"Con trâu Việt Nam"

Chúng tôi xin được gặp giáo sư Võ Tòng Xuân “vào bất cứ ngày giờ nào và bất cứ ở đâu tiện nhứt cho thầy.” Ông hẹn 9:30 sáng thứ ba ở Sài Gòn. Khoảng 9 giờ ông gọi điện báo là ông đã từ Long Xuyên đi lúc 5 giờ sáng, bây giờ đang tới Long An. Chưa đầy một giờ sau, ông đến, câu đầu tiên là “Sẵn sàng chưa? Đi!” Chúng tôi lúng túng. Kế hoạch ban đầu là chúng tôi sẽ khởi hành về các tỉnh miền Tây sau khi gặp ông, còn ông thì có việc khác ở lại thành phố. Nhưng ông bảo vừa nhận được điện thoại của đồng nghiệp mời về đại học Cần Thơ cắt băng khánh thành cơ sở mới của viện Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nên phải quay về ngay để kịp buổi lễ lúc 4 giờ chiều nay. Ông giục: “Lên xe! Chúng ta có 5 tiếng đồng hồ để nói chuyện.”

Xe vừa khởi hành ông bắt đầu: “Để tôi nói trước.” Và câu chuyện liên tục suốt chặng đường Sài Gòn - Cần Thơ về lúa, đất, nước, người, chính sách, thị trường, môi trường. Chủ yếu là giáo sư Xuân nói, những người khác cắm cúi ghi, chỉ tham gia cuộc chuyện trò bằng các câu hỏi. Họ căng tai căng đầu làm việc trong khi giáo sư Xuân thao thao giảng, rành mạch, súc tích, sắc xảo và gợi mở. Xe về tới đại học Cần Thơ, câu chuyện tạm ngừng, người nghe bần thần như vừa dự xong một seminar thú vị hữu ích, mà giáo sư Xuân vẫn ung dung nhảy xuống xe, tiếp tục đọc một diễn văn cho buổi lễ khánh thành, giọng vẫn sang sảng, lời gãy gọn, ý tứ sắc bén. Có lẽ tôi nên ghi chú một điều: suốt 5 tiếng đồng hồ trên xe giáo sư Xuân đã thảo luận liên tục với 2 giáo sư Mỹ bằng tíêng Anh.
(Cắt băng khánh thành cơ sở mới của viện Nghiên cứu và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mart Stewart )

Sau buổi lễ và buổi cơm chiều, khoảng 8 giờ tối, ông lên xe về nhà ở Long Xuyên nghỉ đêm, để sáng hôm sau lại trở lên Sài Gòn lo công việc. Ngồi trên xe một mình ông mở máy tính xách tay lặng lẽ làm việc. Hai bên đường đã tối, nhưng ông biết ở đâu lúa đã sạ, ở đâu lúa bị bệnh gì, cánh đồng nào gặt được bao nhiêu, giá lúa trên thị trường đang diễn biến thế nào. Và ở đâu đó trên thế giới, xa như châu Phi, châu Mỹ, gần như Philippines, Thái Lan, nhiều người biết ông đang làm gì. Họ đọc và trích dẫn các công trình của ông, tìm cách liên hệ ông để thiết lập những sự hợp tác, hy vọng tri thức và kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp và trồng lúa của ông giúp ích cho nước họ, và họ trao những giải thưởng vẻ vang cho ông, rước mời ông đến các hội nghị và các trường đại học của họ.

Có thể sắp tới ông sẽ dắt những nông dân thíêu đất ở đồng bằng sông Cửu Long sang Paraguay mướn đất làm nông trại. Nếu công việc đang tíên hành hiện nay suôn sẻ thì ông sẽ đưa nông dân mình sang Nigeria hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” cho nông dân Phi châu làm lúa để giúp họ thoát nạn thíêu lương thực. Ông nói “Họ ăn gạo nhưng không biết làm ra gạo”. Tôi nói “Như vậy cũng tốt, mình có thị trường để xuất khẩu gạo”. Nhưng ông nói “Không tốt. Phải giúp người ta thoát đói nghèo. Các nước phương Tây đã bỏ ra cả tỷ đô để viện trợ châu Phi nhưng dân chúng vẫn đói nghèo, không tự lực sống được.” Ông chọn cách chia sẻ với người ta cách làm ra gạo ăn chứ không phải cho hay bán gạo. Thay vì xuất khẩu sản phẩm thô là lúa gạo, nay giáo sư Xuân và các nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang tính chuyện xuất khẩu sản phẩm cao cấp hơn, là tri thức và kinh nghiệm làm lúa gạo. Thầy trò ông có đủ uy tín chuyên môn và ít có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này.
(Hình này do Mart Stewart chụp, để đăng lên blog chơi chứ không đăng báo – Giáo sư Võ Tòng Xuân là người mặc áo sọc đang nói chuyện,người có râu đang “phục vụ” là giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng đại học Cần Thơ)


“Còn công việc của thầy ở Việt Nam?” Ông bảo ông về hưu rồi, đã trao chức vụ hiệu trưởng viện đại học An Giang cho học trò của mình. Người ta nói với ông, là hiệu trưởng ông đưa quyết định về hưu cho những người 60 tuổi, mà ông thì 68 tuổi, coi không được. Ông vẫn làm cố vấn cho ngôi trường mà ông đã dốc sức tạo dựng 8, 9 năm trời, đồng thời tham gia 3 dự án thành lập viện đại học khác. Nhìn ông làm việc, đi đứng, giao tiếp, ăn uống, giảng giải… như một người đang ở đỉnh sung mãn. Không thể chấp nhận một người như vậy phải nghỉ ngơi. Thực tế là ông vẫn làm việc không ngừng với hiệu quả cao. Khiến tôi nhớ đến những người quen biết khác cũng vừa nghỉ hưu ở tuổi 60, thậm chí 55 (nữ). Họ đều chấp nhận hưu chức vụ chứ không hề nghỉ làm việc. Người nào cũng hăng hái lao vào những kế hoạch lớn lao táo bạo, mà ở vị trí ngoài nhà nước, họ mạnh dạn và rộng chỗ thi thố tài năng hơn.

Tôi đã thấy những người cống hiến cả đời, và hưởng thụ, ở nước ngoài, đến tuổi về hưu thì mong muốn trở lại quê nhà đóng góp vào việc phát triển đất nước. Lá rụng về cội, họ vẫn đáng quí. Giáo sư Xuân là trường hợp độc đáo ngược lại: ông dành trọn cả đời, ngay từ khi vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật đã vội vã trở về với đất nước đang hồi chiến tranh quyết liệt, gắn bó trong đói nghèo gian khó với nông dân, đào tạo con em họ và giúp họ vươn lên từ chỗ thiếu ăn đến xuất khẩu gạo (hạng nhì trên thế giới), và khi phải về hưu, ông tiên phong mở những con đường để đưa nông dân Việt Nam vươn ra thế giới. Tôi có lần nghe mấy giáo sư nước ngoài nói về ông, họ thán phục gọi ông là “con trâu Việt Nam”.


Lý Lan
(Bài đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222