậu lai rai mỗi đêm. Vợ thằng Nhứt mua rượu đế, đậu phộng rang, hột vịt lộn, sò lông nướng, một tô cháo vịt đựng trong bịch ni lông, và một con mực nướng bự bằng bàn tay, kèm theo rất nhiều tương ớt.
Thằng Nhứt và ‘thằng rể’ nhậu với nhau buổi tối đó gọi là ‘ra mắt’ - thằng Nhứt nghĩ ra cái từ đó, lập đi lập lại đắc ý. Nghe Chí một điều ‘bác’ hai điều ‘con’ thằng Nhứt cảm thấy vinh dự vô cùng, bắt đầu ra giọng bậc trên trước theo kiểu nó tưởng tượng. Dạy Chí phải mời ba má nó đến đây nói chuyện. À, phải báo cáo thủ trưởng trước chứ, phải không? Quân đội mà. Khi Chí ra về thì nó đã say lắm.

Thằng Nhứt cũng say, nằm ngủ như chết khi đám con nó lục tục trở về. Thằng Bèo vừa nghe má nó kể khúc đầu chưa tới khúc đuôi đã vọt ra khỏi nhà, chạy một mạch qua nhà con Nhím, ngoắc con bồ nó ra sau chùa Quan Âm, tuyên bố: “Sang năm anh cứơi em! Chị Na sắp lấy chồng giàu, tiền giấy trăm ngàn từng bó từng bó đầy một bao bố.”
Con Nhím nhảy cẩng lên, mừng lắm, dù hơi ganh tỵ.
Hai đứa nó ôm nhau hôn hít một lúc thì không còn bận tâm gì trời đất nữa.
Ở nhà, Na nằm nghe ba nó ngáy từng hồi khò…ò…ò….ò… mà sốt ruột. Nó trông cho cha nó thức dậy và nói chuyện định đoạt số phận nó cho ra đầu ra đũa. Nó trông cho trời mau sáng. Nó muốn chạy lên xã đội để tìm thằng Chí hỏi cho ra lẽ. Có đúng là anh muốn cưới em? Nhưng rồi nó cũng ngủ thíêp đi.

Câu chuyện tới đây chẳng lẽ kết thúc?

Vĩ thanh: Tôi không thể nào bịa ra một kết cục tiểu thuyết hơn hiện thực. Tôi muốn cho hai đứa nó cưới nhau và cầu chúc tụi nó trăm năm hạnh phúc, rồi tụi nó hạnh phúc được năm ngày hay bảy bữa thì là chuyện của tụi nó. Nhưng trước khi phiên chợ ngày hôm sau tàn, cả chợ đã no cười chuyện tiếu lâm thằng Chí vác một bao bố tiền đi hỏi cưới con Na. Và trước khi con Na tìm gặp được người yêu để khẳng định điều đó thì xác thằng Chí được phát hiện kẹt ở miệng cống Giáp Xã. Lục khắp người nó không ra một đồng bạc.

Lý Lan
(đăng báo Đất Việt)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222